Chim núi bay về cội

10:12, 31/12/2015

Một lần lang thang về Bộ Bê, nơi rất sâu và rất xa của xã Gia Bắc (Di Linh), tôi đã được những đứa con của "mẹ rừng" đãi thứ múa xoang mộc, tùy hứng không phải xoay diễn trên sân khấu.

Một lần lang thang về Bộ Bê, nơi rất sâu và rất xa của xã Gia Bắc (Di Linh), tôi đã được những đứa con của “mẹ rừng” đãi thứ múa xoang mộc, tùy hứng không phải xoay diễn trên sân khấu. 
 
Người K’Ho cho rằng, cái có giá trị, ấy là cái tạo nên thích thú. Cái không tạo nên thích thú, đối với họ, cần thiết nhưng chỉ là phụ thôi. Trong số những cái có giá trị, có việc người K’Ho tấu chiêng, uống rượu cần và múa xoang.
 
Cồng chiêng và múa xoang trong lễ hội
Cồng chiêng và múa xoang trong lễ hội

Múa xoang là một loại hình người K’Ho sử dụng để giao tiếp với Yàng. Cũng như âm nhạc cồng chiêng, thứ ngôn ngữ duyên dáng mà thâm uyên, múa xoang là tiếng nói đa dạng và phong phú của những người con Tây Nguyên đêm đêm trò chuyện cùng nhau, chia sẻ cùng nhau mọi vui buồn. Đêm ấy, khi những âm thanh cồng chiêng huyễn hoặc, ma mị nổi lên, rất tiếc lại được phát ra bởi một thiết bị điện tử, nhưng cũng chả sao miễn chịu khó lắng nghe, chăm chú nghiêng tai xuống nó với tất cả tâm hồn, sức sống bất tận của văn hóa Tây Nguyên vẫn bật dậy xanh tươi mơn man như thường, tôi thấy những đứa con của “mẹ rừng” bỗng nhập vào một không gian, một thế giới nào đó khác, của riêng họ, không gian xoang, không gian của những vũ điệu thoát tục. 
 
Thoạt đầu, động tác còn rủ rỉ, dìu dặt. Sau nữa, động tác càng thổn thức, dồn dập, khẩn khoản. Bất chợt, động tác múa lại nổi bổng lên, rồi đột ngột trầm xuống, lắng xuống, vừa như tuyệt vọng, vừa như an ủi, tự an ủi và thống thiết buồn đến lạnh người. Chỉ thô mộc thế thôi mà âm vang thì rất lạ, như gió thoảng, như tiếng vang đâu đó mơ hồ mà thổn thức của rừng, cũng có khi có thể âm thầm da diết như một tâm sự khó nói ra, cũng có lúc bỗng xôn xao, rộn rịp tưởng chừng có thể hình dung cảnh một đám sơn nữ chen chân đến một lễ hội nào đó và biết đâu trong số sơn nữ ấy có người sẽ gặp gỡ duyên nợ đời mình.
 
Tôi thật sự kinh ngạc vì cái sự tinh tế trong cái vẻ thô mộc của nó. Giản dị, đơn sơ, chẳng chút phấn son mà sáng lòa, rực rỡ. Đấy là xoang. Trầm hùng mà bay bổng, dịu dàng mà dứt khoát, uyển chuyển mà khô cứng, rạo rực mà đằm thắm. Đấy cũng là xoang. Và, đây cũng là lần đầu tiên trong đời tôi được biết động tác múa có thể làm ra ánh sáng, rừng rực, như mặt trời, như lửa. Tôi cố gắng để hiểu nguyên cớ là làm sao mà những con người hết sức bình thường, như bất kỳ người K’Ho nào ta gặp trên đường, với thân hình đặc trưng của con gái Tây Nguyên rắn khỏe là vậy, thô mộc là vậy, nhưng khi múa lại rất đẹp, rất bay và tinh tế vô cùng! Ấy là bởi vì, theo người K’Ho, múa có nghĩa thông linh với Yàng và là một nhu cầu tự bộc lộ không cưỡng được, mà đã là người K’Ho thì bất cứ người nào cũng nghe hiểu được. 
 
Cũng có thể bạn lại hỏi: Nhưng người múa xoang trong đêm ấy là ai mới được chớ? Xin thưa, người K’Ho không làm nghệ thuật mà sống nghệ thuật. Tên tuổi của họ gắn chặt với cộng đồng, cộng đồng K’Ho ở Bộ Bê và hành động múa của đêm ấy tự nó đã là tên rồi. 
 
Đêm đã ngả dần về sáng. Mọi người lục tục tỏa về các nhà. Trong khi mùi ngai ngái cỏ cây, mùi hoang dại rừng rú, mùi ẩm ướt sương đêm, mùi ngọn lửa hãy còn âm vang cùng tiếng con chim núi điểm khẽ vào nền đêm im lặng tưởng chừng vĩnh cửu của rừng.
 
TRỊNH CHU