Câu lạc bộ quan họ của xóm chợ Nam Ban

09:01, 07/01/2016

Thật tình cờ khi biết được nơi xóm chợ Nam Ban lại có những liền anh liền chị đam mê môn nghệ thuật dân tộc - dân ca quan họ Bắc Ninh đến thế. Họ là những nhà kinh doanh, những tiểu thương đã ở vào độ "ngũ tuần" nhưng với niềm đam mê ca hát, họ đã không quản ngày đêm, không ngại bộn bề với kinh doanh để dành thời gian luyện tập, hát lên những điệu dân ca trữ tình đằm thắm, hút hồn người nghe.

Thật tình cờ khi biết được nơi xóm chợ Nam Ban lại có những liền anh liền chị đam mê môn nghệ thuật dân tộc - dân ca quan họ Bắc Ninh đến thế. Họ là những nhà kinh doanh, những tiểu thương đã ở vào độ “ngũ tuần” nhưng với niềm đam mê ca hát, họ đã không quản ngày đêm, không ngại bộn bề với kinh doanh để dành thời gian luyện tập, hát lên những điệu dân ca trữ tình đằm thắm, hút hồn người nghe.
 
Các thành viên CLB Dân ca quan họ Bắc Ninh là những tiểu thương chợ Nam Ban
Các thành viên CLB Dân ca quan họ Bắc Ninh là những tiểu thương chợ Nam Ban

Họ đã cùng chung ý tưởng, tâm huyết, xây dựng nên một câu lạc bộ khá chuyên nghiệp, CLB “Dân ca quan họ Bắc Ninh Nam Ban” hoạt động thường xuyên nơi xóm chợ. Từ nhỏ, anh Ngô Sách Trung, một thành viên trong CLB may mắn được sinh ra từ quê hương Tam Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh - cái nôi của quan họ Bắc Ninh, đã được đắm chìm trong lời hát dân ca quan họ mượt mà của mẹ. Quan họ Bắc Ninh đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. “Giờ đây khi kinh tế gia đình đã ổn định, vợ chồng mình đều mong muốn được sống lại với những làn điệu dân ca quan họ bởi chúng mình rất yêu thể loại này, nó dường như đã ngấm vào máu, cứ hát lên để đời sống tinh thần thêm phong phú. Từ đó, qua sinh hoạt ở CLB mình thấy cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn, tình cảm vợ chồng thêm gắn bó, thấu hiểu nhau hơn, tình bạn bè, đồng hương được nhân lên. Mình thấy tuổi già dường như vẫn chưa đến, lại thấy như tươi trẻ, vui khỏe ra rất nhiều từ khi sinh hoạt tại CLB dân ca quan họ Nam Ban” - anh chị Trung - Phương, những người khởi xướng thành lập CLB cười rất tươi chia sẻ chân thành với chúng tôi.
 
Người biết chỉ người chưa biết, người biết nhiều chỉ cho người biết ít, cứ thế dần dần từ 2 - 3 cặp liền anh liền chị nay đã phát triển lên tới 7 cặp với 14 thành viên hoạt động rất sôi nổi, tích cực. Với tinh thần tự nguyện, các anh chị đã cùng nhau đóng góp hàng chục triệu đồng để đầu tư dàn nhạc cụ rất chuyên nghiệp. Bộ trống trị giá trên 10 triệu đồng, bộ loa trên 10 triệu đồng, hàng chục triệu đồng cho trang phục. Bình quân mỗi thành viên sở hữu 3 - 4 bộ, gồm: quần lĩnh áo the, khăn mỏ quạ, nón quai thao, hài, khăn đóng… chưa kể các phụ kiện đi kèm để biểu diễn.
 
Hàng đêm, dù trời mưa hay nắng, các thành viên đều tụ họp đông đủ vào các ngày nhất định trong tuần tại nhà anh chủ nhiệm để tập luyện. Những giai điệu mượt mà ngân lên giữa núi rừng Nam Ban hòa trong không khí trong lành tĩnh lặng làm tan biến hết mọi mệt nhọc lo toan đời thường. Họ tập luyện say sưa đến khuya, rồi lại mong ngóng đến ngày được cùng nhau biểu diễn trong các dịp lễ lớn của thị trấn tổ chức. Càng hát, càng say mê - đó là tinh thần chung của các thành viên CLB. Thường xuyên trình diễn tại các sự kiện lớn của thị trấn, của huyện, các xã bạn, ngoài ra các thành viên còn đi giao lưu, biểu diễn với các đội bạn ở các tỉnh thành trong cả nước. Khi chúng tôi xuống thăm và tìm hiểu về CLB cũng là lúc các anh chị đang chuẩn bị cho chương trình giao lưu tại TP Hồ Chí Minh với đoàn Mười Nhớ.
 
Từ nhiều miền quê khác nhau: Hải Dương, Thái Bình, Quảng Bình, Bắc Ninh, Hà Tây, Hà Nội…, các anh chị Xuyên - Dậu, Trung - Phương,… đều là những cặp vợ chồng, những gia đình kinh tế mới, lập nghiệp tại Nam Ban. Họ cùng nhau xây dựng cuộc sống mới với nhiều thành công từ chính sức lao động của mình, từ đôi bàn tay chịu thương chịu khó bên những luống cà phê, nong tằm, ruộng dâu hay bên những cửa hàng dịch vụ thương mại sầm uất… nhưng khi trở về sinh hoạt với CLB, họ lại như anh em một nhà. Chị Xuyên - vợ anh Dậu - Chủ nhiệm CLB chia sẻ: Chúng mình mê hát quan họ lắm, cả hát chèo, hát dân ca Bắc bộ nữa, nhiều khi quên cả nghỉ trưa để tập luyện. Càng hát chúng mình càng thấy yêu đời, thấy tự hào về quê hương, đất nước Việt Nam. Những làn điệu dân ca ngọt ngào như hát theo phong cách cổ gồm các điệu Lý thiên thai, Lên núi Ba Vì, Gọi đò, Giữa tối hôm rằm… hay lối hát quan họ lời mới như Mùa xuân tiễn bạn, Vẫn đợi chờ nhau, Mến yêu tiếng dạ tôi nghe; hát đối, hát giao duyên… chúng mình đều hát và tập luyện thường xuyên. Hay những bài mang đậm âm hưởng quan họ như: Người ơi đến hẹn lại về, Nợ duyên, Ba quan, Câu quan họ người ơi… khi hát lên những làn điệu ngọt ngào ấy đều có thể làm lay động bất cứ một tâm hồn người con xa xứ nào.
 
Anh Dương Tiến Dậu - Chủ nhiệm CLB “Dân ca quan họ Bắc Ninh thị trấn Nam Ban” tâm đắc nói với chúng tôi: Từ niềm đam mê, đến lòng tự hào, tự tôn dân tộc, chúng tôi mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào việc bảo tồn, giữ gìn di sản quý giá của quê hương. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục mở lớp “Măng non quan họ” để truyền dạy cho các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng trong thị trấn. Đây cũng là tâm huyết của các thành viên trong CLB. Mừng hơn là nhiều cháu rất có năng khiếu, rất yêu thích môn nghệ thuật dân ca truyền thống này, đó là điều khiến chúng tôi thấy rất hạnh phúc, nguyện tiếp tục cố gắng gìn giữ và phát huy mạnh mẽ hơn. Mong muốn mang đến những nét đẹp trong từng lời ca điệu hát, mang giá trị văn hóa đặc biệt, về tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn, kỹ thuật hát, phong cách ứng xử văn hóa, bài bản, ngôn từ và cả về trang phục.
 
NGUYỆT THU