Nối mãi những vòng tay nắm chặt

09:03, 31/03/2016

Từ những bàn tay nhỏ của 54 dân tộc anh em, của hơn 90 triệu người dân Việt Nam nắm chặt thành vòng tay "lớn mãi" nối giang sơn gấm vóc và "nối tròn" dải đất Mẹ hình chữ S vào lòng. Bài hát mở đầu bằng một tấm lòng rộng mở, ca lên lời ca bằng tấm lòng rộng mở tình người, tình đồng bào, tình yêu nhân loại hòa vào với tình yêu non sông đất nước. 

Nhắc đến nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn người yêu quý nhạc Trịnh thường nhớ đến: Một cõi đi về, Tuổi đá buồn, Hạ trắng, Diễm xưa, Cát bụi, Như cánh vạc bay, Để gió cuốn đi... và rất nhiều tình khúc của ông; tôi thì nhớ đến Nối vòng tay lớn. 15 năm nhạc sĩ đã hóa thân vào cát bụi, nhưng cứ đến những ngày tháng Tư là trong tôi lại ngân vang đâu đây giai điệu, ca từ “Rừng núi dang tay nối lại biển xa, ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà. Mặt đất bao la anh em ta về gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng. Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam”... 
 
Hình tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng bản nhạc Để gió cuốn đi và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho giới trẻ
Hình tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng bản nhạc Để gió cuốn đi và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho giới trẻ
Từ những bàn tay nhỏ của 54 dân tộc anh em, của hơn 90 triệu người dân Việt Nam nắm chặt thành vòng tay “lớn mãi” nối giang sơn gấm vóc và “nối tròn” dải đất Mẹ hình chữ S vào lòng. Bài hát mở đầu bằng một tấm lòng rộng mở, ca lên lời ca bằng tấm lòng rộng mở tình người, tình đồng bào, tình yêu nhân loại hòa vào với tình yêu non sông đất nước. 
 
Lời ca như thúc giục dồn dập triệu triệu con tim “Cờ nối gió đêm vui nối ngày, dòng máu nối con tim đồng loại, dựng tình người trong ngày mới, thành phố nối thôn xa vời vợi, người chết nối linh thiêng vào đời và nụ cười nối trên môi”. Từ “nối” được nhắc đi nhắc lại khiến cho lòng người chan chứa xúc cảm bất tận về tình người, về sự hòa chung dòng máu Lạc Hồng, cùng chung nguồn cội, chung niềm vui nỗi buồn, với bao lớp người ngã xuống, để người hôm nay còn sống như một sự trường tồn không dứt “người chết nối linh thiêng vào đời”, hồn lớp lớp người Việt đã từng sống, đã chết tạo nên hồn dân tộc để “nụ cười nối trên môi”. 
 
“Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay, ta đi từ đồng hoang vu vượt hết núi đồi. Vượt thác cheo leo tay ta vượt đèo, từ quê nghèo lên phố lớn nắm tay nối liền, Biển xanh sông gấm nối tròn một vòng tử sinh”. Bài hát không dài, dễ thuộc, những từ “nắm tay”, “bàn tay ta nắm”, “nối”, “nối liền”, “nối tròn” lặp đi lặp lại... như một sợi dây bền chặt gắn kết không dứt, không rời, đất nước liền một dải, cả dân tộc chung một lòng không thể chia cắt.
 
Ca khúc Nối vòng tay lớn do cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1968, đất nước đang bị chia cắt làm 2 miền Nam - Bắc, chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang trong giai đoạn ác liệt nhất. Tại miền Nam, phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” đấu tranh đòi hòa bình, thống nhất của sinh viên, học sinh và nghệ sĩ trẻ tuổi phát triển mạnh mẽ. Tháng 4 năm 1970, chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người đầu tiên thể hiện ca khúc của mình tại Trường Đại học Khoa học Huế và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của sinh viên thanh niên, học sinh lúc bấy giờ. Những năm tháng ấy, mỗi khi lời ca vang lên là khát vọng về một đất nước hòa bình, thống nhất, non sông liền một dải. Ca khúc Nối vòng tay lớn vang mãi từ Nam ra Bắc, cho đến 30/4/1975 đất nước thống nhất. Trong ngày trọng đại này, bài hát được phát trên Đài phát thanh Sài Gòn, ca khúc như một bài ca khải hoàn, được cả đất nước hòa ca theo lời hát của chính tác giả.
 
Bài ca tiếp tục ngân vang mãi trong những phút gặp mặt truyền thống, sinh hoạt tập thể, dã ngoại, đốt lửa trại, tay nắm tay nối rộng vòng tròn, cùng đi cùng hát. Cái “tôi” chan hòa vào cái chúng ta, sâu lắng mà rạo rực, tự hào và thiêng liêng, đoàn kết, gắn bó như anh em một nhà. Cho đến hôm nay, 15 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ra đi, ca khúc Nối vòng tay lớn đã trở thành bài hát mà mỗi người con đất Việt đều thuộc, già - trẻ - gái - trai đều có thể vỗ tay, nắm tay hòa ca trong bất kỳ dịp gặp mặt, hội họp nào như là tiếng lòng của tình đồng bào chung một nguồn cội. Bài hát đã được “phổ” các vũ điệu dân vũ thanh niên, nhảy Flashmob sôi động của tuổi trẻ có sức truyền cảm xúc mạnh mẽ về tình yêu quê hương, đất nước, khơi gợi lòng tự hào dân tộc, được đông đảo thanh thiếu nhi yêu thích. 
 
Bài hát không bao giờ cũ mà luôn là tiếng lòng thắt chặt tình đoàn kết của những người con dân đất Việt. Cất lên lời ca Nối vòng tay lớn khiến chúng ta thêm yêu thương nhau hơn, đùm bọc lẫn nhau, sống có trách nhiệm với quê hương, đất nước hơn. Đất nước bước vào thời kỳ hội nhập, hơn lúc nào hết, dân tộc này rất cần một vòng tay lớn, một vòng tay nắm chặt, để cùng đi lên.
 
QUỲNH UYỂN