Ấn tượng hai tác phẩm đoạt giải Mỹ thuật miền Đông

09:08, 18/08/2016

Tại Triển lãm Mỹ thuật miền Đông Nam bộ diễn ra tại Đà Lạt từ ngày 12 - 22/8/2016, Mỹ thuật Lâm Đồng đã tạo ấn tượng mạnh mẽ và gặt hái vụ mùa bội thu.

Tại Triển lãm Mỹ thuật miền Đông Nam bộ diễn ra tại Đà Lạt từ ngày 12 - 22/8/2016, Mỹ thuật Lâm Đồng đã tạo ấn tượng mạnh mẽ và gặt hái vụ mùa bội thu. Trong 155 tác phẩm của các nghệ sĩ tạo hình đến từ 9 tỉnh được chọn trưng bày thì có 19 tác phẩm (16 tranh, 3 tượng gỗ) của các nghệ sĩ Lâm Đồng; trong 7 giải thưởng chính thức được trao cho tác phẩm xuất sắc (1 giải A, 1 giải B, 1 giải C, 4 giải khuyến khích) thì Lâm Đồng giành được 2 giải thưởng gồm giải A cho tác phẩm “Hội mùa Pơ T’rum (tượng gỗ điêu khắc của K’Minh Tuấn) và giải khuyến khích cho tác phẩm “Thưa hồng rậm lục” (tranh sơn dầu của Đặng Ngọc Trân). Lâm Đồng cuối tuần xin giới thiệu 2 tác phẩm đoạt giải tại triển lãm.
 
K’Minh Tuấn - Tượng gỗ Tây Nguyên luôn là nguồn cảm hứng bất tận
 
Là người Hà Nội gốc, nhưng 25 năm qua nghệ sĩ K’Minh Tuấn tự “biến” mình thành con của đại ngàn. Yêu văn hóa Tây Nguyên đến quên mình, anh đã đi và dừng chân ở nhiều buôn làng để trải nghiệm, nắm bắt và “níu” giữ cái hồn Tây Nguyên, rồi thổi vào từng tác phẩm điêu khắc tượng gỗ của mình. Đã nhiều lần cầm trên tay các giải B, C của Triển lãm Mỹ thuật khu vực miền Đông Nam bộ, nhưng giải A triển lãm lần này mới thực sự là kết tinh của những năm tháng đi, trăn trở, ám ảnh và sống cùng nhịp đập với những miền hoang sơ anh đã đi qua.
 
Tác phẩm “Hội mùa Pơ T’rum” của nghệ sĩ điêu khắc K’Minh Tuấn
Tác phẩm “Hội mùa Pơ T’rum” của nghệ sĩ điêu khắc K’Minh Tuấn

Tác phẩm “Hội mùa Pơ T’rum” của anh có sức gợi mạnh mẽ, chỉ cần nhìn vào là dậy lên niềm hân hoan trên từng gương mặt già trẻ, gái trai trong ngày hội làng. Tác giả K’Minh Tuấn kể: Khác với những lần trước, chuẩn bị cho triển lãm lần này, anh không ngược lên Tây Nguyên tìm gỗ, mà một mình một xe anh đi xuống biển, đi dọc duyên hải miền Trung mang về rất nhiều loại: mít, duối, xà cừ… Sau suốt 3 tháng miệt mài “ăn tượng, ngủ tượng”, say mê với từng thớ gỗ, nỗi ám ảnh với văn hóa Tây Nguyên nhào nặn vào từ đường gọt, đẽo, tác tạo nên một quần thể tượng 9 bức đơn lẻ tổng hòa độc đáo. Trung thành với vẻ đẹp hồn nhiên, thô mộc, nhưng tác giả nâng tượng gỗ Tây Nguyên lên một tầm mới bằng cách thổi hơi thở đời sống vào tác phẩm. Cụm tượng có bố cục chặt chẽ với trung tâm là cây nêu trên gắn mặt trời và rất nhiều hoa văn; già làng ngồi khom lưng bên chóe rượu cần; xung quanh 7 chàng trai, cô gái mỗi người một dáng điệu: đánh chiêng, đánh trống, múa xoang, lấy nước, rượu cần và cả mang theo vật tế lễ: chim, cá, heo… rất gợi hình. 9 bức tượng lẻ có thể “xé lẻ” thành 9 tác phẩm độc lập đã tạo nên một tổng thể mang sức biểu cảm, sức gợi trong từng dáng vẻ, từng ánh mắt của từng cá thể tượng đơn lẻ tạo nên một quần thể tượng độc đáo.
 
Tây Nguyên, đặc biệt là điêu khắc tượng gỗ là đề tài không mới, nhưng ở cụm tượng của K’Minh Tuấn gợi cho người ta một Tây Nguyên hoang sơ, một Tây Nguyên hồn hậu, một Tây Nguyên với vẻ đẹp huyền bí, khiến người ta phải nhún nhảy theo nhịp cồng chiêng, đó chính là cái hồn mà chỉ nhìn vào quần thể tượng gợi cho người xem cả một tình yêu lớn, khiến ta phải có trách nhiệm nâng niu, gìn giữ những giá trị văn hóa. Sự công phu, đồ sộ trong đường nét tạo tác, trong ý tưởng tác phẩm, có thể gọi đây là một “dự án nghệ thuật”. Vì thế, tác phẩm điêu khắc đã vượt qua những bức tranh, những tác phẩm hội họa - thế giới của sắc màu, xuất sắc đoạt giải A duy nhất của triển lãm.
 
89 mùa hoa vẫn tiếp tục gặt mùa hái quả ngọt
 
Họa sĩ Đặng Ngọc Trân nay đã 89 mùa hoa. Triển lãm cá nhân “80 mùa hoa” của ông cách đây gần 10 năm khiến công chúng yêu nghệ thuật nghĩ đến một sự “tổng kết” để gác cọ nghỉ ngơi tuổi già. Nhưng không, từ bấy đến nay ông vẫn âm thầm sáng tạo. Đoạt giải mỹ thuật khu vực là khó với bất cứ nghệ sĩ tạo hình nào, bởi trong hàng trăm tác phẩm của hàng trăm tác giả đủ mọi lứa tuổi ở khắp các tỉnh, thành miền Đông chỉ có 7 tác phẩm - tác giả được trao giải. Sự “cạnh tranh” gay gắt khiến những người trong nghề vẫn ví việc đoạt được giải cũng giống như hái được sao. Mà việc “hái sao” thường chỉ dành cho nghệ sĩ đang vào độ chín nhất, sung sức nhất của sáng tạo. Thế mà điều không ai nghĩ đến đã đến với một người nghệ sĩ đã ở tuổi gần 90.
 
Tác phẩm “Thưa hồng rậm lục” của hoạ sĩ Đặng Ngọc Trân
Tác phẩm “Thưa hồng rậm lục” của hoạ sĩ Đặng Ngọc Trân

Tác phẩm “Thưa hồng rậm lục” của ông được đánh giá cao tại Triển lãm Mỹ thuật miền Đông Nam bộ 2016 bởi mang vẻ đẹp đặc trưng của thiên nhiên Đà Lạt. Nhưng quan trọng hơn, nó còn chứa đựng những triết lý sâu xa gửi gắm trong tác phẩm mà chỉ có ở độ tuổi “gừng càng già” mới thể hiện được sâu sắc trong bút pháp và nghệ thuật. “Thưa hồng, rậm lục đã chừng xuân qua”- đó là một câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, ông đã khéo léo lẩy nửa câu Kiều đặt thành tên tác phẩm của mình, mà từ trong hội họa màu sắc, ý tưởng của tác phẩm đã đúng là một câu thơ của cụ Nguyễn rồi. Họa sĩ chỉ là người đưa thơ vào tranh. 
 
Vốn là người yêu cỏ cây hoa lá, họa sĩ Đặng Ngọc Trân vẫn luôn hướng đến thiên nhiên tươi đẹp, ông cũng dành phần lớn sự nghiệp cầm cọ của mình cho trường phái vẽ chân dung thiên nhiên. Một buổi sáng thức dậy, nhìn ra khoảng sân nhỏ trước nhà với những chậu cây cảnh và hoa… thiên nhiên lại một lần nữa đánh thức nguồn cảm hứng của ông. Ông sắp xếp chậu đỗ quyên phía trước, bên cạnh là chậu dừa cạn, hoa nhỏ, hồng môn và đằng sau là um tùm cây lá. Ông cứ vẽ và vẽ, vẽ chân dung các loài lá, hoa, khắc họa trung thực nhất màu sắc, hình dạng của từng phiến lá, từng cánh hoa dưới ánh nắng buổi sáng. Bức tranh nhanh chóng được hoàn thành, ngắm bức tranh của mình, họa sĩ Đặng Ngọc Trân đã “bật” lên câu Kiều của Nguyễn Du “Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua”. Đúng như trong tranh, nổi bật lên là màu diệp lục, màu xanh của lá, chỉ còn lác đác vài bông hoa màu hồng của chậu đỗ quyên, chậu hoa dừa thấp nhỏ và hồng môn phía sau thưa thớt (thưa hồng). Ý chừng mùa xuân đã qua đi, nhưng vẫn còn níu giữ màu hồng của vài bông hoa, nhường chỗ cho mùa hạ với màu xanh cây lá rậm rạp (rậm lục). Lấy làm đắc ý với tên tác phẩm, họa sĩ cho rằng ông và cụ Nguyễn - Tiên Điền đã có một cuộc “gặp gỡ”. Bức tranh không hề có bóng dáng của con người, nhưng vẫn toát lên được cái hồn trong từng đường nét màu sắc do họa sĩ thổi vào. 
 
89 mùa hoa, tác phẩm đã mang về cho ông mùa quả ngọt, giải khuyến khích tại triển lãm khu vực là một thành công lớn trong sự nghiệp cầm cọ là phần thưởng xứng đáng cho một người họa sĩ cả đời cống hiến cho nghệ thuật.
 
QUỲNH UYỂN