Lửa muộn

08:11, 19/11/2015

Gieo mình xuống ghế, tôi lần hồi hình dung ra cô giáo Loan thanh thoát với gương mặt trái xoan, tóc dài thả chấm ngang lưng thon, mắt huyền mơ mộng. 

Minh họa: P.NHÂN
Minh họa: P.NHÂN
Reng, reng, reng! Reng, reng… “A lô! Tôi nghe!”. Đầu bên thoảng hơi thở gấp, giọng nữ chầm chậm: “Xin lỗi số máy anh Thanh?”. Nhận tiếng người lớn tuổi, tôi đáp: “Vâng! Cô là…”. “Chào anh, tôi hỏi thăm thầy giáo Thao có được khỏe không?”. “Dạ, gần tám mươi nhưng chỉ sổ mũi nhức đầu khi trái gió trở trời. Mà sao cô biết ông nội các cháu?”. Ngập ngừng, “Tôi là Loan dạy học ở Đạ Tẻh, à xưa là xã Lộc Trung, huyện Đạ Huoai. Năm 1986, huyện tách thành các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Biết thầy anh khi vào kinh tế mới những năm đầu một chín tám mươi... Anh chuyển công tác, hỏi mãi mới ra…”. Tôi buột reo: “Cháu nhớ. Cô đang ở đâu?”. “Tôi đi điều dưỡng tại Đà Lạt…”.
 
Gieo mình xuống ghế, tôi lần hồi hình dung ra cô giáo Loan thanh thoát với gương mặt trái xoan, tóc dài thả chấm ngang lưng thon, mắt huyền mơ mộng. 
 
* * *
 
Cuối năm 1977, tiễn con trai mười tám tuổi tại bến phà Tân Đệ vào học Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, bố nắm chặt tay tôi, khẽ khàng: - Bố hiểu, con định ở nhà lao động đỡ đần gia đình. Muốn nên người phải lo đường học hành. Đà Lạt đẹp, đất nhân văn, cứ yên tâm mà đi!
 
Ra trường tôi dạy ở ngoại ô Đà Lạt. Năm 1981, như bị dội gáo nước sôi khi nhận thư bố: “Mẹ vẫn ốm lằng nhằng! Ở quê không làm ăn tập thể theo kiểu “đánh kẻng ghi công”. Ruộng hợp tác chia các hộ nhận khoán 100, bà con làm nhiều hưởng nhiều. Chỉ hiềm nhà ta không có lao động, các em còn nhỏ… “Tứ thập nhi bất hoặc”, bố hiểu sự đời và biết phải trái trong gia cảnh cam go… Bố đã nghỉ dạy học. Đành để mẹ và em trai con sắp học xong cấp 3, nhỏ út ở lại. Sổ lương hưu của bố cùng mấy sào ruộng khoán chắc đủ xo xoáy ăn tiêu. Em gái con khăng khăng không học cấp 3, nó đang theo bố đi kinh tế mới ở huyện Đạ Huoai. Biết cùng tỉnh mà đường lên Đà Lạt xa, bố chưa thăm được…”. Nuốt khan nước mắt vào lòng, muốn gào lên “Trời! Tới đận này ư?” mà không bật thành tiếng! Kỳ nghỉ hè, tôi vội vàng mua thùng mì gói, ít quần áo, thuốc men, chồng sách báo… ra bến đứng gần hết ngày mới nắm được vé xe chiều về Phương Lâm - Đồng Nai. Xe chạy rù rì tới gần nửa đêm mới tới ngã ba Madagui. Vào Trạm kiểm lâm xin ngủ nhờ. Sáng, anh em bảo: - Vào Lộc Trung chỉ có nước đi “xe của bộ”. Lếch thếch dưới nắng chang chang với chặng đường gần 30km lổn nhổn đá sỏi vặn vẹo, gập ghềnh ổ trâu ổ voi bởi xe reo chở gỗ lặc lè hằn bánh, đến chiều tôi mới tìm thấy bố. Hè ấy, quần quật cùng bố và cô em gái hì hục đánh gốc cây rừng cháy nham nhở, phạt bào tre, lật cỏ tranh, cuốc sình trồng lúa, gieo bắp, trồng mỳ… Dáng bố dỏng cao, giờ càng sắt lại. Mái tóc bồng bềnh lốm đốm sương. Bàn tay mềm cầm phấn trắng năm nào giờ nổi gân guốc, chai cứng. Nắng gió cao nguyên nhuộm da ông đen đúa như người Mạ, S’tiêng trong vùng. Đêm đêm bên bếp lửa, ông thường nhẩn nha: - “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. “Qua cơn bĩ cực, tới hồi thái lai”! Những ngày này, lòng tôi đắng đót bởi là con trưởng, anh 3 đứa em lít nhít trứng gà trứng vịt, ở xa không hay gia cảnh cơ hàn. Lâu nay, thư bố giấu mà có biết thì cũng vặn tay lực bất tòng tâm vì thời ấy mấy ai không bị dằn vặt bởi cơm áo đời thường. Cán bộ, công chức tháng nửa ký gạo còn lại độn bo bo, bắp, bột mỳ. Cánh nhà giáo tếu táo: giáo chức là dứt cháo… Sau này, chú em kế là đại tá quân đội nhân chén rượu ngày Tết, thường ngó tôi thủng thẳng: “Bác trưởng nhưng là trưởng giả. Còn em thứ song thứ thiệt”. Rơm rớm nước mắt, chú than: “Bố vào Nam, em buổi học, buổi cuốc ruộng, kéo bừa thay trâu. Có lần mẹ ốm, cùng thằng bạn thân gò lưng cáng võng bà chạy hơn 10 cây số lên viện tỉnh. Nay nhà ở quê đã lên tầng, mùa hè có máy lạnh… Thời mái rạ thì mỗi lần mưa bão… Một bữa, gió giật lồng lộn, mưa sầm sập, em leo để phủ lại mái bị tốc, gió bạt xuýt quật vèo từ nóc nhà xuống sân… Số bác quá nhàn”! Ôn cố tri tân nhưng chú em có ý so bì, trách móc thì tôi cũng chịu. Chả lẽ phân trần nỗi đau đớn, giằng xé nội tâm chỉ mình biết. Thanh minh ai hay, ai hiểu! “Nước xa chẳng cứu được lửa gần”, bao đêm tôi nửa thức nửa mơ chập chờn dự tính: Xin về dạy ở Vùng Ba. Sát cánh với bố làm kinh tế rồi đoàn tụ gia đình. Cao nguyên mênh mông, màu mỡ tuy gian khó đấy nhưng làm ra hạt lúa, củ khoai dễ hơn làng quê đất chật người đông, người khôn của khó… Là giáo viên văn cấp hai, bố có thể trở lại với nghề! Cuối hè, tôi nằn nì nghỉ phép ra quê, đưa thằng út vào học lớp 4 ở Đà Lạt. 
 
Cuộc đời vô thường, mấy ai sắp đặt, lèo lái mọi sự theo ý mình. Ngỏ ý chuyển vùng, hiệu trưởng quát: - Hâm! “Ruồi vàng, bọ chó, sốt rét Vùng Ba”. Xuống đấy ngã bệnh, giúp được ai! Tớ là con trưởng, nhà nghèo vùng “trâu ăn đá, gà ăn sỏi”, chia sẻ với cậu. Nhưng lúc này chưa đi được. Cứ công tác tốt và chăm lo thằng nhỏ học hành, lâu lâu gửi tiền cho bố. Thế là thiết thực nhất!  
 
Hè sau, mới rời Lộc Trung hơn tháng, những giọt nước mắt tôi nhỏ xuống trang thư: “Nhận tin mẹ đau hơn. Sốt ruột, bố đã về quê. Yên tâm, bố sẽ chống chèo con thuyền nhà mình vượt qua bão tố!”.
 
Chuyện đã rồi, biết làm sao… Thời ấy đi lại Bắc Nam mất 4 - 5 ngày ngồi nhồi nhét trong tàu, xe và đâu dễ mua vé. Hết năm học tiếp, tôi được chuyển ngành và cơ quan cử ra học đại học ngoài Hà Nội. Hai anh em mừng mừng tủi tủi chia tay bạn bè ra Bắc. 
 
* * *
 
Cô giáo Loan dạy ở Đà Lạt mấy năm tình nguyện về dạy cấp I ở vùng đồng bào dân tộc Mạ, xã vùng sâu vùng xa Lộc Trung. Tin lan truyền, người nghĩ chắc “thần kinh không bình thường”. Người tiếc “bông hoa rừng”, “chiếc lá non tươi” chẳng mấy tàn héo nơi “khỉ ho, cò gáy”. Kẻ nguýt dài: Chẳng mấy bữa sẽ “bái bai” thôi! Mặc thiên hạ đồn thổi, Loan sớm hòa nhập sinh hoạt kham khổ, say sưa với công việc. Ngày chủ nhật chẳng quản đường xa, đi sớm về muộn, cô lặn lội vào buôn, vận động phụ huynh không nên bắt con trẻ chăn trâu, làm rẫy quá sớm, phải đưa các cháu đến trường học cái chữ. Quê Nghệ Tĩnh, giọng cô pha âm điệu Đà Lạt dịu dàng, mềm mại; sôi nổi và nhiệt thành. Cô Loan hơn tôi chừng 7 năm. Cán bộ xã, ở trường xì xào: Người xinh, nết đẹp lại phải lòng anh kiểm lâm người Mạ, định vùi đời ở xó rừng này ư! Đồng bào trong buôn nghi cô có bùa ngải nên hớp hồn thằng Điểu K’Minh, khiến nó lú lẫn. Đôi lần ghé trường thăm các đồng nghiệp, gặp cô Loan và Điểu K’Minh, tôi thấy họ quả trai tài gái sắc, xứng đôi vừa lứa nhưng thâm tâm cũng thầm ái ngại cho mối tình này. Điểu K’Minh tốt nghiệp trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc. Thân hình anh cao, vạm vỡ, mũi dọc dừa, ánh mắt nâu hiền hậu; đá bóng và chơi gui-ta đều hay; giọng hát ấm, cao vút như đỉnh núi, trầm như vực sâu. Thanh âm cô Loan trong trẻo tựa chim lảnh lót, suối reo ban mai; mượt mà với làn điệu dân ca ví dặm quê hương sông Lam, núi Hồng. Những đêm văn nghệ địa phương tổ chức, tiết mục của cặp đôi được nao nức chờ đợi, rào rào vỗ tay. Nhất là nghe cô hát bài “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”… Dư luận đan xen tán đồng, gièm pha. Tâm lý, phong tục buôn làng, dòng họ không ưng trai Kon Chau (người Mạ) lấy vợ gái “Juôn” (Kinh)… đã dựng rào cản mối tình chớm nở nơi họ! Bẵng nhiều ngày, không thấy Điểu K’Minh. Cán bộ xã nói nó bị gia tộc cấm đoán, buồn chán, nghe lời kẻ xấu trốn sang Cămpuchia làm Fulrô rồi! Cánh chim chấp chới trong bão tố, Loan vẫn gắng gượng bám lớp. Thi thoảng vẳng nghe cô vời vợi da diết, thổn thức: “Giận thì giận mà thương thì thương/ Giận thì giận mà thương thì thương/ Anh sai đường thì em không chịu nổi/ Anh yêu ơi xin đừng có giận vội/ Mà trước tiên anh phải tự trách mình”…
 
* * *
 
- Tôi về hưu và lên Đà Lạt sống với gia đình con trai gần 10 năm. - Một sáng cuối năm, đến thăm cô Loan điều dưỡng tại Bệnh viện Đông y tỉnh; mái tóc hoa râm, gương mặt vẫn giữ nét thanh tú, rạng rỡ trông trẻ nhiều so với tuổi gần sáu lăm, cô niềm nở: - Anh chắc đôi năm nữa sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Thầy Thao có hay vào Đà Lạt chơi không? Những ngày thầy ở Lộc Trung, cánh giáo viên trẻ thương thầy lắm mà chẳng thể giúp! Với tuổi đời, tuổi nghề thầy là bậc đàn anh rất quan tâm tới chúng tôi… Vậy mà trên ba mươi năm, tôi bặt tin thầy!
 
Nhìn cô rút khăn mùi-soa chấm nhẹ hai khóe mắt, tôi cay cay sống mũi: - Vâng, cảm ơn cô nhớ tới bố cháu. Về quê, bệnh tình mẹ cháu có phần thuyên giảm… Mình ông bươn chải nuôi vợ ốm, con thơ học hành. Cũng đội nắng mưa làm thợ xây, ngược lên chợ Thất Khê, Lạng Sơn bán kính, sửa khóa… Có lần chen chúc tàu chợ từ Lạng Sơn về Hà Nội, mệt quá thiếp ngủ, bị kẻ gian ẵm trọn túi tiền… Cũng may, đất nước dần bước ra khỏi cơ chế bao cấp và đổi mới; mặt khác bọn cháu lần lượt trưởng thành, có điều kiện trợ giúp nên ông nhàn được gần hai mươi năm! 
 
Sau thoáng lặng im với ánh mắt xa xăm, cô Loan bồi hồi lên tiếng: - Chuyện Điểu K’Minh, anh biết! Khi anh ấy trốn sang Cămpuchia và bặt tích, tôi chơi vơi, nhiều lúc không thiết tha với cuộc sống… nhưng thầy đã là điểm tựa giúp mình gượng đứng lên! 
 
- Vậy ạ, cháu chưa hay!  
 
* * *
 
… Quần quật cuốc đất, trồng tỉa nhưng tâm hồn thầy giáo Thao vẫn thổn thức với thời “bảng đen, phấn trắng”. Nhà cách trường trên đồi cao không xa, nơi đây cũng là trụ sở UBND xã, khu tập thể vách gỗ mái tôn của giáo viên, thầy thường ghé lên mượn sách báo, đàm đạo văn chương. Thi thoảng xách theo mấy con thỏ, gà rừng bẫy được. Cũng là tay măng-đô-lin réo rắt nên nhiều tối nán lại cùng các thầy cô say sưa “Làng tôi”, “Quê em miền trung du”, “Bài ca người giáo viên nhân dân”… Chủ nhật, nhớ nghề lại ngồi trà lá say sưa trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, nắm bắt tâm lý học sinh… Thầy Thao điềm đạm, diễn giải, trình bày các vấn đề sinh động, dễ hiểu, giàu kiến thức và vốn sống thực tế. Mọi người có điều băn khoăn trong nghề nghiệp luôn tìm thấy lời giải đáp xác đáng từ đồng nghiệp “sa cơ lỡ vận”. Nhà trường mời thầy tham gia dạy lớp “Ánh sáng văn hóa” xóa mù chữ cho đồng bào Mạ, thầy Thao nhận lời và hào hứng với công việc. Biết chuyện Loan đang xốc bởi việc Điểu K’Minh bỏ đi theo con đường lầm lạc, thầy và các giáo viên thường tới trò chuyện, khuyên giải. Cùng cán bộ xã, thầy đến gặp bố mẹ Điểu K’Minh vận động họ tìm cách gọi anh trở về. Gia đình Điểu K’Minh cảm động trước sự chân tình của giáo viên “Juôn”, quý mến và thương cô Loan. Họ trách mình nhẹ dạ mắc lời kẻ xấu xúi gạt, bạp (bố) Điểu K’Minh chống gậy lên trường thăm cô Loan: - Nó về, sẽ nhờ “căn gôi pao” (người mai mối) đến hỏi cưới cô giáo làm vợ Điểu K’Minh. Nhưng nhà già không có nhiều chóe, trâu đâu! 
 
Gần hai mùa rẫy qua, dân làng xáo máo chuyện đứa con từ bỏ buôn làng vẫn lẩn quất nơi cánh rừng bên kia biên giới. Nhịp sống ở trường trở lại như trước, riêng Loan bớt hồn nhiên, trầm lắng hơn. Hai đuôi mắt dài lờ mờ hiện mấy vết chân chim…   
 
Chiều. Nhận lời cùng Loan tới thăm, mang thuốc cho một học sinh bị sốt rét. Chừng tám giờ tối, hai người chia tay po hìu (chủ nhà) rời hìu rọt (nhà dài) bập bùng ánh lửa ra về. Men theo lối mòn bên sông Đồng Nai rì rầm, dưới ánh trăng hạ tuần, đại ngàn mơ màng chìm đắm trong màn sương thanh khiết, thầy Thao chợt hít sâu làn hương hoa bưởi thoảng lan từ suối tóc dài xõa kín lưng Loan. Ngước vầng trăng non cong tựa miếng trầu vàng, Thao chợt nao nao nhớ vợ ở quê. Vợ anh là một thôn nữ xinh đẹp, nết na, đảm đang. Hai người nên nghĩa vợ chồng do đôi bên các cụ sắp đặt. Sẽ là một nếp nhà hạnh phúc nếu không xảy ra biến cố một lần gánh lúa bên bờ mương, cô ấy vấp chân ngã, tai biến dẫn tới liệt nửa người. Biết chồng vất vả, lo toan cho mình và các con thơ, vợ Thao dằn vặt. Nhiều đêm cô ấy tấm tức khuyên: Em bệnh thế này, đành cam chịu nhưng anh không thể hy sinh được. Anh nên tìm người phụ nữ, nếu được là một cô giáo tốt để chăm sóc anh và cùng lo cho mấy con nhỏ! Miên man, Thao nghĩ phận vợ chồng mình đành cam chịu nhưng sao đời nỡ để Loan như mảnh trăng hao khuyết? Khẽ thở dài, anh quay sang Loan, ánh mắt chợt chạm vồng ngực căng tròn nổi bật bởi hai vạt dây gùi địu sau lưng. Trong anh ngỡ có dòng điện chạy qua. Thao bối rối hỏi vu vơ: - Tết này, cô Loan có về quê...? Dòng sông Lam chắc xanh lắm? Ánh mắt sóng sánh ánh trăng, Loan ríu rít chuyện trò. Tới bến con suối hòa vào dòng sông Đồng Nai ngàn năm rầm rì huyền thoại, hai người ào xuống khỏa làn nước mát. Ngẩng đầu vuốt mái tóc ướt, Loan buột trầm trồ: - Trăng đẹp quá thầy ơi? Tháng sau Trung thu, mình phải tổ chức cho các em đón trăng thật vui! 
 
Ngó Loan vê hai ống quần quá đầu gối lộ cặp vế thon nõn nà, Thao bần thần… Thân anh nóng giẫy như có dòng nham thạch sắp tuôn trào. Tâm trí mình mê muội mất! - Nghĩ vậy, anh vội cúi vã nước lên đầu…
 
- Thầy à! Em muốn tắm một chút? - Loan khẽ hỏi! 
 
Thao luống cuống: - Ấy, mau nhé! Thầy lên bờ đây!
 
Loan ùa ra và ngụp dưới suối, cô nhô lên, quần áo ướt bó sát thân hình lượn những đường cong gợi cảm. Khúc khích cười, té nước ào ạt lên Thao, bỗng cô chới với, thảng thốt: - Ối, ối, chuột rút! Thao hốt hoảng ào tới đỡ ngang lưng, dìu Loan vào bờ: - Có sao không? Thôi nhé! Chưa dứt lời, đôi tay mềm mại của Loan đã choàng riết vai Thao, thân hình run rẩy rướn lên, đôi môi nóng bỏng cuống quýt tìm bờ môi anh: - Thao, anh! Cuốn vào nhau, hai người loạng choạng lần tới mép bến nước. Hổn hển dần khuỵu xuống bờ cát, Loan ghì vít đầu Thao… Không gian tĩnh mịch chợt ran tiếng súng đùng đoàng, đùng đoàng… Bốn phía hò hét náo động, tiếng kẻng báo động dồn dập. Thao vội nằm lên che chở tấm thân mát rượi. Chỉ vài giây, vòng tay xiết chặt eo Loan dần lơi ra, anh mềm người áp mặt lên vồng ngực ngọc ngà căng mẩy phập phồng nhịp thở gấp gáp. Anh thẫn thờ ngồi dậy ngó về phía những lằn đạn đỏ lừ đan chéo xé rách đêm thanh, khẽ nâng Loan, thì thầm: - Loan, anh không thể! Mình phải nhanh về trường, bọn Fulrô đã tập kích doanh trại bộ đội. 
 
Ngơ ngác như vừa rời cơn mộng du, Loan bần thần lần cài mấy cúc áo. Cô đứng lên bá vai Thao, tức tưởi: - Em đã không phải. Thầy tha lỗi! 
 
Tiếng súng dần ngưng, hai người lặng lẽ ra về, bóng họ có lúc như dính lại chẳng muốn lìa. Đến dốc lên trường, Thao lần nắm bàn tay Loan: - Loan ơi! Tình yêu vẫn ở phía trước chờ em! Mạnh mẽ và cứng cáp lên! Em xứng đáng được đón nhận hạnh phúc! Anh tin Điểu K’Minh sẽ sớm trở về!
 
Chừng mười ngày sau, thầy hớt hải vào trường báo tin phải gấp gáp hồi hương.
 
* * *
 
- Chuyện nhà trường chúng tôi trân quý thầy Thao là thế đấy anh ạ! - Cô Loan chống tay đặt trên bàn nước đỡ cằm, nén tiếng thở dài rồi mỉm cười: - Anh báo tin thầy biết tôi khỏe và cũng đã có 4 cháu nội, ngoại với Điểu K’Minh như điều thầy mong! Có dịp anh đưa thầy trở lại, xã Lộc Trung xưa đã thành thị trấn Đạ Tẻh sầm uất lâu rồi!
 
- Vâng, thời gian biến đổi vạn vật! Câu chuyện về cô và bố con thì như mới ngày nào! - Tôi nắm bàn tay ấm áp của cô Loan. Ngoài cửa sổ, rừng thông vi vút hoan ca trong lấp lánh nắng vàng tơ, bầu trời xanh ríu ran tiếng đàn chim én chao liệng gọi mùa xuân!
 
Đà Lạt, 3/11/2015
 
Truyện ngắn: NGUYỄN THANH ĐẠM