Cây nêu trong tâm thức người K'Ho

09:01, 21/01/2016

Người K'Ho cũng như một số đồng bào DTTS khác ở vùng đất Tây Nguyên, như Ê đê, M'Nông, Châu Mạ…, trong các lễ hội lớn, họ thường dựng cây nêu. Bởi cây nêu không chỉ là biểu tượng của sự sống, kết nối giữa trời đất, con người với các vị thần linh (Yàng) mà họ còn muốn gửi gắm ở đó những ước mơ, khát vọng chinh phục thiên nhiên nhằm hướng tới một cuộc sống tốt đẹp và bình yên.

Người K’Ho cũng như một số đồng bào DTTS khác ở vùng đất Tây Nguyên, như Ê đê, M’Nông, Châu Mạ…, trong các lễ hội lớn, họ thường dựng cây nêu. Bởi cây nêu không chỉ là biểu tượng của sự sống, kết nối giữa trời đất, con người với các vị thần linh (Yàng) mà họ còn muốn gửi gắm ở đó những ước mơ, khát vọng chinh phục thiên nhiên nhằm hướng tới một cuộc sống tốt đẹp và bình yên.
 
Cây nêu là nơi mời gọi các vị thần linh, là trung tâm của lễ hội
Cây nêu là nơi mời gọi các vị thần linh, là trung tâm của lễ hội
 
Là cư dân sống bằng nghề nông nghiệp và theo tín ngưỡng đa thần, nên mỗi khi tổ chức các lễ hội nông nghiệp, người K’Ho thường dựng cây nêu để mời gọi Yàng về dự, chứng kiến và cùng chung vui với buôn làng. 
 
Trong các lễ hội phổ biến của người K’Ho thường là lễ gieo sạ lúa, cúng dưỡng lúa và mừng lúa mới, họ còn tổ chức các nghi lễ, như cầu mưa, cúng bến nước… vào những lễ hội trên, họ đều dựng cây nêu. Tuy nhiên, tùy theo từng lễ hội mà bà con làm cây nêu lớn hay nhỏ, đơn giản hay công phu. Với những lễ nghi mà vật hiến sinh là con vịt hay con dê, thì cây nêu thường được làm đơn giản hơn và có chiều cao từ 3 - 5 mét. Còn lễ hội Nhô Wèr, Nhô sa rơpu (Nhô dơng hay Nhô tăc năng) thì cây nêu thường được làm, trang trí tỉ mỉ hơn. Những lễ hội này, cây nêu có chiều cao từ 8 - 10 mét và bà con chọn cây cốc rừng hay cây blàng (thân đầy gai) làm thân chính. Đây là các loại cây rừng có ưu điểm thân thẳng, chắc khỏe, dễ sống, có sức chống chịu với thời tiết khắc nghiệt. Phần trên cây nêu được làm bằng cây trúc, nứa, tre và được trang trí hoa văn, họa tiết một cách tinh tế và tỉ mỉ. “Một trong những điểm nổi bật cây nêu của người K’Ho nói riêng và các DTTS khác nói chung, là cách trang trí và sự phối màu. Với 3 màu chủ đạo (đen, đỏ và trắng), màu đen tượng trưng cho đất, màu trắng tượng trưng cho trời, còn màu đỏ tượng trưng cho lửa. Tuy đều là nghi lễ cúng Yàng, nhưng cây nêu của các lễ cúng được làm lớn hay nhỏ khác nhau” - ông K’Brệp, thôn Kròt Sơk, nói. 
 
Tùy theo mức độ quan trọng và con vật hiến tế của lễ hội mà người K’Ho dựng cây nêu lớn nhỏ khác nhau và được chia làm 3 tầng: Tầng dưới cùng (phần tiếp đất) là nơi cúng tế thần linh, nên tầng này được làm khá chắc chắn. Đây cũng là nơi dành cho những người cúng tế thực hiện nghi thức cúng Yàng, tạ ơn Yàng đã ban cho buôn làng được an lành, nhà nhà được ấm no, mọi người trong buôn đều khỏe mạnh; đồng thời, khấn xin Yàng cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi, nảy nở, cầu cho một năm mới phát triển và bình yên. Ngoài con vật hiến tế, họ còn dâng lên Yàng một số lễ vật, như trầm hương, con gà, chén rượu cần, trứng gà, cơm nếp… Tầng ở giữa là nơi trú ngụ của thần linh, đặc biệt là thần lúa, nên tầng này được trang trí rất đẹp và được làm 4 cánh cong vút, tỏa ra 4 hướng được gắn nhiều tua màu trắng tượng trưng cho hình cây lúa, bông và hạt lúa (sơn’yùr kòi). Phần ngọn gần tiếp đất có gắn “pet lel” không chỉ để làm cho các cánh của cây nêu cong đẹp mà còn là nơi tạo, phát ra những âm thanh du dương mỗi khi có làn gió thổi vào nhằm ru các vị thần cũng như khách khứa dự hội ăn uống say sưa và vui vẻ. Còn ở tầng trên cùng được đan một tổ chim tượng trưng cho cộng đồng đoàn kết, thống nhất. Ở trên đó, có con chim bồ câu (Yàng klàng n’tờp) ngự trị thể hiện quyền uy, che chở và bảo vệ cộng đồng, là vị thần “hòa bình” nhằm mang đến niềm vui, no ấm và sự bình yên cho buôn làng. Trên chim bồ câu còn được cắm lá cờ đỏ giúp cho các thần linh dễ nhận biết là buôn làng đang tổ chức lễ hội mà đến dự.
 
Về mặt tâm linh, cây nêu là nơi người K’Ho cúng Yàng. Nhìn về mặt tổng thể, thì đây là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo và sinh động được thể hiện từ cách sắp xếp, bố trí cho đến việc trang trí các hoa văn, họa tiết một cách hài hòa. 
 
Cây nêu của người K’ Ho thường được dựng đứng cao vút trước ngôi nhà sàn (nhà dài) truyền thống hay ngôi đình làng (Hìu wèr), là nơi mà các vị thần linh về dự, chứng kiến cùng chung vui với lễ hội. Cây nêu không chỉ là nơi trú ngụ của các vị thần linh, là trung tâm của lễ hội mà nó còn là biểu tượng của sự sống, linh hồn và lòng ngưỡng vọng vươn lên hướng tới đời sống tâm linh bình yên giữa khoảng không gian bao la của vũ trụ.
 
Linh mục Trần Thả, Quản hạt Giáo hạt Di Linh, cho biết: “Cây nêu là quan niệm về nhân sinh quan của đồng bào K’Ho Sre ở cao nguyên Di Linh, là nơi mà người K’Ho mời gọi các vị thần linh về dự, chứng kiến lễ hội. Nó không giống quan niệm của một số dân tộc khác trên thế giới, cây nêu là vật dùng để xua đuổi tà ma”.
 
NDONG BRỪM