Việt Nam có thêm hai di sản tư liệu thế giới

10:05, 26/05/2016

 Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) vừa diễn ra tại Huế đã chính thức công bố thêm hai di sản của Việt Nam là "Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế" và "Mộc bản trường học Phúc Giang" (Hà Tĩnh) trở thành Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Di sản tư liệu thế giới (còn gọi là Chương trình Ký ức thế giới) của UNESCO ra đời từ năm 1994. Mục đích của chương trình là để ghi nhận các di sản văn hóa thuộc dạng tư liệu (Documentary Heritage) trên thế giới.  Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) vừa diễn ra tại Huế đã chính thức công bố thêm hai di sản của Việt Nam là “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” và “Mộc bản trường học Phúc Giang” (Hà Tĩnh) trở thành Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
 
Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được đánh giá là “di sản trong di sản” (nguồn: http://www.hueworldheritage.org.vn)
Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được đánh giá là “di sản trong di sản”
(nguồn: http://www.hueworldheritage.org.vn)

“Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” là một di sản tư liệu thể hiện tư tưởng của các vị vua triều Nguyễn (1802 - 1945) về lịch sử, độc lập dân tộc, văn hóa, quan niệm trị quốc, dân sinh. “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” được đánh giá là một loại hình nghệ thuật trang trí đặc biệt. Với gần 3.000 họa tiết trang trí thơ văn, là di sản quý giá, không thấy xuất hiện ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới; với sự phong phú đa dạng về nội dung, thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, đá, đồng, pháp lam, khảm sành sứ, sơn son thếp vàng. Đây là toàn bộ hệ thống văn tự chữ Hán sáng tác dưới dạng các bài văn thơ được chạm cẩn chủ yếu trên các liên ba đố bản hoặc vách ván, những bản gốc duy nhất hiện còn ở kiến trúc thuộc Quần thể di tích cố đô Huế giai đoạn 1802 - 1945. Các tác phẩm này là sự kết tinh của nhiều yếu tố khác nhau, từ mỹ thuật, kỹ xảo trang trí, thư pháp, nghệ nhân nghề mộc cổ truyền cung đình tạo nên một phong cách mang đậm truyền thống của riêng Huế. Sau khi được công nhận, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ triển khai nhiều cách để giới thiệu Di sản tư liệu Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế với cộng đồng, như in sách giấy, sách điện tử, đưa vào các trường học, thậm chí cả dựng chương trình nghệ thuật có nội dung lấy cảm hứng và chất liệu từ nguồn thơ văn này. Đồng thời phối hợp với ngành chức năng và các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch xây dựng và chủ động quảng bá thương hiệu “Huế - 1 điểm đến 5 di sản”.
 
Hội nghị toàn thể của MOWCAP lần này có 16 hồ sơ của 10 nước được đệ trình, bao gồm: Trung Quốc (gồm cả Hồng Kông và Macao) có 4 hồ sơ; Việt Nam, Hàn Quốc và Malaysia, mỗi nước đều có 2 hồ sơ; các nước Uzbekistan, Nhật Bản, Singapore, Iran, Myanmar và Mông Cổ, mỗi nước có 1 hồ sơ. MOWCAP đã ghi danh 14/16 hồ sơ là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có 2 hồ sơ của Việt Nam.
“Mộc bản trường học Phúc Giang” (hay còn gọi với tên Mộc bản Trường Lưu) là tập tư liệu vô cùng độc đáo với gần 400 bản khắc chữ Hán - Nôm ngược, dùng để in tài liệu phục vụ cho hoạt động văn hóa và giáo dục và được chế tác trong thời gian từ 1758 - 1788. Trên cơ sở tham khảo, tóm tắt và bổ sung các sách kinh điển của Nho giáo, các thầy giáo dòng họ Nguyễn Huy đã biên soạn và khắc in các tập sách, phục vụ việc dạy và học của trường học Phúc Giang.
 
Điểm đặc biệt của di sản này là liên quan đến giáo dục ở một làng quê xa kinh thành, là khối mộc bản duy nhất về văn hóa, giáo dục của một dòng họ được lưu giữ ở Việt Nam. Mộc bản được khắc trên gỗ thị theo thể chân thư, mỗi mặt khoảng 18 - 20 hàng chữ. Theo đại sứ Phạm Sanh Châu, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam thì “Mộc bản trường học Phúc Giang” là một tư liệu rất quý được một dòng họ lưu trữ và bảo quản. Nó thể hiện tư tưởng của UNESCO về việc cần thiết xây dựng một xã hội học tập và đào tạo con người có đức, có tài…Hiện, Mộc bản trường học Phúc Giang có tổng cộng 379 bản. Những mộc bản này được lưu giữ tại Phúc Giang thư viện - một thư viện nổi tiếng khắp cả nước của dòng họ Nguyễn Huy tại Hà Tĩnh. Di sản này đã thể hiện tư tưởng của UNESCO về việc cần thiết xây dựng một xã hội học tập và đào tạo con người tài, đức.
 
Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam đã có tất cả 6 Di sản tư liệu thế giới. Trước đó, 4 Di sản tư liệu thế giới ở Việt Nam đã được UNESCO công nhận, gồm: Mộc bản triều Nguyễn là các bản khắc gỗ các văn bản của triều đình nhà Nguyễn, Di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam được UNESCO công nhận ngày 31/7/2009 (Số mộc bản này đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV - Đà Lạt). Bộ bản dập bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442 - 1779) được đưa vào danh mục Di sản tư liệu thế giới vào năm 2011 (trước đó, Di sản này đã được ghi danh là Di sản tư liệu trong chương trình Di sản Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2010). Bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (tỉnh Bắc Giang) được UNESCO tiếp tục công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2012. Châu bản triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2014.
 
TS tổng hợp (theo nhandan.com.vn, dangcongsan.vn và khamphadisan.vn)