Hành trình mùa xuân

KIỀU XUÂN QUỲNH 06:38, 12/01/2023

Con đường thoát khỏi sự ủ ê trong mưa phùn, gió bấc bằng chuyến xe hồi hương của những người mưu sinh xa nhà. Họ trang bị cho mình những đồ vật để chống chọi với rét buốt bằng chiếc túi bóng buộc đôi giày, bộ quần áo mưa lấm bùn, chiếc khẩu trang che đi bụi đường, mệt nhọc... Nhưng niềm vui của hành trình đoàn viên vẫn đọng trong đôi mắt người đi xa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vài năm trước, tôi từng trải qua cảm xúc nhớ nhung, háo hức, bâng khuâng trong trái tim như những người đang hối hả trên đường. Hồi ấy, gần đến ngày nghỉ Tết, cả xóm trọ bắt đầu xôn xao. Người trong xóm trọ bận rộn thu dọn, chằng buộc đồ đạc, đặt vé xe... Còn tôi bình thản, miên man trôi trong nỗi nhớ nơi miền quê nghèo. Tôi nhớ bồ lúa nếp mẹ để dành từ vụ gặt, đến khi tôi về, cha đã gói thành vuông bánh chưng xanh. Tôi nghĩ về những hạt giống bé nhỏ gieo cấy lên vụ mùa. Những nông sản bình dị giữ đất, cho lòng người no đủ, còn là thứ quà quê để nhấm nháp trong mùa đông lạnh lẽo. Hương cốm ngào ngạt, tiếng lạc, đỗ rang nổ trên bếp lửa cùng mùi ngô khoai thơm lừng trong than hồng. Những âm thanh bình dị cho người đi xa nhung nhớ, khao khát sự tương phùng. Tôi nghĩ đến một người trong dòng họ đã đặt tên cho con bằng: Lạc, Lúa, Ngô, Khoai, Đậu, Đỗ để kỳ vọng sự no ấm cho đời nông dân cơ cực.

Cả năm tôi xa nhà, giọt mồ hôi mẹ cha tưới xuống ruộng đồng còn tôi thì bận rộn với niềm vui thị thành. Những đêm say, tôi về phòng, thèm bát cháo mẹ nấu rắc thêm chút hành hoa vun trồng nơi ruộng đồng quê hương. Nhưng đáp lời tôi là tiếng chiếc tủ lạnh rỗng không đang ro ro chạy trong đêm phố thị. 

Một hôm, tôi ngồi uống nước ở quán vỉa hè. Bên kia đường, một ông lão đang cắt tỉa khóm hoa hồng trong chiếc thùng xốp trước căn nhà ba tầng. Sau khi cắt tỉa cành lá khóm hồng lộ ra những bông hoa đỏ thắm như ánh mặt trời. Nhưng mặt ông lão vẫn phảng phất nỗi buồn. Chị hàng nước bảo, là ông đang nhớ quê. Mảnh vườn, căn nhà của ông đã “chia năm xẻ bảy” sau cuộc bán mua, tranh giành của những đứa con. Ông là cư dân của nhiều khu phố. Bởi mỗi người con sẽ đón đưa ông về nhà nuôi vài tháng rồi lại chuyển giao như kết thúc chu kỳ không mong đợi. Mỗi lần chuyển nhà, ông đều mang theo chiếc thùng xốp chứa đất quê hương. Chiếc thùng xốp nhỏ bé quá chẳng đủ cho ông vun luống gieo những vụ mùa cho thoả nỗi nhớ thương. Quê hương với ông giờ chỉ là tấc đất bạc màu trong chiếc thùng xốp. Bao lần ông mong mỏi một chuyến trở về nhưng lòng người bạc bẽo ngăn cách hành trình của ông bằng sự ích kỷ, toan tính. Tôi thấy mình may mắn khi còn nơi trở về an yên sau những sóng gió cuộc đời.

Tôi quen một cô giáo là giáo viên cắm bản. Cô kể, dịp nghỉ lễ phải đi bộ cả chục cây số đường rừng để bắt xe về quê. Học trò miền núi thương cô vất vả đường xa nên nhờ bố mang ngựa đến đưa cô ra đường lớn. Ngồi trên lưng ngựa chấp chênh bên vách núi, thung sâu khiến cô thêm thương những đứa trẻ chân trần lội suối về bản đón Tết. Những đứa trẻ miền núi vẫn thường cảm phục sự hiểu biết của cô. Nhưng thực ra, cô là người khâm phục nghị lực, ý chí của chúng, người mà cô coi như ruột thịt, cùng cô vượt qua gian khổ trong gió núi, mưa rừng. Bao lần gia đình khuyên cô về phố nhưng cô chỉ lặng im nhìn về ngọn núi phía xa. Sau Tết, cô sẽ trở lại điểm trường bởi trái tim cô đã thấm tình yêu vào mạch đá miền non cao.

Giờ đây, sống ở quê, tôi đã quên tiếng ồn ào phố thị nhưng cảm xúc của hành trình mùa xuân thì không bao giờ phai dấu. Ngoài trời, mưa vừa tạnh sau chuỗi ngày dai dẳng. Hình như tôi vừa thấy nụ cười của ông lão bên khóm hoa hồng sau ô cửa kính trên một chiếc xe khách. Tôi nghe vọng trong gió cả tiếng vó ngựa gõ vào mạch đá, về bản sau khi đưa cô giáo xuống núi. 

Với tôi, người từng trải qua những chuyến đi xa, hành trình mùa xuân là nơi trở về để cảm nhận sự yêu thương!