Mỹ thuật Việt Nam - góc nhìn người trong cuộc

09:08, 11/08/2016

Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước được xây dựng trên quan điểm: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước được xây dựng trên quan điểm: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Chú trọng yếu tố bản sắc dân tộc song Nghị quyết cũng đề ra nhiệm vụ phải chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Theo đó, nền văn hóa nước nhà cần chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận một cách có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Thiết nghĩ vấn đề đặt ra trên cũng là điều nền mỹ thuật Việt Nam trăn trở, đã và đang hướng tới.
 
Em Thúy - họa sỹ Trần Văn Cẩn Thiếu nữ và quả lê - họa sỹ Nguyễn Trung
Em Thúy - họa sỹ Trần Văn Cẩn                                       Thiếu nữ và quả lê - họa sỹ Nguyễn Trung

Những thành tựu quan trọng
 
Điểm lại lịch sử và thành tựu quan trọng của nền mỹ thuật nước nhà, theo họa sĩ Trương Bé: Mỹ thuật Việt Nam đã kế thừa và phát huy sức mạnh tinh hoa văn hóa nghệ thuật truyền thống hàng ngàn năm để xây dựng một nền mỹ thuật tạo hình rất đáng tự hào. Năm 1925, Trường Mỹ thuật Đông Dương thành lập, là nhân tố quan trọng cho sự hình thành và phát triển nền nghệ thuật tạo hình nước nhà sau này. 
 
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các thế hệ họa sĩ và nhà điêu khắc như những chiến sĩ đem hết sức lực, tài năng phục vụ kháng chiến cho đến ngày thắng lợi. Hòa bình thống nhất đất nước, các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc và những người làm công tác mỹ thuật tiếp tục đóng góp công sức rất lớn trong việc đặt nền móng cho sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam. Nghệ thuật cách mạng đã tạo nên một trang sử mỹ thuật với nhiều phong cách, cá tính sáng tạo, đem đến những biến đổi về chất của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Chúng ta ghi nhận sự đóng góp to lớn của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh với lối vẽ lụa hoàn toàn Việt Nam. Tác phẩm “Chơi ô ăn quan” là đỉnh cao của nghệ thuật vẽ lụa nhờ lối bố cục thoáng đãng theo kiểu Á Đông, sử dụng gam màu nâu sẫm, trầm ấm, sâu thẳm đã tạo nên một phong cách lụa mẫu mực cho các họa sĩ sau này. Một phát kiến, một thành tựu thứ hai là sơn mài. Từ một chất liệu truyền thống chung của vùng Đông Nam Á dùng để trang trí và đồ dùng mỹ nghệ gia dụng trở thành chất liệu tạo hình với công đoạn mài và đánh bóng cuối cùng. Việc cách tân nghệ thuật sơn mài bắt đầu từ những năm 30 của thế kỷ XX đã đưa sơn mài trở thành một chất liệu vô cùng độc đáo mà chưa một nước nào trong khu vực Đông Nam Á làm được. Sơn mài có được vị trí gần như hàng đầu trong hội họa nước nhà ngày nay phải nói công lớn hàng đầu của họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Với những bố cục hoành tráng, tưng bừng lộng lẫy, vàng son đã tạo ra một thế giới kỳ ảo, thần tiên vừa rạo rực xôn xao, vừa huyền bí làm say đắm lòng người. Những tác phẩm “Mùa xuân Trung Nam Bắc”, “Vườn xuân” và nhiều tác phẩm khác của ông đã đạt tới kỹ thuật cực kỳ điêu luyện… Kỹ thuật chất liệu sơn dầu được các họa sĩ Việt Nam sử dụng từ khi Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời. Các họa sĩ đã có một cách biểu hiện riêng mang đậm phong cách người vẽ, nhưng rất dân tộc. Tiêu biểu là các tác phẩm: “Thiếu nữ bên hoa huệ” của Tô Ngọc Vân, “Em Thúy” của Trần Văn Cẩn, “Tan ca mời chị em đi họp để thi thợ giỏi” của Nguyễn Đỗ Cung, “Chiều vàng” của Dương Bích Liên, “Mùa gặt” của Nguyễn Tiến Trung, “Phố” của Bùi Xuân Phái… Về điêu khắc có Nguyễn Hải, Nguyễn Thị Kim và nhiều nhà điêu khắc khác đã làm cho nghệ thuật tạo hình Việt Nam giai đoạn 1955-1985 phát triển rực rỡ. Trong 30 năm đất nước đổi mới, nền mỹ thuật Việt Nam đã tự do hơn, cởi mở hơn, sự đổi mới mạnh mẽ trong tạo hình thể hiện rõ nét. Các xu hướng nghệ thuật của thế giới trước đây chưa được bộc lộ thì thời kỳ này được thể hiện sáng tác và triển lãm. Đã có nhiều triển lãm tranh trìu tượng của cá nhân và nhóm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. 
 
Dân tộc và hiện đại
 
Để nền mỹ thuật nước nhà phát triển giàu bản sắc dân tộc - hiện đại, theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quân: Trình độ văn hóa của một dân tộc không chỉ đo bằng mật độ các vĩ nhân mà trước hết ở mức hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của người dân. Và khi mức độ hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật cao thì đó sẽ là mảnh đất tốt, nơi các thiên tài xuất hiện. Băn khoăn với câu hỏi “chiến lược” tại sao ta không có tác phẩm hiện đại - dân tộc và khi nào sẽ có tác phẩm “ngang tầm thời đại” thì không có kế hoạch hay quyết tâm nào có thể trả lời được (giống như câu hỏi bao giờ sẽ lại xuất hiện một Nguyễn Du hay bao giờ hội họa lại có một Nguyễn Chánh, một Nguyễn Sáng mới) - Nguyễn Quân đã đề xuất “quyết sách nhìn xa và những bước đi gần, cụ thể” cho văn hóa tương đối có sức thuyết phục về khái niệm dân tộc - hiện đại trong giai đoạn đương đại. 
 
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quân cho rằng: Hiện nay, Việt Nam cần nghiên cứu, quảng bá, giảng dạy sâu rộng hơn bản chất Đông Nam Á của văn hóa, nghệ thuật nước nhà từ nguồn gốc, chủng tộc, những đặc trưng và những thành tựu to lớn. Văn hóa Việt Nam đặc sắc nhất vì nó có gốc rễ, có bản sắc văn hóa kép vừa Đông Á vừa Đông Nam Á. Thời gian qua, ta quá nhấn mạnh nguồn gốc phương Bắc mà làm mờ nhạt tính phương Nam, qua cổ xúy cho thuyết đồng chủng, đồng văn nhất (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) mà lơ là sự gắn bó gần gũi về chủng tộc, văn hóa, lối sống Đông Nam Á của người Việt từ hàng ngàn năm nay. Chúng ta cần dạy và học mỹ thuật Chăm, sử Chăm, nghệ thuật Khơme Nam bộ và nghệ thuật Tây Nguyên. Việc khai quật Hoàng thành Thăng Long cho ta thấy yếu tố Đông Nam Á mạnh như thế nào trong văn hóa, nghệ thuật Việt từ thời Lý. Nghiên cứu và quảng bá bản sắc kép này sẽ cho ta vị thế văn hóa cao, mở đường hội nhập đường hoàng hơn vào ASEAN và châu Á… Các nghệ sĩ chỉ trở thành hiện đại - dân tộc khi sống chung với nghệ thuật quốc tế, cần có chiến lược phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ có tính quốc tế, có tầm quốc tế. Chính các nghệ sĩ tài năng hội nhập sâu sẽ mang tính dân tộc của nghệ thuật Việt Nam góp vào nghệ thuật thế giới… Muốn có văn hóa, nghệ thuật hiện đại thì phải hiện đại hóa đào tạo văn hóa, nghệ thuật. 
 
Không ai phủ nhận những tinh hoa nghệ thuật thế giới, tinh hoa nghệ thuật dân tộc. Vấn đề là tiếp thu có chọn lọc để bồi đắp cho nền nghệ thuật của mình thêm phong phú. Đó mới là ý nghĩa của sự hội nhập và phát triển, tự do sáng tạo nghệ thuật.
 
ĐAN THANH (tổng lược)