Để tiếng chiêng ngân giữa buôn làng

VIẾT TRỌNG 02:12, 30/05/2023

Cả một đời say đắm với tiếng chiêng, nghệ nhân K’Tiếu tha thiết truyền lại cho con cháu để mai này trong các buôn làng Di Linh vẫn có các thế hệ nối tiếp kế tục sự nghiệp của ông. 

Ông K’Tiếu trong một lớp dạy cồng chiêng
Ông K’Tiếu trong một lớp dạy cồng chiêng

NỖI ĐAM MÊ

71 tuổi, nhưng tiếng nói vẫn vang, trong, nhẹ nhàng như vẫn còn rất trẻ, nghệ nhân K’Tiếu như một cây đại thụ sum suê giữa buôn làng K’Ho, thôn Duệ, xã Đinh Lạc, thị trấn Di Linh.

K’Tiếu sinh năm 1952, tại Tân Nghĩa, Di Linh. Những năm chiến tranh, gia đình ông đã đưa nhau ra thôn Duệ này, nơi khá gần Quốc lộ 20, để sinh sống. Dù sống ở đây nhưng ruộng rẫy, vườn tược, đất đai canh tác của nhà ông vẫn còn trong Tân Nghĩa nơi làng cũ. “Đất nhà cũng rộng, ngày trước chừng gần 3 ha, trồng cà phê, cây ăn trái. Con cái lớn nên chia bớt cho con, tôi có 4 đứa, đều có gia đình rồi, trai gái gì đều nhau, mỗi đứa 5 sào. Giờ thì chỉ còn chừng 7-8 sào cà phê, vợ chồng hằng ngày lo chăm thôi, thu nhập cũng đủ sống” - K’Tiếu nói.

Trong câu chuyện của ông, vùng đất Di Linh bạt ngàn cà phê này ngày xưa khi ông còn nhỏ, toàn rừng với rừng. “Rừng mênh mông, hầu hết những buôn làng sống trong rừng, vây quanh là rừng, vùng tôi sống cũng vậy, đêm về nghe tiếng nai kêu, tiếng mang tác, thỉnh thoảng có tiếng gầm của cọp, đi cả ngày chưa ra khỏi rừng” - ông kể.

Mê chiêng, nhưng phải đến năm 14 tuổi K’Tiếu mới có cơ hội tiếp xúc với chiêng. Ông vẫn nhớ rõ, đó là vào năm 1966, tại thôn K’ Brạ có tổ chức lễ hội làng (Boh bri). Đó là một lễ hội lớn, cả 5 làng cùng làm lễ đâm 5 con trâu; lễ hội kéo dài đến cả tháng. Tại lễ hội làng này, ông cùng 5 thanh niên khác được các nghệ nhân trong làng chọn để dạy đánh chiêng. Những cái tên nghệ nhân được ông nhắc đến, là K’Brai, K’Chùng, K’San, K’Lài, K’Nhẹo và K’Ngai - những người mà nay đã là người thiên cổ, trực tiếp đứng ra dạy cho nhóm ông. Khi hội làng kết thúc, các thành viên mới học chơi này có một cuộc trình diễn trước mọi người để xem thử ai đánh hay, đánh chuẩn và đánh được nhiều bài nhất. Kết quả, ông cùng K’Giàng - một thanh niên trong vùng lớn tuổi hơn mình được chọn là 2 học trò xuất sắc nhất.

Tại thời điểm đó, ông thuộc 3 bài chiêng. Sau đó vài năm ông đã học thêm nhiều bài chiêng khác.

Nhưng không chỉ mê chiêng, ông bắt đầu mê về văn hóa dân tộc mình. Ông học cách đan lát, đan gùi, đan các dụng cụ phục vụ đời sống gia đình, học các bài cúng theo phong tục dân tộc mình. Nhờ thuộc nhiều bài chiêng nên ông dần được chọn là người dẫn đầu đoàn chiêng trong các dịp lễ.

NHỮNG THẾ HỆ NỐI TIẾP

Không chỉ là người trình diễn, K’Tiếu đã bắt đầu hành trình của những nghệ nhân lớp trước đã trải qua, đó là việc truyền dạy lại các bài chiêng ông biết cho thế hệ sau, các lớp con cháu.

Ông kể, năm 1990, sau một thời gian dài, thôn Duệ tổ chức lễ đâm trâu đón mùa lúa mới, ông đã vận động mọi người trong thôn ôn lại các bài chiêng để chơi tại lễ. Lúc đầu ông vận động những người lớn tuổi trong thôn, nhưng có nhiều người lâu rồi không sử dụng hầu như đã quên gần hết các bài chiêng, ông phải tập lại cho từng người đánh. Các bài chiêng và đội cồng chiêng người lớn tuổi này sau đó phục vụ tại giáo xứ khi có các lễ quan trọng.

Từ đội chiêng người lớn tuổi ban đầu này, sau đó ông dần tổ chức các lớp dạy cho các thanh, thiếu niên trong làng, mỗi lớp trên 10 người. Đó là những em bày tỏ sự say mê cồng chiêng giống như ông ngày trước. “Tôi như nhìn thấy mình ngày trước qua các em, cũng ánh mắt, nụ cười, sự hào hứng của tuổi trẻ với cồng chiêng. Chỉ cần thấy như vậy là mọi mệt mỏi của tôi đều tan biến” - ông nói.

“Các em từ những lớp đầu này sau đó tham gia vào các hoạt động văn nghệ thôn xóm, địa phương. Đó chính là thành công lớn nhất của người truyền dạy” - ông nói thêm.

Cái khó cho các lớp dạy là không có bộ chiêng. May mắn những ngày đầu trong thôn có một gia đình có bộ chiêng 6 cái, đó là nhà cụ bà Ka Èng. “Mượn được bộ chiêng không phải dễ, nếu không nói đó là chuyện khó khăn với tôi. Cồng chiêng là đồ quý báu mà ông bà tổ tiên để lại, nên nhiều người lo rằng việc sử dụng quá nhiều sẽ làm hao mòn cồng chiêng. Vậy nhưng bà Ka Èng khi biết tôi mở lớp cho con cháu đã cho mượn” - ông kể. Mãi sau này xã được tỉnh cấp một bộ chiêng nên ông mới dùng bộ chiêng này để dạy.

“Mỗi dân tộc ở Tây Nguyên đều sử dụng cồng chiêng theo cách thức riêng để chơi những bản nhạc của riêng dân tộc mình. Người K’Ho ở Lâm Đồng cũng có một cách thức riêng để chơi và các em phải học mới biết được” - K’Tiếu cho biết.

Cho đến nay - theo K’Tiếu, ông đã dạy cho rất nhiều người, lớn có, trẻ có, phải đến gần 200 người, trong đó có không ít những người có thể chơi được 1 bài đến nhiều bài trong số 10 bài mà ông biết và dạy. Các bài gồm Gùng me (lối mẹ - ru khách), bài Me dạ (suối nguồn), bài Dăn biăp (cầu mưa), bài Tìng bar me (hai bà mẹ), bài Tìng căn dun (tình thương), bài Thòng del dét (vực sâu del dét), bài Pèo kon jùn (tiếng nai con), bài Ndrũp me mơ kon (mẹ bồng con), bài chiêng 3 Kít gơàm mìu (tiếng con nhái mừng mưa), bài chiêng đôi Hòi dăn (cầu mùa). Ông còn dạy hát, đọc các bài khấn, bài cầu nguyện theo đúng các nghi thức từng lễ hội như lễ cầu mưa, lễ đâm trâu, lễ mừng lúa mới của dân tộc mình.

Năm 2015, K’Tiếu được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng công nhận là “Nghệ nhân cồng chiêng” của tỉnh. Năm 2022 ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân Ưu tú”. Gần đây nhất, ông đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước.

Ông cũng là 1 trong 5 điển hình tiên tiến của Lâm Đồng được giới thiệu để tham dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc nhân dịp 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948- 11/6/2023) được tổ chức tại Hà Nội trong thời gian sắp đến. Tại Hội nghị này, ông được tỉnh giới thiệu để biểu dương, tôn vinh vì có nhiều thành tích trong giữ gìn, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa cồng chiêng của cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên.