Nhạc sĩ Đình Nghĩ liên tiếp gặt hái "mùa vàng" sáng tạo

09:01, 07/01/2016

Tính từ năm 2006 đến nay, liên tiếp 10 năm liền nhạc sĩ Đình Nghĩ được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc, đã chứng minh tài năng của ông đang trong giai đoạn "chín" nhất. 

Năm 2015, nhạc sĩ Đình Nghĩ tiếp tục gặt “mùa vàng”, khi giải thưởng của Bộ Công an cho tác phẩm “Mặt trời lên đâu phải hết sương mù” (phỏng thơ Phạm Xuân Quang) của ông vừa được Bộ Công an trao tặng giải thưởng tác phẩm tiêu biểu xuất sắc Cuộc vận động sáng tác âm nhạc về đề tài Công an nhân dân giai đoạn 2011 - 2015 vẫn còn “nóng” thì Hội nhạc sĩ Việt Nam lại vừa trao giải C giải thưởng âm nhạc quốc gia năm 2015 cho tác phẩm “Ơi con sóng biển chiều” của ông (không có giải A). Như vậy, tính từ năm 2006 đến nay, liên tiếp 10 năm liền nhạc sĩ Đình Nghĩ được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc, đã chứng minh tài năng của ông đang trong giai đoạn “chín” nhất. 
 
Nhạc sĩ Đình Nghĩ thể hiện ca khúc Ơi con sóng biển chiều
Nhạc sĩ Đình Nghĩ thể hiện ca khúc Ơi con sóng biển chiều

Tác phẩm “Ơi con sóng biển chiều” là bài hát đầu tiên nhạc sĩ viết về biển, đảo của ta, viết về 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa vào giữa năm 2014 đúng những ngày cả nước sôi sục vì “vật thể lạ” tàu Hải Dương 981 xuất hiện trên biển Đông. Bài hát mở đầu bằng giai điệu nhẹ nhàng, êm dịu, ca từ như gửi những lời tâm tình chất chứa yêu thương theo từng con sóng đến với quân, dân biển đảo, đến những ngư dân ngày đêm vươn khơi bám biển, khẳng định chủ quyền của dân tộc Việt: “Sóng vỗ chiều tiếng biển khát xanh xao giữa hoàng hôn đại dương ôm đảo vắng/ Mây trắng xô nghiêng hồn nhiên đôi bờ giong cánh buồm màu tươi nguyên”. Ca từ, điệu nhạc như từng đợt sóng dạt dào, sâu lắng, dìu dặt hơn khi gợi nhớ về cội nguồn, và sóng cứ vỗ mãi đến muôn sau: “Sóng vỗ chiều nhớ điệu lý thương nhau thuở hồng hoang Lạc Long là thế đấy/ Năm tháng mơ trôi trầm ngâm con thuyền neo dưới vòm trời sao”. Lời ca như con sóng mỗi lúc một dồn dập, cuộn trào, mạnh mẽ: “Biển mặn mòi quê hương/ biển dặm trường yêu thương/biển vọng trời chớp mắt/ Thả về nơi xa xăm, ơi Rồng Tiên linh thiêng/ Trái tim Hoàng Sa rưng máu/ Biển rộng dài đưa nôi/ Biển thật gần đây thôi/ Biển mọi thời thức sóng/ Cõng vầng trăng bay la/ Cung bổng trầm theo cha/ lướt qua Trường Sa lệ ứa”. 
 
Giai điệu lúc dìu dặt, khi cuộn trào hòa quện cùng lời ca thấm đẫm cái tình, đi vào lòng người nghe như “Con sóng biển chiều” không dứt. Đó là tình yêu vô bờ bến của tác giả với biển, khi biển bị xâm phạm sẽ như những đợt sóng vỗ vào lòng và dâng lên thành lời ca, thành điệu nhạc đẹp, có sức lan tỏa làm trỗi dậy tình yêu biển, biến tình yêu thành hành động bảo vệ biển, đảo. 
 
QUỲNH UYỂN