Chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lưu trú

04:12, 13/12/2022
Theo Chi cục Thuế khu vực Đà Lạt - Lạc Dương, công tác chống thất thu thuế trên địa bàn tương đối hiệu quả, cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tuy nhiên, thời gian qua, nhóm dịch vụ lưu trú, khách sạn, nhà nghỉ (gọi tắt là cơ sở lưu trú) được xác định là đối tượng thất thu thuế lớn. Để chống thất thu thuế trong lĩnh vực này, cần sự chung tay của các ngành và nâng cao ý thức của các cơ sở lưu trú.
 
Chi cục Thuế khu vực Đà Lạt - Lạc Dương nỗ lực chống thất thu thuế từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú
Chi cục Thuế khu vực Đà Lạt - Lạc Dương nỗ lực chống thất thu thuế từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú
 
So với các địa phương khác thì TP Đà Lạt hiện là nơi tập trung nhiều cơ sở lưu trú nhất, bình quân mỗi năm thu hút khoảng 3,4 triệu lượt khách, đem lại nguồn thu khoảng 50 tỷ đồng. Sau khi dịch bệnh COVID -19 được khống chế, lượng khách đến đã tăng lên đáng kể, đây cũng là tín hiệu tích cực cho công tác thu ngân sách trong lĩnh vực quản lý khách sạn, cơ sở lưu trú. 
 
Hiện, tại TP Đà Lạt có khoảng trên 2.284 cơ sở lưu trú, trong đó có 429 cơ sở thuộc tổ chức doanh nghiệp và 1.855 cơ sở thuộc hộ kinh doanh cá thể. 10 tháng đầu năm 2022, các cơ sở lưu trú đã đón trên 2,1 triệu lượt khách, qua hoạt động kinh doanh đã nộp ngân sách nhà nước trên 42,3 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp đã nộp thuế 15,2 tỷ đồng, hộ kinh doanh cá thể đã đóng 27,1 tỷ đồng.
 
Trong thời gian qua, hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn khu vực thuế Đà Lạt - Lạc Dương đã có những bước phát triển tích cực. Các doanh nghiệp từng bước đầu tư xây mới và nâng cấp cải tạo cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường du lịch, đủ tiêu chuẩn tiếp đón và phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các sở, ngành và các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát theo quy định trong hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú còn chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp kê khai nộp thuế thiếu tự giác, việc thực hiện nghĩa vụ của cơ sở đối với nhà nước chưa phù hợp với quy mô đầu tư và khả năng kinh doanh thực tế. Số lượng khách sạn, nhà nghỉ tư nhân trên địa bàn ngày càng tăng, song số thu nộp ngân sách còn thấp không tương xứng với tiềm năng và sự phát triển của loại hình kinh doanh này. Việc quản lý hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú và doanh thu kê khai còn gặp nhiều khó khăn.
 
Đăng nhập thông tin khách du lịch đến lưu trú vào phần mềm quản lý lưu trú trực tuyến, nhân viên lễ tân khách sạn Minh Trang (Nguyễn Chí Thanh, Phường 1, TP Đà Lạt) cho biết: “Phần mềm lưu trú trực tuyến đã và đang phát huy hiệu quả tích cực. Tất cả số lượng phòng, từng loại phòng, giá dịch vụ lưu trú, số lượng khách lưu trú đã được xác lập sẵn trên phần mềm, nên việc cung cấp thông tin đến khách hàng rất thuận lợi; thông tin, dữ liệu về khách lưu trú được cập nhật nhanh, chính xác vào ứng dụng, kết nối liên thông với nhiều cơ quan chức năng”. Chính từ việc đưa ứng dụng quản lý khách sạn vào hoạt động, ngành Thuế đã tăng cường kiểm tra việc chấp hành kê khai thuế của các doanh nghiệp, kịp thời phát hiện và xử lý các doanh nghiệp có khách lưu trú thể hiện trên ứng dụng nhưng không lập hóa đơn. Dù vậy, hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú vẫn chưa thực hiện đăng ký đúng giá thực tế. Tình trạng lập hóa đơn kê khai nộp thuế thấp hơn thực tế thu tiền của khách còn phổ biến, bỏ ngoài sổ sách các khoản thu như: phụ thu ở thêm người, nước uống, giặt ủi, các hoạt động khác...
 
Ông Huỳnh Bá Ngọc - Chi cục phó Chi cục Thuế khu vực Đà Lạt - Lạc Dương phân tích: Năm 2022 vẫn bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, cùng nhiều chính sách miễn giảm thuế của Chính phủ. Thời gian qua nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn vẫn còn gặp một số khó khăn như một số khách sạn đã cố tình không khai báo lượng khách lưu trú, dẫn đến tình trạng thất thu thuế. Các cơ sở kinh doanh lưu trú thực hiện đăng ký, kê khai sơ đồ phòng, lượng khách lưu trú trên ứng dụng quản lý lưu trú trực tuyến, song vẫn còn nhiều trường hợp cơ sở kinh doanh lưu trú có đăng ký sơ đồ phòng, nhưng không khai báo số lượng khách. Thậm chí, nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú còn không đăng ký sơ đồ phòng và cũng không khai báo lượng khách lưu trú…
 
Thời gian qua, công tác phối hợp giữa cơ quan thuế với một số ngành cũng chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, các ngành chưa chủ động cung cấp đầy đủ cho cơ quan thuế các thông tin nhằm phục vụ cho công tác quản lý thuế và chống thất thu thuế. Do vậy, trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả chủ trương chống thất thu thuế trong lĩnh vực này, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Công an thành phố, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cơ quan thuế trong việc hỗ trợ cung cấp dữ liệu lưu trú của khách sạn, quy mô khách sạn và đơn giá phòng nghỉ đã đăng ký.
 
Tính đến hết tháng 10/2022, Chi cục Thuế khu vực Đà Lạt - Lạc Dương thu ngân sách trên 1.730 tỷ đồng, đạt 98,2% dự toán tỉnh giao, bằng 138,2% so với cùng kỳ. Nổi bật trong số này là thu từ thuế phí trên 1.116 tỷ đồng, đạt 143,4% dự toán, bằng 161,3% so với cùng kỳ. Hiện Chi cục Thuế khu vực Đà Lạt - Lạc Dương đang tập trung quyết liệt các giải pháp khai thác các nguồn thu, chống thất thu thuế từ các đề án mà UBND tỉnh ban hành, phấn đấu thu đạt 117% kế hoạch được giao.
 
DIỄM THƯƠNG