Chuyện cô Ngàn

09:03, 10/03/2016

Tôi gặp đúng lúc cô đang bị chiếc xe rác đầy ú ụ kéo theo, ào ào lao xuống dốc. Thật tội nghiệp. Tuổi cũng khá cao, thân hình lại thấp bé, gầy quắt queo, dù cô đã cố níu kéo: Hai bàn tay nắm chắc thanh đẩy của xe, hai bàn chân bám chặt mặt đường, người ngửa hẳn ra sau mà vẫn bị sức nặng của xe kéo theo ràn rạt. 

Tôi gặp đúng lúc cô đang bị chiếc xe rác đầy ú ụ kéo theo, ào ào lao xuống dốc. Thật tội nghiệp. Tuổi cũng khá cao, thân hình lại thấp bé, gầy quắt queo, dù cô đã cố níu kéo: Hai bàn tay nắm chắc thanh đẩy của xe, hai bàn chân bám chặt mặt đường, người ngửa hẳn ra sau mà vẫn bị sức nặng của xe kéo theo ràn rạt. Thấy vậy, tôi lập tức dừng xe vệ đường, chạy tới chặn đầu xe, cố hết sức ghìm, giữ, mà chiếc xe vẫn trườn thêm một đoạn mới chịu dừng lại. Biết có người giúp, dù đang mệt phờ, mũi miệng thi nhau thở, cô vẫn cố nói lời cảm ơn lào thào như tiếng gió. Khi nhận ra người quen, cùng xóm phố, cô giả lả nói: “Anh Đồng đấy à! Thật hú hồn. Nếu không có anh giúp, chắc cả em và chiếc xe rác thổ tả này đã lăn tùng phèo rồi. Em cảm ơn anh nhé”. “Có gì mà ơn với huệ! À mà sao có mình cô vậy? Phải cẩn thận chứ. Nguy hiểm lắm đó”. “Dạ (tiếng dạ của cô thật hiền dịu), hai người lận, nhưng chị kia nán lại dọn nốt số rác vương vãi, chắc chưa xong, nên chưa tới”. Tôi giúp đưa xe rác vào điểm đổ. Nói với cô vài lời xã giao, rồi đi tiếp.
 
Tên cô là Ngàn. Chừng năm mươi tuổi. Vì lam lũ vất vả, lại buồn phiền chuyện tình cảm riêng tư nên dáng vẻ heo hắt, tong teo, trông như người năm lăm, sáu mươi tuổi.
 
Minh họa: H.T
Minh họa: H.T

Cách đây hai mươi năm, khi đó Ngàn ba mươi tuổi. Ở chỗ chúng tôi hồi đó, con gái tuổi ba mươi, đều đã con bồng con bế đùm đề, chỉ có Ngàn vẫn phòng không bóng lẻ. Chẳng phải vì cô xấu về nhan sắc, hay kém về đức hạnh. Trong xóm phố, nếu nói về nhan sắc cô chẳng thua ai, còn trội hơn ấy chứ, hay nói về đức hạnh cũng vậy. Ngàn hiền hòa đoan trang, đi đứng nhẹ nhàng ý tứ, nói năng khiêm nhường lễ phép. Có thể nói công, dung, ngôn, hạnh đều được. Chả thế mà, hồi mười tám đôi mươi, không thiếu các chàng trai đeo bám, sẵn sàng xin chết vì cô. Nhưng tất cả đều chào thua. Đơn giản, vì cô chẳng ưng ai. Liệu có phải cô kén cá chọn canh, hay đứng núi này trông núi nọ? Không biết. Chỉ biết rằng, bạn bè và người thân hối thúc, cô chỉ cười cười bâng quơ, nụ cười như vương một chút gì chát chua, tiếc nuối. Chứ còn gì nữa mà không tiếc nuối “Tam thập nhi lập”. Nghĩa là tuổi ba mươi coi như đã hoàn thiện về sự nghiệp, về gia đình, con cái. Còn cô, cô chẳng có gì để mà hoàn thiện, ngoài cái thời xuân sắc quí hơn vàng, cô đã để nó tuồn tuột trôi mất. Học hành dở dang, không nghề, không nghiệp. Ở cái vùng quê phố núi này mà như thế thì, coi như cô đã là gái già, già đắng, già chát ấy chứ, không phải sao? Này nhé, trai tân mới lớn, chúng nó chở mấy đứa học trò vừa dậy thì, ngực nây nẩy sau làn áo sơ mi trắng mỏng đầy gợi cảm, bắt đầu biết làm dáng, má lúc nào cũng như vừa ở trong bếp ra, hồng dậy. Những anh tầm u bốn mươi ẵm liền mấy em mười tám đôi mươi hơ hớ. Các ông u năm mươi, mấy người còn đơn lẻ, những vị này chỉ vui là chính, có điều kiện “phăm” một cái rồi chạy bay mũ. Chỉ còn mấy ông số phận hẩm hiu, bị vợ bỏ hoặc vợ chết là để ý đến cô. Nhưng khổ nỗi, họ ham vui quá đà, con đàn, cháu đống nên bây giờ, chúng rống lên đòi cưới vợ, đòi nhà, đòi xe… Ngữ ấy thì có các vàng cô cũng chẳng dây vào. Ở vậy cho nó mát, cho nó nhẹ mình.
 
Hèm một nỗi, vào những đêm trời se se lạnh, lất phất mưa phùn, một mình cuốn cái chăn đơn mỏng, cô cứ thấy hai bên mình trông trống lành lạnh. Cô trở mình liên tục, mà cái cảm giác đó không mất đi. Bản năng giống cái trong cô thức dậy một chút thèm khát, một chút muốn được bàn tay đàn ông ve vuốt.
 
Các cụ xưa có câu “Chẳng ai nắm tay cả ngày đến tối”. Trời không thể cứ nắng mãi, phải có lúc mưa. Đất cũng có đất lành đất dữ, người cũng có khi vui, khi buồn. Thế mới là trời, là đất, là đời người.
 
Ngàn quen một người đàn ông. Người này quê hương bản quán ở đâu cô không biết. Tên anh là Tinh. Tiếng nói miền ngoài rất nặng. Tinh cao ráo, khá bảnh trai, nói năng khéo léo, biết cách nói để người ta tin. Hắn nói, vì thi trượt đại học, nên phải ở nhà làm nông cùng gia đình. Mà quê hắn thì bão lũ triền miên, mùa màng thất bát, lam lũ cực nhọc một nắng hai sương mà vẫn nghèo vẫn đói. Vì thế hắn quyết rời quê hương, đi tìm bến bờ mới. Nếu may mắn gặp được nơi “Đất lành chim đậu” thì hắn sẽ định cư lập nghiệp, xây dựng quê hương mới. Hắn nói có vẻ thao thiết lắm, khi nói, mắt hắn đăm đắm nhìn đi nơi nào đó, như để kiếm tìm điều tốt đẹp cho cuộc đời của hắn. Qua những lần gặp gỡ, hắn tỏ ra yêu thương Ngàn lắm. Hắn khéo chăm sóc, chiều chuộng cô chu đáo cả tinh thần lẫn vật chất, đến độ, Ngàn đã gửi trọn niềm tin, ngã lòng về hắn. Một tối hai người đi chơi, sau một chầu cà phê quán, họ định về, nhưng thấy thời gian còn sớm, hắn rủ Ngàn đi dạo bờ hồ. Đi một lúc thấy người, xe đi đông bụi bặm, mùi khói, mùi xăng xe ngột ngạt, nên hắn bảo lên đồi Cù cho thoáng mát, hắn có chuyện muốn nói. Cô hơi miễn cưỡng, nhưng thấy hắn đưa cô đi đến chỗ trống trải, trăng tỏ như ban ngày, với lại, đã có lần đi chơi vào đường tối vắng, Tinh vẫn đàng hoàng tử tế, không có ý sàm sỡ, nên cô cũng yên tâm. Hắn tìm chỗ có bụi cây lúp súp, cởi áo khoác trải xuống, lấy bia lon, chả lụa, muối tiêu và nước uống để lên. Những lần đi dự tiệc, Ngàn đã từng uống bia với các bạn, nên khi hắn đưa cho cô lon bia và chả, cô thản nhiên đón nhận, ăn uống vui vẻ. Trăng vàng óng ả, hoa lá ngậm sương đêm, gió hiu hiu ve vuốt cỏ non, chẳng khác cảnh thần tiên, đưa đôi uyên ương vào cõi mộng.
 
Khi men bia đã thấm, cô nhìn hắn cười, nghe hắn nói hay hơn, đẹp hơn. Cô cũng nhìn hắn với ánh mắt long lanh, đong đưa tình tứ, thì hắn hiểu rằng, thời cơ vàng mà lâu nay hắn mong đợi đã đến… Khi cảm giác trời đất hết bồng bềnh, chao đảo và hoa hết rụng, lá hết rơi; không gian bình lặng trở lại, chỉ có vầng trăng biến thành trắng xanh ảo huyền, lạnh lẽo. Cô ngồi thu mình cầm cập tái tê. Cô biết rằng, cái quý giá nhất đời con gái mà cô giữ gìn như báu vật, đã mất. Cô bàng hoàng tiếc nuối. Nước mắt tràn mi, tấm thân thã thượt, rã rời. Còn Tinh sau khi thỏa cơn khát tình, hắn phát hiện bí mật nơi Ngàn, khiến hắn quá đỗi sung sướng, rằng thân thể cô vẫn toàn vẹn trinh nguyên. Đời hắn chưa dài mà đã có khá nhiều đàn bà qua tay, nhưng toàn mèo mả gà đồng, rữa tàn, nhão nhoẹt…
 
Lần gặp sau, hắn nói với Ngàn những lời cảm ơn rất chân thành, rằng cô đã cho hắn một ân huệ, một tình yêu trọn vẹn. Để đáp lại ân tình ấy, hắn hứa hẹn với cô những điều mà bất kì người đàn bà nào cũng mong muốn, rằng hắn sẽ cưới cô và yêu thương cô trọn đời. Những lời dụ khị ngon ngọt ấy, được nói ra từ cái miệng dẻo quẹo và cặp mắt ướt át cứ đăm đăm dán vào da thịt Ngàn như ve vuốt, như vỗ vả khiến cô mềm lòng, để rồi cô lại cùng hắn nối tiếp những cuộc truy hoan dài mãi.
 
Chỉ khác, từ đây Tinh bộc lộ nguyên hình là tên cuồng dục. Hắn không còn e dè nể nang, không còn thương hoa tiếc ngọc. Đến đây thì cô hoàn toàn hiểu được, cái con người nhìn bề ngoài đẹp đẽ, tử tế ấy, lại không biết đâu là giới hạn, đâu là sự ô trọc của thú tính. Cô chán nản, và thất vọng về người đàn ông mà mình đã kí thác cả cuộc đời.
 
Một phát hiện khiến Ngàn bàng hoàng lo sợ: Cô đã có thai! Cô suy nghĩ mãi mà chẳng tìm được cách nào để giải quyết cho êm đẹp. Cuối cùng, cô đành phải tìm hắn để hắn lo liệu. Cứ tưởng hắn sẽ vui mừng khi biết chuyện. Nhưng không, hắn đùng đùng nổi giận, lớn tiếng nạt nộ: “Không thể như thế được. Cô có chắc là của tôi không?”. Ngàn giật bắn mình, mồm há hốc, mắt trợn tròn nhìn hắn như nhìn quái vật. Thấy vẻ mặt ngỡ ngàng đầy thất vọng của Ngàn, hắn khựng lại, một thoáng suy nghĩ rồi nhào tới ôm chầm cô. Hôn tới tấp lên mặt, lên cổ, lên ngực và rờ nắn bụng cô. Hắn hổn hển: “Có thật em có bầu không? Trời ơi! Anh mừng quá hóa khùng đấy mà. Vậy thì anh phải về quê báo cho gia đình mừng, rồi vào lo đám cưới cho chúng mình”... Từ bữa hắn nói về quê, Ngàn nhẩm tính từng ngày, từng tháng nhưng Tinh vẫn biệt vô âm tín.
 
Bố mẹ Ngàn là những người tha hương lên Đà Lạt, gặp nhau và nên vợ nên chồng. Họ mới chỉ sinh được một người con - đó là Ngàn thì bố cô phải vào quân dịch, rồi tử trận ở đâu tận Gia Lai - Kon Tum gì đó (ấy là cô nghe mẹ kể vậy). Mẹ không lấy ai nữa. Cho đến năm bảy lăm, bà đi theo một người lính cộng hòa, vượt biên ra nước ngoài. Người đàn ông mà bà đi theo chỉ là gã lính quèn, lại chẳng có trình độ gì, nên đến xứ người, cũng chẳng làm nên cơm cháo. Vì vậy, dù có thương con đến mấy, thì lâu lâu bà cũng chỉ gửi về cho cô chút đỉnh, gọi là cho có để nối mối dây tình cảm mẹ con, chứ chẳng thấm tháp gì. Đến tuổi ba mươi mà Ngàn chưa lấy chồng, chính là cô chờ mẹ bảo lãnh ra nước ngoài, mẹ con đoàn tụ, rồi mới tính chuyện chồng con. Nhưng sự đời có mấy khi được như người ta mong muốn…
 
Khi đi, mẹ Ngàn chẳng có của cải gì để lại, chỉ một căn nhà nhỏ, mái tôn mà cô đang ở. Trải mấy mươi năm dầm dãi nắng mưa nay đã cũ kĩ rêu phong, mưa thấy nước, nắng thấy trời. Nỗi buồn cứ dập dã lòng cô. Lại nữa, cái bầu ngày một lớn. Không chồng mà chửa, buồn khổ và nhục nhã ê chề ùa đến bao vây Ngàn, không cho cô đi tiếp con đường sống. Cùng quẫn, cô nghĩ đến cái chết. Phải, chết là hết, là xóa sạch nợ nần thế tục. Chết có gì phải sợ… Nhưng còn cái thai đang hiện hữu trong người cô? Nghĩ tới, cô run bắn người, mồ hôi tua ra ướt cả áo. Phải rồi, cô có thể chết, nhưng cái thai trong bụng cô thì không thể. Vì nó là con cô, là máu thịt của cô, nó có tội tình gì? Thế thì làm sao cô có thể chết để con mình chết theo. Ôi trời! Thật là một ý nghĩ tội lỗi.
 
Bỗng có tiếng gõ cửa “cộp, cộp, cộp…”. Ngàn nghe rõ ba lần gõ, nhưng không dậy nổi để ra mở cửa. Người gõ cửa là chị Lương. Chị Lương thuê phòng trọ ngay kế nhà Ngàn. Tuy là khách tạm trú, nhưng tình cảm giữa chị và Ngàn gần như đã thắm thiết với nhau. Đã mấy ngày, chiều nào Lương cũng thấy cửa nhà Ngàn đóng im ỉm, nên không vào. Chiều nay, chị linh cảm thấy có điều gì đó không ổn, cứ vào xem sao. Rõ ràng cửa không khóa, mà sao gõ cửa không thấy bên trong động tĩnh gì. Chị lấy cả bàn tay đập mạnh, thì cánh cửa tự mở. Chị bước vào, nhìn thấy Ngàn nằm bất động trên giường, chỉ mấy ngón tay ngúc ngoắc. Lương chạy tới gọi “Ngàn ơi! Em làm sao thế?”. Chị ngồi xuống, nắm hai bàn tay Ngàn, chị cảm nhận những ngón tay yếu mềm lạnh giá. Căn phòng mờ ảo, một cảnh tượng tối tăm, rờn rợn bao trùm. Lương bật đèn sáng, nhìn thấy mặt nhợt nhạt xanh gầy. Chị lay gọi: “Ngàn, Ngàn ơi! em làm sao thế này?”. Ngàn thều thào: “Chị Lương ơi! Chắc em chết mất”. Tiếng nói mệt mỏi rã rời, nước mắt đẫm tràn. Lương lau nước mắt cho Ngàn, xoa bóp chân tay xong, chị xuống bếp nấu cho Ngàn bát cháo. Ở bếp, những thức ăn cũ đã ôi thiu, có lẽ mấy ngày rồi Ngàn không nấu nướng gì. Chị còn tìm thấy sợi dây dù và một chai thuốc trừ sâu. Liệu có phải Ngàn định tự tử?  Lương hoảng hồn, quáng quàng đem mấy thứ đó bỏ hố rác ngoài đường, phi tang. Chị vào phòng mình lấy vài cọng hành lá bỏ cháo. Lương đỡ Ngàn ngồi, chậm rãi đút cho cô từng muỗng cháo nóng hôi hổi. Lúc sau, mồ hôi vã ra, người Ngàn ấm lên, nhìn mặt cô đã có chút sinh khí. Đêm ấy và vài đêm sau, chị Lương sang ngủ với Ngàn cho vui, và cũng để tiện việc chăm sóc cho cô. Khi sức khỏe đã khá trở lại, Ngàn năn nỉ chị Lương dọn sang ở hẳn với mình, để sớm tối có chị có em, và cũng để chị Lương không phải trả tiền thuê phòng trọ.
 
Một hôm, Ngàn đem chuyện của mình thổ lộ với chị Lương. Cô thổn thức kể mà nước mắt cứ sụt sùi. Cảm thương cảnh éo le của Ngàn bao nhiêu, thì chị lại tủi hờn, giận dữ cho số phận mình bấy nhiêu. Rồi chị kể cho Ngàn nghe chuyện đời bất hạnh mà chị đã trải. Lương lấy chồng được hơn mười năm. Quãng thời gian ấy, gia đình hạnh phúc lắm. Bọn chị chưa vội sinh con, vì muốn kéo dài thời gian hạnh phúc bên nhau, mà không phải vướng bận vì con cái. Đến khi bố mẹ chồng muốn có cháu bế bồng cho vui nhà vui cửa, thì cũng là lúc vợ chồng chị muốn sinh con. Nhưng đúng vào thời điểm đó chị bị tai nạn. Tai nạn không nặng lắm, nhưng nó khủng khiếp, vì sau tai nạn ấy, chị mất hoàn toàn khả năng sinh đẻ. Điều đau đớn nữa ập tới chị là, kể từ đó tình cảm chồng chị thay đổi hẳn, trở nên thờ ơ, lạnh nhạt. Thế rồi một ngày, bỗng dưng hắn biến mất như tan vào sương khói. Chẳng biết gia đình chồng có ai hay anh ta đi không, nhưng hỏi thì ai cũng lắc đầu không biết. Thật đáng ngờ. Mấy tháng sau, chị nghe tin anh ta ở Đà Lạt. Chị gom góp tiền bạc, lập tức vào ngay, nhưng không tìm thấy. Không còn tiền bạc để về quê. Một thân đàn bà không người thân thuộc, giữa phố thị nơi đất khách quê người, biết phải làm sao. Chị liều thân kiếm sống bằng việc rửa chén bát cho các quán xá, nhà hàng. Lay lắt sống cho đến một ngày, chị gặp được một người đồng hương là cán bộ Công ty Vệ sinh - Môi trường, cảm thông và nhận chị làm công nhân quét rác. Từ đấy chị có công việc ổn định.
 
Nếu con thuyền có lái thì con thuyền sẽ đến được nơi nó đến. Nhưng nếu thuyền không có lái thì thuyền biết trôi về đâu. Cũng như người đàn bà cần có người đàn ông một lòng đưa con thuyền tình yêu đến bến bờ hạnh phúc. Nhưng nếu người đàn ông mà đen bạc, đoản nghĩa, phụ tình như chồng chị thì cũng giống như con thuyền không có lái, dẫu có sống cùng nhau, cũng chỉ đem lại sự khổ đau cho nhau mà thôi. Vì vậy, chị đã thẳng tay xé toạc nó ra khỏi cuộc đời của chị từ lâu rồi, chẳng còn tơ vương gì nữa. Chỉ có điều… - Ngần ngừ một thoáng rồi chị Lương thổ lộ: - Lâu nay, chị ao ước có một đứa con. Phải, một đứa con, dẫu nó có đui què mẻ sứt gì cũng được, miễn nó là con của chị. Chị đột ngột ngừng nói. Trút một hơi thở dài, mắt đăm đắm nhìn Ngàn. Bất ngờ Lương vung tay chém vào khoảng không như một sự quả quyết, rồi tiếp tục lên tiếng: - Ngàn! Nghe chị nói đây, cho dù có khó khăn, trắc trở đến trời long đất lở, thì em cũng phải đẻ con cho bằng được, cấm không được có ý nghĩ nào khác!
 
Ngàn sinh mẹ tròn, con vuông. Chỉ tội khi đó đời sống khó khăn quá, nên cháu bé mới năm, sáu tháng thì Lương đã phải xin cho Ngàn vào công ty, cùng làm công nhân quét rác với chị. Vì miếng cơm manh áo, vì phải nuôi con nên chị em chẳng phải chỉ quét rác thôi đâu, hai người còn kết hợp lượm cả ve chai nữa. Cũng không phải đi đâu xa, cứ đến các điểm đổ rác lựa ra, thứ nào bán được, bỏ vào cái bao treo toòng teng sau xe, rác thì bỏ vào thùng xe. Hết buổi làm, họ lỉnh kỉnh khiêng vác, đến bán cho vựa phế liệu.
 
Thấm thoắt đã hai mươi năm. Đứa con ngày ấy Ngàn sinh ra là con trai. Hai người mẹ là Ngàn và Lương đã dày công nuôi dưỡng nó lớn khôn và họ cũng đặt rất nhiều hi vọng vào việc học hành, vào tương lai của nó. Nhưng cháu tự hiểu, nếu tiếp tục đi học, sẽ thêm gánh nặng cho hai người. Thế nên, cháu khẩn khoản xin cho thôi học, để tình nguyện vào quân đội. Họ đành phải chiều theo ý nó. 
 
Sáng nay, tôi đi bộ thể dục ở bờ hồ, gặp Ngàn đang quét dọn vệ sinh trên đường. Tuy bận làm việc lu bù, nhưng cô vẫn ngừng lại, đon đả cười chào. Trông cô lúc này oai vệ, dũng khí hệt như quân sĩ tốt thời xưa: Hai chân đi ủng đứng dạng hình chữ bát, áo phát sáng bảo hộ giống như áo giáp bó lấy người, tay cầm cây chổi tựa như cây thương chống xuống đường, đầu đội nón chóp lá. Tôi hỏi thăm cậu con trai cô. Cô mừng rỡ khoe nghe nói, cháu được đơn vị cho đi học lớp kỹ thuật quân sự gì đó. Vui xong cô lại ấm ức: “Nó đi những hơn năm rồi chứ đâu phải ít, vậy mà chẳng thèm gởi về cho hai mẹ một lá thư. Lâu lâu mới thăm hỏi đôi câu qua điện thoại. Đấy anh xem, như vậy có phải nó không thương mẹ nó không?”. Tôi cười cười nói: “Tôi thì lại nghĩ khác, tôi thích những thanh niên có tính kiên nhẫn như vậy. Rồi cô xem, những đứa như nó ở trong quân đội sẽ trưởng thành nhanh chóng, và tiến bộ vượt bậc đấy”. 
 
Quanh bờ hồ người tập thể dục đông dần, kẻ chạy, người đi rộn ràng tấp nập. Mặt trời đã rạng, sương trắng trên hồ bồng bềnh trôi. Nhìn ánh hồng nơi đường chân trời, lòng tôi ấm lên, nao nức trong bình minh xôn xao.
 
Truyện ngắn: Đinh Minh Đảng