Lăn theo quả bóng

08:07, 07/07/2016

Trong căn phòng ọp ẹp, tối om om và ẩm ướt, mỗi người một chiếc chiếu nhỏ, nằm la liệt sau một ngày rần cẳng rần chân. Họ mới giao lượng số bán trong ngày và nhận lượt vé cho ngày mai, trong khi chờ cơm, ai nấy tranh thủ ngả lưng. 

Minh họa: H.TOÀN
Minh họa: H.TOÀN
Trong căn phòng ọp ẹp, tối om om và ẩm ướt, mỗi người một chiếc chiếu nhỏ, nằm la liệt sau một ngày rần cẳng rần chân. Họ mới giao lượng số bán trong ngày và nhận lượt vé cho ngày mai, trong khi chờ cơm, ai nấy tranh thủ ngả lưng. Bữa cơm của họ được chủ đại lí dọn ra, cơm canh, một món xào và ít rau sống, tiền cơm được trừ vào huê hồng bán vé. Mọi người nhanh chân ngồi lại lùa húp, vừa ăn vừa liếc nhìn tập vé số dày cộp, tranh thủ ăn đại rồi lo đi bán tiếp. Thường thì chiều nay nhận vé để ngày mai bán, nếu ai muốn làm thêm thì tranh thủ bán luôn suất tối. Thím Hai là người cầm tập vé đi đầu tiên. Ngày thím đã 83 tuổi, vào đại lý, mọi người xuýt xoa:
 
- Ở nhà dưỡng già chớ sống được mấy ngày nữa mà đi bán vé số?
 
- Sống tới từng này tuổi rồi thì sợ gì nghèo đói nữa, mà chưa chết được, phải kiếm tiền.
 
Hỏi là hỏi vì muốn chia sẻ, muốn an ủi bác thôi, chớ có ai trong đại lý này không muốn nghỉ bán. Cái nghề bán vé số vẫn bị coi là cái nghề mạt hạng mà. Vô phố bán vé số, lâu lâu về quê, dù có ngẩng cao đầu lên đi vẫn thấy xấu hổ.
 
* * *
 
Tối đó, một cậu con trai, khuôn mặt sáng sủa, ăn mặc có phần chải chuốt vào phòng trọ. Vừa bước vào phòng, tháo đôi giày ra, cậu lấy chiếc áo móc ngay cửa bỏ xuống đất di di chân lên. Một người la ơi ới:
 
- Trời, áo của bà ngoại chứ không phải khăn lau đâu!
 
- Áo này vừa cũ vừa xấu, bỏ lau chân được rồi.
 
Đó là Nam Dương, cháu ngoại của thím Hai, đang học đại học năm cuối, cao ráo, phong độ - như một siêu mẫu. Theo lời thím Hai thì cậu học rất giỏi, lại đá bóng quá hay. Bằng chứng là năm Nam Dương học lớp 5, từng tham gia đội bóng thiếu nhi của tỉnh đi thi đấu toàn quốc, cậu được Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai để ý, có đề nghị gia đình để cậu cho họ bồi dưỡng nhưng thím Hai không đồng tình, sợ mất cháu với lại thím cũng không muốn để ai rèn cặp cháu thay bà. Nam Dương hồi đó còn nhỏ xíu, giấc mơ nhiều đứa bạn ao ước lại tuột tay, cậu ấm ức khiếp lắm, ậm ực với bà suốt…
 
Cũng thông cảm cho thím, đành lòng nào để cháu đi. Nhà chỉ có hai bà cháu lủi thủi, ba Nam Dương mắc bệnh tâm thần nhẹ, ba hồi say, ba hồi tỉnh. Mẹ Nam Dương béo múp, trắng nõn, người ta đồn thổi thím ấy hẹn hò với trai làng. Rồi không biết ai chỉ đường mách lối cho, hôm ấy, ba Nam Dương cầm cục đá to ném mạnh vô bụi cây, và máu chảy ra thành vũng, người ta kéo ra hai xác chết. Vợ chết, ông cũng treo cổ luôn.
 
Rồi Nam Dương vào thành phố học. Thím Hai quay cuồng với tiền nong. “Nó khổ từ nhỏ vì ba bệnh, nhà nghèo, giờ lại mồ côi mồ cút”. Thím cứ nói thế với những đồng nghiệp cùng bán vé số, cứ bao nhiêu đó nói mãi nên mọi người cũng no tai, vậy mà thím Hai vẫn cứ nói mỗi ngày.
 
Vừa vào phòng, Nam Dương tươi cười, lịch sự hỏi cô chủ đại lí đang ngồi ghi ghi chép chép:
 
- Thưa cô! Ngoại cháu đâu?
 
- Nằm trùm chăn kìa, nãy giờ than nhức cẳng nhức chân đó!
 
Thím Hai nghe tiếng liền vung chăn ngồi dậy. Nam Dương chưa kịp hỏi thăm ngoại một câu, vội đi lại bật ti vi, màn hình hiện ra là tiếng ồn ào, la hét. Bình luận viên giới thiệu chuẩn bị sẽ tường thuật trực tiếp trận cầu nảy lửa mà những fan của môn thể thao vua đang chờ đợi. Nam Dương nói rất tự nhiên, làm như mọi người trong phòng cũng có cùng sở thích với mình:
 
- Đây là bản tử thần, sẽ có một đội mạnh phải ra đi! - nói xong cậu còn thở dài nữa chứ. Những người bán vé số yêu bóng đá vì thấy nhờ nó mà tại các quán người ta tụ tập xem bóng đá nhiều, cá cược thắng thua nữa nên cũng muốn thử vận may, chứ như chú Bảy dù có mê bóng đá cũng không rảnh, mà cũng không còn sức mà xem.
 
Dán mắt vào ti vi, Nam Dương quên luôn việc hỏi bà đau nhức thế nào. Thím Hai bị thoát đĩa đệm, tê thấp, loãng xương… người bách bịnh vậy mà cứ cần mẫn ôm tập vé đi, gặp mấy người trẻ khó tính thì bị hét hô, nạt nộ, vừa đi vừa đấm thùm thụp vào lưng nói, đi bộ bán vé số cũng như tập thể dục, thấy cũng đỡ đau nhức hơn hồi ở quê. 
 
Xem xong đoạn phim giới thiệu không khí sôi động trong và ngoài sân cỏ, Nam Dương quay ra hỏi bà:
 
- Bà có tiền không?
 
- Cháu cần bao nhiêu là đủ?
 
- Dạ, 500 ngàn!
 
Thím Hai lật đật lại chỗ cô chủ đại lí, hỏi mượn trước 500 rồi quay sang đưa cháu, hỏi:
 
- Cháu cần đóng khoản chi mà gấp vậy?
 
Nam Dương tỉnh bơ nói:
 
- Mấy thằng bạn cùng phòng rủ góp tiền mua cái ti vi cũ về xem bóng đá. Đêm ngồi ở quán xem cực quá, muốn nằm nửa nằm nghiêng không được.
 
Cầm tờ tiền 500, rồi như sợ không kịp coi trận bóng đá sắp tường thuật trực tiếp, Nam Dương đứng dậy chào cả phòng rồi nhanh chân chuồn khỏi căn phòng tồi tàn. Cậu vừa ra khỏi phòng, thím Hai cũng vội vàng ngồi dậy, tay cầm tập vé dày cộm bước theo sau. Chú Bảy bức xúc nói: 
 
- Bác đi cả ngày rồi. Hồi nãy mới than nhức cẳng nhức chân, sao không nghỉ ngơi giờ lại đi tiếp? 
 
- Tranh thủ đêm các quán có nhiều người xem bóng đá, bán thêm, được đồng nào đỡ đồng ấy.
 
Chú Bảy bực bội:
 
- Thằng Nam Dương nó đâu có biết để bán được 500 tờ vé số thì thím phải đi gãy cả chân. 
 
Thím Hai cười nhẹ, cầm tập vé số đi nhanh. Trên ti vi, trọng tài đã thổi còi bắt đầu trận đấu. Quả bóng bắt đầu lăn.
 
Truyện ngắn: NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN