"Lặng lẽ một dòng sông đầy vơi"

02:01, 20/01/2016

(LĐ online) - Đây là ca từ trong tác phẩm "Lặng lẽ thuyền trôi" của nhà báo, nhạc sĩ Võ Khắc Dũng sáng tác năm 2005. Hồi đó, Dũng cầm đàn hát bản thảo cho tôi góp ý, rồi ca khúc được in sách, ra đĩa, lên sân khấu, lưu lại trên youtube. Giờ tôi viết những dòng này để tiễn Khắc Dũng rời "cõi tạm", buông bỏ những trận chiến khốc liệt với bệnh tật dai dẳng mấy chục năm qua. 

(LĐ online) - Đây là ca từ trong tác phẩm “Lặng lẽ thuyền trôi” của nhà báo, nhạc sĩ Võ Khắc Dũng sáng tác năm 2005. Hồi đó, Dũng cầm đàn hát bản thảo cho tôi góp ý, rồi ca khúc được in sách, ra đĩa, lên sân khấu, lưu lại trên youtube. Giờ tôi viết những dòng này để tiễn Khắc Dũng rời “cõi tạm”, buông bỏ những trận chiến khốc liệt với bệnh tật dai dẳng mấy chục năm qua. Dũng đi, ngưng chảy thật rồi, một “dòng sông” thao thiết và khắc khoải giữa chốn nhân gian vào sáng ngày 16 tháng 01 năm 2016…
 
Khắc Dũng trên cầu cảng ra Trường Sa và những tác phẩm
Khắc Dũng trên cầu cảng ra Trường Sa và những tác phẩm

Những năm đầu thập niên 90, rời quân ngũ, Võ Khắc Dũng theo học ngành Lịch sử Trường Đại học Đà Lạt và được giữ lại trường nhưng “gãy quang gánh nghiệp giáo” do khách quan, Dũng chính thức bước sang nghề báo. Tôi quen biết Khắc Dũng trước khi Dũng về báo, hơn 30 năm vui buồn đầy vơi… Khắc Dũng được nhiều người biết đến bởi thực đa tài trên nhiều lĩnh vực: âm nhạc, báo chí, văn chương, nghiên cứu foklore, nghề giáo và cả hội họa. Khắc Dũng luôn xăng xái chân trần nơi sơn cùng thủy tận và viết; lặng lẽ chiêm nghiệm, khao khát tìm tòi. Hơn 10 năm trước, trầm tư nơi góc quán cà phê tạm ở con hẻm Đà Lạt, Khắc Dũng tâm sự với tôi về thế thái nhân tình, đúng chất Phù Cát, Bình Định, quê Dũng: “Nhiều người chưa hiểu được tui đâu…Đến khi đậy nắp quan tài rồi họ mới hiểu…”. Dũng cười thâm trầm, nụ cười vừa bí hiểm vừa tự trấn an, che đậy những góc khuất mềm yếu. 
 
Bản tính Dũng lắm lúc thích làm kẻ cô độc, tự độc hành trên con đường muôn nỗi truân chuyên. Trên tất cả, Dũng luôn ý thức tự vượt qua mọi hoàn cảnh và trạng huống bất thường đưa đến và tự giữ lửa lòng cháy mãi không thôi, để trãi tâm can, cảm xúc, suy tưởng bằng những sáng tác. Mỗi ngày như mọi ngày, khỏe mạnh hay ốm yếu, quay trong căn phòng ở chật hẹp hay xê dịch trên giường bệnh viện; khi bên dòng lũ rừng ào ào đổ xuống nơi tít mù thung sâu hay chao đảo lắc lư trên boong tàu chếnh choáng giữa những con sóng lừng ngoài biên cương hải đảo Trường Sa,… Khắc Dũng quyết không buông rời bàn phím. Đức tính lao động quý giá và hiếm hoi ấy khắc họa chân dung Khắc Dũng trở thành người sáng tác có bút lực mạnh. Kiên cường chống chọi với nhiều bệnh nan y, đối diện với hoàn cảnh “đứt gánh giữa đường phu thê”, Khắc Dũng vẫn cố gắng vượt qua và vẫn miệt mài làm việc.
 
Nhận biết mình bất chợt sẽ ra đi, rất vô thường, Võ Khắc Dũng luôn hấp hả chạy đua với thời gian để kịp để lại cho đời nhiều sáng tác làm tư liệu quý cho mọi người. Đó là nghiên cứu về âm nhạc cồng chiêng và văn hóa Tây Nguyên. Lợi thế về vốn tri thức dân tộc học tích lũy ở trường đại học và tự đào tạo, lại “có duyên lớn” với đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, địa hạt buôn làng các dân tộc K’Ho, Chu Ru, Châu Mạ…là chốn thân thiết đi về của Dũng. Không bằng lòng với hàng ngàn tác phẩm báo chí nóng hổi phản ánh về kinh tế-xã hội của những vùng cư dân này, Khắc Dũng khát khao khám phá những vỉa văn hóa bản địa nam Tây Nguyên như một nhu cầu tự thân vô cùng mãnh liệt. 
 
Võ Khắc Dũng coi laptop là bạn đồng hành bất kỳ ở đâu
Võ Khắc Dũng coi laptop là bạn đồng hành bất kỳ ở đâu

Cuối năm 2007, Dũng cho ra đời một lúc 4 đầu sách với đa thể loại: “Nhân vật của tôi” (ký chân dung), “Gió se lạnh cho sương bạc đầu núi” (ký và tùy bút), “Nam Tây Nguyên - những điều kỳ thú” (khảo cứu) và “Phù du trần thế” (tản văn). Tác phẩm “Nam Tây Nguyên - những điều kỳ thú” do nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh ấn hành của Võ Khắc Dũng được trao giải C chuyên ngành lý luận phê bình - nghiên cứu văn học nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng lần thứ nhất (không có giải A chuyên ngành này) là sự khẳng định của công chúng đối với tác giả và hơn một lần giúp Dũng “tự đốt nóng” xua đuổi nỗi buồn chông chênh, đứng vững trước cuộc chiến với bệnh tật hoành hành. 
 
Tháng 12 năm 2012, Võ Khắc Dũng một lần nữa làm mọi người ngỡ ngàng bởi Dũng giới thiệu một mạch 5 tác phẩm do nhà xuất bản Văn học phát hành: “Tiếng lá thở dài” (thơ), “Tiếng vọng vô thanh” (26 truyện ngắn), “Đại ngàn độ lượng” (tiểu thuyết), “Khắc khoải tiếng còi tàu” (hơn 40 phóng sự) và “Nhật ký Trường Sa - Vạn lý nơi đầu sóng”. Phóng sự đậm chất văn là thế mạnh của Dũng nhờ đi nhiều, quan sát tinh tường và lòng đầy trắc ẩn thế sự nhân bản. Phóng sự là thể loại Khắc Dũng rất thích thể nghiệm và trong số đó khá nhiều tác phẩm có chỗ đứng đĩnh đạc trên các ấn phẩm trung ương và các tỉnh, thành. 
 
Tác phẩm viết về cuộc sống quân và dân Trường Sa là kết quả Khắc Dũng cùng với tôi trải chuyến hải trình gian khổ hơn 1 tháng vào cuối năm 2011. Hai chúng tôi đi về phía trùng dương xa xôi ấy đều mang theo rất nhiều thuốc men để chống chọi với bệnh tật hàng ngày. Do quy định của ban chỉ huy hành quân, tôi và Dũng cùng một cơ quan báo phải tách thành 2 mũi độc lập tác chiến. Ở với nhau 1 ngày đêm trên cầu cảng cùng tác nghiệp chung rồi Dũng hành quân hướng bắc ra các đảo Len Đao, Tiên Nữ, Phan Vinh…, tôi hành quân hướng nam ra Trường Sa Lớn, Thuyền Chài, An Bang… “Nhật ký Trường Sa - Vạn lý nơi đầu sóng” độ dày hơn 200 trang là thỏa nguyện chí tang bồng của kẻ luôn thích xê dịch, quyết xếp cho đủ những ngăn kéo cuộc đời của Dũng. Tác phẩm được khá nhiều bạn văn trân quý giới thiệu. 
 
Cuối tháng 12/2015, Võ Khắc Dũng vắng mặt trên sân khấu 2 lần trong buổi tổng kết hoạt động năm của Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng, lần nhận giấy khen và lần nhận Kỉ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật”. Người hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội VHNT Lâm Đồng, hội viên Hội Nghiên cứu Đông Nam Á ấy vừa rời đôi nạng gỗ và đang dốc chút sức lực cuối cùng để chiến đấu với những căn bệnh tấn công dữ dội. Sau khâm liệm, em trai Dũng cho tôi biết: “Hồi đêm, anh Dũng trò chuyện với người thân đến 1 giờ, rồi còn mở máy viết bài”, chỉ trước mấy giờ đồng hồ buông tay, kết thúc cuộc đời nơi “cõi tạm” ở tuổi 54…!     
 
Năm 2015, khi tập ca khúc “Rêu phong tìm nhau” của Khắc Dũng trình làng, tôi có bài giới thiệu. Giờ tiễn Dũng, thêm 1 lần trích xuất vài ca từ ở đó để hơn 1 lần hiểu Dũng: “Chân mây bóng ai qua/Buồn rơi tiếng chiều/Lặng thầm trong mây khói/Một người xa rất xa/Rất xa trong ngàn năm/Trái tim luôn đi tìm”. “Tìm về nơi sương khói/Một lần ta có nhau/Có nhau trong ngàn năm/Trái tim luôn tìm nhau…” (Rêu phong tìm nhau). Và: “Lặng lẽ thuyền trôi qua dòng sông/Sông lặng lẽ gánh núi tình đứng đợi/Lặng lẽ một tình yêu vợi xa/Thuyền trôi, thuyền trôi/Lặng lẽ thuyền ngang qua đời tôi/Tôi lặng lẽ với sóng lòng mãi gọi/Lặng lẽ một dòng sông đầy vơi/Thuyền trôi về đâu…Về đâu…thuyền đợi/ Về đâu mông lung chìm trong hư không…gọi thương gọi nhớ…” (Lặng lẽ thuyền trôi). Một đời sự nghiệp trường chinh, Khắc Dũng may mắn có 2 ngày cuối đời kịp về bên mẹ. Thanh thản vãng sanh an lạc Khắc Dũng nhé ! 
 
Đạ Tẻh, ngày tiễn đưa Dũng (19/01/2016) 
 
MINH ĐẠO