Tiếng thông xa vọng về rừng kỷ niệm

09:08, 04/08/2016

Ai cũng có thể viết về Đà Lạt. Bởi, Đà Lạt đặc biệt, xứ sở của mọi người, là "mỹ nhân", lại là "mỹ nhân trong sáng và không tuổi". Thương yêu, nhớ nhung, lo lắng, trách cứ, hay phản biện, bình luận về người đẹp đều là sự say mê của người đời dành cho nó, hoặc tạ ơn nó

Ai cũng có thể viết về Đà Lạt. Bởi, Đà Lạt đặc biệt, xứ sở của mọi người, là “mỹ nhân”, lại là “mỹ nhân trong sáng và không tuổi”. Thương yêu, nhớ nhung, lo lắng, trách cứ, hay phản biện, bình luận về người đẹp đều là sự say mê của người đời dành cho nó, hoặc tạ ơn nó. Nhưng chỉ thấy người ta phần nhiều hay cảm thán, ăn xổi, hùa theo, comment, status… gì gì đó về Đà Lạt là chủ yếu; còn làm cho ra sách thì hiếm vô cùng. Thời đương đại, kể từ 1993 - năm kỷ niệm 100 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, ra đời cuốn “Đà Lạt thành phố cao nguyên” (những người Việt viết), đặc biệt gần đây xuất hiện thêm cuốn “Đỉnh cao đế quốc” (một người Phương tây viết). Bình tâm mà nói sách về Đà Lạt quá hiếm hoi, chưa tương xứng với sự đặc biệt, vị thế tầm vóc của Đà Lạt. Tác phẩm “Đà Lạt thành phố cao nguyên” là công trình tập thể, nhiều tác giả chung tay, nghiêng về khảo cứu, học thuật, nhưng vẫn hấp dẫn người đọc, và “Đỉnh cao đế quốc” là một biệt khảo kỳ công, mà các nhà nghiên cứu địa chí, sử học ở ta không chỉ tìm thấy ở đấy những sự thật đắc vị về xứ Đà Lạt mà còn học được ở đấy tính “chuyên nghiệp” khi làm nghiên cứu. Thế còn Đà Lạt đi ra từ cái “tôi”, sự lung linh của một cá nhân là người trong nước? Càng ít ỏi, vắng quá.
 
Nhưng may thay, chợt xuất hiện cuốn “Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách” để đắp vào vũng trũng hay cánh đồng khô hạn vô lý đó. 
 
Cuốn “Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách” bên cạnh các cuốn sách trước đó của Nguyễn Vĩnh Nguyên
Cuốn “Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách” bên cạnh các cuốn sách trước đó của Nguyễn Vĩnh Nguyên

Nguyễn Vĩnh Nguyên, tác giả cuốn sách “một người trong nước viết” nói trên. Anh viết về Đà Lạt từ “bên trong” ra, chứ không từ “bên ngoài”. Anh viết cho chính mình, cho tâm hồn, từ mọi thứ chất liệu của mình khi trao đổi chất với Đà Lạt, nghĩa là những gì anh “liên lụy”, ân nghĩa, nợ nần, buồn, vui với nó. Cứ như thể khi viết không để ý đến ai, xung quanh người ta có biết mình, có nghĩ gì. Nên Đà Lạt hiện ra tự nhiên, chân thật, thiện lành, bàng bạc, man mác. Trong “Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách”, xứ này hiện ra qua những chuyện riêng của anh. Chuyện kể nén lại, tinh cất. Những chuyện khác nhau về Đà Lạt đi qua quãng đời anh, về Đà Lạt của ngày hôm nay, bóng dáng người nọ người kia có liên quan đến Đà Lạt của anh. Từ rừng thông bao la đến góc phố, con dốc, hẻm phố, đến tiếng chuông giáo đường… Một Đà Lạt sang trọng đến những Đà Lạt bình dân, cần lao, Đà Lạt u sầu đến Đà Lạt tươi mộng. Đà Lạt của nổi tiếng và Đà Lạt của vô danh. Thứ “tâm hồn Đà Lạt”. Ta thấy ở đó rất thăng hoa và rất trắc trở; buồn một cách lộng lẫy, đẹp một cách cô quạnh. Những mảnh vỡ cảm xúc được ghép lại. Một tác phẩm tự sự. Một kiểu chuyện “Hà Nội băm sáu phố phường” của Đà Lạt. 
 
Đà Lạt đã hiện ra như một xứ sở tinh khiết, khi anh viết: “Đó là những mùa Đông của thời Đà Lạt hãy còn sương mù bạc mắt và giá lạnh róng riết thịt da. Cái lạnh mù sa da diết mà mãi nhiều năm về sau hãy còn trong giấc mơ người viễn phố ”. Hay hình ảnh về mưa phố núi: “Những ngày mưa ở Đà Lạt thường kéo dài với tiết tấu đều đều”. Ở đây, mọi thứ ô trọc, sần sùi của Đà Lạt cũng hóa “Thi”. Ngay việc anh đi làm “người chuyển quà” giúp cho một thi sĩ Sài gòn để giúp anh kia “tán được gái nhà vườn Đà Lạt” cũng xem là một công việc nghệ thuật, mới có thể ra được những dòng thế này: “Thung lũng nhà vườn phía sau lưng buổi chiều mây phủ kín. Tôi không thấy lá trạng nguyên đỏ nào cả... Với những cô gái nhà vườn Đà Lạt... ... Đôi khi họ chớp sáng trong đời tôi một khoảnh khắc, như một màu hoa nhói lên trong khung cảnh thung lũng buồn bã vào một ngày mùa đông, rồi tan biến như chưa từng đến”. Đó là sự tài hoa. 
 
Thế đó, nó cho thấy cái chiều sâu của một nhà văn khi viết về một chốn xứ thật. Cái tinh tế của một văn sĩ khi tỏ lòng ra với “nữ phái”(Đà Lạt) mình yêu, với kỷ niệm, hiện thực, “quê hương ký ức” của mình. Đó là những gì ở cuốn tản văn “Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách” (NXB Trẻ). Những ai đã từng sống ở Đà Lạt không chừng sẽ có cảm giác như rằng Nguyễn Vĩnh Nguyên đã tỏ bày hộ trái tim mình về phố lạnh cao nguyên này, đặc biệt là các thế hệ sinh viên tha hương đến Đà Lạt học.
 
Rừng thông ở ngoại ô Đà Lạt - Ảnh: NGUYỄN NGHĨA
Rừng thông ở ngoại ô Đà Lạt - Ảnh: NGUYỄN NGHĨA

Như đã nói, vì ai cũng có thể viết về những dòng hay về Đà Lạt cả, nên viết thật hay, vượt lên trên, một kiểu đại diện nào đó, thuyết phục mọi người về Đà Lạt là điều không đơn giản. Nó giống như khi ta cầm bút để nói về Maradona trong bóng đá, Trịnh Công Sơn trong âm nhạc, xem họ đá hay nghe nhạc của họ. Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên của Sài Gòn hoa lệ này được biết từng có hơn 5 năm sống với Đà Lạt, rồi đành lòng phải ra đi khi Đà Lạt không mở lòng với anh”. Anh thì đã không “bỏ” Đà Lạt, mà ôm nó vào đời, giữ nó trong lòng, nhân ái, bao dung, mã thượng, tri ân, bằng cách thức và năng lượng gì đó mà chỉ anh mới biết, nên cuốn sách trên như lòng anh vọng về với nó. Đẹp như tiếng thông xa vọng về phố rừng kỷ niệm. Trong bối cảnh khó khăn của xu hướng đọc sách bây giờ, một cuốn sách mới ra mà tái bản ngay như “Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách” đã cho thấy nó đẹp, giá trị thật.
 
Nhà văn trẻ Nguyễn Vĩnh Nguyên lớn lên ở Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, từng học Đại học Đà Lạt, hiện đang sống làm việc và sáng tác tại TP Hồ Chí Minh. Anh là tác giả của nhiều cuốn sách đặc sắc, như: “Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông”, “Năm mười mười lăm hai mươi”, “Động vật trong thành phố”, “Tivi, xe máy, nhạc chế, chày cối, karaoke, tăm xỉa răng và những thứ khác”.../
 
NGUYỄN HÀNG TÌNH