Kiện bản quyền mỹ thuật - chuyện không đơn giản…

08:08, 25/08/2016

Vụ việc 15 bức tranh bị cho là giả và 2 bức tranh bị cho là mạo danh trong số 17 bức tranh tại triển lãm "Những bức tranh trở về từ châu Âu" diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh trong tháng 7 vừa qua đã gây chấn động dư luận.

Vụ việc 15 bức tranh bị cho là giả và 2 bức tranh bị cho là mạo danh trong số 17 bức tranh tại triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh trong tháng 7 vừa qua đã gây chấn động dư luận. Sau vụ việc này, gia đình họa sĩ Tạ Tỵ và họa sĩ Thành Chương đã kiện nhưng tiến triển của vụ việc không hề đơn giản…
 
 Cuốn sách “Triển lãm Tạ Tỵ” (bìa và một trang trong) (1946 - 1951). Ảnh gia đình họa sĩ cung cấp
Cuốn sách “Triển lãm Tạ Tỵ” (bìa và một trang trong) (1946 - 1951).
Ảnh gia đình họa sĩ cung cấp

Giấy chứng nhận bút danh cho họa sĩ?
 
Luật sư - thạc sĩ Nguyễn Hữu Đức, người được gia đình cố họa sĩ Tạ Tỵ ủy quyền đại diện pháp lý cho biết, trong Thông báo số 962/TB-TA của Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh, yêu cầu bên nguyên đơn phải cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ gồm có: xác định giá trị tài sản tranh chấp; giấy chứng tử của ông Tạ Văn Tỵ, chứng cứ chứng minh bức tranh Trừu tượng vẽ vào năm 1951 thuộc quyền sở hữu của ông Tạ Văn Tỵ, chứng cứ chứng minh ông Vũ Xuân Chung (nhà sưu tập những bức tranh này) có hành vi mạo danh tác giả Tạ Tỵ 52 trên bức tranh Trừu tượng được triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, chứng cứ chứng minh ông Tạ Văn Tỵ lấy bút danh Tạ Tỵ 52. Thông báo cũng nêu rõ thời hạn để bên nguyên đơn bổ sung các chứng cứ nói trên.
 
Trước đó, họa sỹ Thành Chương đã có đơn tố cáo gửi Cục Mỹ thuật, Triển lãm và Nhiếp ảnh. Họa sỹ Thành Chương cho biết phát hiện một bức tranh của ông có tên là “Chân dung cô Kim Anh” sáng tác khoảng thời gian 1970 - 1975 được trưng bày trong “Triển lãm Bộ sưu tập tranh Mỹ thuật Đông Dương” với tên gọi “Những bức tranh trở về từ Châu Âu” nhưng tên tác giả đã bị thay đổi thành Tạ Tỵ. Thậm chí tên tác phẩm cũng bị đổi thành “Trừu tượng”!”. Đồng thời, ông khẳng định tên tác giả “Tạ Tỵ 52” trên bức tranh có tên là “Trừu tượng” hiện nay là giả mạo.
Phân tích về những yêu cầu trên, luật sư Đức cho rằng, việc tòa yêu cầu bổ sung chứng cứ chứng minh ông Tạ Văn Tỵ lấy bút danh Tạ Tỵ là không có cơ sở và không cần thiết. Vì theo thông lệ từ trước đến giờ, không ai cấp giấy chứng nhận bút danh cho họa sĩ. Hơn nữa, Tạ Tỵ 52 không phải là một bút danh, mà nó bao gồm tên của tác giả và năm sáng tác.
 
Liên quan đến chứng cứ chứng minh bức tranh Trừu tượng vẽ vào năm 1951 thuộc quyền sở hữu của ông Tạ Văn Tỵ, và chứng cứ chứng minh ông Chung có hành vi mạo danh tác giả Tạ Tỵ 52 trên bức tranh Trừu tượng trong triển lãm vừa qua. Luật sư Đức và gia đình đã đưa ra cuốn Triển lãm Tạ Tỵ (1946-1951) do Nha Thông Tin Bắc Việt tổ chức tại Hà Nội, và trong những trang cuối của cuốn sách này có hình chụp bức tranh Trừu tượng (The Abstract) do chính họa sĩ Tạ Tỵ vẽ vào năm 1951 với nội dung và đường nét khác hoàn toàn so với bức Trừu tượng - Tạ Tỵ 52 của ông Chung đưa ra tại triển lãm, với sự xác nhận của ông J. Hubert (người cung cấp tranh cho ông Vũ Xuân Chung, người đã chứng nhận bức tranh “Trừu tượng” có chữ ký của họa sĩ Tạ Tỵ là tranh thật).
 
Những thủ tục khác…
 
Bà Tạ Thùy Châu, con gái ruột của cố họa sĩ Tạ Tỵ cho biết, trong suốt sự nghiệp, bố tôi chỉ vẽ duy nhất một bức tranh mang tên Trừu tượng, và vẽ vào năm 1951, không có bức Trừu tượng nào vẽ vào năm 52 như sự xác nhận của ông Hubert. Đây là một sự mạo danh trắng trợn, làm ảnh hưởng đến thanh danh của bố tôi. Nếu cần thiết, gia đình chúng tôi sẽ tự bỏ tiền để giám định cuốn sách nói trên. Đồng thời sẽ gửi thư qua mail để yêu cầu ông Hubert có giải thích thỏa đáng, bà Châu nói.
 
Luật sư Đức phân tích thêm, kết quả thẩm định trước đó của hội đồng khoa học với những chuyên gia hàng đầu của nền mỹ thuật Việt Nam hiện nay khẳng định chữ ký Tạ Tỵ trên bức tranh Trừu tượng của ông Chung là giả mạo với những nhận xét chính xác về cá tính, nét vẽ, lớp sơn chữ ký Tạ Tỵ còn rất mới so với tổng thể lớp sơn trên bức tranh… Cùng với đơn khởi kiện của họa sĩ Thành Chương là những chứng cứ khách quan và đầy đủ nhất.
 
Riêng về yêu cầu xác định giá trị tài sản tranh chấp, luật sư Đức nhấn mạnh, trong đơn khởi kiện gửi tòa án, chúng tôi nói rõ là không khởi kiện về tranh chấp tài sản, mà chỉ đòi lại quyền nhân thân. Quyền nhân thân thì không tính bằng tiền, mà chỉ xin lỗi, xóa tên, của ai trả về người đó. Giấy chứng tử của cố họa sĩ Tạ Tỵ, gia đình cũng đã cung cấp kèm theo đơn khởi kiện. Thế nhưng, không hiểu vì sao tòa lại yêu cầu bổ sung?
 
Hiện luật sư Đức và gia đình đã bổ sung các chứng cứ và có đơn giải thích những yêu cầu mà gia đình cho là chưa hợp lý của tòa án, yêu cầu của tòa đến đâu sẽ đáp ứng đến đó để vụ việc sớm được thụ lý.
 
TS tổng hợp (theo baovanhoa.com,vn và nld.com.vn)