Đinh Cường trả nghĩa Đà Lạt

09:01, 14/01/2016

Thứ năm ngày 7/1/2016, họa sĩ Đinh Cường đã vĩnh viễn ra đi. Anh là một trong những khuôn mặt tạo nên dấu ấn hội họa Việt Nam vào thập niên sáu mươi của thế kỷ trước. Anh cũng là nghệ sĩ rất yêu mến và có nhiều gắn bó với Đà Lạt qua những cuộc triển lãm tranh của mình.

Thứ năm ngày 7/1/2016, họa sĩ Đinh Cường đã vĩnh viễn ra đi. Anh là một trong những khuôn mặt tạo nên dấu ấn hội họa Việt Nam vào thập niên sáu mươi của thế kỷ trước. Anh cũng là nghệ sĩ rất yêu mến và có nhiều gắn bó với Đà Lạt qua những cuộc triển lãm tranh của mình.
 
Đinh Cường đi xem phòng tranh vẽ và triển lãm của anh ở Đà Lạt dạo nào. Ảnh: Nguyễn Hàng Tình
Đinh Cường đi xem phòng tranh vẽ và triển lãm của anh ở Đà Lạt dạo nào. Ảnh: Nguyễn Hàng Tình

Năm 1965, lần đầu tiên, họa sĩ Đinh Cường tổ chức triển lãm tranh tại Đà Lạt. Anh Đỗ Long Vân đã có bài “Viết cho lần triển lãm tranh sơn dầu Đinh Cường tại Alliance francaise de Dalat, Noel 1965” bằng tiếng Pháp. Nhà văn Bửu Ý đã chuyển ngữ: 
 
“Thời trước, đối với kẻ nào muốn diễn tả lòng mình trung thực mà cởi bỏ gông cùm những lề luật cũ, thật là cả một vấn đề… Tranh Đinh Cường, giữa cái bát nháo hư phù ấy, hầu như khiến người kinh ngạc vì vẻ e dè của anh. Không rực rỡ. Không lạc điệu. Một chất màu ủ và quánh, mà vẫn nhẹ nhàng, và reo ca như vàng kim. Một thứ dạ kim với bao nhiêu hào quang quay trở vào bên trong… Tranh của anh luôn khởi đi từ trong ánh rực rỡ. Bắt đầu như một vỡ òa của hoa, và hầu như luôn luôn, trở thành đại dương đêm xanh đen, không phải cái đêm cổ tích đẫm máu ám ảnh ký ức bằng kỷ niệm, nhưng là tuổi trẻ của trần gian với hết thảy kho tàng vùi chôn choàng dậy hầu soi tỏ bằng ánh sáng mong manh cái đêm đầu tiên ấy, cũng có thể gọi luôn là buổi lê minh… Nghệ thuật của anh lãng xao phong cảnh cùng tĩnh vật và vụt đi từ trừu tượng đến khuôn mặt người với một lối tả chân trang trọng mà anh chiếu rạng bằng thơ. Ở nơi anh, không có mối bận tâm dày vò đường nét, nhưng bên trên lớp xanh nhạt của biển trừu tượng, hốt nhiên gờn gợn nét vẽ tươi non của một hình người khỏa thân. Không đường nét nổi bật. Không bợn xác thịt. Chỉ một hình vẽ không thôi, mà như thế, trong ý tính của nó, nó truyền cảm bằng cái nhẹ nhàng của hư tưởng. Thế nhưng từ hư tưởng, nó cũng có cái hùng vĩ lâu đài và hình đàn bà thẳng người cao lớn kia, dù đang còn hồn nhiên uyển chuyển, đột hiện, trong vẻ trong suốt tinh sương, trên biển lặng, vừa mới tách ra từ không gian vây bọc, tựa hồ khuôn mặt phi nhân tính của hy vọng. Có thể gọi đó là buổi chào đời của Vệ Nữ. Mà ngẫm cho cùng, không phải thế sao? Người đàn bà đã chào đời, tôi muốn nói con người, và giờ đây nó cần xây đắp chỗ nương thân. Nhà nghệ sĩ diễn tả thời đại mình làm gì. Nó dựng nên thời đại”. 
 
Cuộc triển lãm này diễn ra khi chiến tranh Việt Nam đang xảy ra. Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng. Nhưng trên cao nguyên Lâm Viên đã có một cuộc triển lãm lý thú của Đinh Cường. Chủ quán cà phê Tùng đã mua bức tranh sơn dầu “Thiếu nữ” của anh. Nay vợ chồng ông Tùng đã mất, họa sĩ Đinh Cường có nhã ý xin được mua lại bức tranh này và được đại diện gia đình ông Tùng đồng thuận. Họa sĩ Thân Trọng Minh chuyển cho tôi số tiền mua lại bức tranh “Thiếu nữ” là 1.000 đô la Mỹ. Tôi đã mang tiền đến cà phê Tùng và nhận bức tranh về cho họa sĩ Đinh Cường. 
 
Tháng 8/2011, ông trở về Việt Nam và có cuộc triển lãm tranh cùng với 3 người bạn của mình tại Khách sạn Đà Lạt Hoàng Gia. Vậy là sau 46 năm, họa sĩ Đinh Cường đã có dịp hội ngộ cùng Đà Lạt - một nơi mà anh có rất nhiều kỷ niệm. 
 
Nói như nhà báo NHT trong bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ Chủ nhật, số ra ngày 7/8/2011, rằng: “Hai năm trước, họa sĩ Hoàng Trọng Bân đi Mỹ, gặp Đinh Cường: “Sao tụi mình không đưa tranh về Đà Lạt của mình mà triển lãm nhỉ?”.
 
Và hôm qua, 6/8/2011, một cuộc triển lãm chung đáng yêu như thế đã diễn ra tại Khách sạn Đà Lạt Hoàng Gia trên đường Nguyễn Chí Thanh ở phố núi Đà Lạt, với Đinh Cường, Hoàng Trọng Bân, Phạm Văn Hạng, Thân Trọng Minh. Họ là những người xuyên quê hương, xuyên yêu thương, xuyên năm tháng và ở tuổi trong ngoài 70, bốn họa sĩ mới có chung cuộc chơi như vậy”. 
 
Sau những ngày “trả nghĩa” với Đà Lạt, các họa sĩ lại hội ngộ ở Gallery Tự Do số 53 Hồ Tùng Mậu, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng Đà Lạt mãi mãi vẫn là vùng đất ân tình. Họa sĩ Đinh Cường cũng mong có thêm nhiều lần tái ngộ…
 
Mãi đến tháng 11/2013, họa sĩ Đinh Cường mới trở lại Việt Nam và có ngay cuộc triển lãm tranh cùng hai người bạn họa sĩ Thân Trọng Minh, Phan Ngọc Minh tại “gác Trịnh” ở số 203/19 đường Nguyễn Trường Tộ, thành phố Huế - nơi các bạn bè thân thiết của Trịnh Công Sơn thường lui tới. “Gác Trịnh” được khánh thành vào dịp kỷ niệm 12 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn.
 
Rời thành phố Huế, họa sĩ Đinh Cường, Thân Trọng Minh, Phan Ngọc Minh lên Đà Lạt. Các anh đã được nữ doanh nghiệp Đào Nguyên Dạ Thảo mời tham gia triển lãm tại Gallery Đào Nguyên số 22 khu Hòa Bình vào lúc 15 giờ ngày 28/11/2013. Triển lãm có 40 tác phẩm, riêng anh có 15 bức vẽ về Đà Lạt trong cảnh sắc hoàng hôn, góc phố, nhà thờ, những con đường quen và hình ảnh của những người bạn thân thiết của anh như Tuệ Sỹ, Nguyễn Đình Toàn, Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn… Anh gọi cuộc triển lãm lần này là “Nỗi nhớ Đà Lạt” vì anh đã từng gắn bó với mảnh đất yêu dấu, những bức tranh này là tất cả tấm lòng của anh dành cho Đà Lạt.
 
Lúc chia tay ở Gallery Đào Nguyên, họa sĩ Đinh Cường hẹn với bằng hữu năm 2015 lại về với Đà Lạt. Và mong đợi một cuộc triển lãm ở Việt Nam của anh đã không thực hiện được. Anh đã ra đi vĩnh viễn vào cõi vĩnh hằng. 
 
Với hội họa, Đinh Cường là con người đầy đam mê. Anh Huỳnh Hữu Ủy cho hay: “Nhìn anh làm việc trước giá vẽ, nhiều lúc tôi có cảm giác anh cứ thả cho mình chìm mãi, chìm mãi vào trong biển màu sâu thẳm, nhưng bao giờ cũng vậy, rồi anh sẽ bắt được một điểm tựa để ngừng lại… Đinh Cường bước đi giữa cuộc đời một cách rất tài hoa, và trên hết mọi chuyện, có lẽ bản năng sáng tạo là sức đẩy nội tại dữ dội, đã thôi thúc và không ngừng đặt anh trước giá vẽ từng mỗi giây phút… Số lượng tranh anh để lại rải rác khắp nơi rất là lớn, lên đến cả hàng ngàn tấm. Họa sĩ Việt Nam, dường như chỉ có Bùi Xuân Phái và Đinh Cường là có sức làm việc như thế mà thôi”.
 
Còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gọi “Đinh Cường là con người sống để vẽ và đi… Trong hội họa, tôi gọi Đinh Cường là thi sĩ của hoài niệm”.
 
TRẦN NGỌC TRÁC