Hải Đường - khám phá tận đáy những bí ẩn và bất ngờ của cuộc sống

05:05, 26/05/2016

Trong hồn thơ Hải Đường - hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Bộ Biên tập Báo Nhân Dân, hình như luôn có một niềm khắc khoải khôn nguôi, đó là ý thức song hành riết róng với thời gian, ý thức về sự quẫy đạp không ngừng của sức sống thiên nhiên, sự nảy mầm từ rễ thành cây, từ cây lên lá, rồi từ lá ra hoa. 

Trong hồn thơ Hải Đường - hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Bộ Biên tập Báo Nhân Dân, hình như luôn có một niềm khắc khoải khôn nguôi, đó là ý thức song hành riết róng với thời gian, ý thức về sự quẫy đạp không ngừng của sức sống thiên nhiên, sự nảy mầm từ rễ thành cây, từ cây lên lá, rồi từ lá ra hoa. Nhưng anh không hề đao to búa lớn, như bông hoa nở ra kia, cũng chỉ hết sức khiêm nhường: “Này cao thấp với sang hèn/ loài hoa lặng lẽ thắp bên cuộc đời!” (Rễ, cành, lá, hoa). Tôi sực nhớ đến câu thơ của Trần Thái Tông trong “Khóa hư lục”: “Xuân vũ vô cao hạ/ Hoa chi hữu đoản trường” (Mưa xuân không kể cao hay thấp/ Cành hoa tự có ngắn có dài). Phải! Mưa xuân chia đều cho khắp chốn, đâu kể cao thấp, sang hèn. Còn hoa miễn là được tỏa hương sắc làm đẹp cho đời, ngắn dài đâu cần để ý! Vậy là ý thức về thời gian cũng còn gắn liền với ý thức cân bằng trong vũ trụ, trong tự nhiên, và cùng với nó, cũng là ý thức chia sẻ bình đẳng về sự hài hòa, đầy công tâm mà lặng lẽ, không hề có tuyên ngôn nào to tát của vạn vật. 
 
Nhà báo, nhà thơ Hải Đường (thứ nhất, phải qua) cùng với đồng nghiệp thời học ĐH Báo chí tại Hà Nội (1983-1988). Ảnh: THANH ĐẠM
Nhà báo, nhà thơ Hải Đường (thứ nhất, phải qua) cùng với đồng nghiệp thời học ĐH Báo chí tại Hà Nội (1983-1988). Ảnh: THANH ĐẠM

Tập thơ “Mùa đi” (NXB Hội Nhà văn, 2016) mới đây của Hải Đường là sự chào đón và chia sẻ với mọi chuyển động tuần hoàn của tháng năm, lại vừa có giây phút khẽ khàng khựng lại, khi vụt cảm nhận thấy vị đắng của “Thoi đưa chớp mắt đời người” (Ra giêng), hoặc thoáng qua niềm tiếc nuối một chút xao động còn run rẩy tự thời nào xa hút: “Khi tôi chạm tuổi sáu mươi/ lòng em còn sóng cái thời trăng non?” (Khi tôi chạm tuổi sáu mươi). Nhưng câu thơ bùng nổ nhất mà chúng ta cảm nhận được về ý thức thời gian này, lại là một câu tưởng như rất nhẹ nhàng, khi tác giả dạo chơi trong “Chợ đồ cũ ở Pa-ri” và tự đối thoại với chính mình: “Tôi đi mua chính tôi/ Chưa già mà đã cũ…”. Dám nói thẳng tưng như thế về mình, chắc chắn là tác giả còn minh mẫn và sắc sảo, chưa thể già, nhưng đã biết giễu cợt một điều gì đó đang sắp rơi vào sự cũ càng lẫn cẫn và gắn chặt với số phận đời mình. Ta có thể hiểu rõ hơn sự giễu cợt chua cay này khi đọc thêm bài “Buổi sớm” nói về một ông lão thường đi giật lùi trên cát để tự ngắm những dấu chân mình; hay một đoạn tâm sự vui khác, khi chia sẻ với bạn bè trên facebook: “Lướt nhanh vẫn toàn thấy họp/ cũ như không thể cũ hơn/ điểm danh vẫn chừng ấy mặt/ ngày mai ta lại vỗ tay!...” (Một chén tình đầy).
 
Khúc giao duyên của tướng về hưu
 
Súng ống cả đời không quên câu hát
Từ độ ông về con suối biết ngân nga
Mây xám đỉnh đèo thôi ngái ngủ
Cánh ong vẽ vòng hương quế nồng cay
 
Không cửa chớp lầu cao thành phố
Trận mạc bao năm nhớ bản nhớ làng
Nhớ căn nhà sàn trống trơ bếp lạnh
Cỏ dại len vào tận cầu thang
 
Nào mũ áo, huân chương xếp lên gác xép
Cuộc chiến bây giờ là dốc núi, ao đầm
Là cái nghĩ co mình như rỉ sắt
Là chụp giựt đỏ đen ma quỷ hiện hình
 
Lo hiến đất làm đường, trồng cây dâu, cây quế
Nhận thầu ao đầm, nuôi cá, tôm
Hát giao duyên sân nhà thành lớp học
Tính tang giọt đàn, tiếng suối tiếng chim
 
Vê hưu mười năm mười năm già bản
Già bản không nói như trên đài
Chỉ mê trồng cây và dạy hát
Chênh “nốt” nào sửa “nốt” ấy thôi
 
Vó ngựa dừng thác đổ lưng chừng khuya
Tình đã bén khúc giao duyên chưa cạn
Tôi lặng ngắm Tướng về hưu - già bản
Nơi không tháp ngà chỉ hương quế và trăng.
 
Trấn Yên, 9/2009 
 
HẢI ĐƯỜNG
Cái cũ làm người thơ phiền muộn đã đành, nhưng có những cái mới cũng không làm cho anh vui được. Đó là cái “trật tự mới, chen chúc, lô xô/ nhà chọc trời xê dịch cả sông Tô/ làng Láng không còn húng Láng” (Đồng chiều gió xưa) - với cung cách đô thị hóa tràn lan, xây dựng thiếu tầm nhìn tổng thể, làm hỏng đi bao nét đẹp truyền thống của Hà Nội xưa. Giữa “cơn sốt đất, sốt nhà” ấy, thật buồn và lạc lõng cho ai đó vẫn còn cố đi tìm một “vị thơm cay đắng đót”, như thời còn “rau húng cài hoa” trên đất làng Láng, còn cố muốn tận hưởng hương vị của “đồng chiều gió xưa”, nay đã thay bằng mùi xăng dầu khét lẹt, mùi nhà hàng cao lâu tửu quán đủ kiểu Tây, Tàu; cả mùi bụi, mùi khói ô nhiễm xa lạ với đồng làng quê xưa! Đấy cũng là bóng dáng của thời gian đã phủ dày lên ký ức, và làm tác giả có lúc thảng thốt không muốn đặt ra những khái niệm so sánh thông thường giữa cái Cũ và cái Mới, giữa cái Được và cái Thua, giữa cái Nghèo hèn với cái Giàu sang nữa, mà muốn so sánh ngay bản thân cái “Đang có” nào sẽ tốt hơn, để liệu có thể tìm ra cái “Lẽ ra Phải có” không. Đấy là phép so sánh thoạt nghe ngỡ như khó hiểu, nhưng nghĩ kỹ thì đúng là “Phép so sánh cao hơn điều ta thường nghĩ” (So sánh) như nhà thơ khẳng định. Có lúc anh lại tâm đắc tìm ra được cái hay khi bảo vệ nếp làng nghề nổi tiếng từ xưa, ví dụ trong cách thức làm giò chả cổ truyền, mà dù, vật đổi sao dời, hôm nay có thể học thêm nhiều kỹ thuật tân kỳ theo xu thế hiện đại, nhưng bí quyết nghề các cụ trao truyền vẫn không thể bỏ: “Ơ cái nghề giò chả/ được tiếng khen là ngon/ cứ thủ công mà… giã/ tiếng làng xưa mới còn!” (Ở làng giò chả Ước Lễ). Đây không phải là sự bảo thủ, đây là sự giữ gìn tinh hoa truyền thống.
 
Thời gian không chỉ tạo ra những cảm quan khác nhau trong nhận thức thế giới và quê hương của nhà thơ, mà thời gian, bản thân nó, còn là nhân tố tái tạo và chuyển hóa đi đến mức khó mà nhận ra rất nhiều giá trị của lối sống, của nhân cách và tính tình con người. Trong “Mùa đi” có hai bài thơ, đề cập đến hai khía cạnh ngược chiều nhau về sự chuyển hóa đó: Bài thơ “Anh em nhà kia” cho ta hiểu thêm về một thực tế phũ phàng của giáo dục, lối sống và hoàn cảnh đã đẩy các anh chị em, từ một gốc rễ, một gia đình đã phân hóa ra giữa cái Ác và cái Thiện, xa lạ nhau đến mức khó tin và trở nên những con người khác biệt nhau bất ngờ đến mức nào. Còn bài thơ “Khúc giao duyên của tướng về hưu” thì lại ghi nhận được một nét đẹp hiếm thấy của một vị tướng đã gác kiếm về hưu, trở lại núi rừng heo hút và suốt mười năm trở thành một vị già làng gương mẫu, mê mải với cái đẹp của thiên nhiên và lối sống bình dị, vẻ đẹp tự nhiên mà cao thượng ấy khiến ta thật sự cảm động và mến phục. 
 
Tôi muốn nói thêm đôi lời nữa về cách “hóa giải” những khái niệm triết lý phức tạp thành quy luật giản dị của đời thường, trong “Mùa đi”. Khi nói về tranh của danh họa Mô-nê (Pháp) sáng lập nên trường phái hội họa Ấn tượng, tác giả chỉ tóm lược bằng mấy câu: “Không tranh luận ồn ào/ Hậu hiện đại, siêu hình/ tranh hàn lâm và thế giới phẳng/ Mô-nê bước ra từ khu vườn đầy nắng/ Nghệ thuật ư/ Đừng hỏi bức tranh sống bao ngày tháng/ Hãy căng toan theo chiều ánh sáng/ Mặt trời mọc ở bàn tay!”. Hay những suy tưởng cảm thông rất kiệm lời của tác giả đối với cô gái vừa rời đồng chiêm nắng gắt lại phải lên phố mua bán đồng nát kiếm sống: “Có trưa nào như trưa nay em ơi/ tiếng rao lạc vào tiếng rao/ cơn khát lạc vào cơn khát/ khát một bóng râm cho bến đỗ cuộc đời!”. Và câu chuyện ngụ ngôn về con bói cá rình bắt cá, không biết sau lưng nó còn là họng súng săn của con người, với cái kết cục chóng vánh và đau xót. Nhưng tác giả chỉ viết nén chặt và không cần cả bình luận: “Ngủ quên trên cọc rào, con bói cá/ sớm ấy trời quá trong!”…
 
Sau hai tập thơ gần đây nhất: “Khoảng lặng” và “Hai bờ thời gian”, trung thành với tâm thức muốn khám phá tận đáy những bí ẩn và bất ngờ của thời gian và cuộc sống, cũng như mối liên hệ hữu cơ giữa sự biến hóa của thời gian với mọi biến ảo khác của hiện thực và với chính tâm tưởng mình, Hải Đường đã cho ra mắt tiếp tập “Mùa đi”. Chúc mừng thành công mới này, chúng ta mong muốn nhà thơ Hải Đường năng động, xông xáo và càng khám phá, càng tung hứng nhiều hơn nữa trong những trang thơ kế tiếp, giàu sức đi và cả sức đến của anh.
 
Nhà thơ BẰNG VIỆT