Đạ Huoai: Tổ chức Lễ hội Văn hóa Cồng chiêng lần thứ II

12:05, 02/05/2016

(LĐ online) - Ngày 29/4, trong không khí hào hùng của những ngày Tháng 4 lịch sử, tại Sân vận động huyện Đạ Huoai, gần 300 nghệ nhân cồng chiêng đến từ 8 xã, thị trấn cùng hàng ngàn người dân trong huyện đã tham dự Lễ hội Văn hóa Cồng chiêng lần thứ II

(LĐ online) - Ngày 29/4, trong không khí hào hùng của những ngày Tháng 4 lịch sử, tại Sân vận động huyện Đạ Huoai, gần 300 nghệ nhân cồng chiêng đến từ 8 xã, thị trấn cùng hàng ngàn người dân trong huyện đã tham dự Lễ hội Văn hóa Cồng chiêng lần thứ II, do UBND huyện Đạ Huoai phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Lâm Đồng tổ chức.
 
Đây là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng 41 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2016), 130 năm Ngày Quốc tế Lao động 1/5; đồng thời, tiến tới kỷ niệm Ngày thành lập huyện (6/6/1986 - 6/6/2016) và tuyên truyền ngày hội bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp sẽ diễn ra vào ngày 22/5 tới.
 
Màn diễn tấu cồng chiêng bên bếp lửa của các nghệ nhân
Màn diễn tấu cồng chiêng bên bếp lửa của các nghệ nhân

Trước giờ khai mạc Lễ hội đã diễn ra nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ, thể thao ý nghĩa như: Thi đẩy gậy (nam, nữ), thi kéo co (nam, nữ) và thi giã gạo. Trong đó, thi giã gạo được các nghệ nhân người Châu Mạ và K’Ho tái hiện lại không khí lao động hăng say hòa quyện với thiên nhiên nơi đại ngàn của dân tộc mình sinh sống. Đặc biệt, tại Lễ khai mạc diễn ra vào buổi tối cùng ngày, những nghi thức linh thiêng trong Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được các nghệ nhân dân gian nơi đây tái hiện trong tiếng hò reo, cổ vũ của hàng ngàn người dân địa phương, như: Nghi thức cúng Yàng; diễn xướng, trình tấu cồng chiêng; múa xoang; hát dân ca…
 
Thi đẩy gậy
Thi đẩy gậy

Theo ông Nguyễn Linh Hoạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội: Đây là dịp để bà con các dân tộc đang sinh sống tại địa phương hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa bản địa của người Châu Mạ và K’Ho. Đồng thời, Lễ hội cũng là dịp để các nghệ nhân giao lưu, học hỏi kinh nghiệm nhằm làm tốt công tác giữ gìn, bảo tồn và phát triển văn hóa cồng chiêng tại địa phương; qua đó, nhằm thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em, cùng xây dựng một xã hội ngày càng văn minh, giàu đẹp.
 
KHÁNH PHÚC