Đà Lạt - Thành phố sáng tạo âm nhạc

NS CAO NGUYÊN 19:10, 08/06/2023

(LĐ online) - Từ lâu, âm nhạc được xem như một phần làm nên bản sắc rất riêng của thành phố Đà Lạt. Bởi, âm nhạc có khả năng kết hợp một cách hài hòa vẻ đẹp của thiên nhiên, khí hậu và cả lối sống thanh lịch của con người Đà Lạt. Kỳ vọng Đà Lạt sẽ sớm là thành viên chính thức trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực âm nhạc để cùng liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời tạo ra không gian sáng tạo và đổi mới riêng cho thành phố này luôn là mong ước của rất nhiều người, trong đó có giới văn nghệ sĩ cả nước nói chung.

Nhạc sĩ Nguyễn Cao Nhuyên – Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc Lâm Đồng (ảnh Trịnh Chu)
Nhạc sĩ Nguyễn Cao Nguyên – Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc Lâm Đồng (ảnh Trịnh Chu)

* Đà Lạt - nguồn cảm hứng bất tận cho giới văn nghệ sĩ.
Xin hãy nín thinh chẳng nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để nghe trời giải nghĩa yêu… 

(“Đà Lạt trăng mờ” - Hàn Mặc Tử)
Những ngôn từ trích trong bài thơ Đà Lạt trăng mờ của cố thi sĩ tài hoa Hàn Mặc Tử chất chứa, trào dâng thanh âm, dạt dào bao cảm xúc và cũng thật linh thiêng, đã khắc họa được vẻ đẹp huyền ảo và tĩnh lặng của Đà Lạt trong một đêm trăng đầy sương mù đan quyện… Bài thơ cho thấy nhà thơ như đang đắm chìm trong không gian huyền ảo đến trác tuyệt của Đà Lạt. Bài thơ cũng trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều nhạc sĩ lớn, như bài Hợp ca Đà Lạt trăng mờ của nhạc sĩ Hải Linh năm 1958; bài Đà Lạt Trăng Mờ của nhạc sĩ Phạm Duy năm 1994; và nổi tiếng trong làng Cải lương cũng có bài Tân Cổ Giao Duyên Đà Lạt trăng mờ của Tấn Tài và Liễu Chương Đài… Nhưng vì sao thành phố Đà Lạt và chủ đề về Đà Lạt lại có sức hút mãnh liệt với các nhà thơ và các nhạc sĩ như thế? 
Chúng ta biết, nghệ thuật ở Đà Lạt bao gồm nhiều loại hình đa dạng khác nhau như nhiếp ảnh, âm nhạc, thơ ca, hội họa, điêu khắc, thủ công mỹ nghệ… Nhiều nhà hát, hội quán âm nhạc, phòng trưng bày và những sân khấu nghệ thuật đã được xây dựng để thu hút du khách đến thưởng ngoạn và cảm nhận những nét đẹp của Đà Lạt. Ngoài ra, Đà Lạt cũng được biết đến với các hoạt động nghệ thuật như Festival Hoa Đà Lạt, Lễ hội Cồng chiêng, Lễ hội văn hóa Trà… Các sự kiện này đã giúp quảng bá cho các hoạt động nghệ thuật của thành phố được biết đến và phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn nữa. 
Riêng về âm nhạc, Đà Lạt có nhiều sự kiện âm nhạc được thường xuyên tổ chức, đặc biệt là trong các dịp lễ hội và các ngày lễ lớn. Các sự kiện này bao gồm các buổi biểu diễn âm nhạc đa dạng, từ dân nhạc đến đương đại, đi cùng với những vũ điệu đầy màu sắc. Ngoài ra, Đà Lạt còn có nhiều tụ điểm âm nhạc và các quán cà phê với không gian lãng mạn, được trang trí bằng những câu chuyện và những bản nhạc đầy cảm hứng, thu hút rất nhiều khách du lịch yêu thích âm nhạc đến tham quan thưởng thức. Đà Lạt cũng có nhiều địa điểm ca nhạc ngoài trời như Công viên Lâm Viên Đà Lạt, Thung Lũng Tình Yêu, Hồ Xuân Hương; phố đi bộ Đà Lạt... Từ Tết Nguyên Đán 2022, công trình nhạc nước nghệ thuật trên hồ Xuân Hương được thiết kế dưới dạng phao nổi ở khu vực mặt nước Bến Du thuyền, sử dụng hệ thống phun nước nghệ thuật do lập trình trên phần mềm điều khiển. Công trình này kết hợp với phong cảnh, các tiểu công viên hoa, âm nhạc, đèn chiếu sáng quanh hồ và nhiều hiệu ứng nhạc nước đa dạng, đẹp mắt đã tạo nên điểm nhấn hấp dẫn cho du lịch của thành phố.
Rất nhiều nhạc sĩ và thi sĩ đã đến đắm mình trong cảnh sắc không gian của Đà Lạt, và chọn Đà Lạt là chủ đề cho cảm hứng sáng tác của mình cho dù họ không xuất thân từ Đà Lạt. Một số ca khúc viết về Đà Lạt được nhiều người biết đến như Ai lên xứ hoa đào (Hoàng Nguyên); Đà Lạt hoàng hôn (Minh Kỳ & Dạ Cầm); Thành phố buồn (Lam Phương); Nồng nàn cao nguyên (Krazan Dick); Đà Lạt lập đông (Thế Hiển); Thương về miền đất lạnh (Minh Kỳ); Mimosa (Trần Kiết Tường); Hoa Langbiang, Say Trăng (Đình Nghĩ); Thành phố sương (Việt Anh), Tình yêu Đà Lạt (Trịnh Nam Sơn), Lặng Lẽ (Dương Toàn Thiên)… Bài hát Lời thiên thu gọi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng lấy cảm hứng từ phố cao nguyên Đà Lạt. Đến nay đã có nhiều tác phẩm âm nhạc liên quan đến Đà Lạt được mọi người yêu mến và được trình diễn khắp nơi, cả trong và ngoài nước, làm cho Đà Lạt trở nên gần gũi và được nhiều người biết đến hơn.

* Kỳ vọng về một thành phố sáng tạo âm nhạc.
Năm 2023 là một năm thật đặc biệt với người dân thành phố Đà Lạt, vì là năm đánh dấu sự kiện lịch sử Đà Lạt tròn 130 năm hình thành và phát triển (1893 - 2023). Những dấu ấn của thời gian đã để lại cho thành phố Đà Lạt những khối di sản vô cùng giá trị, bao gồm nhiều công trình kiến trúc cổ theo kiểu Châu Âu; những làng nghề truyền thống, những khu vườn rau củ quả mà sản phẩm được đưa đi khắp mọi miền đất nước… Đây cũng là một thành phố đa dạng về sắc tộc, tôn giáo, văn hóa, với những địa danh du lịch nổi tiếng. Hơn nữa, Đà Lạt được xem là một trong các đô thị ấn tượng nhất ở Việt Nam với những đặc điểm độc đáo về môi trường tự nhiên, thành phần dân cư, kiến trúc, và ba di sản thế giới được UNESCO công nhận, đó là Di sản Văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” (năm 2005), Di sản tư liệu “Mộc bản Triều Nguyễn” (năm 2009) và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Bi Đúp Núi Bà (năm 2015).
Trong năm kỷ niệm đặc biệt này, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Tuần lễ Vàng Du lịch Lâm Đồng năm 2023, với Chủ đề: “Lâm Đồng - Cao nguyên hùng vĩ”, trong thời gian từ ngày 27/4/2023 đến ngày 03/5/2023. Trong số đó có thể kể đến các chương trình như Biểu diễn nghệ thuật dân gian và Trình diễn trang phục truyền thống, Cuộc thi nhóm nhảy hiện đại, Liên hoan văn hoá cồng chiêng… Và nói về âm nhạc không thể không nhắc đến Lễ hội âm nhạc quốc tế 2023 - Hoa Sen Concert, được tổ chức vào ngày 02/5/2023 vừa qua, tại Quảng trường Lâm Viên Đà Lạt với khoảng 50.000 khán giả tham dự. Đây là đại nhạc hội, giao hưởng hiện đại ngoài trời và là sự kiện âm nhạc quốc tế quan trọng được tổ chức đầu tiên tại thành phố Đà Lạt.
Cũng phải kể đến nhiều đơn vị chuyên môn về âm nhạc tại thành phố Đà Lạt như Chi hội âm nhạc thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, Câu lạc bộ dân ca và nhạc cổ truyền thuộc Nhà Văn hoá Lao động; cùng với các nghệ nhân, nghệ sĩ không chuyên trên địa bàn, đã đóng góp tích cực vào sự nghiên cứu, sáng tạo âm nhạc.. Mỗi năm các đơn vị này đã sáng tác, dàn dựng và biểu diễn hàng trăm tác phẩm âm nhạc, múa, hoà tấu nhạc cụ phục vụ các hoạt động phong trào, lễ hội tại địa phương. Cùng với các hoạt động đó, còn có lực lượng nhạc sĩ, nghệ sĩ làm công tác đào tạo âm nhạc tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh, các trường phổ thông, các trung tâm giảng dạy âm nhạc… Dù chuyên hay không chuyên, các lực lượng này luôn nỗ lực sáng tạo, tích cực truyền đạt, khơi dậy tình yêu âm nhạc cho lớp người trẻ tại các địa phương. Điều đó cũng mở ra nhiều không gian truyền cảm hứng, là nơi ươm mầm những tài năng về âm nhạc cho tương lai.
Âm nhạc được xem như một phần bản sắc của thành phố Đà Lạt, vì nó có khả năng kết hợp một cách hài hòa các vẻ đẹp của thiên nhiên, khí hậu, cảnh sắc, và cả lối sống ôn hòa của con người Đà Lạt. Đó là một yếu tố không thể thiếu, giúp thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến Đà Lạt hàng năm, và ai đã đến cũng đều mong có dịp quay trở lại. Âm nhạc như vang vọng trong mọi không gian của Đà Lạt, từ thác nước, rừng thông reo, cơn mưa hạ, làn gió thu, cho đến các góc phố vỉa hè… Rất nhiều quán cà phê xinh xắn, độc lạ và nổi tiếng với những dòng nhạc rất riêng, như Phố Bên Đồi - một dạng hội quán âm nhạc, và nhiều điểm biểu diễn ca nhạc nổi tiếng như Mây Lang Thang, Lu lu La la, Cafe Thung lũng đèn…, cùng với nhiều phòng trà ca nhạc là nơi có các thể loại nhạc acoustic và hát cho nhau nghe... 
Ước mong Đà Lạt - Một vùng đất nơi con người, thiên nhiên và âm nhạc luôn hoà quyện sẽ sớm gia nhập thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO để cùng liên kết, học hỏi kinh nghiệm từ các thành phố khác, đồng thời tạo ra không gian sáng tạo và đổi mới riêng cho địa phương mình. Tin rằng, thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ các chiến lược và kế hoạch cụ thể để xây dựng và tăng trưởng thành một thành phố sáng tạo về âm nhạc, với nhiều phương cách như đào sâu nghiên cứu, gây dựng ý thức qua mạng lưới truyền thông, hợp tác với các chuyên gia trong và ngoài nước và các tổ chức văn hóa để có những hỗ trợ cần thiết; tiếp tục phát huy không gian văn hóa sẵn có và khuyến khích nhiều hình thức biểu diễn âm nhạc, để vừa thỏa sức sáng tạo âm nhạc và nghệ thuật, vừa giữ gìn cảnh quan…