Nghệ thuật múa Việt Nam 70 năm gắn bó, đồng hành và thủy chung với cách mạng

08:11, 12/11/2015

Ngày 11/11, tại Đà Lạt, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học "Nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam hình thành và phát triển" với sự tham dự của các nhà khoa học, các nhà biên đạo, nghệ sĩ múa đầu ngành đến từ các đoàn nghệ thuật, các cơ sở đào tạo nghệ thuật múa trong cả nước.

Ngày 11/11, tại Đà Lạt, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam hình thành và phát triển” với sự tham dự của các nhà khoa học, các nhà biên đạo, nghệ sĩ múa đầu ngành đến từ các đoàn nghệ thuật, các cơ sở đào tạo nghệ thuật múa trong cả nước. 49 tham luận của 2 giáo sư, 2 phó giáo sư, 7 tiến sĩ, 14 thạc sĩ, 6 nghệ sĩ nhân dân, 6 nghệ sĩ ưu tú, 1 nhà giáo nhân dân, 8 nhà giáo ưu tú... đã mang đến hội thảo cả trí tuệ, tinh thần và trách nhiệm đối với sự nghiệp phát triển nghệ thuật múa nước nhà. 
 
Tiết mục “Mùa xuân trên quê hương”
Tiết mục “Mùa xuân trên quê hương”

Đề dẫn của PGS.TS.NSND Ứng Duy Thịnh nêu rõ: Trải qua những chặng đường lịch sử, 70 năm gắn bó, đồng hành và thủy chung với cách mạng, các thế hệ nghệ sĩ múa đã không ngừng nỗ lực vươn lên, lao động sáng tạo, phục vụ và có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển văn hóa - nghệ thuật của đất nước. Trong thành tựu ấy, nghệ thuật múa có một vị trí quan trọng, cần thiết trong bức tranh tổng thể của sự nghiệp văn hóa - văn nghệ Việt Nam. 
 
Nhiều tham luận của các nghệ sĩ lão thành như những câu chuyện kể của những nhân chứng đã đi qua 2 cuộc chiến tranh vệ quốc như những tư liệu lịch sử khách quan mang đậm tính nhân văn như: Nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam - 70 năm bắt nguồn từ truyền thống sáng tạo (NSƯT Hoàng Hà), Nghệ thuật múa vùng Đông Nam bộ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc (TS Nguyễn Thành Đức), Nghệ thuật múa ở chiến trường khu V thời đánh Mỹ (NSND Lê Huân), Nghệ thuật múa Việt Nam trong chiến tranh (TS.NSND Ứng Duy Thịnh), Nghệ thuật múa trong chiến tranh chống Pháp và trong thời kỳ phát triển xây dựng ở Tây Bắc (NSƯT Bùi Chí Thanh), Nghệ thuật múa cách mạng Nam bộ (NSƯT Xuân Hanh)... 
 
Không chỉ đánh giá, tổng hợp và khẳng định những thành tựu cơ bản của các lĩnh vực chuyên ngành nghệ thuật múa (sáng tác, lý luận, đào tạo, biểu diễn); các đại biểu đã thảo luận cởi mở xung quanh các vấn đề về: Thực trạng nghệ thuật múa Việt Nam hiện nay và những giải pháp, vai trò trách nhiệm của Hội nghệ sĩ múa Việt Nam trong sự nghiệp phát triển nghệ thuật múa cách mạng. Cụ thể là: Nghệ thuật múa với chức năng xây dựng nhân cách con người Việt Nam (NSND Chu Thúy Quỳnh), Nghệ thuật múa với đời sống xã hội (NSƯT Hoàng Hải), Nghệ thuật múa phong trào đang hướng tới tính chuyên nghiệp (NSƯT Như Bình), Nghệ thuật múa trong học đường - ý nghĩa trong việc giáo dục thẩm mỹ cho học sinh (Ths. Nguyễn Quỳnh Lan), Công tác nghiên cứu khoa học đối với nghệ thuật múa dân tộc (Ths.NGƯT Nguyễn Thúy Nga), Diện mạo múa đương đại Việt Nam (Ths.Lê Hải Minh), Hồn dân tộc trong múa đương đại - tính đương đại trong múa dân tộc (Ths.Thanh Hoa), Vai trò của các tác phẩm múa với hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống (Ths.Lê Thị Quỳnh Phương), Tiếp thu có chọn lọc trong giao lưu, hội nhập với văn hóa múa thế giới (Nghệ sĩ Đỗ Thị Ninh Nga)... Hội thảo là cơ hội để một lần nữa những người có trách nhiệm với nghệ thuật múa cùng nhìn lại những chặng đường đã qua, nhận diện rõ hơn, sâu sắc hơn vẻ đẹp của quá khứ, để bình tĩnh, tự tin trong hành trình hướng tới tương lai. 
 
Một số ý kiến tại hội thảo:
 
* GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh: Nghệ thuật múa phải bám rễ và được xây dựng trên nền tảng văn hóa Việt Nam, vừa mang tính dân tộc, khoa học, đại chúng; vừa phải tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Định hướng ấy là nguồn cổ vũ, là sức mạnh, là nền tảng, là cơ sở khoa học, cơ sở lý luận quan trọng đối với những người làm công tác lý luận phê bình múa.
 
* NSND Chu Thúy Quỳnh: Nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam ra đời muộn hơn (1946) các lĩnh vực nghệ thuật khác, nhưng đã kịp góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ, những nét múa dân gian dân tộc thể hiện tinh thần mới, dáng nét mới của con người cách mạng. Trải qua 70 năm nghệ thuật múa đồng hành cùng dân tộc, chuyển tải những trang sử hào hùng bằng chất liệu, ngôn ngữ riêng đã làm cho bạn bè thế giới nhanh chóng biết đến đất nước Việt Nam có những con người mang nhân cách đẹp, dũng cảm, nhân ái, yêu hòa bình. 
 
Nghệ thuật múa chân chính hướng con người đến giá trị chân - thiện - mỹ. Làm gì để góp phần xây dựng nhân cách con người Việt Nam trước nguy cơ suy thoái giá trị đạo đức trong cuộc sống hiện đại hôm nay? Đó là câu hỏi lớn đòi hỏi các nghệ sĩ múa không ngừng sáng tạo, tạo nên những tác phẩm có ý nghĩa, mang vẻ đẹp nhân văn, xây dựng giá trị chân, thiện, mỹ của Tổ quốc, của nhân dân.
 
* Nhà giáo ưu tú Nguyễn Bá Thái: Ngày nay, nghệ thuật múa đã có mặt ở hầu hết các chương trình biểu diễn nghệ thuật và đóng vai trò nòng cốt giúp cho các chương trình trở nên hấp dẫn, sống động, tráng lệ. Với sức lan tỏa mạnh mẽ, tươi trẻ và độc đáo, nghệ thuật múa Việt Nam được bạn bè thế giới ca ngợi trong những liên hoan múa quốc tế. Tiếp thu những nét đẹp của tinh hoa nghệ thuật múa thế giới để bổ sung cho nền nghệ thuật múa nước nhà là cần thiết và luôn đúng. Nhưng tiếp thu cũng phải có chọn lọc, phải thấy rõ những cái không cần, không đáng học ở thế giới múa bao la phức tạp, từ đó tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đích thực, xuất sắc phục vụ nhân dân.
 
* Ths.Nguyễn Quỳnh Loan: Nghệ thuật múa có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thẩm mỹ cho học sinh. Theo các nhà nghiên cứu, những hoạt động liên quan đến nghệ thuật giúp phát triển sự sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề, tăng cường trí nhớ, khả năng phối hợp vận động cơ thể và kỹ năng phân tích của trẻ. Trẻ tiếp xúc với nghệ thuật sớm sẽ có chỉ số thông minh, tính sáng tạo cao, phát triển tâm lý, tình cảm hài hòa, dễ thích nghi... góp phần thành công hơn trong tương lai. 
 
Giáo dục thẩm mỹ, trong đó có nghệ thuật nhảy múa sẽ tạo cho các em tự tin từ điệu đứng đến dáng đi. Từ đó cũng hình thành trong các em năng lực sáng tạo nghệ thuật, lòng ham muốn và khả năng đem cái đẹp vào đời sống học tập, lao động và ứng xử, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, hoàn thiện nhân cách trong quá trình trưởng thành.
 
QUỲNH UYỂN