Nhóm kịch ''3 không'' ở Di Linh!

LÊ TRỌNG 02:50, 30/03/2023

Có một nhóm kịch “3 không” đã tồn tại suốt hơn 30 năm nay ở phố huyện Di Linh... Nhóm kịch mà những hạt nhân nòng cốt đều là cựu cán bộ Đoàn ấy vẫn thường xuyên duy trì hoạt động và âm thầm tập luyện, cống hiến để không chỉ thỏa mãn phần nào nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân địa phương, mà còn góp phần quan trọng trong việc đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống.

Nhà viết kịch Lâm Trọng Tường
Nhà viết kịch Lâm Trọng Tường

NGƯỜI VIẾT KỊCH CHO “SÂN KHẤU LÀNG”

Thực ra, cái tên Lâm Trọng Tường chẳng còn xa lạ gì đối với giới văn nghệ sĩ Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung, bởi ít nhiều anh cũng đã ghi dấu ấn nhất định trong lòng công chúng và độc giả thông qua lao động sáng tạo bền bỉ, nghiêm túc và giàu tính nghệ thuật của mình. Nói đến Lâm Trọng Tường (số 04 Lý Thường Kiệt, Tổ dân phố 9, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh) - một cựu cán bộ Đoàn, nhiều người thường nghĩ ngay đến một người họa sĩ tài hoa chuyên vẽ tranh biếm họa khá ấn tượng trên Báo Tuổi trẻ Cười, hay như một nhạc sĩ rất có duyên với dòng nhạc boléro trữ tình, lãng mạn với số lượng view đáng nể... Nhưng ít ai biết rằng, Lâm Trọng Tường còn là một tay viết tiểu phẩm, viết kịch bản sân khấu khá sắc sảo. Nhiều tiểu phẩm vui, tiểu phẩm hài cũng như những tác phẩm kịch ngắn, kịch tuyên truyền của anh được dàn dựng trên sân khấu chuyên và không chuyên đã để lại nhiều ấn tượng đối với đông đảo khán giả yêu “sân khấu làng”. Nói về “ngón nghề” lâu nay ít người biết đến này, nhà viết kịch Lâm Trọng Tường - người được xem là “linh hồn” của nhóm kịch đã chia sẻ: “Thực ra là do đam mê cả thôi! Mình yêu sân khấu nên muốn đưa những điều bình dị trong cuộc sống cả và những điều khô cứng lên sân khấu thông qua lát cắt nghệ thuật... nhằm góp một phần nhỏ đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đưa ánh sáng văn hóa đến với bà con đồng bào ở vùng sâu, vùng xa...”.

Tốt nghiệp Trường Trung cấp Văn hóa TP Hồ Chí Minh (nay là Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh) chuyên ngành sân khấu vào năm 1980, có lẽ do câu chuyện mưu sinh nên Lâm Trọng Tường đã không tiếp tục theo đuổi con đường viết kịch bản sân khấu chuyên nghiệp mà mình đã chọn. Dù vậy, nhiều năm qua anh vẫn âm thầm lao động sáng tạo và đã cho ra đời không dưới 50 tiểu phẩm sân khấu, kịch bản tuyên truyền, đồng thời dàn dựng và đưa vào biểu diễn phục vụ đông đảo các đối tượng công chúng trong và ngoài tỉnh. Với anh, câu chuyện viết tiểu phẩm, kịch bản sân khấu không hề đơn giản một chút nào! Nó như “cái duyên”, “cái nghiệp” đã “vận” vào thân, thôi thúc anh bền bỉ lao động sáng tạo phục vụ xã hội, phục vụ cộng đồng dưới một góc nhìn riêng thông qua lăng kính nghệ thuật sân khấu hóa. 

Viết kịch bản sân khấu nói chung, nhất là đối với tiểu phẩm tuyên truyền nói riêng nhằm đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống thông qua hình thức sân khấu hóa là một vấn đề khó, đòi hỏi người viết phải có “phông kiến thức nền” nhất định, cùng với đó là sự tìm tòi, đầu tư khá nhiều công sức về một vấn đề, lĩnh vực nào đó mà mình muốn đề cập trong tiểu phẩm. Là người đam mê, yêu thích lĩnh vực sân khấu từ nhỏ, bằng sự nỗ lực của chính bản thân, Lâm Trọng Tường cũng đã gặt hái được một số thành công ban đầu, như: giải Khuyến khích - tiểu phẩm “Cũng tại vì... rác!” - Cuộc vận động sáng tác kịch bản sân khấu hưởng ứng “Năm trật tự - kỷ cương - nếp sống văn minh đô thị” - TP Hồ Chí Minh năm 2003; giải Khuyến khích - tiểu phẩm “Tôi tự thiêu hủy rồi” - giải thưởng văn học nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng lần thứ II năm 2021... Đây cũng chính là động lực quan trọng giúp anh tiếp tục sáng tạo và cống hiến cho đến bây giờ. 

Một buổi phân vai và tập thoại tiểu phẩm “Sao lại là tôi” của các thành viên thuộc nhóm kịch “3 không”
Một buổi phân vai và tập thoại tiểu phẩm “Sao lại là tôi” của các thành viên thuộc nhóm kịch “3 không”

NHÓM KỊCH “3 KHÔNG”

Tôi có dịp được chứng kiến một buổi phân vai và tập thoại tiểu phẩm về đề tài phòng, chống COVID-19 “Sao lại là tôi” của các thành viên thuộc nhóm kịch “3 không” tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin & Thể thao huyện Di Linh. Tại đây, dưới sự điều hành của đạo diễn, nhà viết kịch Lâm Trọng Tường, các thành viên của nhóm kịch Di Linh đang tích cực vào vai tập luyện, với mong muốn hóa thân trên “sân khấu làng” một cách dung dị và chân thật nhất, đồng thời, mang đến cho khán giả huyện nhà những phút giây thư giãn không kém phần vui tươi, hóm hỉnh nhưng cũng đầy ý nghĩa giáo dục, tuyên truyền về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 tại địa phương. 

33 năm âm thầm lao động sáng tạo, âm thầm cống hiến và bền bỉ đứng trên “sân khấu làng”, nhóm kịch “3 không”: không lương - không phụ cấp - không chế độ đãi ngộ - theo như cách nói của nhóm trưởng Nguyễn Văn Tâm - một cựu cán bộ Đoàn luôn đồng hành và gắn bó với nhóm kịch trong suốt hơn 3 thập niên qua - nhóm kịch Di Linh vẫn duy trì công việc tập luyện và biểu diễn lưu động để phục vụ bà con Nhân dân trong huyện theo các chủ đề, chủ điểm tuyên truyền hàng năm một cách vô tư mà hầu như không có bất cứ đòi hỏi gì về mặt quyền lợi. Các thế hệ cộng tác viên, diễn viên quần chúng của nhóm kịch tìm đến với nhau và gắn bó cùng nhóm kịch cho đến tận bây giờ cốt là để thỏa mãn niềm đam mê được hóa thân trên “sân khấu làng” với những hỷ - nộ - ái - ố của muôn mặt đời thường. “Khi còn là học sinh phổ thông mình đã tham gia diễn kịch cùng Đội thông tin lưu động của huyện từ những ngày đầu tiên. Mình tham gia chủ yếu là vì đam mê và chuyên vào vai phản diện, vai gây cười là chính. Sau này, được anh Lâm Trọng Tường dìu dắt, mình tiếp tục tham gia nhóm kịch cho đến bây giờ mà không hề nghĩ gì đến vấn đề tiền lương hay tiền bồi dưỡng...” - anh Lê Văn Thừa, bộc bạch. Còn bạn Nguyễn Thị Lệ Ái cho hay: “Em tham gia nhóm kịch đã 3 năm nay. Em rất thích được trải nghiệm bản thân khi vào những vai phản diện, không giống với tính cách của mình. Nói thật, mỗi khi đi diễn có nhiều khán giả đến xem là vui lắm lắm!” 

Được xem như một “binh chủng tuyên truyền” trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, chừng ấy năm gắn bó với sân khấu không chuyên, “sân khấu làng” là chừng ấy năm nhóm kịch “3 không” ở Di Linh (tiền thân là Đội thông tin lưu động huyện Di Linh) vẫn âm thầm cống hiến để không chỉ thỏa mãn niềm đam mê, yêu thích sân khấu kịch và đáp ứng phần nào nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân địa phương, mà còn góp phần quan trọng trong việc đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Có thể nói, những đóng góp thầm lặng đó của nhóm kịch “3 không” thuộc Trung tâm Văn hóa - Thông tin & Thể thao huyện Di Linh là rất đáng trân quý và rất cần được nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh nhằm lan tỏa những giá trị tốt đẹp, những suối nguồn văn hóa Nam Tây Nguyên giàu bản sắc đến với xã hội và cộng đồng.