Mẹ và con cùng bước vào thế giới sách

KHÔI NGUYÊN THẢO 06:13, 13/04/2023

Tháng Tư, những chương trình, sự kiện về văn hóa đọc, tình yêu sách lại nhộn nhịp tổ chức khắp nơi nhằm lan tỏa tình yêu với những cuốn sách. Có một điều, đôi khi vì bận bịu công việc, nhiều bố mẹ vô tình quên đi, tình yêu sách được lan tỏa ban đầu thường bắt đầu truyền từ bố mẹ qua con và trở thành một mắt xích quan trọng trong sợi dây tình cảm gia đình.

1. Hôm kia chị bạn thân vừa nhắc tới căn gác gỗ nhỏ của tôi ngày còn nhỏ. Gọi là “căn” cho sang, chính xác thì nó là gác xép nhỏ bằng gỗ bạch đàn, chiều dài tầm 4 mét, chiều ngang gần 2 mét nằm lưng lửng trong nhà. Một gác xép chỉ toàn sách và một máy nghe nhạc. Gác nhỏ của tôi chỉ có thế, nhưng có những năm tháng nó đã mở ra cả thế giới tâm hồn trong tôi.

Đa số sách trên gác gỗ của tôi dạo ấy đều được mua lại từ tiệm ve chai. Có một dạo, mẹ tôi kiếm tiền bằng việc thu mua lon bia, vỏ chai từ hàng quán trong xóm, nhập ra vựa ve chai. Thi thoảng có khách bán sách cũ, mẹ thấy sách văn, thơ gì cũng mang về cho con đọc chỉ vì con gái mẹ thích học văn. Mẹ tôi không biết chọn sách hay vì công việc của mẹ không liên quan gì sách vở, nên mang đủ thể loại sách vở về nhà. Lâu lâu gặp một cuốn sách thiếu nhi của NXB Cầu Vồng, tranh minh họa màu, mẹ mừng rỡ gói trong bao ni lông tránh bị nhem nhuốc vì biết con gái mình rất thích.

Có khá nhiều trong số sách cũ mẹ mang về, may thay là tác phẩm nổi tiếng. Tôi đã gặp Daghextan của tôi, Ngụ ngôn Ê-Dốp, Không gia đình, Hai vạn dặm dưới đáy biển, thơ Huy Cận, Nguyễn Bính... Những cuốn sách không phù hợp, tôi có thể tặng lại những bạn bè cần hoặc đưa mẹ trả lại vựa ve chai. Một cậu bạn thân của tôi (hiện là Phó Giám đốc Bảo tàng Quân Khu IV, Nghệ An) đến nay vẫn nhắc về những cuốn sách lịch sử đôi khi vẫn còn vương mùi ẩm mốc do lượm từ ve chai mà tôi từng cho bạn. Về sau, khi tôi lớn, theo mẹ đi nhập ve chai, những cuốn sách mới được chọn lựa kĩ càng hơn theo đúng ý mình. Căn gác gỗ của tôi theo năm tháng, sách nhiều lên vì sự nhiệt tình của mẹ. Và tình yêu với sách của tôi cũng lớn dần lên theo nhờ đó.

Nhiều lần tôi nhớ tới gác gỗ ấy. Có một bóng đèn chụp màu vàng, đủ sáng để đọc sách, học bài mà không làm phiền đến mẹ nằm ở phía dưới, chỉ cách vài mét. Và mẹ tôi thường vặn ti vi nhỏ hết cỡ để không phiền đến tôi ngồi phía trên học bài, đọc sách. Thi thoảng có chương trình dư địa chí, tác giả - tác phẩm, liên quan đến sách vở, mẹ lại í ới: “Thu Hương ơi, rảnh không, xuống coi”.

Thứ còn lại từ căn gác cũ ấy đến bây giờ là vài cuộn băng casset và gần hai chục cuốn sách tôi còn giữ lại. Cả sách lẫn băng đều để ở tầng cao nhất trên kệ sách của mình, vì thú thật, chẳng có máy nghe băng caste và mắt đã yếu khó đọc những trang sách nâu cũ. Lâu lâu lau bụi ở tầng trên cùng của kệ sách, ngửi mùi sách cũ, lại nhớ ơi là nhớ mùi gỗ bạch đàn của gác gỗ, mùi sách như theo hơi ấm bóng đèn nhỏ tỏa những đêm đông, và nhớ cả giọng thân thương của mẹ khi cất tiếng gọi. Những nỗi nhớ như giai điệu ngọt gieo trong tôi.

“Lá ngô lay ở bờ sông/ Bờ sông vẫn gió người không thấy về”.

Mẹ tôi cũng đã đi mãi chẳng về. Câu thơ của Trúc Thông trong chương trình giới thiệu thơ, mẹ rủ ngồi xem cùng vẫn ở lại trong lòng tôi, mãi mãi. Mẹ đã trao cho tôi tình yêu sách, tình yêu văn chương theo cách này, cách khác đầy tự nhiên như thế, dù có lẽ, cuộc đời mẹ chưa bao giờ đọc trọn một cuốn sách văn chương. 

2. Công việc của tôi gắn với sách. Con gái tôi được mẹ “dụ dỗ” vào thế giới sách vở từ những ngày rất nhỏ. Sách dành cho thiếu nhi vô cùng phong phú, minh họa đẹp, không chỉ nâu nâu đầy chữ như ngày xưa nên nếu phụ huynh để ý, chẳng cần mất nhiều công sức để dụ con vào thế giới sách. Nhưng để con gắn bó lâu dài, lớn lên cùng niềm đam mê sách vở hoàn toàn không phải việc dễ, khi quanh thế giới của con còn có ipad, điện thoại... internet dẫn đưa đến những điều hấp dẫn, lung linh, sôi động không kém.

Tôi đọc sách khá cẩn thận. Hiếm khi sách của tôi bị gấp, đánh dấu trang đang đọc, bị quăn mép hay để trên sàn nhà. Nhưng khi con còn nhỏ, tôi cho phép con được chơi cùng sách khá thoải mái. Con có thể tô màu vào những trang minh họa chỉ hai màu đen trắng. Con có thể vẽ thêm vòng cổ, váy xòe cho cô bạn con yêu thích trong sách nếu con thấy bộ váy áo của cô ấy không đẹp. Sách có thể không để trên bàn, trên kệ mà để dưới sàn nhà, cạnh đầu giường con nằm, để con có thể tiện tay với đọc trước khi đi ngủ. Không sao cả, miễn là con cảm nhận được sách là bạn, thật gần gũi bên mình, và những nhân vật trong sách kia cũng là bạn.

Tôi có thói quen đọc lại những cuốn sách hay nhiều lần. Đọc cùng con cũng là trải nghiệm thú vị dù khá nhiều những cuốn sách con đọc, tôi đã từng đọc. Đôi khi đến đoạn cảm động, con bé rưng rưng mắt nhìn mẹ: “Mắt con đang nóng nóng này mẹ ơi (Con bé dùng từ nóng nóng để tả cảm giác rưng rưng), tội nghiệp bạn dê Mei quá” (Mei là chú dê trong tác phẩm Một đêm giông bão của nhà văn Yuichi Kimura). Và cũng có khi, hai mẹ con cùng rơi nước mắt ở những trang sách xúc động, con gái thường sụt sịt, ngước mắt nhìn mẹ: “Hai mẹ con mình đúng là bạn thân nên rất giống nhau nha mẹ”. Nhờ những cuốn sách, mẹ và con gái trở nên thân thiết nhau hơn khi có thể cùng chia sẻ những niềm vui, nỗi xúc động, cùng nhau cười, khóc với những nhân vật, những trang sách đầy yêu thương. 

Có lần, lần dở lại những cuốn sách cũ, kể cho con nghe những ngày rị mọ trong vựa ve chai để tìm sách. Con bé nhìn cuốn sách với sự xúc động: “Mẹ ạ, nếu như con có thể gặp mẹ lúc đấy, nhất định con sẽ tặng mẹ một số cuốn sách hay và sẽ cho mẹ đọc chung toàn bộ sách của con”. 
Không riêng tôi, nhiều người bạn của tôi đều được bố, mẹ truyền cho tình yêu với sách vở, được mở ra cánh cửa tâm hồn mình. Để rồi, họ tiếp tục truyền tình yêu ấy cho con gái, con trai...