Chuyện nhà tôi

09:12, 17/12/2015

Ba mẹ tôi chia tay, khi tôi mới tròn 6 tuổi. Ở cái tuổi đó, tôi chẳng hề có ấn tượng gì to tát cả. Sau khi ly dị, mẹ tôi trở về sống ở nhà ông bà ngoại, chỉ cách nơi ba con tôi sống có ba căn nhà. Tối đến, tôi thường chạy sang ngủ với mẹ, còn ban ngày tôi lại về với ông bà nội. Cả hai bên nội, ngoại đều tỏ ra quan tâm và chăm sóc tôi hơn trước.

Ba mẹ tôi chia tay, khi tôi mới tròn 6 tuổi. Ở cái tuổi đó, tôi chẳng hề có ấn tượng gì to tát cả. Sau khi ly dị, mẹ tôi trở về sống ở nhà ông bà ngoại, chỉ cách nơi ba con tôi sống có ba căn nhà. Tối đến, tôi thường chạy sang ngủ với mẹ, còn ban ngày tôi lại về với ông bà nội. Cả hai bên nội, ngoại đều tỏ ra quan tâm và chăm sóc tôi hơn trước.
 
Minh họa: H.T
Minh họa: H.T

Thỉnh thoảng tôi vẫn thường nghe người lớn kể lại, ngày xưa ông nội và ông ngoại tôi là hai người bạn vẫn thường chơi cờ tướng với nhau. Cứ chiều, sau giờ cơm là cả hai ông lại đưa bàn cờ ra vỉa hè đọ tài cao thấp. Cả ba và mẹ tôi đều bị hai ông sai khiến phục vụ đủ điều. Ba mẹ quen nhau từ đó, rồi lớn lên, cùng đi học và rồi thành vợ, thành chồng. Hôm đám cưới ba mẹ tôi, trời bỗng dưng đổ mưa khá lớn. Cụ tôi thấy thế, thở dài: “Mưa thế này là điềm gở lắm đây!”. Ông nội tôi liền cười mà bảo rằng: “Ái chà! Cụ cũng mê tín quá nhỉ! Chúng nó quen rồi thân nhau từ thủa còn mặc quần thủng đít, trắc trở thế nào được”. Tuy vậy, theo các bác cao tuổi ở quanh nhà tôi vẫn thường kháo với nhau rằng, đám cưới của ba mẹ tôi vẫn là đám cưới vui nhất. Ấy thế mà cụ tôi đã nói đúng. Chỉ sau khi tôi ra đời được một thời gian ngắn, ba mẹ tôi đã chia tay, trong sự ngạc nhiên của nhiều bà con lối xóm.
 
Là cháu đích tôn, tôi được ông bà nội giữ lại nuôi. Kinh tế gia đình ông bà nội cũng vào loại khá giả, nên tôi luôn được ăn ngon, mặc đẹp. Cho đến ngày ba tôi quyết định lấy vợ mới và bắt tôi phải gọi người ấy bằng mẹ. Chính khi đó, tôi mới bắt đầu cảm thấy lòng mình mất mát, trống trải. Mẹ, đối với tôi là một từ quá đỗi thiêng liêng và chỉ có thể là người đã sinh ra tôi, cho tôi từng giọt sữa, chắt ra từ tấm thân gầy guộc của người. Thế mà bây giờ tôi lại bị ba bắt gọi một người khác bằng mẹ, dù rằng, người mẹ thực sự sinh ra tôi, vẫn còn sống và hằng đêm tôi vẫn đến ngủ với bà. Chính điều này đã làm cho tôi như thấy rõ sự mất mát, trống vắng. Điều đó đã làm tôi khóc suốt mỗi khi đêm về mà ba không cho tôi sang cùng mẹ.
 
Thế rồi, ông bà nội tôi mất trong một tai nạn giao thông thảm khốc. Ba tôi thừa hưởng gần như toàn bộ tài sản, trong đó có cả căn nhà rộng rãi, to đẹp nhất làng. Chỉ sau một thời gian ngắn, ba bán đi một phần ngôi nhà cả vườn tược để lấy tiền mua xe máy, đồng hồ đắt tiền, giày dép, quần áo… tất cả đều là hàng hiệu, đắt tiền. Và chỉ sau có mấy tháng, hầu như toàn bộ gia sản của ông bà nội tôi để lại đã không cánh mà bay. Ba tôi phải vào thành phố Hồ Chí Minh làm ăn và cũng là để trốn các chủ nợ. Nghe mọi người nói, ba tôi chơi số đề, cá độ bóng đá, và đều bị thua sạch.
 
Những ngày ba tôi vắng nhà, tôi thường thấy bà mẹ kế cặp kè với một người đàn ông khác, có vẻ giàu có hơn ba tôi. Bởi khi nào ông ta đến, lúc thì đi chiếc SH mới cứng, lúc thì đi bằng xe ô tô con bóng loáng. Mẹ kế tôi không thể sinh nở, nghe nói hồi còn trẻ, bà đã nhiều lần nạo phá thai, cho nên bây giờ tha hồ bà ta sống buông thả với gã tình nhân, ngay chính trong ngôi nhà của ba. Trong một lần ba về nhà, tôi đã tìm cách tiết lộ “chuyện động trời” này, nhưng không những ông không tin mà tôi còn bị ba quát mắng. Ba nói tôi chỉ giỏi bịa chuyện, vì vợ của ông ấy vẫn luôn nhớ về ông, vẫn thường xuyên gửi thư, với những nội dung chứa chan tình yêu thương và động viên ông cứ yên tâm làm ăn.
 
Mọi việc tưởng sẽ êm đẹp như vậy, nếu không có một lần ông về nhà trong đêm rất bất ngờ, và mọi chuyện khi đó mới vỡ lở, khi mà ngay trên chiếc gường của vợ chồng ông, gã nhân tình trẻ của bà vợ kế đã không kịp mặc quần áo, cứ để vậy mà trốn chạy trong đêm. Không nói dài dòng, ba tôi đuổi bà vợ kế lăng loàn ra khỏi nhà, đồng thời bán luôn căn nhà trả nợ, còn dư một ít, ông mua một căn chung cư và một mảnh vườn cà phê. Ba nói với tôi rằng, phải thay đổi môi trường sống để làm lại từ đầu. Rồi ba cưới cô Hoa, một người phụ nữ mà ba đưa từ Thành phố Hồ Chí Minh về. Đó là một người quê ở Quảng Ngãi, hoàn cảnh gia đình cũng có éo le, trôi dạt vào thành phố làm ăn. Ba kể với tôi rằng, ông quen cô nhờ lần đưa cô đi cấp cứu vì tai nạn giao thông. Các bác sĩ nói rằng, chỉ cần chậm khoảng 15 phút nữa thì tính mạng của cô đã không thể cứu nổi. Chính sự hào hiệp đó của ba, mà một lần nữa tôi lại phải gọi một người đàn bà xa lạ là mẹ.
 
Đã từng sống những ngày khổ cực với bà mẹ kế trước, tôi hết sức chán nản và thường bỏ đến nhà mẹ đẻ, nhưng cũng chỉ được vài lần thì xảy ra chuyện. Bởi ông chồng mới của mẹ không hề thích sự có mặt của tôi. Ông ta luôn tìm cớ để nhục mạ tôi là con của một kẻ bê tha cờ bạc. Đúng là ba tôi đã từng như vậy, nhưng tôi vẫn rất tức giận. Một sự tức tối của một đứa trẻ dù đã 15 tuổi nhưng vẫn còn lẻo khẻo, và đầy ý thức nổi loạn. Tôi chạy về lại nhà, không quên đạp vào hàng loạt chậu cây cảnh kê đầy góc sân. Bỗng tôi thấy chân tay chới với, đau điếng. Thì ra, tôi đã bị ông chồng mới của mẹ bóp chặt tay, gằn giọng: “Một chậu cây của tao còn giá trị hơn cái mạng cùi của ba con mày…”.
 
Tôi lủi thủi về nhà, và đau đớn nhận ra rằng, từ giờ trở đi mình phải tự sống mà không còn biết trông chờ vào ai nữa, đồng thời mình phải cứng rắn với bà mẹ kế mới. Bao nhiêu câu chuyện tàn ác của các bà dì ghẻ với con chồng cứ lần lượt hiện lên trong đầu tôi. Vì vậy, tôi quyết không để mình trở thành nạn nhân của bà mẹ kế này nữa.
 
Tôi vẫn chỉ gọi mẹ kế mới là cô Hoa chứ dứt khoát không gọi mẹ. Ba tôi nhiều lần tỏ ra không hài lòng về chuyện này, nhưng cô Hoa thì lại cười vui và nhẹ nhàng nói: “Chắc con chưa quen đâu. Anh cứ để cho nó tự nhiên, cái chính yếu đâu phải là xưng hô”. Nghe bà mẹ kế bênh vực, tôi cứ tỉnh bơ như không. Thậm chí, tôi còn nghĩ là chắc bà ta đặng ngon ngọt để lấy lòng tôi đó mà.
 
Ba tôi thường vắng nhà, nhưng khác với nhiều lần trước, những lần vắng nhà bây giờ là do ông chí thú làm ăn với mấy mẫu cà phê ở Di Linh. Ở nhà lại chỉ còn có tôi và cô Hoa. Và thế là tôi thường giở một số thủ thuật để xe máy của cô không thể nổ máy; rồi đường điện trong nhà thỉnh thoảng lại tối um; đường nước thì chảy lênh láng… chờ cho cô Hoa cuống lên tôi mới ra tay “sửa chữa”. Chỉ sau vài lần như vậy, tôi được cô khen “đáng mặt đàn ông con trai trong nhà”, điều này đã làm tôi khoái chí, hả hê.
 
Cô Hoa cũng có một đứa con riêng tầm tuổi tôi, hiện sống ở quê. Thỉnh thoảng nó cũng lên thăm mẹ. Nó sống với ba và cũng có một bà mẹ kế như tôi. Sự đồng cảm khiến chúng tôi dễ nói chuyện hơn.
 
Tuy cô Hoa tỏ ra luôn dễ chịu, nhưng tôi vẫn cố ý giữ khoảng cách. Tôi vẫn tâm niệm rằng, chẳng bao giờ có thể tin vào một người chẳng hề có quan hệ máu mủ gì với mình cả. Dù vậy, cô vẫn luôn tìm cách gợi chuyện với tôi, còn tôi thì trái lại, luôn tìm cách lảng tránh. Tôi cứ nghĩ, đến một lúc nào đó, tôi sẽ bị giọng điệu ngọt ngào của người phụ nữ này làm tôi mất cảnh giác. Ý nghĩ vẫn luôn thường trực trong đầu tôi là người phụ nữ này chỉ cố làm như vậy để lấy lòng ba tôi, chứ có thực lòng thương yêu gì tôi đâu. Cô ta lại có một đứa con riêng, biết đâu đó là âm mưu để dọn đường cho việc chiếm căn nhà và tài sản của ba tôi sau này. Điều đó càng làm tôi nung nấu phải tìm mọi cách để ngăn cản điều này.
 
Cứ sống trong tâm trạng như vậy, cho đến ngày tôi lấy vợ. Trái với những suy nghĩ của tôi, ba và cô Hoa sẽ dọn về sống ở trang trại dưới Di Linh, và giao hẳn cho vợ chồng tôi căn hộ đang ở. Không những thế, quà cưới của cô Hoa tặng cho vợ chồng tôi là cuốn sổ tiết kiệm với số tiền gần 200 triệu đồng. Giữa sổ tiết kiệm là một tờ giấy nhỏ ghi dòng chữ: “Mong hai con hạnh phúc. Đây là số tiền để dành trong nhiều năm qua của cô, các con có thể đầu tư làm ăn, hoặc sử dụng nó vào việc có ích”.
 
Sau ngày cưới, tôi đã chủ động gặp riêng cô Hoa để xin lỗi về những ý nghĩ không tốt của mình về cô. Cô Hoa đã cười rạng rỡ và nói rất chân thành: “Bố con đã cứu mạng cô. Cô phải có trách nhiệm cứu lấy niềm tin của con. Con phải luôn nhớ rằng: Mất niềm tin là mất tất cả. Cô nghĩ, cô đã không lầm khi đặt niềm tin vào con…”.
 
Tháng năm trôi qua, mái tóc của ba và cô Hoa đã bạc gần hết. Còn tôi, với số vốn ban đầu từ cô Hoa giúp đỡ, tôi đã trở thành một doanh nhân thành đạt. Nhiều lần ba tôi vẫn thường nói: “Chẳng bao giờ ba lại nghĩ con lại có thể trở thành một ông chủ cả”. Nghe ba nói vậy, tôi chỉ cười và không dám trả lời ông, nhưng trong đầu tôi vẫn vang lên câu nói ngày nào của cô Hoa: “Mất niềm tin là mất tất cả”. Và tôi đã thành công nhờ đặt niềm tin vào cuộc sống và hơn hết là sự truyền lửa từ cô Hoa - một người mẹ mới của tôi.
 
Truyện ngắn: HOÀNG KIM NGỌC