Người dân đồng lòng giữ rừng Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà

04:11, 30/11/2022
Những cánh rừng có thể bị thu hẹp bất cứ lúc nào nếu không có sự xông pha của những người bảo vệ. Và, từ nhiều năm nay, hơn 1.500 hộ dân huyện Lạc Dương tham gia nhận khoán bảo vệ rừng Quốc gia Bidoup - Núi Bà để giữ cánh rừng mãi xanh.
 
Người dân cùng với lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà đi tuần tra rừng
Người dân cùng với lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà đi tuần tra rừng
 
Chúng tôi cùng với các tổ nhận khoán bảo vệ rừng Trạm Kiểm lâm Bidoup tuần tra rừng tại tiểu khu 126, 127,128,129. Trên đường đi, anh Trà Minh Lộc - Tổ trưởng Tổ nhận khoán số 1, cho biết, tổ có 15 hộ nhận khoán bảo vệ rừng với diện tích gần 700 ha. Qua đó, để quản lý tốt diện tích được giao, mỗi tuần, tổ cắt cử người đi tuần tra hai ngày cùng với cán bộ kiểm lâm Trạm Bidoup, ngoài ra, tổ của anh cũng như tất cả các tổ nhận khoán rừng ở đây đều có người ở rừng để kiểm tra rừng hằng ngày. 
 
Anh Lộc cho biết: “Chúng tôi phải vào rừng mỗi ngày và làm tốt công tác tuyên truyền cho bà con mới mong giữ rừng được. Nhận khoán bảo vệ rừng rồi phải có trách nhiệm, chỉ cần “nghe hơi” lâm tặc vào rừng, bất kể ngày hay đêm, lập tức chúng tôi có mặt để bảo vệ. Hiện nay, bà con đã ý thức được tầm quan trọng của rừng đối với đời sống của mình. Hơn nữa, bảo vệ rừng giúp họ có thêm nguồn thu nhập để cải thiện đời sống nên ai cũng chung sức, đồng lòng”. 
 
Ông Đa Yu Ha Tiên - Tổ trưởng Tổ nhận khoán số 2, Trạm Kiểm lâm Bidoup cho biết, các tổ sẽ đi tuần tra bảo vệ rừng theo tuyến, dưới sự kiểm soát của Hạt Kiểm lâm thông qua phần mềm trên chiếc điện thoại Smartphone. Tuyến nào có gỗ to, quý hoặc điểm nóng phá rừng làm nương rẫy thì lực lượng nhận khoán sẽ đi thường xuyên hơn. Theo ông Tiên, việc giữ rừng không phải đứng từ xa thấy rừng xanh mà chủ quan, không đến kiểm tra. Ở Vườn Quốc gia này, người nào được giao rừng là người đó phải giữ bằng mọi giá và phải luôn đề cao tính cảnh giác. Nhờ tham gia nhận khoán giữ rừng, cuộc sống của không riêng gì ông mà hàng trăm hộ dân khác ở đây cũng dần trở nên no đủ. Bình quân, mỗi hộ nhận quản lý, bảo vệ hơn 40 ha, thu nhập khoảng 20 - 25 triệu đồng/năm, đây là số tiền giúp bà con trang trải cuộc sống chờ vụ thu hoạch cà phê. Vì vậy, ngoài công việc nương rẫy, bà con ở đây cũng tự sắp xếp thời gian để cùng cán bộ đi tuần tra. 
 
Anh Nông Phúc Anh - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Biduop cho biết, trạm có khoảng 175 hộ tham gia nhận khoán với 7.000 ha. Khi tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, người dân có thêm nguồn thu nhập đáng kể. Bên cạnh đó, còn được khai thác lâm sản phụ ngoài gỗ để tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng đệm, vùng lõi các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Từ đó, tạo động lực khuyến khích người dân tích cực tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ rừng.
 
Còn tại Trạm Kiểm lâm Klong Klanh, anh Phạm Hữu Nhân, Trạm trưởng cho biết, đặc thù diện tích trạm quản lý gần với diện tích người dân sản xuất nông nghiệp nên tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp thường xuyên xảy ra. Để người dân hiểu, nâng cao trách nhiệm giữ rừng, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường vai trò quản lý, giám sát của cộng đồng để bảo vệ rừng, đồng thời, ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân. Hiện nay Trạm có khoảng 90 hộ dân, thành lập 3 tổ tham gia quản lý bảo vệ rừng với diện tích gần 4.000 ha. Các tổ bảo vệ rừng đều xây dựng chi tiết kế hoạch tuần tra, bảo vệ rừng từ 6 - 8 lần/tháng và thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm của Vườn đi kiểm tra rừng. Nhờ đó, các vụ xâm hại rừng tại khu vực Trạm quản lý đã giảm đáng kể trong những năm qua. 
 
Ông Phạm Quang Hải - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà cho biết, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao Vườn quản lý là gần 70.000 ha. Đồng hành giữ rừng cùng các cán bộ kiểm lâm là trên 1.500 hộ dân địa phương tham gia nhận khoán bảo vệ rừng với diện tích hơn 50.000 ha. Hạt Kiểm lâm ghi nhận tuyến tuần tra của các hộ dân thông qua các phần mềm traclokg, SMART, năm 2022 có 262 đợt tuần tra, khoảng cách 2.908 km. 
 
Hằng năm, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí gần 40 tỷ đồng hỗ trợ khoán bảo vệ rừng. Việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được thực hiện theo đúng quy định, đúng mục đích và có hiệu quả, qua đó, hạn chế được vấn nạn chặt phá rừng trái phép, góp phần duy trì ổn định diện tích rừng được giao khoán; nâng cao đời sống hộ gia đình nhận khoán, tạo động lực khuyến khích hộ dân tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng. Thông qua thực hiện hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng, tình trạng cháy rừng, người dân làm nương, khai thác lâm sản trái phép trên đất rừng giảm đáng kể. Năm 2022, vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp là 11 vụ (giảm 31 vụ), giảm 80% so với cùng kỳ năm trước.
 
HOÀNG YÊN