Hồn hoa tình người

09:10, 15/10/2015

Huỳnh Hoàng Vân không chỉ phả hồn vào những khối đất vô tri mà còn mang yêu thương truyền đến những cô gái khuyết tật. Để từ đó, những thân phận thiệt thòi cảm thấy vững chãi phận người. 

Huỳnh Hoàng Vân không chỉ phả hồn vào những khối đất vô tri mà còn mang yêu thương truyền đến những cô gái khuyết tật. Để từ đó, những thân phận thiệt thòi cảm thấy vững chãi phận người. 
 
Khó mà kiềm được cảm xúc khi nhìn thấy Vân hiền hậu, xinh đẹp hằng ngày kiên nhẫn ngồi chỉ dẫn những cô gái khuyết tật nhào nặn những khối đất sét vô tri vô giác thành những bông hoa nhỏ sinh động và đầy màu sắc. 
 
Khó có thể nhận biết đây là hoa bằng đất
Khó có thể nhận biết đây là hoa bằng đất

Duyên…
 
Hoàng Vân đến với nghề một cách tình cờ. Cô được xem là người đầu tiên đem nghề này về với thành phố hoa Đà Lạt. Vốn là người yêu hoa, trong một lần lang thang tìm kiếm thông tin về hoa trên mạng, thấy những bông hoa đất sét lạ và đẹp, Vân ngay lập tức bị quyến rũ, bỏ luôn nghề dạy học, về Sài Gòn học nghề. Sẵn có khiếu nghệ thuật, tâm hồn nhạy cảm, dễ rung động với cái đẹp, Vân nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật và học nghề rất nhanh. Trở về quê với quyết tâm theo đuổi đam mê nghệ thuật này, Vân liên tục tự tìm hiểu, thử nghiệm quyết tâm tạo ra một dòng hoa mới trên chính xứ hoa, nơi cô được sinh ra và lớn lên. 
 
Quảng bá hoa đất ra quốc tế 
 
Từ ngày 19 đến ngày 23/10, cơ sở hoa đất Đà Lạt sẽ lần đầu tiên được triển lãm tại Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ quốc tế Hồng Kông. Đây là Hội chợ chuyên môn lớn nhất về hàng thủ công mỹ nghệ và đồ nội thất quốc tế tổ chức hàng năm tại Trung tâm triển lãm và Hội chợ Hồng Kông. Với Vân, đây là cơ hội để quảng bá hoa đất Đà Lạt đến bạn bè quốc tế. 
Vân kể: “Lúc đầu ông xã cũng đặt câu hỏi và chất vấn mình sao lại tìm đường khó mà đi thế? Sao lại đi làm hoa giả ở thành phố hoa?”. Vân có lý lẽ riêng của mình: “Có nhiều loài hoa của Đà Lạt rất đẹp và được du khách yêu thích nhưng không thể mang về chưng bởi nhanh tàn và không phải mùa nào cũng có. Vậy thì hoa đất sét sẽ là món quà dành cho họ”. Từ nắm đất sét, Vân đã tạo ra cả một thế giới đầy màu sắc với đủ loại hoa từ những loài sang trọng khó trồng đến những bông hoa dại nhỏ li ti mà cô vẫn thường ngắm chúng mọc ở khắp nơi. Sản phẩm làm ra được nhiều người khen ngợi và yêu thích.
 
“Tiếng lành đồn xa”, duyên lại đến với Vân. Lần này không phải là duyên hoa, mà là “duyên người”. Đó là những học trò và cũng là cộng sự đang cùng Vân nỗ lực tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm hoa đất sét Đà Lạt. Cộng sự của Vân hiện chủ yếu là những bạn khuyết tật, mồ côi,... Tình cờ Vân gặp một người bạn. Chị ấy ngỏ ý gửi cô cháu gái bị khiếm thính chưa có nghề nghiệp. Lúc ấy, Vân nhận lời do cảm thương chứ cũng không mấy hy vọng vào Lài (tên cô bé). 
 
Ban đầu giao tiếp với em cực kỳ khó, bù lại em khá kiên nhẫn và sau một thời gian thể hiện rõ là rất có năng khiếu, sự cảm nhận về ngôn ngữ của các loài hoa trong em ấy rất tốt. Sau khi nắm bắt về kỹ thuật, em đã sáng tạo ra những tác phẩm khiến Vân cũng bất ngờ. Nghe những câu chuyện về tâm tư của những người khuyết tật từ cô học trò nhỏ, Vân thật sự cảm thương và quyết định nhận dạy nghề làm hoa đất cho các bạn có hoàn cảnh đặc biệt và không thu phí. Từ nhiều nơi trên khắp đất nước, phụ huynh đã tìm đến Vân để gửi con theo học.
 
Đất nở tình người
 
Tấm lòng ấm áp của cô gái xứ lạnh đã nuôi dưỡng tâm hồn, chắp cho các bạn ấy đôi cánh bước vào đời. 8 năm theo nghề có khá nhiều học trò là những bạn trẻ mồ côi, khiếm thính, khuyết tật được Vân dạy nghề và trở về quê hương kiếm sống bằng chính nghề này.
 
Căn nhà (nằm ở ngang dốc Đá trên đường Phù Đổng Thiên Vương, Đà Lạt) vừa là nơi trưng bày, nơi ăn ở, vừa là nơi sinh hoạt, học tập, sáng tạo của thầy trò luôn rộn rã tiếng cười đùa. Tại cơ sở hoa đất Đà Lạt của Vân, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, em thì bị khiếm thính, em bị liệt, nhưng tất cả cùng làm việc, chia sẻ, thương yêu nhau như chị em trong một gia đình. Cuộc sống tràn ngập yêu thương đã lan tỏa vào cả trong tác phẩm của họ. Có những tác phẩm hai ba người làm chung cả tháng trời với hàng ngàn chi tiết tỉ mỉ nhưng vẫn luôn hòa quyện màu sắc và đồng điệu về hồn. Vân nhận định về nghề: “Thật sự thì nghề này đòi hỏi sự nhanh nhạy và kiên nhẫn. Đối với người khuyết tật, không phải ai cũng làm được. Để đất nở thành hoa là một quá trình lao động miệt mài, kiên trì, tỉ mẩn của không chỉ đôi bàn tay mà cả tâm hồn. Vì vậy, có những bạn chỉ phù hợp với từng công đoạn nhất định nên đòi hỏi người hướng dẫn phải thật sự chia sẻ và cảm thông”. 
 
Mỗi tác phẩm là một cảm nhận riêng của các em thông qua phần hướng dẫn kỹ thuật của Vân
Mỗi tác phẩm là một cảm nhận riêng của các em thông qua phần hướng dẫn kỹ thuật của Vân

Dung - một học viên của Vân tâm sự: “Ở đây, cô Vân không yêu cầu tụi em làm nhanh, mà cô luôn để em và các bạn được tự do sáng tạo theo cảm nhận riêng của mỗi người. Vì vậy, mỗi tác phẩm là một cảm nhận riêng của tụi em”. Có lẽ luôn tạo điều kiện cho các bạn trẻ sáng tạo bằng sự nhạy cảm nghệ thuật của mình mà các tác phẩm ở đây được tạo ra đa dạng và có phong cách cá nhân. Các tác phẩm không trùng lặp chính là điều thú vị khiến nhiều người quan tâm đến hoa đất từ “lò” của Vân. 
 
Hoa đất sét Đà Lạt sau nhiều năm được phát triển bởi Vân và các bạn trẻ khuyết tật Đà Lạt, nay đã trở nên nổi tiếng bởi vẻ đẹp sắc sảo. Không hề nói quá lên, càng không phải tâng bốc nhưng ai đã cầm, ngắm, chắc chắn sẽ phải thốt lên: thật sự rất tuyệt vời. Hoa đất đặc biệt ở chỗ nhuộm màu cảm xúc của nghệ nhân đã nặn ra nó. Vân tâm sự về triết lý làm hoa đất: “Hoa làm ra để chỉ giống với hoa thật thôi thì việc gì phải mua hoa đất, cứ ra chợ mua hoa thật về cắm là được. Cái hồn của hoa đất ở đây là cái nhìn cuộc đời với buồn, vui được những cô gái tràn đầy tình yêu với đời sống truyền vào”. 
 
“Thật khó để làm giàu với nghề thủ công nhưng Vân thấy hạnh phúc bởi cuộc sống của Vân mỗi ngày đều thấy thêm ý nghĩa. Chỉ cần nhìn vào ánh mắt người thợ nhiều khiếm khuyết, tôi đã thấy ấm lòng vì nơi ấy, những dòng cảm xúc đang chảy ra, tượng hình nên hoa đất”, Vân nói. Đối với Vân, nếu không nói đến nặn hoa đất như một nghề mưu sinh thì ấy là công cụ để người nghệ nhân trải lòng mình. Chỉ riêng trao cho người khuyết tật một công cụ bày tỏ cảm xúc với cuộc đời thì đã quá đủ cho những vất vả mà thầy trò đã cùng đi qua nhiều năm liền.
 
NGHĨA NGUYỄN