Hai văn nghệ sĩ trẻ cùng đoạt giải văn học nghệ thuật quốc gia

09:01, 28/01/2016

Trong 67 tác phẩm xuất sắc nhất đoạt giải thưởng văn học nghệ thuật năm 2015 do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao tặng cho giới văn nghệ sĩ trong cả nước vào ngày 19/1/2016 vừa qua, Lâm Đồng có 2 tác phẩm của 2 tác giả trẻ đoạt giải khuyến khích đó là tượng gỗ điêu khắc "Văn hóa Tây Nguyên" của Đỗ Xuân Phòng (sinh 1976) và tập thơ "Hát ru bầu trời" của Lê Hòa (sinh1983).   

Trong 67 tác phẩm xuất sắc nhất đoạt giải thưởng văn học nghệ thuật năm 2015 do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao tặng cho giới văn nghệ sĩ trong cả nước vào ngày 19/1/2016 vừa qua, Lâm Đồng có 2 tác phẩm của 2 tác giả trẻ đoạt giải khuyến khích đó là tượng gỗ điêu khắc “Văn hóa Tây Nguyên” của Đỗ Xuân Phòng (sinh 1976) và tập thơ “Hát ru bầu trời” của Lê Hòa (sinh1983). 
 
Tác giả trẻ Lê Hòa cùng mẹ và nhà thơ Vương Tùng Cương trong buổi ra mắt tập thơ (ảnh chụp tháng 7/2015)
Tác giả trẻ Lê Hòa cùng mẹ và nhà thơ Vương Tùng Cương trong buổi ra mắt tập thơ
(ảnh chụp tháng 7/2015)

Tác phẩm tượng gỗ “Văn hóa Tây Nguyên” của Đỗ Xuân Phòng đã tạc nên vẻ đẹp của vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, giàu nhân văn. Tác phẩm hình cột được tác tạo trên một thân gỗ tròn cao 2m, mang ý tưởng một cây nêu trong lễ hội các dân tộc Tây Nguyên, là biểu tượng của tụ hội và tình đoàn kết cộng đồng các dân tộc anh em. Bố cục tác phẩm chia làm 3 khối với đường nét mạnh mẽ, khỏe khoắn, phóng khoáng mang những nét đẹp văn hóa tiêu biểu: hình ảnh người múa xoang, người đánh cồng chiêng, người uống rượu cần trong các tư thế, thể hiện niềm vui qua ánh mắt. Những hình tượng nghệ thuật mà Xuân Phòng gửi gắm qua tác phẩm có sức gợi lớn cho người xem về đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc anh em sống giữa đại ngàn Tây Nguyên. 
 
Tác giả Đỗ Xuân Phòng cùng tác phẩm điêu khắc gỗ “Văn hóa Tây Nguyên”
Tác giả Đỗ Xuân Phòng cùng tác phẩm điêu khắc gỗ “Văn hóa Tây Nguyên”
Sinh ra ở một làng nghề truyền thống điêu khắc gỗ ở Yên Lạc - Vĩnh Phúc, Đỗ Xuân Phòng theo cha mẹ đến Lâm Hà lập nghiệp. Đất và người Tây Nguyên thấm dần vào anh. Không ngừng học hỏi, lao động sáng tạo, anh cho ra đời nhiều tác phẩm tượng gỗ mang đậm dấu ấn văn hóa Tây Nguyên. Dù trước đó nhiều nghệ sĩ điêu khắc đi trước đã thành công với mảng đề tài này, nhưng dường như Xuân Phòng có duyên với các giải thưởng lớn và dần khẳng định mình qua nhiều giải thưởng, trước đó có thể kể: giải B tác phẩm “Sắc hoa Đà Lạt” Cuộc thi sáng tác VHNT chào mừng Đà Lạt 120 năm hình thành phát triển và Festival Hoa lần V - 2013, Giải B Giải thưởng văn học nghệ thuật Lâm Đồng lần thứ I cho tác phẩm “Ký ức Tây Nguyên”. Cũng với đề tài tượng gỗ Tây Nguyên, Xuân Phòng đã tạo cho mình hướng đi riêng, tác tạo nên các tác phẩm mộc mạc, hồn nhiên, nhưng không thô ráp. Liên tiếp đạt được những thành công, anh là một trong số ít tác giả trẻ tuổi của Hội VHNT Lâm Đồng, và là hội viên hiếm hoi của Chi hội Mỹ thuật đang khẳng định được sức sáng tạo. Năm 2014, Xuân Phòng trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. 
 
Tập thơ Hát ru bầu trời của tác giả trẻ Lê Hòa gồm 45 bài thơ đầy đặn như một lời ru lớn kể về tuổi thơ, về phận người. Mộc mạc, giản dị, chất phác, cách tân ý tứ trên nền thơ lục bát truyền thống, mà vẫn hấp dẫn người đọc bằng những cảm xúc về mẹ, về quê hương, về những hoài niệm tuổi thơ nghèo khó, về tuổi trẻ: “Lọt lòng biếc một lời ru/ Để ngàn năm cứ mịt mù nhớ thương”. Lê Hòa là một người trẻ hiếm hoi làm thơ trong làng văn học nghệ thuật Lâm Đồng. Nhưng ngay tập thơ đầu tay, người trẻ hiếm hoi ấy đã đoạt Giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao cho các tác phẩm xuất sắc trong năm thì điều đó càng ấn tượng, càng hiếm gặp. 
 
Từ quê hương Thanh Hóa vào học đại học ở Đà Lạt, rồi làm thơ, những câu thơ của Lê Hòa chất chứa nỗi niềm của đứa trẻ sớm vắng tình cha: “Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại...” đắng lời mẹ ru/... À ơi giông bão đi qua/Giọt mưa. Giọt nắng nuôi ta xanh đời/Lời ru ướt gió bên trời/Mẹ tôi nong cạn kiếp người chưa khô (Lời ru cuối mùa). 90% số bài trong “Hát ru bầu trời” được Lê Hòa viết ở Đà Lạt, có khói sương, có những năm tháng chập chững trưởng thành. Phẩm chất thi nhân thấm đẫm qua từng câu, từng bài, Lê Hòa rung cảm là thành thơ. Không “lên gân”, không “làm dáng”, sự tự nhiên trong câu chữ như mạch cảm xúc tuôn trào: À ơ... Đất tỉnh. Trăng say/Bàn chân chạm gió đong đầy giấc mơ/Năm phương, sáu cõi. Một bờ/Hồi chuông chính đạo vẫn lờ lặng... Ru (Hát ru bầu trời). Ý tứ hòa quện vào một thể thơ dân tộc, nhưng cách ngắt dòng, cách quãng, vần điệu có sức ám ảnh lớn, đọc mà không chán. 
 
Với giải thưởng này, 2 tác giả trẻ của Lâm Đồng đã khẳng định mình trên con đường sáng tác và có thể nói rằng lực lượng sáng tác trẻ Lâm Đồng tuy ít về “lượng”, nhưng khá về “chất”.
 
QUỲNH UYỂN