Nâng cao chất lượng sáng tạo văn học nghệ thuật

09:01, 28/01/2016

Trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, văn học nghệ thuật không chỉ bỏ qua cái chưa hay, chưa đẹp mà còn bỏ qua cả cái hay, cái đẹp đã quen thuộc.Vì vậy, nâng cao chất lượng sáng tạo, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của công chúng là một yêu cầu thường xuyên theo quy luật của văn học nghệ thuật. Đối với các hội văn học nghệ thuật địa phương đó còn là một vấn đề cấp thiết.

Chiều xuân - Tranh sơn dầu: HOÀNG KHAI
Chiều xuân - Tranh sơn dầu: HOÀNG KHAI
Trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, văn học nghệ thuật không chỉ bỏ qua cái chưa hay, chưa đẹp mà còn bỏ qua cả cái hay, cái đẹp đã quen thuộc.Vì vậy, nâng cao chất lượng sáng tạo, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của công chúng là một yêu cầu thường xuyên theo quy luật của văn học nghệ thuật. Đối với các hội văn học nghệ thuật địa phương đó còn là một vấn đề cấp thiết.
 
Về lực lượng sáng tác văn học nghệ thuật ở các địa phương có thể thấy một số đặc điểm như sau.
 
Phần đông văn nghệ sĩ có tuổi đời cao, từng trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và xây dựng Đất nước, vốn sống phong phú, đa dạng. Đây là lực lượng sáng tác rất đáng quý. Nhiều người trên dưới tám mươi tuổi vẫn say mê sáng tác với số lượng và chất lượng tác phẩm đáng kính nể. 
 
Kinh nghiệm sống, kinh nghiệm sáng tác là rất quý giá. Nhưng không loại trừ ai, để theo kịp nhu cầu thẩm mỹ của thời đại đòi hỏi sự nỗ lực cập nhật thông tin thẩm mỹ nếu không muốn tụt hậu và lặp lại mình.
 
Sự hẫng hụt về lực lượng sáng tác trẻ là điều rất đáng quan tâm.Các cấp hội đã làm nhiều việc để tập hợp lực lượng sáng tác trẻ nhưng kết quả chưa như mong muốn. Có thể cách làm chưa đúng với quy luật của văn học nghệ thuật.Có thể tuổi trẻ hôm nay thực dụng hơn,họ không muốn hiến thân cho nghệ thuật là lĩnh vực không ai có thể nắm chắc thành công,chắc gì đã nuôi sống nổi mình,chưa nói đến nuôi vợ, nuôi con. Có thể đơn giản là sự thiếu vắng tài năng vì tài năng có một đặc điểm là luôn tìm cách xuất đầu lộ diện. 
 
Văn học nghệ thuật là lĩnh vực của tài năng mà tài năng thật sự thì bao giờ cũng hiếm. Tài năng có lúc thăng hoa nở rộ. Có lúc lại hiếm hoi như sao buổi sớm, như lá mùa thu. Bàn về tài năng thật khó. Tài năng có những bí ẩn mà con người không phải đã nhận biết hết, không phải cứ muốn mà có, đào tạo mà được. Nhìn thẳng vào sự thật mà nói các hội văn học nghệ thuật địa phương vừa là tổ chức của những văn nghệ sĩ tài năng ,vừa tập hợp cả những người có khả năng về sáng tạo văn học, nghệ thuật và say mê sáng tác. Khi chưa thật sự là những tài năng thì việc phải thường xuyên nỗ lực sáng tác, mài sắc khả năng theo cách nói của Chế Lan Viên : “Phải kỳ khu mà tìm để tình cờ mà được” là lẽ đương nhiên. Ngay cả khi có tài năng người nghệ sĩ cũng phải thường xuyên nỗ lực sáng tác. Người xưa đã đúc kết: “Ngọc bất trác bất thành khí”. Tài năng như lửa nằm trong đá lửa, phải tác động, phải cọ xát, đánh thức nó bằng lao động nỗ lực, miệt mài. Một nhà văn nổi tiếng thế giới đã nói rằng trong thành công của ông ta có một phần trăm tài năng và chín mươi chín phần trăm lao động. Câu nói ấy rất gần với chân lý nghệ thuật. 
 
Bên cạnh đó còn có một thực tế: Đa số hội viên chúng ta không phải là người sáng tác chuyên nghiệp mà phải lo hoàn thành việc của cán bộ, công chức hoặc đơn giản là kiếm sống, sáng tác chỉ là công việc tay trái. Trong khi đó, văn học nghệ thuật đòi hỏi người nghệ sĩ phải “sống toàn thân, sống toàn trí, sống toàn hồn” (Xuân Diệu) cho công việc sáng tác như một tín đồ cuồng tín thì may ra mới có tác phẩm xuất sắc.Ít sáng tác là một trong những nguyên nhân làm cùn nhụt khả năng của người nghệ sĩ. “Văn ôn, võ luyện” - người xưa đúc kết không sai. 
 
Ngoài nguyên nhân thuộc vấn đề tài năng là cái rất khó bàn, còn có những điều đáng cùng nhau suy nghĩ.
 
Trước hết nâng cao chất lượng sáng tạo là nâng cao tầm tư tưởng tác phẩm.
 
Chúng ta sống và sáng tác gắn với mảnh đất cụ thể từng dịa phương nhưng tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm không chỉ có ý nghĩa địa phương mà còn phải có ý nghĩa quốc gia, dân tộc, thời đại, nhân loại. Nghị quyết 05 (ngày 28/11/1987) của Bộ Chính trị về văn hóa, văn nghệ đã xác định: “Văn nghệ là nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần và xã hội, thể hiện trình độ phát triển chung của đất nước, của thời đại, là lĩnh vực sản xuất tinh thần tạo ra những giá trị văn hóa, những công trình nghệ thuật được lưu truyền từ đời này sang đời khác, làm giàu đẹp thêm cuộc sống con người”(1). Như vậy, Đảng đòi hỏi ở văn học nghệ thuật sự kết tinh cao những giá trị tinh thần, những giá trị thẩm mỹ, có giá trị lâu dài.
 
Là công dân, người nghệ sĩ có nghĩa vụ phải gắn bó với những nhiệm vụ chính trị có tính chất thời sự, giai đoạn của địa phương đồng thời phải hòa nhập vào đời sống của dân tộc và nhân loại để tạo nên những tác phẩm “thể hiện trình độ chung của đất nước, của thời đại”.
 
Trước đây, do yêu cầu của cách mạng và kháng chiến, chúng ta tập trung vào những vấn đề của quốc gia, dân tộc, ít nói đến những vấn đề mang tính nhân loại. Giờ đây, trong điều kiện mở cửa, hội nhập, văn học, nghệ thuật vừa phải quan tâm đến những vấn đề của quốc gia, dân tộc, vừa phải quan tâm đến những vấn đề chung của nhân loại.Về một phía : thế giới tinh thần phức tạp, tinh tế của con người không phải là đã được khám phá và thể hiện hết.Một phía khác là những vấn đề như: Bảo vệ hòa bình trước nguy cơ chiến tranh hủy diệt, bảo vệ môi trường sống, khoan dung, đối thoại về văn hóa… Nhưng không vì thế mà lẫn lộn phải trái, chính nghĩa và phi nghĩa, xâm lược và chống xâm lược....
 
Tự phê phán và phê phán trên tinh thần xây dựng là rất cần thiết . Văn học nghệ thuật là hình thái ý thức đặc biệt của con người. Nhưng trong tình hình hiện nay, phá hoại về nhân tâm, gây nghi ngờ hết thảy là rất nguy hiểm.. Không thể có tác phẩm văn học nghệ thuật được xem là hay,là đẹp mà lại quay lưng với những giá trị văn hóa của dân tộc, xa rời các giá trị chân, thiện, mỹ. Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) đã chỉ rõ: “Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn của con người… Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái thấp hèn, lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người”.
 
Nâng cao chất lượng sáng tạo văn học nghệ thuật còn là vấn đề sáng tạo cách thể hiện.
 
Trong văn học nghệ thuật chúng ta đều biết rằng nội dung nói cái gì? đã quan trọng nhưng quan trọng hơn là thể hiện bằng cách nào? Từ bản chất sáng tạo của văn nghệ, Nghị quyết 05 Bộ Chính trị chỉ rõ: “Đảng khuyến khích văn nghệ sĩ tìm tòi và sáng tạo, khuyến khích và yêu cầu có những thể nghiệm mạnh bạo và mạnh mẽ trong sáng tạo nghệ thuật, trong việc phát triển các loại hình và thể loại nghệ thuật”(2). Nghệ thuật đồng nghĩa với sáng tạo. Tiếp xúc với tác phẩm văn học, nghệ thuật thật sự có giá trị chúng ta luôn luôn ngạc nhiên bởi khả năng sáng tạo khác thường của người nghệ sĩ.Theo quan sát của tôi nhiều văn nghệ sĩ chưa thật sự quan tâm đúng mức đến tính sáng tạo của tác phẩm.
 
Lấy lĩnh vực văn học làm ví dụ, đa số các tác phẩm của chúng ta được viết với bút pháp truyền thống như lãng mạn, hiện thực, hiện thực xã hội chủ nghĩa theo quan niệm trước Đổi mới, thậm chí là sử dụng các hình thức thời Trung đại.Tham dự các cuộc liên hoan, triển lãm, các cuộc thi sáng tác chúng tôi thấy việc tìm tòi cách thể hiện mới chưa được đặt ra một cách bức thiết. Trong khi đó, bản chất sáng tạo của văn nghệ đòi hỏi: “Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về nội dung đồng thời là một phát minh về hình thức nghệ thuật” (L. Leonov).
 
Sáng tác nghệ thuật không chỉ hướng tới cái hay, cái đẹp nói chung mà phải hướng tới cái hay, cái đẹp mới theo một cách riêng, không lặp lại.
 
Thực tiễn sáng tạo văn học nghệ thuật cho thấy không có cái mới chân chính nào cắt đứt với truyền thống.Tiếp nối và phát huy truyền thống văn học nghệ thuật của ông cha là rất quan trọng, nhưng nếu chỉ thế thôi thì chúng ta tự làm mình nghèo đi bằng sự tự thỏa mãn.Không ai cấm chúng ta tự làm giàu mình bằng việc tiếp nhận văn học nghệ thuật nước ngoài.
 
Các thủ pháp nghệ thuật của chủ nghĩa hiện đại trong văn học phương Tây như: Dòng ý thức,huyền ảo, giấc mơ,xáo trộn không gian, thời gian v.v… đã được các nhà văn tài năng của chúng ta Việt hóa một cách thành công ngay từ trước 1945. Với một số cây bút của chúng ta hôm nay những thủ pháp hiện đại ấy hãy còn xa lạ.Theo quan sát của chúng tôi nhiều người viết vẫn đang nhầm lẫn truyện dài với tiểu thuyết, đã và đang viết truyện dài mà đinh ninh đó là tiểu thuyết vì đơn giản là không thèm biết thi pháp tiểu thuyết là gì. Một vài nhà thơ vẫn yên tâm sử dụng vốn từ Hán Việt và các thủ pháp nghệ thuật đăng đối của thơ Đường đã thuộc về quá khứ!
 
Từ thực tế sáng tác, Chế Lan Viên đã nói lên vai trò quan trọng của việc học tập tinh hoa văn học thế giới hiện đại. Lý giải của ông về sự thành công của các nhà thơ Cộng sản Pháp là rất đáng lưu ý: “Xưa Aragon, Eluard là các ông tổ siêu thực. Giờ đây các vị là nguyên soái của hiện thực xã hội chủ nghĩa nhưng là thứ hiện thực đã đi qua siêu thực còn mang trên mình những đốm lân tinh rực rỡ của nó. Hấp dẫn nhờ vậy”(3).
 
Từ Đổi mới đến nay, nền văn học nghệ thuật của chúng ta đang hiện thực hóa khát vọng tự do sáng tác của người nghệ sĩ, chấp nhận và khuyến khích mọi tìm tòi, khám phá về phương pháp sáng tác. Tự làm mới mình là không dễ nhưng trong lĩnh vực văn nghệ không có con đường nào khác. Tình trạng phổ biến hiện nay trong văn nghệ nước ta là cái mới thì chưa hay, cái hay thì không mới nữa. Thật khó khăn thay!
 
Bản chất của công việc sáng tạo văn học nghệ thuật là tự vượt lên mình, vượt lên trước tầm đón nhận của công chúng.
 
Để có tác phẩm hay đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong đó có cả những yếu tố mà khoa nghiên cứu nghệ thuật học chưa hiểu hết. Vì vậy nên mới có người nói tác phẩm hay là do “trời cho”.Nhưng chí ít, cái ở trong tầm tay chúng ta có thể làm được là công việc sửa chữa, nâng cao tác phẩm của mình một cách miệt mài, nghiêm túc. Nhà văn Nam Cao qua lời nhân vật Hộ trong tác phẩm “Đời thừa” đã nói rằng cẩu thả ở lĩnh vực nào cũng đáng trách nhưng cẩu thả trong nghề văn thì đó là vô đạo đức.
 
(1), (2): Một số văn kiện của Đảng về công tác tư tưởng văn hóa, tập 2, (1986-2000), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.
(3): Thơ Hàn Mặc Tử, Nxb Văn học, Hà Nội, 1987.
 
Phạm Quốc Ca