Con trâu trong đời sống của người K'Ho

08:05, 16/05/2016

Là cư dân miền núi, sống chủ yếu bằng nghề canh tác lúa nước, nên con trâu được xem là "tư liệu sản xuất" chính của người K'Ho Sre. Với người K'Ho Sre, trâu là con vật quý và linh thiêng, nó không chỉ dùng để cày ruộng, đạp lúa "prơjòt kòi" lúc thu hoạch mà còn là vật hiến sinh cúng tế thần linh mỗi khi người K'Ho tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống của cộng đồng. 

Là cư dân miền núi, sống chủ yếu bằng nghề canh tác lúa nước, nên con trâu được xem là “tư liệu sản xuất” chính của người K’Ho Sre. Với người K’Ho Sre, trâu là con vật quý và linh thiêng, nó không chỉ dùng để cày ruộng, đạp lúa “prơjòt kòi” lúc thu hoạch mà còn là vật hiến sinh cúng tế thần linh mỗi khi người K’Ho tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống của cộng đồng. 
 
Lễ hội Nhô wèr tại xã Bảo Thuận
Lễ hội Nhô wèr tại xã Bảo Thuận
Từ đồng ruộng
 
Xưa kia, hầu như nhà nhà của người K’Ho đều nuôi trâu, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh gia đình mà họ nuôi nhiều hay ít, nhưng những hộ nghèo khó cũng nuôi ít nhất được một con, còn những gia đình khá giả nuôi đến hàng trăm con. Vì vậy, ngoài chiêng chóe và đất đai thì con trâu cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá sự giàu có của gia đình và buôn làng của người K’Ho.  
 
Ông K’Brệp, ở thôn Kròt Sơk, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, cho biết: “Người K’Ho nuôi trâu chủ yếu là để giảm bớt sức lao động, dùng sức trâu để kéo cày… Ngoài những mục đích trên, người K’Ho còn dùng sức trâu để đạp lúa, lấy con trâu làm hiện vật trao đổi, như trao đổi đất đai, chiêng chóe. Hơn nữa, trâu còn là vật sính lễ trong lúc dựng vợ gả chồng cho con cái, vật đền bù, trả nợ, chôn theo người chết “Boh chơt” và linh thiêng hơn - trâu là con vật dùng để cúng Yàng”.
 
Đến cúng Yàng
 
Trong một mùa vụ sản xuất, người K’Ho thường tổ chức nhiều lễ hội nông nghiệp khác nhau, như khi gieo sạ lúa xong, họ tổ chức lễ “Gieo sạ” và kết thúc mùa vụ cày cấy họ lại tổ chức lễ “Rửa chân trâu”, những con vật cúng tế thần linh của lễ hội này thường là con gà hoặc con vịt. Đến khi cây lúa chuẩn bị trổ đòng, người K’Ho lại tổ chức lễ hội với qui mô lớn hơn, đó là “Nhô wèr” (Cúng dưỡng lúa). Để tổ chức lễ hội này, các vị bô lão trong buôn tụ tập lại với nhau để bàn bạc, định ngày, giờ hành lễ, mức đóng góp và các công tác chuẩn bị cho lễ hội, thường con trâu là vật hiến tế.
 
Trong một năm, người K’Ho thường tổ chức nhiều lễ hội văn hóa truyền thống với qui mô lớn nhỏ khác nhau nhưng nếu xét về mặt tổng thể của các lễ hội đó thì lễ “Mừng lúa mới” có qui mô lớn nhất. Vì hầu hết các hộ dân đều tổ chức trong phạm vi gia đình, dòng họ. Còn những gia đình khá giả họ thường tổ chức “ăn trâu” (gọi là nhô dơng, nhô sa rơpu và được xem là Tết của người K’Ho) cũng theo dòng họ nhưng mỗi năm một lần để mời tất cả bà con trong buôn và khách khứa phương xa về tham dự cùng chung vui, chúc mừng một mùa vụ bội thu...
 
Đây có thể được xem là lễ hội quan trọng nhất của người K’Ho. Thông qua lễ hội, bà con trong buôn được gặp gỡ, hỏi thăm sức khỏe, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn và chúc tụng cho nhau trong thời khắc bước sang năm mới đầy sức khỏe, mùa vụ thuận lợi và thắng lợi. Qua lễ hội, các nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào có dịp được phô diễn.
 
Vì thời gian tổ chức khá dài, nên đây là điều kiện tốt để thanh niên gặp gỡ, giao lưu, học hỏi cách đánh và diễn tấu cồng chiêng. Còn những nghệ nhân lớn tuổi cũng có dịp thi thố tài năng hát đối đáp, pơn đík - pơn ring, hát kể sử thi… Về ẩm thực cũng được thể hiện, đồng bào chế biến các món ăn truyền thống từ thịt trâu, như thịt trâu nướng, jiă trâu… thơm ngon để đãi khách.
 
“Con trâu không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng người K’Ho; là vật hiến sinh, làm cầu nối gắn kết giữa con người với thế giới tâm linh; là linh hồn làm cho lễ hội thêm trang trọng và linh thiêng mà hơn thế nữa nhờ các lễ hội truyền thống đó mà người K’Ho luôn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống trong thời gian khá dài” - nghệ nhân K’Brel, thôn Kròt Dờng, xã Bảo Thuận (Di Linh) nói.
 
NDONG BRỪM