Mối quan hệ giữa Phật giáo với văn hóa phát triển Việt Nam

09:05, 19/05/2016

Suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam, lúc thịnh cũng như lúc suy, Phật giáo đều gắn bó và đồng hành với dân tộc và đã góp một phần hình thành nên nhân cách của con người Việt Nam gắn liền với lịch sử văn hóa dân tộc. 

Suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam, lúc thịnh cũng như lúc suy, Phật giáo đều gắn bó và đồng hành với dân tộc và đã góp một phần hình thành nên nhân cách của con người Việt Nam gắn liền với lịch sử văn hóa dân tộc. Điều đó thể hiện trên phương châm hành đạo của Phật giáo Việt Nam là “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Phương châm ấy đã trở thành tôn chỉ và mục đích, định hướng cho mọi hoạt động của Phật giáo. 
 
Xe hoa kính mừng Đại lễ Phật Đản tại Đà Lạt. Ảnh: VĂN BÁU
Xe hoa kính mừng Đại lễ Phật Đản tại Đà Lạt. Ảnh: VĂN BÁU

Khi đến với Việt Nam, Phật giáo đã tìm đến với văn hóa dân gian để từng bước tạo chỗ đứng trong tâm thức của con người Việt Nam, hòa quyện với tín ngưỡng dân gian, trở thành văn hóa dân tộc, tạo nên sức sống và bản sắc của người Việt Nam. Phật giáo không chỉ là tôn giáo thuần túy, Phật giáo là đạo đức, là trí tuệ. Nó không chỉ tạo ra tư tưởng khoan hòa nhân ái trong chính sách an dân trị quốc của các vương triều Lý, Trần thời văn hóa Đại Việt, nó còn góp phần rất quan trọng trong việc định hình lối sống phong tục, chuẩn mực giá trị văn hóa Việt Nam”. Khác với Phật giáo ở Trung Quốc hay Ấn Độ cổ đại, cái căn bản của Phật giáo, cái tinh túy của Phật giáo là ở chỗ mục đích của đạo Phật không chỉ là một, đó là giải thoát. Mục đích ấy là bất biến, nhưng tiến trình lịch sử văn hóa lại là quá trình động cho nên phương thức và cách thức hành đạo của Phật giáo là linh hoạt, uyển chuyển, sáng tạo gắn liền với lịch sử phát triển của dân tộc. Vì vậy, dân tộc và Phật giáo trong văn hóa và phát triển của Việt Nam đã kết thành một thể thống nhất, hướng tới mục tiêu xây dựng “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. “Lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha”. Lợi ích của tôn giáo và lợi ích của dân tộc gắn kết chặt chẽ với nhau, góp phần rất quan trọng trong công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng và Nhà nước ta hiện nay, cũng như quá trình đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập trước đây trên tinh thần nhập thế “khế lý, khế cơ” của đạo Phật (Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng, Tôn giáo với văn hóa Việt Nam).
 
Tinh thần ấy gắn bó sâu sắc với khát vọng độc lập dân tộc, với tinh thần yêu nước của nhân dân ta tạo nên hợp lực cho sự phát triển văn hóa dân tộc mà ngay từ đầu nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử cũng đã khẳng định, thời tiền Lý, giữa lòng thủ đô, hiện diện một ngôi chùa đó là chùa Khai Quốc và ngày nay là chùa Trấn Quốc gắn liền với nước Vạn Xuân của Lý Nam Đế. Đến thời hậu Lý, văn hóa Đại Việt đã phát triển rực rỡ hơn bao giờ hết và khiến Phật giáo trở nên hưng thịnh. Nhà sư Khuông Việt đến thụ nghiệp ở chùa Khai Quốc đã được Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành mời về Hoa Lư là cố vấn cho nhà nước võ trị Đại Cồ Việt và nền văn học Phật giáo cũng phát triển mạnh mẽ. “Cư trần lạc đạo” là bài thuyết pháp bằng thơ của vua Trần Nhân Tông, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử là Phật giáo nhập thế Trần Nhân Tông là đấng minh quân, một anh hùng dân tộc gắn liền với hào khí Đông A của văn hóa Đại Việt ( Tham khảo: www.daophatngaynay.com)
 
Bước vào thế kỷ 20, đồng bào Phật giáo cũng như các tăng ni đạo Phật đã tham gia hưởng ứng các phong trào đấu tranh đòi độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, nhiều vị cao tăng của Giáo hội Phật giáo được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến, Huân chương Độc lập như Hòa thượng Thích Thiên Siêu, Hòa thượng Kim Cương Tử, Hòa thượng Thích Đôn Hậu v.v… cùng nhiều tăng sĩ tham gia làm đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, đại biểu Quốc hội…
 
Như vậy, Phật giáo không chỉ là tôn giáo thuần túy, tạo ra tư tưởng khoan hòa nhân ái trong chính sách an dân trị quốc của các vương triều Lý, Trần thời văn hóa Đại Việt, nó còn góp phần quan trọng trong việc định hình lối sống, chuẩn mực giá trị văn hóa Việt Nam, tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc, đầy chủ nghĩa nhân văn, tạo thành dòng chảy liên tục. Nhờ đó, dân tộc được trường tồn và phát triển không bị các dân tộc khác đồng hóa. Và cũng nhờ cái bản sắc văn hóa đó mà chúng ta có thể tiếp thu cải biến văn hóa của các dân tộc khác, trong đó có văn hóa Phật giáo. Ngày nay, ở nhiều nơi các cơ sở của Phật giáo không chỉ là nơi sinh hoạt thuần túy tôn giáo mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa, trở thành danh lam thắng cảnh có giá trị không chỉ trong nước và quốc tế, chính nó là thành tố văn hóa tinh thần của văn hóa Việt, để lại dấu ấn sâu sắc trong sinh hoạt văn hóa vật chất của con người Việt Nam, lấy ánh sáng của “Trí, Định, Tuệ” đẩy lùi cái “Vô minh” gột rửa “Tham sân si” trong chính bản thân mình.
 
Nhìn lại văn hóa và lịch sử của dân tộc Việt Nam, Phật giáo đã góp một phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Điều đó đã chứng minh trước sự hiểm họa của dân tộc, trước sứ mệnh ngàn cân treo sợi tóc, đồng bào Phật tử, các tăng sĩ đã cùng chung lưng đấu cật với dân tộc Việt Nam để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trái tim Hòa thượng Thích Quảng Đức là ngọn lửa bất diệt đối với tinh thần yêu nước của Phật giáo Việt Nam. Tiếng chuông của Phật giáo Việt Nam không chỉ trỗi dậy ở Việt Nam mà còn rền vang trên khắp thế giới. Giáo hội Phật giáo Việt Nam được Phật giáo thế giới tin tưởng, một số Hội nghị, Hội thảo của các tổ chức Phật giáo ở thế giới, châu Á, Đông Nam Á đều được đăng cai và tổ chức tại Việt Nam như Lễ hội Vesak. Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp Phật học được mở ra hoạt động, đào tạo tăng tài cho đất nước Việt Nam. Không những thế trước tình hình Biển Đông, nhiều vị tăng túc vượt biển xa, ngàn trùng sóng vỗ để đứng đầu sóng ngọn gió góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền ở biển đảo Trường Sa. Tất cả điều đó khẳng định một lần nữa Phật giáo Việt Nam luôn gắn bó và đồng hành với dân tộc trong tinh thần “Lục hòa cộng trụ”. 
 
Ngày nay, Phật giáo Việt Nam là tổ chức Phật giáo duy nhất, hợp pháp, hợp hiến, đồng hành cùng dân tộc theo đường hướng “Tốt đời, đẹp đạo”. Phật giáo không ngừng phát triển trong tiến trình phát triển đất nước, làm cho đoàn kết dân tộc được mở rộng, tạo ra tiền đề thuận lợi, động lực và sức mạnh to lớn để phát triển đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 như Đảng đề ra.
 
Nguyễn Bạn