Người đi tìm lại hồn Đà Lạt xưa

09:05, 06/05/2016

Với tình yêu sâu sắc dành cho thành phố quê hương với thông xanh, sương mù; có một người con Đà Lạt đã dành tâm huyết trọn 10 năm để xây dựng nên một không gian kỷ vật văn hóa. Đây là nơi lưu giữ ký ức về Đà Lạt một thời, để những người con xa quê có dịp tìm về và du khách thấy được hình ảnh vẹn nguyên của Đà Lạt...

Với tình yêu sâu sắc dành cho thành phố quê hương với thông xanh, sương mù; có một người con Đà Lạt đã dành tâm huyết trọn 10 năm để xây dựng nên một không gian kỷ vật văn hóa. Đây là nơi lưu giữ ký ức về Đà Lạt một thời, để những người con xa quê có dịp tìm về và du khách thấy được hình ảnh vẹn nguyên của Đà Lạt. Người đã bỏ cả tâm và sức để làm được điều khá khó khăn này là ông Nguyễn Vũ Hoàng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa (TTVH) tỉnh Lâm Đồng.  
 
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Vũ Hoàng trong lúc ông đang tiếp đoàn văn nghệ sĩ tỉnh Hà Nam và giới thiệu về Không gian kỷ vật văn hóa. Ấn tượng rõ ràng nhất về vị giám đốc sinh năm 1959 này là tình yêu của ông dành cho Đà Lạt, khi cụm từ thân thiết “thành phố em” được ông nhắc đi nhắc lại một cách trân trọng, nâng niu trong suốt cuộc trò chuyện.
 
Ông Nguyễn Vũ Hoàng (phải) nhận ảnh kỷ niệm cho Không gian kỷ vật văn hóa Đà Lạt
Ông Nguyễn Vũ Hoàng (phải) nhận ảnh kỷ niệm cho Không gian kỷ vật văn hóa Đà Lạt
“Văn hóa - cảm xúc và sự chân thật”
 
Với nhiều năm gắn bó với các hoạt động nghệ thuật đại chúng tỉnh Lâm Đồng, Nguyễn Vũ Hoàng như mang trong tim về hồn đất, hồn người Đà Lạt trong mỗi lần làm chương trình. Năm 1993, ông là tổng đạo diễn chương trình Đà Lạt 100 năm hình thành và phát triển, cũng từ đó, ông là tổng đạo diễn của 5 kỳ Festival Hoa, góp phần không nhỏ đưa Festival Hoa thành thương hiệu riêng có của Đà Lạt. Bên cạnh đó, ông còn là tác giả kịch bản của 4 kỳ Lễ hội Văn hóa Trà, hay là đạo diễn của chuỗi hoạt động lễ hội trong Năm Du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt.
 
Nói về việc thành lập Không gian kỷ vật văn hóa Đà Lạt, ông bảo đây như là một cái duyên. Ông Nguyễn Vũ Hoàng cho biết, ý tưởng này đã nhen nhóm trong ông cách đây khá lâu, nhưng để biến ý tưởng thành hiện thực thì không phải là một điều dễ dàng. Ông tâm sự: “Mình có may mắn được làm đạo diễn của nhiều chương trình liên quan đến văn hóa Tây Nguyên nói chung và văn hóa Đà Lạt nói riêng. Trong quá trình đó, mình nhận ra một điều là khi nhắc đến Đà Lạt, bất cứ ai cũng ngay lập tức thấy có cảm tình với khí hậu, với con người và nền văn hóa nơi đây. Trong khi đó, văn hóa Đà Lạt chính là sự du nhập và giao hòa giữa văn hóa 3 miền Bắc - Trung - Nam, văn hóa riêng của Tây Nguyên và tinh hoa văn hóa châu Âu qua hơn 120 năm thành phố này hình thành và phát triển. Chính vì vậy mà mình muốn tạo ra một không gian trưng bày những kỷ vật gắn với Đà Lạt trong suốt hơn 120 năm đó, để bất cứ người dân hay khách du lịch nào, dù ở bất cứ đâu tới cũng tìm thấy được một nét vùng miền của mình hội tụ ở nơi đây”. 
 
Tháng 12/2015, Không gian kỷ vật văn hóa Đà Lạt được ra mắt. Nằm trên con đường Lý Tự Trọng, bảo tàng mini gồm hơn 1.000 kỷ vật văn hóa Đà Lạt xưa được đặt trong tòa biệt thự cổ của người Pháp xây dựng, trước đây là Dinh Tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức cũ kiêm Thị trưởng Đà Lạt. Ông Hoàng cho biết, sở dĩ ông chọn không gian này làm nơi trưng bày bởi nơi đây đã có hơn 100 tuổi, bản thân Dinh Tỉnh trưởng cũng là một trong những kỷ vật cần lưu giữ của người Đà Lạt. Với tiêu chí thực hiện là phải làm sao giữ được bản sắc của từng hiện vật, ngôi nhà được giữ nguyên kiến trúc, kết cấu, chỉ sửa chữa lại những phần hư hỏng. Tất cả những kỷ vật ở đây đều là của người dân tặng hoặc cho mượn để trưng bày trong một khoảng thời gian nhất định, và tất cả đều được lưu giữ một cách trân trọng, biết ơn.
 
Những kỷ vật được trưng bày ở đây có thể không xác định được chính xác bao nhiêu tuổi, nhưng ẩn chứa sau mỗi kỷ vật đều là một câu chuyện, một thân phận, một cuộc đời.  Đó là những câu chuyện về bộ nồi đồng cổ, về cây đàn của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, về bộ bàn ghế mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly vẫn hay ngồi ở quán cà phê Tùng,... 
 
Phát triển du lịch gắn với văn hóa
 
Ông Vũ Hoàng cho biết: “Từ năm 1982, mình  suy nghĩ nhiều về  vấn đề văn hóa sẽ là nền tảng phát triển du lịch, du lịch nhờ văn hóa để tạo ra sản phẩm đặc thù, mang tính bản sắc của vùng miền, dân tộc. Điều này khá phù hợp với tình hình hiện nay, khi cả văn hóa và du lịch đều không còn chỉ đi trên một con đường cũ mà yêu cầu phải đổi mới để tạo được sự hấp dẫn”. Chính điều này đã khiến ông tập trung vào việc đầu tư, tính toán làm sao để có thể làm nổi bật những nét văn hóa đặc sắc của Đà Lạt trong việc phát triển du lịch, đồng thời biến các lễ hội văn hóa trở thành một sản phẩm du lịch đặc thù của Đà Lạt. Những lễ hội đã từng được Vũ Hoàng đạo diễn đã chứng mình được điều đó, như lễ hội Phượt, lễ hội Vespa, lễ hội Tình Yêu... Đây đều là những lễ hội mang nét riêng chỉ có ở Đà Lạt.
 
Điều đặc biệt của Không gian kỷ vật văn hóa là hoàn toàn không tính tiền tham quan của du khách, cũng không được giới thiệu quảng bá rầm rộ. Bởi theo ông Nguyễn Vũ Hoàng: “Không gian này chỉ dành cho những người thật sự nặng tình với Đà Lạt, muốn tìm hiểu Đà Lạt bằng cả tâm hồn. Thế nên, mình phải làm sao để người xem tiếp cận được với hiện vật, tạo mối liên hệ, đồng cảm giữa người xem với hiện vật. Làm sao để những nét văn hóa cổ xưa đó “ngấm” vào tâm hồn của mỗi người xem, giúp họ biết trân quý quá khứ”.
 
Mặc dù lượng khách tìm đến đây không đông đảo như các điểm du lịch khác, thế nhưng có thể xem Không gian kỷ vật là một điểm văn hóa thu hút sự quan tâm của rất nhiều người Đà Lạt xa quê và du khách thập phương yêu Đà Lạt tìm đến. Thông qua những kỷ vật này mà bạn bè cả nước và quốc tế có thể tìm hiểu văn hóa Đà Lạt xưa thông qua cả tấm chân tình. Đây cũng chính là mục đích của ông Nguyễn Vũ Hoàng khi lên ý tưởng xây dựng không gian này. Và có thể nói ông đã thành công, khi có những vị khách như nhà văn Đinh Thị Hằng - Phó CT Hội Văn học - Nghệ thuật Hà Nam - sau khi tham quan Không gian kỷ vật văn hóa Đà Lạt đã phải thốt lên: “Những câu chuyện đằng sau những kỷ vật nơi đây đều vô cùng thú vị. Càng xem, càng hiểu, càng thấy mình yêu Đà Lạt lúc nào chẳng hay!”.
 
V.QUỲNH - H.YÊN