Giáo sư Hà Văn Cầu - nhà nghiên cứu sân khấu uyên bác

09:04, 07/04/2016

Ra đi ở tuổi 90, với 65 tuổi nghề và trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ; Giáo sư Hà Văn Cầu để lại tầm vóc là một gương mặt tiêu biểu trong đội ngũ nghệ sĩ sân khấu vừa có tâm, vừa có tài, dấn thân hết mình cho sự nghiệp phục hồi, chấn hưng và phát huy tinh hoa nghệ thuật truyền thống dân tộc, nhất là trong lĩnh vực chèo. 

Ra đi ở tuổi 90, với 65 tuổi nghề và trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ; Giáo sư Hà Văn Cầu để lại tầm vóc là một gương mặt tiêu biểu trong đội ngũ nghệ sĩ sân khấu vừa có tâm, vừa có tài, dấn thân hết mình cho sự nghiệp phục hồi, chấn hưng và phát huy tinh hoa nghệ thuật truyền thống dân tộc, nhất là trong lĩnh vực chèo. 
 
Giáo sư Hà Văn Cầu (người đứng bên phải) trong bộ phim truyền hình Số Đỏ dựa theo tiểu thuyết của nhà văn Vũ Trọng Phụng
Giáo sư Hà Văn Cầu (người đứng bên phải) trong bộ phim truyền hình Số Đỏ dựa theo tiểu thuyết
của nhà văn Vũ Trọng Phụng

Quê hương GS Hà Văn Cầu ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Đây là vùng đất nức tiếng cả nước với tiếng hát chèo và những mảnh trò rối nước làng Khuốc.
 
Hai loại hình trình diễn dân gian này có ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới tâm hồn và có tác dụng mạnh mẽ đến hướng nghiệp, chọn nghề của Giáo sư (GS) Hà Văn Cầu. Sau đó, được gia đình gửi về Hà Nội sống cảnh trọ học tại Trường trung học Thăng Long, may mắn được là học trò của các trí thức tên tuổi, đồng thời là những nhà hoạt động bí mật như Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp trực tiếp giảng dạy, mở ra cho chàng thanh niên gốc gác nông thôn chân trời học vấn và lý tưởng sống chân chính... Suốt chín năm kháng chiến, Hà Văn Cầu vừa viết văn, làm thơ và diễn kịch, diễn chèo, vừa nỗ lực học hỏi hiểu biết về vốn nghề từ các đồng nghiệp già dặn cho đến những nghệ nhân vô danh tản mác đây đó.
 
Những công trình nghiên cứu của ông được viết và xuất bản ngay từ thập niên 60 của thế kỉ XX, nổi bật nhất là sách: Tìm hiểu phương pháp sân khấu chèo, NXB Văn hóa 1969; Tuyển tập Hề Chèo, NXB Văn hóa 1972. Dưới cái tên rút gọn Hề Chèo, sách được tái bản nhiều lần, được Bùi Xuân Phái vẽ tranh bìa và tranh minh họa bên trong cực đẹp. Sách Mấy vấn đề về kịch bản chèo, NXB Văn hóa 1979, sách Phong cách và thi pháp trong nghệ thuật sân khấu cải lương, NXB Sân Khấu 1993.
Hòa bình lập lại trên miền Bắc cuối năm 1954, được tổ chức phân công công tác tại ngành văn hóa - thông tin ở Hà Nội, Hà Văn Cầu vẫn đau đáu say mê với sân khấu chèo. Tụ họp với những bạn bè đồng chí hướng như nhà thơ, đạo diễn chèo Trần Huyền Trân, nhà viết kịch Lộng Chương, nhà thơ, tác giả sân khấu Lưu Quang Thuận, họa sĩ sân khấu Nguyễn Đình Hàm, chọn tư gia của ông Lộng Chương làm trụ sở, ông và các nghệ sĩ đã lập ra nhóm những người yêu sân khấu chèo. Đó có thể coi như là sự sơ khai ngôi trường sân khấu đầu tiên ở Hà Nội vào giữa những năm 50 của thế kỷ 20...
 
Càng đi sâu vào nghề chèo, thâm tâm Hà Văn Cầu càng vỡ lẽ ra rằng sân khấu truyền thống dân tộc là bộ phận không thể tách rời của cả nền văn hóa dân tộc. Để có thể tiếp cận vào chiều sâu của văn hóa dân tộc, không thể không trang bị sự thấu hiểu về tư tưởng phương Đông, tín ngưỡng dân tộc, phong tục dân tộc. Tự soát xét lại mình, Hà Văn Cầu thấy mình chịu ảnh hưởng nặng kiến thức của nhà trường Pháp Việt trước cách mạng, nặng về trang bị học vấn văn hóa, văn học phương Tây, còn tri thức về văn hóa phương Đông lại ít được trang bị và là một lỗ hổng lớn. Do vậy, Hà Văn Cầu quyết tâm bằng mọi giá phải gấp rút bổ sung gia tăng phần kiến thức về phương diện còn rất mỏng này. Ông đồng thời tham gia khóa học đại học chuyên ngành Hán học tại Viện Văn học cuối những năm 60 của thế kỷ 20, ông tự học Hán-Nôm, đọc nhiều sách Đông - Tây, liên quan đến sân khấu dân tộc.
 
Nhờ sự kết hợp vốn tri thức Tây học với Đông phương học (Hán - Nôm học) mà sự nghiệp của Hà Văn Cầu chuyển sang một giai đoạn mới, đánh dấu bằng một loạt các công trình nghiên cứu chuyên sâu về chèo và về một số loại hình khác của sân khấu Việt Nam cũng như mở rộng ra cả một số phương diện văn hóa học như lễ hội, tín ngưỡng, phong tục dân gian… Các công trình lần lượt được xuất bản và gây tiếng vang trong dư luận. Năm 2001, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật.
 
Có mặt trên các diễn đàn, hội nghị khoa học quốc tế về sân khấu, GS Hà Văn Cầu với các tham luận giàu suy nghĩ và kiến giải đã được giới nghiên cứu sân khấu thế giới đánh giá cao như tại Béc-lin (Đức) với những so sánh đáng chú ý về sự giống và khác giữa sân khấu tự sự của B.Brếch với sân khấu truyền thống Việt Nam, rồi sự gần gũi và khác nhau giữa hý khúc Trung Quốc với kịch hát truyền thống Việt Nam… Ông là người cộng tác với Vũ Đình Phòng (học sân khấu ở Liên Xô về) bắt tay vào viết kịch về cuộc đời lãnh tụ Hồ Chí Minh dưới hình thức kịch tư liệu ở vở Người công dân số 1, được dàn dựng trên sân khấu, như là vở diễn bề thế chững chạc đầu tiên trên sâu khấu Việt Nam hiện đại viết và diễn về hình tượng Bác Hồ vĩ đại. GS Hà Văn Cầu thử nghiệm viết kịch bản kịch nói học hỏi theo phong cách tự sự - ước lệ của kịch hát dân tộc trong vở Sang Sông gây dư luận tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 1970. Ông cũng tâm huyết và dày công với việc đưa đề tài lịch sử với chất sử thi hoành tráng, nghiêm trang vào chèo ở loạt vở chèo về Tô Hiến Thành hoặc vở chèo tái hiện lại phiên tòa công minh xử án tội ác lộng quyền của Đặng Mậu Lân - em trai nguyên phi Đặng Thị Huệ. Ngoài ra, GS Hà Văn Cầu còn dụng công bắt tay vào việc chuyển thể truyện nôm khuyết danh vào chèo với vở Tống Trân - Cúc Hoa.
 
Ngoài sự nghiệp nghiên cứu và sáng tác, Hà Văn Cầu còn là một nhà sư phạm nghệ thuật với nhiều buổi giảng về sân khấu khiến người nghe nhớ mãi. Ông còn có thời gian nắm trọng trách là Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, Cố vấn nghệ thuật cho Nhà hát Chèo Thái Bình… Ông là một tấm gương lao động miệt mài, nghiêm túc và có những ý kiến phát hiện, thật sự là tấm gương đáng noi theo của giới nghệ sĩ và giới nghiên cứu sân khấu nước nhà.
 
TS tổng hợp (theo nhandan.com.vn)