Người K'Ho giữ rừng thiêng

12:01, 02/01/2023
“Từ muôn đời nay, sống giữa bao la rừng xanh trên ngọn núi Brah Yàng, người K’Ho coi rừng là sinh mệnh, việc bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của buôn làng...” - già K’Brẹo, Trưởng Ban Quản lý rừng cộng đồng Kala Tơng Gu (xã Bảo Thuận, Di Linh) mở đầu câu chuyện với chúng tôi trong chuyến tuần rừng lên đỉnh Brah Yàng dịp cuối năm.
 
Rừng ở Brah Yàng là rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ, nhiều loại gỗ quý
Rừng ở Brah Yàng là rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ, nhiều loại gỗ quý
 
Như đã hẹn trước, chúng tôi có mặt tại UBND xã Bảo Thuận để cùng kiểm lâm địa bàn và thành viên Ban Quản lý rừng cộng đồng Kala Tơng Gu tham gia một chuyến đi tuần tra bảo vệ rừng. Vừa đến, Trưởng Ban Quản lý rừng cộng đồng K’Brẹo giục chúng tôi chuẩn bị hành trang đi rừng sớm. Hôm nay, địa điểm tuần tra mà chúng tôi hướng đến là những cánh rừng già tại Tiểu khu 664. Quảng đường từ chân núi Đoan lên đến khu rừng đầu nguồn dài hơn 6 km nhưng khó đi, đường dốc cao và chỉ có những con đường mòn nhỏ. 
 
Trên đường đi ẩn hiện những cánh rừng ngút ngàn trong lớp sương mù. Dừng lại bên một rừng cây cổ thụ có đường kính trên 1 m, cao tầm 20 m, ông K’Brẹo tự hào khoe: “Cây này là bình thường, trong khu rừng này còn có rất nhiều cây to 2 - 3 người ôm, tuổi đời đến cả trăm năm”. Nói rồi, cả đoàn tiếp tục tiến sâu vào rừng, dường như đã quá quen thuộc, những đôi chân của các thành viên quản lý, bảo vệ rừng thoăn thoắt leo qua những con dốc thẳng đứng, trơn trượt, chúng tôi thường xuyên phải dừng lại, như thở không ra hơi. 
 
Cộng đồng thôn Kala Tơng Gu tuần tra để giữ rừng thiêng
Cộng đồng thôn Kala Tơng Gu tuần tra để giữ rừng thiêng
 
Dừng nghỉ bên gốc cây to, ông K’Brẹo thông tin, từ năm 2011, cộng đồng thôn Kala Tơng Gu với 221 hộ được UBND huyện Di Linh giao diện tích là 500 ha rừng tự nhiên để quản lý, bảo vệ. Trước đây, vì đói nghèo, nhiều đối tượng xấu vào dụ dỗ thanh niên trong làng lên rừng chặt cây lấy gỗ bán. Khoảng 10 năm trở lại đây, công việc giữ rừng đem lại thu nhập cho dân làng, cộng đồng nâng cao ý thức được việc bảo vệ rừng, thường xuyên phân công nhau đi tuần tra bảo vệ.
 
Cộng đồng thôn phân chia thành 4 tổ, mỗi tổ gồm 5 nhóm, mỗi nhóm khoảng 10 người. Việc tuần tra được cộng đồng tổ chức luân phiên nhau, ngày nào cũng có từ 2 - 3 tổ quản lý tổ chức đi tuần xuyên rừng để kiểm tra xem có ai vào chặt phá, cây bị gãy đổ để xử lý kịp thời. Ông K’Niệu, tổ trưởng tổ 2, chia sẻ, buổi sáng tầm 7 - 8 giờ xuất phát kiểm tra rừng, do diện tích rộng, địa hình nhiều dốc đứng, tán rừng rậm rạp nên cách duy nhất để tuần tra, kiểm soát rừng là đi bộ, len lỏi kiểm tra từng tiểu khu, từng khoảnh rừng mà mình nhận khoán. Mỗi chuyến đi của bà con có khi đi về trong ngày, có khi kéo dài từ 2 - 3 ngày, do vậy phải chuẩn bị sẵn nhiều thứ, từ cơm đựng trong blơ đến muối, mì tôm, cá khô... để qua đêm trong rừng. Khó khăn là vậy, nhưng với những người K’Ho ở Bảo Thuận, việc giữ rừng giống như giữ cái nhà của mình, nên người dân ở đây ai cũng tự bảo nhau không được phá rừng làm nương rẫy, không để người lạ vào rừng. 
 
Phút nghỉ ngơi của Tổ bảo vệ rừng Kala Tơng Gu trong chuyến tuần tra
Phút nghỉ ngơi của Tổ bảo vệ rừng Kala Tơng Gu trong chuyến tuần tra
 
Ông K’Brẹo chia sẻ: “Người K’Ho hiểu rất rõ vai trò của rừng, bà con tâm niệm rằng giữ rừng không chỉ là để bảo vệ môi trường sống, gìn giữ lá phổi xanh cho buôn làng mà giữ được rừng là giữ được nguồn nước tưới tắm cho cà phê, lúa nước... nên họ quyết tâm giữ rừng thiêng này, không ai dám xâm phạm, dù là chỉ hái một ngọn măng, chặt một cành cây, săn bắt một con thú... Bảo vệ rừng, với đồng bào K’Ho ở đây, vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ thiêng liêng, người dân tự nhắc nhở nhau bảo vệ diện tích rừng đã nhận khoán; đồng thời, tự giác tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát và triển khai nhiều biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng”.
 
Xác định được tầm quan trọng của rừng, nhiều năm nay, chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm và cộng đồng thôn Kala Tơng Gu đã nỗ lực bảo vệ kho báu trời cho một cách tận gốc. Cái gốc mà ông K’Brẹo nói ở đây chính là việc người người K’Ho quyết giữ rừng bằng mọi giá. 
 
Nhìn lại báo cáo của Ban Quản lý rừng Kala Tơng Gu qua các năm, chúng tôi càng hiểu rõ, vì sao ở đây rừng lại bạt ngàn đến vậy. Tình hình chặt phá rừng trái phép không xảy ra, bên cạnh đó đã phát hiện cháy rừng và chữa cháy rừng kịp thời. Người dân, cộng đồng dân cư dần thay đổi nhận thức của mình, hiểu rõ vai trò của rừng đối với môi trường và cuộc sống của họ, đặc biệt là trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hiện nay.
 
Ông K’Bồi, Phó Trưởng Ban Lâm nghiệp xã Bảo Thuận cho biết, rừng ở ngọn núi Brah Yàng là rừng già nguyên sinh, trong rừng có nhiều cây cổ thụ, nhiều loại gỗ quý nhưng nhờ ý thức cao, sự đồng lòng của cộng đồng người dân tộc thiểu số thôn Kala Tơng Gu mà rừng vẫn còn nguyên vẹn. Để quản lý tốt diện tích được giao, hằng tuần, Ban Quản lý rừng Kala Tơng Gu lên lịch cụ thể từng tổ một để đi tuần tra, kiểm tra và đều có báo cáo cụ thể cho UBND xã, nhờ đó, nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn không xảy ra tình trạng cháy rừng, đồng thời cộng đồng đã ngăn chặn kịp thời các hành vi chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép...
 
Ông K’Brệp, kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Bảo Thuận chia sẻ, trong những năm qua, mô hình quản lý, bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng đang được người dân thôn Kala Tơng Gu, xã Bảo Thuận thực hiện có hiệu quả. Mô hình này không chỉ nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ rừng và phát triển rừng, mà còn góp phần bảo vệ nguồn nước sản xuất, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng.
 
Qua hơn 11 năm hoạt động, việc giữ rừng tại xã Bảo Thuận luôn được cộng đồng dân cư người K’Ho quan tâm bảo vệ, gìn giữ như một báu vật của buôn làng, để truyền lại cho các thế hệ mai sau.
 
HOÀNG YÊN