Thư của cha

09:06, 30/06/2016

Trong các mối quan hệ tình cảm gia đình, tình mẹ con xưa nay vẫn là nguồn cảm hứng muôn thuở của thi ca. Người Việt Nam xem trọng tình mẫu tử, bởi người mẹ thường bao dung, độ lượng, chịu nhiều vất vả hi sinh hơn cả.

Giấy báo con đậu đại học
Mẹ mừng quýnh vấp bờ mương
Cha mừng buông rơi cán cuốc
Vùng kinh tế mới tưng bừng
 
Vội bán non hai sào đậu
Cho con hành trang lên đường
“Thị thành xa hoa rực rỡ
Mình nghèo, ráng học nghe con!”
 
Con đi việc nhà dồn lại
Vai mẹ thêm gầy mẹ ơi!
Bầy em vẫn còn thơ dại
Mình cha cặm cụi trên đồi
Thư cha đến giữa giảng đường
Con đọc quên nghe thầy giảng
Lá thư còn đọng mùi hương
Cỏ, rơm, đất bùn, mưa nắng...
 
“Việc đồng dạo này bận quá
Nhớ con không biết làm xao
Con hãy giữ gìn sức khỏe
À nhà vừa bán con heo”
 
Thư viết đầy lỗi chính tả
Con bật khóc giữa giảng đường
Vòng tay nuôi con khôn lớn
Lần đầu cầm bút rưng rưng...
 
NGUYÊN HƯƠNG
 
Minh họa: P.N
Minh họa: P.N

LỜI BÌNH:
 
Con bật khóc trước tình cha cao rộng
 
Trong các mối quan hệ tình cảm gia đình, tình mẹ con xưa nay vẫn là nguồn cảm hứng muôn thuở của thi ca. Người Việt Nam xem trọng tình mẫu tử, bởi người mẹ thường bao dung, độ lượng, chịu nhiều vất vả hi sinh hơn cả. Hình ảnh người cha xuất hiện qua văn chương nghệ thuật ít hơn, nhưng đã đi vào tác phẩm thì thường gây được những cảm xúc mạnh mẽ, mang lại cho người đọc những nỗi niềm lớn lao về tình phụ tử thiêng liêng. Thư của cha được tác giả Nguyên Hương thể hiện trong bài thơ trên đây là một trường hợp như thế.
 
Bài thơ là câu chuyện lòng của người con trước tình cảm lớn lao của người cha yêu kính. Thời gian nghệ thuật được tác giả dồn nén trong một đoạn đời rất ngắn, từ khi con nhận được giấy báo trúng tuyển đại học đến khi nhận lá thư đầu tiên cha gởi đến giảng đường. Chỉ chừng ấy thôi mà cảm xúc đã dâng trào đỉnh điểm, mãnh liệt và cuộn xoáy bằng một tâm tình thương cha vô hạn. Là câu chuyện từ chính cuộc đời mình trong quan hệ với người cha, tác giả Nguyên Hương đã sử dụng phương thức tự sự khá nhuần nhuyễn. Tự sự mà chất chứa cảm xúc, kể chuyện mà đăm đắm nỗi niềm của đứa con hiếu thảo, biết ơn đối với đấng sinh thành. Ngay từ khổ thơ đầu tiên, hoàn cảnh làm nền cho câu chuyện đã khá chân thực nên đã dào dạt cảm xúc:
 
Giấy báo con đậu đại học
Mẹ mừng quýnh vấp bờ mương
Cha mừng buông rơi cán cuốc
Vùng kinh tế mới tưng bừng
 
Mẹ “mừng quýnh” đến nỗi vấp bờ mương, cha mừng buông cả cán cuốc trong trạng thái thẫn thờ thật sự đã đem lại cảm xúc mãnh liệt cho người đọc. Hai từ “mừng quýnh” được tác giả dùng rất tài tình, vừa gợi trạng thái cảm xúc, vừa thể hiện hành động lúng túng, luýnh quýnh khi mẹ nghe tin con vào đại học. Con đậu đại học là niềm ước mơ của cha mẹ, nhất là những người nông dân nghèo một nắng hai sương nơi làng quê, khao khát cho con cái chữ ở đời. Mừng đó rồi lo đó, đồng tiền bát gạo đối với cuộc sống của người nông dân thật khó khăn, vậy mà bây giờ phải đưa con đến thành phố lớn để học hành, làm sao không lo cho được. Vẫn mạch thơ tự sự nhưng chứa chan cảm xúc trữ tình kết hợp với giọng thơ tha thiết đã chạm được trái tim người đọc, nhất là ở khổ thơ này:
 
Vội bán non hai sào đậu
Cho con hành trang lên đường
“Thị thành xa hoa rực rỡ
Mình nghèo, ráng học nghe con!”
 
“Non hai sào đậu” là tài sản lớn của người nông dân chân lấm tay bùn đành phải bán đi, nhưng cũng đủ cho con đến trường nhập học tạm một thời gian. Ai ở miền quê nghèo khó mới thấy hết cái tình ý sâu xa, sự dồn nén của cảm xúc trong những câu thơ tưởng chừng như nôm na, đơn giản. Lo tiền bạc cho con đi học đã đành, nỗi lo lớn của mẹ cha chính là làm sao giữ được phẩm giá và đạo đức giữa chốn thị thành hoa lệ. Lời dặn dò “mình nghèo, ráng học nghe con!” nghe mới thấm thía làm sao. Chân thực từng câu chữ, nhờ đó cả khổ thơ là nỗi lòng phổ quát của những người mẹ, người cha giữa cuộc sống đời thường có con đi học xa nhà, nơm nớp lo sợ con mình hư hỏng bởi những cám dỗ xa hoa nơi chốn thị thành đầy bất trắc.
 
Hai khổ thơ đầu là nỗi niềm cha mẹ dành cho đứa con yêu quý vừa đỗ đại học, giờ đây phải đến thành phố xa hoa tiếp tục dùi mài kinh sử chốn học đường để thành danh trong cuộc sống. Phần thơ còn lại, gồm bốn khổ thơ là cảm xúc của đứa con hiếu thảo cảm nhận về ân nghĩa sinh thành, đặc biệt là hình ảnh người cha qua bức thư từ quê nhà gởi ra thị thành hoa lệ. Người con biết rằng từ nay việc đồng áng, cửa nhà sẽ dồn nặng lên vai mẹ, thân cha. Hình ảnh đôi vai gầy của mẹ càng gầy thêm, oằn xuống khi phải gánh cả phần việc con mỗi ngày nghe thật cảm động, nhất là hình ảnh người cha “cặm cụi trên đồi” ngày mưa tháng nắng như cứa như chạm vào hồn ta nỗi đau dao cắt. Mạch thơ trần thuật mà sâu lắng, thấm đẫm cảm xúc, òa vỡ niềm thương yêu nén nghẹn trong lòng. Cảm xúc đỉnh điểm nhất là hình tượng bức thư cha gởi đến cho con giữa lúc đang học ở giảng đường với nét chữ “rưng rưng” và “đầy lỗi chính tả” đã khiến con không cầm được nước mắt, òa khóc một cách hồn nhiên, không sao nén được. Chao ôi! “Tình cha ấm áp như vầng thái dương/ ngọt ngào như dòng nước tuôn đầu nguồn” (Ca khúc Tình cha) đã làm trái tim đứa con xa nhà đau thắt và tràn đầy dư vị xót xa. 
 
Thư viết đầy lỗi chính tả
Con bật khóc giữa giảng đường
Vòng tay nuôi con khôn lớn
Lần đầu cầm bút rưng rưng...
 
Bài thơ lấy nhan đề là Thư của cha kể lại một câu chuyện lòng bắt đầu từ phút giây con nhận được giấy trúng tuyển vào đại học. Thư cha chỉ là giọt nước làm tràn li nước tình thương để rồi hóa thành dòng nước mắt nghẹn ngào của tấm lòng đứa con hiếu thảo. Có lẽ bài thơ không chỉ là nỗi niềm của tác giả Nguyên Hương mà là của tất cả chúng ta, những ai đang làm con và làm cha mẹ sau này. Tình cảm gia đình chứa chan xúc động ấy đã đánh động nhiều trái tim người đọc nhờ vào cảm xúc chân thật của bài thơ. Cảm xúc ấy cũng phải khởi nguồn từ đời sống gia đình biết thương yêu và sẻ chia qua bao tháng năm khó nhọc giữa những miền quê vất vả, sâu nặng ân tình.
 
LÊ THÀNH VĂN