Dốc núi còn đây, đã vội xa…

10:01, 19/01/2016

(LĐ online) - Vội xa như cơn gió, vội xa như áng mây, buồn tênh… Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh nhà báo Khắc Dũng cầm đàn ghita ngân nga từng ca từ trong ca khúc "Vội xa" của ông sáng tác tại Trại viết Tam Đảo do Hội VHNT Lâm Đồng tổ chức vào 15 năm trước (giữa 2001).

(LĐ online) - Vội xa như cơn gió, vội xa như áng mây, buồn tênh…

Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh nhà báo Khắc Dũng cầm đàn ghita ngân nga từng ca từ trong ca khúc “Vội xa” của ông sáng tác tại Trại viết Tam Đảo do Hội VHNT Lâm Đồng tổ chức vào 15 năm trước (giữa 2001). Trầm ngâm đàn, trầm ngâm hát, thi thoảng lại vuốt ngược mái tóc tơ màu nâu phủ xuống trán.

Chỉ mới đặt chân đến Tam Đảo, bắt gặp đâu đó hình ảnh một Đà Lạt, cũng khói sương bảng lảng, cũng đồi dốc quanh co, những nốt nhạc đầu tiên của bài hát đã hình thành, bật lên thành giai điệu. Rồi những ngày sau đó trong 15 ngày ở Tam Đảo, thi thoảng bài hát lại vang lên khiến anh em văn nghệ sĩ trong đoàn ai cũng dần thuộc và cùng hát đồng ca. Dốc núi chênh vênh, em đến bên tôi buồn tênh/Để gió ru mây, mây nói giùm tôi lời yêu/Dốc núi chênh vênh em đến bên tôi ngập ngừng/Lời yêu chưa nói/ lời thương chưa nói đã xa vội xa/ Vội xa như cơn gió, vội xa như áng mây buồn tênh/Nhẹ rơi như chiếc lá, lá không đưa em về cùng tôi/ Dốc núi chênh vênh em đến bên tôi ngập ngừng/ Lời yêu chưa nói, lời thương chưa nói đã xa vội xa…

Sau chuyến đi, ông viết được rất nhiều, thi - ca, văn - báo. Trong đó tôi nhớ nhất loạt ký sự đăng trên Báo Lâm Đồng “Mây lãng đãng cho bạc đầu sương núi” viết về sương khói Đà Lạt - Tam Đảo, là xúc cảm của một người con từ phương Nam ra Bắc, đi dặm dài đất nước trở về nguồn cội, linh thiêng và ngưỡng vọng, thẫm đẫm tình yêu non sông đất nước.
 

Nhà báo Khắc Dũng trong chuyến đi biển Ninh Hải (Ninh Thuận) Ảnh chụp tháng 7/2015
Nhà báo Khắc Dũng trong chuyến đi biển Ninh Hải (Ninh Thuận) Ảnh chụp tháng 7/2015

Nhà báo Khắc Dũng hơn tôi 15 tuổi. Tôi biết chú khi còn là đứa nhóc, chú đi cơ sở và gặp tôi ở Đạ Tẻh trong một mối quan hệ thân thiết như gia đình. Chú để lại dấu ấn hình ảnh một nhà báo da trắng từ xứ lạnh về xứ nóng mặt đỏ hồng, đẹp, lãng tử và rất năng động. Rồi 7 năm sau trở thành đồng nghiệp của chú (lúc đó chú 37 tuổi), ở cùng khu tập thể 14 Hùng Vương, càng thấy rõ một người đi trước giàu vốn sống, làm việc hiệu quả, đã đặt chân đến đâu là có bài, có tin, phản ánh sâu sắc nhiều vấn đề đặt ra từ cuộc sống. Ghi dấu ấn một Khắc Dũng với sức viết, sức ngẫm và bút lực dồi dào.  
 
Chú Khắc Dũng tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành sử học Đại học Đà Lạt, nhưng bén duyên với nghề báo. Nhà báo Khắc Dũng trầm mặc, ít nói, luôn lắng nghe và quan sát nhiều hơn nói, nhưng khi đã lên tiếng thì rất sôi nổi.

Thời trai trẻ, đi và viết, những chuyến đi miệt mài và những bài báo ngồn ngộn tư liệu và sức nóng. Không chỉ viết về văn hoá dân tộc, sưu tầm nghiên cứu văn hoá dân gian folklore như một thế mạnh, ông còn phản ánh sâu rộng, có sức thuyết phục với độc giả ở rất nhiều lĩnh vực, ngành mảng: lâm nghiệp, nông nghiệp, văn hoá, xã hội, và đặc biệt là viết tản văn, tạp văn (một thể loại báo chí có hàm lượng văn học cao).

Đi nhiều, vốn sống nhiều, hiện thực cuộc sống trào lên thành rung cảm, Khắc Dũng làm thơ, viết truyện ngắn - nhân vật đa số là những hình ảnh lấy nguyên mẫu đời thường bước vào trang văn với cái nhìn nhân ái.

Làm báo, viết văn, nhưng chú Khắc Dũng lại là hội viên chuyên ngành âm nhạc Hội Văn học nghệ thuật Lâm Đồng - là nhạc sĩ. Nhưng giải thưởng Văn học nghệ thuật Lâm Đồng 5 năm lần thứ nhất do UBND tỉnh xét tặng, chú đoạt được lại là thành quả của một công trình nghiên cứu về vấn đề dân tộc học và văn hoá dân gian. 
 
Với sức lao động bền bỉ, đầu năm 2012, sau 20 năm làm báo, chú Khắc Dũng cho ra mắt cùng một lúc 5 cuốn sách là tập hợp những tác phẩm phóng sự, bút ký báo chí, truyện ngắn, thơ. Cả những chân dung nhân vật, những điển hình tiên tiến giữa đời thường mà Khắc Dũng từng đi, từng gặp gỡ, từng viết như những hình tượng mới trong công cuộc lao động sản xuất, góp sức dựng xây cuộc sống, không chỉ chất chứa hàm lượng văn học, mà còn là nguồn tư liệu quý mang tính lịch sử cao. Đất và người Nam Tây Nguyên hiện lên trong các tác phẩm của ông sống động, đặc biệt là một phông văn hoá sâu rộng, am tường đã chứng tỏ một ngòi bút dám lăn xả, dám dấn thân. 
 
Đàn ông thường bừa bộn, nhưng chú Khắc Dũng là người đặc biệt ngăn nắp, chỉn chu, đã làm việc gì thì làm đến nơi đến chốn. Tôi học được ở chú nhiều điều, trong đó “Mỗi nhà báo trước hết phải là một người thống kê, lưu trữ”. Chiếc máy tính phải là một kho tư liệu như một thư viện thu nhỏ với các thư mục rõ ràng, khi cần là có ngay, không cần tìm kiếm”.

Từ ngày chú được phân công phụ trách Phòng văn hoá xã hội Báo Lâm Đồng, chú đã truyền “bí kíp” này một cách tận tình, đến nơi đến chốn cho anh em trong phòng. Chỉ cần lưu tên file bắt đầu bằng ngày tháng năm, máy tính sẽ tự sắp xếp thứ tự, tự máy thống kê có trật tự, chỉ cần nhìn vào là biết tin bài viết vào thời gian nào, người biên tập cũng dễ bởi tất cả file có tên chung ngày tháng năm thì dồn lại thành một thư mục; khi cần chỉ cần lục tìm những tin bài từ cách đây mấy năm là có thể tìm ra ngay…

Dù chỉ là những thao tác đơn giản, nhưng chính sự sắp xếp khoa học này cũng đã làm tăng sức làm việc, sự ngăn nắp cũng góp phần làm tăng hiệu quả công việc. Chỉ là một việc nhỏ thôi nhưng chú đã để lại một bài học lớn. 

Nhà báo Khắc Dũng (đứng thứ 2 từ phải qua trong lễ trao giải thưởng Văn học nghệ thuật Lâm Đồng lần thứ I - Ảnh chụp tháng 7/2013
Nhà báo Khắc Dũng (đứng thứ 2 từ phải qua) trong lễ trao giải thưởng Văn học nghệ thuật Lâm Đồng lần thứ I - Ảnh chụp tháng 7/2013

Suốt nhiều năm liền chống chọi với nhiều loại bệnh tật: bệnh tuỵ, đại tràng, tiểu đường, nhưng chú vẫn miệt mài làm việc. Ngoài nhiệm vụ công tác ở cơ quan Báo Lâm Đồng, sáng tác văn học nghệ thuật như một cái thú; chú còn đi dạy bồi dưỡng các chuyên đề nghiệp vụ báo chí cho các tân cử nhân văn chương theo lời mời thỉnh giảng của Trường Đại học Đà Lạt; làm cộng tác viên đặc biệt cho Báo Lao động (cơ quan chủ quản là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).

Sức người cũng có hạn, lao động cật lực và tuổi tác sinh ra bệnh tật, nhưng chú vẫn không một ngày ngừng nghỉ. Vẫn cứ đều đều các tác phẩm ra đời, không chỉ là tin - bài mà còn là văn, là thơ, là nhạc, là nghiên cứu văn hoá dân gian.

Vào cuối năm 2015, trong những ngày bệnh tiểu đường biến chứng gây giãn cơ không đi lại được, chú vẫn đoạt 2 giải thưởng mà không thể đến nhận giải. Trong cuộc thi sáng tác bài hát về Đà Lạt - thành phố Festival Hoa, nhà báo - nhạc sĩ Khắc Dũng đã đoạt giải khuyến khích với ca khúc “Mùa hội hoa” (vượt qua 73 tác phẩm của 63 nhạc sĩ trở thành là 1 trong 8 giải thưởng của cuộc thi) và giải tác phẩm chất lượng cao cho truyện ngắn hay đăng trên Tạp chí Lang Biang trong năm của Hội VHNT Lâm Đồng. 
 
Cùng là những người con nhận Đạ Tẻh là quê hương (tôi lớn lên ở Đạ Tẻh, Đạ Tẻh cũng là chốn chú đi - về vì nơi đây có bố mẹ (mẹ kế) và các em của chú Dũng lập nghiệp), chú Dũng từng nói với tôi, nghỉ hưu chú sẽ về Đạ Tẻh, nơi đó chú có người thân, có anh em, có mẹ kế (thương chú như con ruột), nơi có cha đã yên nghỉ, nơi đó là xứ nóng thích hợp với người già.

Cách đây 2 năm, chú về Đạ Tẻh xây nên một ngôi nhà khang trang để chuẩn bị cho tuổi già…

Và vào một ngày giữa tháng 1 này, chiếc xe ô tô của cơ quan Báo Lâm Đồng đưa chú trở về Đạ Tẻh, về ngôi nhà của mình với niềm tin là để dưỡng bệnh, để có mẹ già bên cạnh chăm nom, khi nào khỏi bệnh lại tiếp tục trở lại Đà Lạt làm việc. Chiếc xe lăn bánh, để rồi vĩnh viễn rời xa phố phường, rừng thông, đồi dốc, rời xa những “dốc núi chênh vênh”  - nơi đã đi vào thơ, vào nhạc của Khắc Dũng. 
 
Ở cái tuổi mà người đời đang phơi phới hồi xuân, chú vội xa không một lời từ biệt, khi chưa phải đã già, khi tâm trí vẫn ăm ắp những ý tưởng lao động sáng tạo. Vĩnh biệt chú, vĩnh biệt một người nghệ sĩ đa tài trong niềm tiếc thương vô hạn… Đã ngừng tiếng hát ngân nga, đã ngừng nhịp đập đường xa dặm dài! 
 
QUỲNH UYỂN