Thế giới phiêu lưu đầy màu sắc, bí ẩn

09:08, 11/08/2016

Với Chú bé đeo ba lô màu đỏ, nếu như thiếu nhi có một thế giới lạ lẫm, kỳ thú để sung sướng, thỏa mãn bước vào khám phá thì người lớn sẽ có một cảm giác thú vị khi có thể soi lại quá khứ của mình trong đó, đồng thời sẽ hiểu nhiều hơn về thế giới trong veo của con em mình.

Với Chú bé đeo ba lô màu đỏ, nếu như thiếu nhi có một thế giới lạ lẫm, kỳ thú để sung sướng, thỏa mãn bước vào khám phá thì người lớn sẽ có một cảm giác thú vị khi có thể soi lại quá khứ của mình trong đó, đồng thời sẽ hiểu nhiều hơn về thế giới trong veo của con em mình.
 
Đây là tập truyện dài thứ 3, nối tiếp thành công của tập truyện thiếu nhi “Ba nàng lính ngự lâm” và tập truyện ngắn dành cho tuổi mới lớn “Thế gian màu gì?” nhà văn Nguyễn Đình Tú dành cho tuổi thiếu niên. Tập sách này đang khiến nhiều độc giả yêu thích vì tác giả đã mở ra một thế giới đầy màu sắc, đầy bí ẩn luôn vẫy gọi những “Tom Sawyer” bước vào hành trình khám phá.
 

Cảm hứng để tác giả đã thành danh với nhiều đề tài li kì dành cho người lớn viết tác phẩm phiêu lưu kỳ thú dành cho thiếu nhi này vì: “Những đứa trẻ lên mười có khả năng hấp dẫn bạn đọc ghê gớm. Những đứa trẻ lên mười cũng có khả năng trình ra trước bạn đọc cả một thế giới nội tâm đa dạng và phức tạp của mình. Những đứa trẻ lên mười cũng đã có thể có những hành động làm thay đổi cuộc đời mình hoặc những người xung quanh. Những đứa trẻ lên mười vốn bí ẩn, thú vị và luôn mang lại bất ngờ cho cuộc sống quanh chúng. Những đứa trẻ lên mười cũng là một phần của chính tôi. Và thế là tôi nghĩ đến một câu chuyện… Câu chuyện về những đứa trẻ lên mười. Đó chính là Chú bé đeo ba lô màu đỏ.”
 
Thông tin về tác giả:
 
Nhà văn Nguyễn Đình Tú hiện công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Là tác giả đạt nhiều giải thưởng văn học uy tín, có tác phẩm Hồ sơ một tử tù, Phiên bản… được dựng thành phim. 
 
Tác phẩm chính đã xuất bản: “Bên bờ những dòng chảy” (tập truyện ngắn, 2001); “Không thể nào khác được” (tập truyện ngắn, 2002); “Nỗi ám ảnh khôn nguôi” (tập truyện ngắn, 2003); “Hồ sơ một tử tù” (tiểu thuyết, 2002); “Bên dòng Sầu Diện” (tiểu thuyết, 2005); “Nháp” (tiểu thuyết, 2008); “Phiên bản” (tiểu thuyết, 2009), “Kín” (tiểu thuyết, 2010), “Hoang tâm” (tiểu thuyết, 2013), “Xác phàm” (tiểu thuyết, 2014), “Cô mặc sầu” (tiểu thuyết, 2015).
 
Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Đình Tú do NXB Kim Đồng ấn hành: “Ba nàng lính ngự lâm” (truyện thiếu nhi, 2014), “Thế gian màu gì” (tập truyện ngắn, 2015), “Chú bé đeo ba lô màu đỏ” (truyện dài, 2016).
Nhân vật chính trong cuốn sách là cậu bé Hưng, một cậu bé tuổi lên mười ở một thị trấn nhỏ nằm khuất nẻo vùng trung du phía Bắc những năm 90 của thế kỷ trước. Từ nhỏ, Hưng sống với bố và chưa bao giờ được biết mặt mẹ. Nỗi tò mò về mẹ cứ lớn dần trong Hưng khi bị bạn bè tra hỏi riết ráo, thôi thúc Hưng bước vào hành trình tìm kiếm mẹ qua manh mối duy nhất mà cha cậu hé lộ. Mang theo hành trang là chiếc ba lô màu đỏ trên lưng, với biệt danh “Chú bé đeo ba lô màu đỏ” do người bạn gái thân thiết cùng lớp thường gọi, Hưng lên đường hằng mong tìm được người mẹ yêu dấu, tìm về gốc gác nguồn cội của mình mà không thể tưởng tượng được rằng, hành trình mà cậu sắp trải qua sẽ gặp bao sóng gió. Trong hành trình ấy, Hưng đã đi qua nhiều vùng miền, gặp nhiều người khác nhau trong xã hội, cả người tốt lẫn kẻ xấu. Những biến cố, những sự kiện không may xảy ra liên tiếp giúp Hưng trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn, “không được sợ” - như lời cô Đào - một ân nhân đã cưu mang và yêu thương Hưng luôn nhắn nhủ với cậu.
 
Đọc cuốn sách, các bạn đọc tuổi thiếu niên sẽ thấy dáng dấp của mình trong đó, với tình bạn hồn nhiên, trong sáng, với những trò nghịch ngợm “nhất quỷ nhì ma”, với bản tính tò mò luôn muốn khám phá những điều mới mẻ. Cùng với những người bạn của mình, Hưng đã chinh phục đỉnh đồi Sơn Nhân “chứa đựng rất nhiều những điều từ xa xưa để lại, trong đó có cả những thứ rất bí mật, rất linh thiêng, rất kỳ lạ”, hay theo dấu chân Người Rừng khám phá một cuộc sống đầy bí ẩn. Có lúc, nhóm bạn còn liều lĩnh đột nhập vào “ngôi nhà có phép thần thông” để khám phá phép lạ của ông Tây. Trên bước đường lưu lạc, Hưng cũng cùng chị em nhà Mây, Nước khám phá một hòn đảo hoang cách xa bờ với nhiều loại chim muông, thú lạ, được thêu dệt bởi nhiều huyền thoại, truyền thuyết, nơi “trước đây quân của Nguyễn Ánh trên đường bỏ chạy vào Nam có ghé thuyền vào hòn Miếu lẩn trốn một thời gian”. Đến vùng đất mới, Hưng được khám phá nhiều tập tục văn hóa đầy màu sắc của vùng đất đó như “hát bội”, “mở biển” của người dân làng chài. Một thế giới đầy màu sắc, đầy bí ẩn luôn vẫy gọi những “Tom Sawyer” bước vào hành trình khám phá.
 
Nhà văn Nguyễn Đình Tú khéo léo dẫn dắt độc giả bằng lối kể chuyện đầy cuốn hút. Tác giả không kể theo trình tự thời gian tuyến tính mà quá khứ hiện tại xen kẽ lồng ghép với nhau, khiến người đọc luôn phải đặt câu hỏi, phỏng đoán về gốc gác của sự việc, chăm chú dõi theo và bị cuốn vào câu chuyện một cách tự nhiên.
 
Câu chuyện đầy tình tiết li kì của Nguyễn Đình Tú đã được nhiều độc giả yêu thích không chỉ vì cốt chuyện mà còn vì anh đã chọn được cho mình một giọng kể phù hợp với thể loại văn học mang tính chất “phiêu lưu kí”. Giọng văn được biến tấu khi nhanh, khi chậm, khi gay cấn, lúc êm đềm. Nhiều lúc dồn dập khi được đẩy câu chuyện lên đỉnh điểm kịch tính, cao trào. Theo Tiến sĩ Ngữ văn Phan Tuấn Anh “Cuốn tiểu thuyết này đủ sức “ kéo phăng” một bạn đọc nhỏ tuổi vào trong thế giới chữ nghĩa của nó, bởi nhịp độ, tiết tấu kể nhanh, cốt truyện liên hoàn nhưng đa dạng và gắn với chất phiêu lưu (từ Bắc vào Nam của Hưng), pha một chút lãng mạn (các câu chuyện tình yêu) và cả kinh dị, hành động (vụ bắt con trăn khổng lồ, vụ bắn mũi tên vào con chó và tên chủ quán karaoke ôm có bộ râu quai nón)”. 
 
Viết cho lứa tuổi thiếu niên, lứa tuổi không còn sống trong thế giới cổ tích, đang có nhu cầu mạnh mẽ tìm hiểu về thế giới xung quanh, về bản thân, chính vì thế, nhà văn Nguyễn Đình Tú cũng không ngại ngần đưa những vấn đề của người lớn vào tác phẩm: con ngoài giá thú, ly hôn, ngoại tình, đánh ghen, nạn buôn người… Tuy nhiên, những câu chuyện đó chỉ mang tính gợi mở về hiện thực bề bộn của đời sống mà bất cứ ai cũng có thể phải đối mặt khi trưởng thành. 
 
Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh chia sẻ: “Chiếc ba lô màu đỏ là biểu tượng của cái thiện, cái trong sáng được lọc ra bằng những kỉ vật, kí ức, kỷ niệm - những gì đẹp nhất con người ta có thể có được, và cũng là thứ khiến cậu bé Hưng trở nên khác biệt, làm sự ấm áp vững chãi để cậu dựa lưng vào, vượt qua mọi thử thách trên chặng đường lưu lạc ấu thơ”.
 
Một thông điệp đẹp về tính thiện cho những cô bé, cậu bé đang ở ngưỡng cửa cuộc đời là điều đáng trân trọng mà nhà văn Nguyễn Đình Tú đã gửi tới độc giả thành công qua câu chuyện của “Chú bé đeo ba lô màu đỏ”.
 
THU HƯƠNG