Phụ nữ bảo tồn trang phục truyền thống

09:10, 08/10/2015

Cùng với tiếng nói và chữ viết, trang phục truyền thống không những chứa đựng giá trị lịch sử, nhân văn mà còn là nét văn hóa đặc trưng của  đồng bào các dân tộc, góp phần tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc anh em, khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam. Người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn bảo tồn trang phục truyền thống.

Cùng với tiếng nói và chữ viết, trang phục truyền thống không những chứa đựng giá trị lịch sử, nhân văn mà còn là nét văn hóa đặc trưng của  đồng bào các dân tộc, góp phần tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc anh em, khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam. Người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn bảo tồn trang phục truyền thống.
 
Trang phục của người H’Mông ở huyện Cát Tiên tham gia Liên hoan Văn hóa - Nghệ thuật phụ nữ các dân tộc Lâm Đồng năm 2015
Trang phục của người H’Mông ở huyện Cát Tiên tham gia Liên hoan Văn hóa - Nghệ thuật phụ nữ các dân tộc Lâm Đồng năm 2015
 
Mô hình bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc Nùng
 
Thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2010-2015”, nhằm thu hút phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động phụ nữ, Hội LHPN xã Tà Năng - huyện Đức Trọng xây dựng mô hình “Bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc Nùng” tại Chi hội Phụ nữ thôn Tà Sơn - xã Tà Năng (Đức Trọng) với hơn 60 hội viên là người dân tộc Nùng di cư từ các tỉnh phía Bắc vào sinh sống. 
 
Mô hình bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc Nùng thuộc Chi hội Phụ nữ thôn Tà Sơn định kỳ sinh hoạt 2 tháng/lần với sự tham gia của bí thư, phó bí thư chi bộ thôn, các ban, ngành, đoàn thể của thôn và đặc biệt là 60 hội viên phụ nữ với trang phục Nùng truyền thống. Ngoài các nội dung sinh hoạt chuyên đề theo sự chỉ đạo của Hội cấp trên, các chị còn trao đổi kinh nghiệm trong bảo tồn trang phục truyền thống của các dân tộc Nùng. Như vậy, cứ đến ngày sinh hoạt mô hình, các chị em dân tộc Nùng mặc trang phục đẹp nhất tham gia như ngày hội. 
 
Chị Lý Thị Triệu, một phụ nữ dân tộc Nùng ở Đức Trọng trong trang phục truyền thống đã cách tân tham dự Hội nghị biểu dương điển hình phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi tỉnh Lâm Đồng năm 2015, cho biết: Trang phục người Nùng rất giản dị và chân phương, được cắt may đơn giản nhưng cẩn thận từ loại vải chàm do tự tay làm nên. Màu áo chàm được nhuộm bằng nguyên liệu lấy từ thiên nhiên. Áo của phụ nữ Nùng có ống tay rộng, cổ tay, cổ áo trang trí bằng những mảnh vải nhiều màu sáng nhưng màu chính vẫn là màu chàm, cài một hàng cúc bằng nút vải bên nách phải, đoạn cổ tay và lá sen đắp một miếng vải và 4 túi áo không có nắp; quần chân què có trang trí dưới gấu. Trang phục nam gồm có áo, quần, thắt lưng, khăn đội đầu, túi vải thêu, đồ trang sức bằng bạc... Nam, nữ đều mặc một loại quần nhuộm màu chàm, cạp to, ống rộng, dài tới tận mắt cá. Trang phục có đặc điểm là ít có biểu hiện đặc sắc về phong cách tạo hình. Nam giới thường đeo vòng tay bằng bạc, nhẫn bạc, phụ nữ đeo khuyên tai, kiềng cổ, vòng tay, nhẫn và đeo bộ xà tích ở ngang lưng. Cùng với trang phục truyền thống, bây giờ trang phục của phụ nữ Nùng cũng đã được cách tân với màu sắc tươi sáng hơn, loại trang phục cách tân này dành để mặc biểu diễn trong các lễ hội, tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật ở địa phương, còn ở gia đình chị em vẫn mặc đồ truyền thống với màu chàm giản dị.   
 
Nét duyên của người phụ nữ
 
Trang phục truyền thống là sản phẩm vật chất của lao động, đồng thời nó là sản phẩm văn hóa và luôn mang những sắc thái văn hóa độc đáo của các dân tộc. Mỗi dân tộc trong cộng đồng cư dân có cách tạo hình trang trí và sử dụng trang phục theo những đặc điểm văn hóa riêng của mình được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chị Lưu Thị Vũ - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Nam Ninh (Cát Tiên) là người dân tộc H’Mông cho biết: Trang phục của người H’Mông vẫn giữ được đồ truyền thống cổ xưa và hiện nay được biến tấu cách điệu rất đa dạng, phong phú, để phù hợp với lứa tuổi và thuận tiện trong sinh hoạt, lao động hàng ngày. Quần áo của người H’Mông đều tự làm thủ công bằng tay, khâu từng mũi chỉ đường kim, trang trí họa tiết ở trang phục phong phú từ khăn đội đầu, cổ áo, nẹp áo, thắt lưng, bồ giáo, thân váy, xà cạp. Kỹ thuật thêu hoa văn của người H’Mông rất phức tạp, thể hiện sự tinh tế của người phụ nữ. Người H’Mông đánh giá vẻ đẹp của người phụ nữ qua khả năng thêu, dệt và may bộ trang phục, vì vậy trước khi về làm dâu, cô gái bao giờ cũng có vài bộ váy áo làm của hồi môn. 
 
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, những phụ nữ các dân tộc thiểu số từ các tỉnh vùng núi phía Bắc di cư vào Lâm Đồng hành trang mang theo không thể thiếu trang phục truyền thống - Đó là của hồi môn và là chỉ dấu của nguồn cội. Một bộ trang phục của phụ nữ H’Mông trị giá 8 triệu đồng được đặt mua từ vùng quê hương các tỉnh phía Bắc nơi cộng đồng các dân tộc vùng cao H’Mông, Tày, Thái, Mường…đã có nghề dệt, thêu trang phục truyền thống từ lâu đời. Cùng với trang phục truyền thống, người phụ nữ dân tộc thiểu số bản địa Lâm Đồng vẫn lưu giữ nghề truyền thống tốt đẹp tạo nên bản sắc dân tộc như: Dệt thổ cẩm của người K’ho, Mạ, M’nông…
 
Chị Hồ Thu Nguyệt - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng khẳng định: Trang phục các dân tộc nói chung và trang phục của phụ nữ các dân tộc nói riêng đã thể hiện được cốt cách của từng dân tộc, tạo nên vườn hoa văn hóa giàu bản sắc, là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao giá trị văn hóa truyền thống. Song trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước và hội nhập thế giới hiện nay đã ảnh hưởng đến các loại hình văn hóa dân gian cũng như các trang phục truyền thống các dân tộc bị phôi phai. Nhận thức được vai trò của phụ nữ trong việc giữ gìn và phát triển văn hóa các dân tộc, trong những năm qua, Hội LHPN Lâm Đồng đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên góp phần gìn giữ bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống thông qua văn hóa tín ngưỡng lễ hội, trò chơi dân gian, trang phục truyền thống nhằm khẳng định sắc thái riêng của mỗi dân tộc. Hội viên phụ nữ là người tiếp nối các giá trị văn hóa đích thực của cộng đồng, gia đình, dòng họ, không chỉ để thỏa mãn nhu cầu vui chơi, ăn mặc cho bản thân mà còn có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc.
 
DIỆU HIỀN