Di vật (truyện ngắn)

09:10, 01/10/2015

Tôi và Tùng là bạn thân với nhau từ nhỏ. Chúng tôi cùng quê, cùng tuổi, cùng học với nhau trong suốt một thời gian dài, sau này lại làm cùng đơn vị và đều được cơ quan tạo điều kiện cho cả hai đứa cùng làm nhà. Và từ đó đến nay, chúng tôi trở thành hàng xóm thân thiết của nhau.

Tôi và Tùng là bạn thân với nhau từ nhỏ. Chúng tôi cùng quê, cùng tuổi, cùng học với nhau trong suốt một thời gian dài, sau này lại làm cùng đơn vị và đều được cơ quan tạo điều kiện cho cả hai đứa cùng làm nhà. Và từ đó đến nay, chúng tôi trở thành hàng xóm thân thiết của nhau.
 
Một sáng nọ, vừa mở cửa ra ngoài sân tập thể dục, tôi đã bị vợ Tùng, kéo lại kể lể: “Anh ơi! Chồng em khùng thật rồi. Ai đời nhà cửa đang sạch, đẹp như thế, lại đi treo một cái xe đạp han, gỉ, xấu xí lên tường nhà. Rồi hễ cứ đi làm về là trầm ngâm ngắm. Vợ con hỏi thì lặng thinh, mãi mới trả lời. Anh bảo thế không phải là khùng à? Anh là bạn thân nhất của anh ấy, xem thế nào khuyên bảo chồng em với”.
 
Minh họa:  P.N
Minh họa: P.N
 
Ngay tối hôm đó, rủ Tùng cà phê, tôi mới hiểu nguyên nhân vụ “trưng bày” cái xe đạp cũ kỹ này. Bằng một giọng nói nhỏ nhẹ, Tùng từ tốn tâm sự: “Bà xã nhà mình đã nhiều lần càm ràm là nhà chật chội, có được khoảng tường hẹp, cô ấy định thuê thợ mộc đến đóng cái giá sách. Nhà có nhiều sách, sau này con cái cũng học được nhiều điều bổ ích, thông qua việc đọc những cuốn sách mà chúng tôi đã lựa chọn mua về. Cô ấy nói rất có lý, nhưng vị trí đó đã được mình sắp xếp cho một việc khác. Đó là nơi mình sẽ treo chiếc xe đạp của mẹ. Bàn bạc với cô ấy nhiều lần rồi, nhưng vợ mình cứ khăng khăng không chịu. Đã vậy, mình quyết định làm xong trước khi cô ấy thực hiện kế hoạch của mình. Nhiều người lớn tuổi đã nói với mình là, linh hồn người đã mất sẽ không tìm về theo khói nhang và mùi của những mâm cao cỗ đầy. Họ chỉ thực sự trở về trong sự tưởng nhớ sâu sắc và chân tình của người đang sống. Với mình, chiếc xe đạp cà tàng đó chính là sợi dây kết nối, dẫn mẹ trở về với gia đình mình”.
 
Bố hy sinh từ khi Tùng chỉ mới 4 tuổi. Dù còn trẻ, nhưng mẹ Tùng vẫn ở vậy nuôi con. Hồi đó, nhà chúng tôi ở ven đô, cách trường học phải đến 3-4 km. Mỗi sáng, mẹ Tùng lại chở cả hai chúng tôi đến trường trên chiếc xe cà tàng đó, rồi mới đến cơ quan làm việc. Từ nhà đến trường, phải vượt qua một con dốc khá cao và mẹ Tùng vẫn gò lưng cố đạp cho đến khi không đi nổi nữa mới thôi. Tôi và Tùng xuống xe rồi cùng đẩy xe lên đỉnh dốc. Khi đó, trời Đà Lạt dù khá mát mẻ, nhưng cả ba chúng tôi, lưng áo đều thấm đẫm mồ hôi. Cả hai gia đình chúng tôi đều nghèo lắm. May mà mẹ Tùng còn có chiếc xe đạp. Nếu tôi không được mẹ Tùng cho đi ké thì cũng chỉ biết hàng ngày cuốc bộ đến trường. Chiếc xe của mẹ Tùng đã cũ lắm rồi, chúng tôi không biết đó là hiệu xe gì, nước sơn trên khung xe đã bị tróc hết, thay vào đó là một màu đen xỉn. Cả hai bên bàn đạp cũng biến mất được mẹ Tùng cho vào hai miếng gỗ để mỗi khi đạp xe, đỡ đau chân.
 
Đến năm học lớp 6 thì mẹ Tùng không còn “kham” được cả hai chúng tôi nữa. Hơn nữa, Tùng cũng nhất quyết không chịu ngồi lên xe mẹ, mà đi bộ đến trường cùng tôi.
 
Cả khối 6 và 7 trường tôi, đều được trường bố trí học buổi chiều và mẹ Tùng thường vẫn đợi nó ở cổng trường. Lúc này, chúng tôi đều đã bắt đầu biết ý thức về sự giàu - nghèo, xấu - đẹp và sĩ diện. Mỗi lần thấy mẹ cùng chiếc xe đen đúa, tòng tọc ấy ở cổng trường, bên cạnh những hàng xe máy nhiều màu sắc, bóng loáng, đẹp đẽ, Tùng lại ngượng ngùng leo lên xe và luôn miệng giục mẹ chạy thật nhanh.
 
Một lần sang nhà Tùng cùng ôn bài, tôi chợt nghe nó nói với mẹ: “Con không thích mẹ đến đón con nữa đâu. Giờ lớn rồi, con sẽ đi bộ cùng bạn Nguyên (tức là tôi) cho vui”. Tôi biết tỏng là Tùng ngượng khi phải ngồi trên chiếc xe cà tàng và xấu xí kia của mẹ nó. Bởi chỉ cách đây mấy hôm, nó còn nhờ bố của một bạn học khác, chở về đến gần nhà. Kéo Tùng ra góc sân, tôi nói nhỏ:
 
- Mày sĩ diện đúng không? Làm thế mà không sợ mẹ mày buồn à?!
 
- Mày biết không? Hôm rồi, mẹ chở tao đi mua sách tham khảo trên phố, chiếc xe cứ phát ra tiếng cọc cọc, két két, mọi người cứ nhìn theo làm mình ngượng quá. Một đám con gái, còn chỉ trỏ rồi cùng cười ré lên, có vẻ như vừa xem được một tiết mục xiếc kỳ lạ. Mình ức quá và tự nhủ, sẽ không bao giờ ngồi lên xe này nữa.
 
Từ đó, tôi thấy mẹ Tùng có vẻ buồn. Bà không còn đứng ở cổng trường đợi nó nữa. Thỉnh thoảng, tôi vẫn thấy bà đứng nép sau gốc thông già phía trái cổng trường dõi mắt nhìn theo Tùng ở bên kia đường, rồi lặng lẽ đạp xe lẫn vào dòng xe máy nườm nượp trên đường. Có lẽ bà cũng không muốn Tùng ngượng khi có sự xuất hiện của mình…
 
Tôi vẫn còn nhớ, hôm đó, cả lớp tôi đi sinh hoạt ngoại khóa vào buổi sáng. Buổi ngoại khóa rất vui, nên mãi đến gần 12 giờ chúng tôi mới được ra về. Giữa trưa, trời nắng, tôi thấy mẹ Tùng vẫn đứng bên chiếc xe đạp cũ kỹ ngóng tìm Tùng. Tôi vội nói với nó: “Mẹ kìa, Tùng!”. Tùng liếc qua rồi hét to: “Mẹ về đi”. Phía bên kia đường, mẹ Tùng yên lặng đạp xe, tiếng lọc cọc cứ xa dần rồi chìm trong dòng xe máy ồn ã. Hôm đó, Tùng không đi bộ cùng tôi mà nó chạy một mạch về nhà. Tôi biết nó rất ấm ức, một sự ấm ức mà cái nghèo khó không thể giải tỏa được…
 
Rồi chúng tôi cùng lớn lên và đều thi đậu đại học. Mẹ Tùng đã nghỉ mất sức. Và với tất cả số tiền được lĩnh, bà ở nhà nuôi gà để chắt chiu từng đồng tiền nhỏ, lẻ trang trải cho Tùng ăn học. Thỉnh thoảng có việc phải về quê, tôi vẫn thường sang thăm mẹ Tùng. Và lần nào cũng vậy, bà cứ hỏi liên tục về nó. Rồi bà kể cho tôi nghe những buồn, vui quanh chuyện nuôi gà của mình, câu chuyện chẳng đầu, chẳng cuối gì cả nhưng tôi biết, đó chính là niềm vui duy nhất của bà. Một lần, bà còn đưa cho tôi một túi trứng gà, bảo đem lên hai anh em cùng ăn. Chúng tôi cùng ở ký túc xá nên không thể nấu nướng mà chỉ ăn cơm bụi là chính, nhưng tôi vẫn cầm túi trứng đó để mẹ Tùng vui lòng. Cầm túi quà trên tay, Tùng cứ lẩm bẩm: “cho thì tiếc, bán thì chẳng được bao nhiêu. Để lại thì không biết xử lý thế nào”. Nghĩ một lát, nó cầm túi trứng bỏ đi. Một lúc sau, cũng hơi lâu, tôi mới thấy Tùng về. Một tay vẫn cầm túi trứng còn bốc khói, tay kia cầm chai rượu nhỏ. Chúng tôi cùng uống trong sự im lặng khó nói…
 
Ra trường tôi được một công ty xây dựng của quân đội nhận làm việc, còn Tùng thì cứ xin vào làm hết công ty tư nhân này đến công ty tư nhân khác. Nó cũng rất ít về thăm mẹ, nhưng vẫn nói với tôi rằng, mẹ nó vẫn khỏe, vẫn thường xuyên hỏi thăm tôi.
 
Công việc của Tùng không ổn định. Ra trường đã mấy năm, mà nó chẳng tiết kiệm được đồng nào. Và rồi, một dịp may hiếm có, thủ trưởng đơn vị tôi đã chấp nhận lời tôi đề nghị tiếp nhận Tùng vào làm việc. Chúng tôi lại là đôi bạn thân như ngày nào. Do đã quá hiểu nhau, nên công việc của chúng tôi tiến triển rất tốt, Chúng tôi cùng tham gia nghiên cứu và đề xuất nhiều sáng kiến, cải tiến hợp lý trong công việc, nên cả hai đều được thủ trưởng tín nhiệm, và cùng được đề bạt lên quản lý, điều hành công ty con của Tổng công ty. Sau gần 7 năm, mỗi chúng tôi đã được đơn vị bán cho một suất đất trả góp với giá ưu đãi. Hơn thế nữa, đơn vị còn tìm mọi cách để hỗ trợ cả hai cùng làm nhà. Tôi đón các em tôi lên cùng ở, còn Tùng thì đón mẹ lên sau khi đã giục mẹ “thanh lý” hết mọi tài sản ở quê, ngoại trừ chiếc xe đạp cũ kỹ ngày nào, mà bà nói là vật kỷ niệm từ người cha đã hy sinh của Tùng. Đây cũng là chi tiết mà mãi đến bây giờ chúng tôi mới được mẹ Tùng cho biết.
 
Khi căn nhà đã hoàn thiện, tôi vẫn thường thấy mẹ Tùng hí hoáy lau chùi chiếc xe đạp. Một thời gian sau, thì không thấy chiếc xe đạp đâu nữa. Mẹ Tùng nói với tôi là nhà chật nên Tùng đã đem xe gửi ở nhà kho của đơn vị. Từ đó, bà chỉ biết ngồi trước cửa nhìn mọi người qua lại cho vơi đi nỗi buồn. Kể lại chuyện này với Tùng, nó nói: “Thôi ông ạ, chúng mình cùng lấy vợ đi. Có đứa cháu là bà hết buồn ngay thôi mà”. Nói là làm, chỉ hơn tháng sau, nó đã cưới một cô công nhân khá xinh trong công ty.
 
Nhưng mẹ Tùng không kịp hưởng niềm vui được bế cháu. Một buổi sáng, bỗng nhiên bà đòi con dâu mua thịt gà về ăn. Bà nói rằng, hồi trước bà nuôi rất nhiều gà, nhưng nào có dám ăn gì đâu, chỉ để dành bán để lấy tiền nuôi Tùng ăn học. Vợ Tùng vô tư nói với mẹ: “Mẹ ơi, gà bây giờ toàn ăn thức ăn công nghiệp nên thịt nhão và không thơm. Để mấy hôm nữa con về huyện đem gà nhà con nuôi lên cho mẹ”. Đêm hôm đó, mẹ Tùng ngủ và mãi mãi không thức dậy. Trong đám tang của bà, đồ cúng có khá nhiều gà do bố vợ Tùng đem từ huyện lên, theo lời đề nghị của con rể. Dù sao, đó cũng là chút bù đắp cho khoảng trống u uẩn, một sự hối lỗi muộn màng trong tâm trí Tùng.
 
Có lẽ đến tận bây giờ, Tùng vẫn chưa thôi dằn vặt. Anh vẫn mua gà từ quê vợ để cúng mẹ vào dịp rằm, mồng một hàng tháng. Và bây giờ là chuyện Tùng đem chiếc xe đạp cũ kỹ của cha - mẹ về trưng bày ở nhà, và anh xem đó như là một báu vật. Làm vậy, liệu mẹ anh ở thế giới bên kia có cảm thấy ấm lòng. Người chết rồi đâu còn biết gì nữa, đó chỉ là hành động để góp phần giải tỏa sự ám ảnh cho chính Tùng mà thôi. Tất cả mọi chuyện, giờ thì đã quá muộn! Giá như Tùng và cả chúng ta nữa, biết nghĩ đến mẹ từ sớm hơn, thì có lẽ sự dằn vặt, hối hận đã không còn đeo bám mãi trong lòng.
 
Ngoài kia, trong dòng xe máy bóng loáng đang vùn vụt trôi trên đường, tôi vẫn còn thấy lẻ loi đôi ba chiếc xe đạp cũ kỹ như xe của mẹ Tùng chậm rãi lăn bánh…
 
Đà Lạt, tháng 9 năm 2015
 
Truyện ngắn: HOÀNG KIM NGỌC