Khánh Ly - sau hơn nửa thế kỷ hội ngộ Đà Lạt, lòng vẫn nở hoa

08:09, 08/09/2016

Phải mất hơn nửa thế kỷ trôi qua, kể từ cái ngày danh ca Khánh Ly đến và ca hát tại Đà Lạt mới có dịp hội ngộ với thành phố này - nơi khởi phát mối duyên nghiệp làm nên tên tuổi ca sỹ Khánh Ly và những tình khúc nổi tiếng của nhạc sỹ tài danh Trịnh Công Sơn. 

Khánh Ly lần trở lại Đà Lạt hát trong chương trình “Vòng tay nhân ái”
Khánh Ly lần trở lại Đà Lạt hát trong
chương trình “Vòng tay nhân ái”
Phải mất hơn nửa thế kỷ trôi qua, kể từ cái ngày danh ca Khánh Ly đến và ca hát tại Đà Lạt mới có dịp hội ngộ với thành phố này - nơi khởi phát mối duyên nghiệp làm nên tên tuổi ca sỹ Khánh Ly và những tình khúc nổi tiếng của nhạc sỹ tài danh Trịnh Công Sơn. Trở lại trong đêm nhạc “Vòng tay nhân ái” được tổ chức tại Đà Lạt mới đây, Khánh Ly đã dành chút thời gian ngắn ngủi, bộc bạch những cảm xúc xưa cũ cũng như hiện tại về một “ngày xưa yêu dấu Đà Lạt” mà không muốn dời bước ra đi khỏi “niềm mơ ước” của mình từ thuở nào.
 
1. Khoảng trời yêu thương
 
Hồi ký “Đằng Sau Nụ Cười” của ca sĩ Khánh Ly bộc bạch rằng: Đó là khoảng trời yêu thương nhất của một thời tuổi trẻ khi tình yêu còn mới như trang giấy mới viết về chữ yêu. Đà Lạt của năm 1962 bắt đầu cho tôi những ngày sống thần tiên, tôi yêu cái thành phố đi dăm phút lại gặp nhau trên những con dốc quanh co, những mái ngói đỏ thấp thoáng trên đồi; tôi yêu Đà Lạt như yêu Huế, như yêu bờ sông Thạch Hãn, bởi con gái Đà Lạt môi đỏ, má hồng, tóc dài, da trắng, giản dị, nhẹ nhàng, duyên dáng như con gái Huế; tôi bắt đầu hát tại Night club vào ngày 15/11/1962, cái nhà hàng nằm sát đường đi Trại Hầm, cũng từ đó tôi coi tôi như người Đà Lạt. Không có một nơi nào của Đà Lạt mà tôi chưa đặt chân đến từ nhà hàng Mekong, Sanghai đến tiệm mì quảng Ngọc Diệp, phở Ngọc Lan, cafe Tùng...
 
Tôi ở Đà Lạt 5 năm, ai rủ tôi về Sài Gòn tôi cũng không đi. Đà Lạt với tôi là nhất, Đà Lạt như chỗ ẩn náu thần tiên, người Đà Lạt thân thiết yêu thương tôi, nhưng sau cùng tôi phải cắn răng bỏ Đà Lạt để đi để bước vào một định mệnh khác, một hạnh phúc, một bất hạnh khác... Và từ đó tôi đi qua nhiều khúc quanh, nơi đêm đêm tôi hát... nơi tôi khóc ngày mới đến, tôi khóc ngày ra đi, nơi tôi tiếc nuối đã không trở lại để sống cho niềm ước mơ của mình.
 
2. Mối duyên nghiệp gặp Trịnh
 
Khánh Ly là một danh ca thể hiện thành công nhất nhạc Trịnh Công Sơn. Người nhạc sỹ viết những ca khúc bất hủ về tình yêu, về quê hương và thân phận con người, họ đã có những năm tháng gắn bó chia sẻ những ngọt bùi cay đắng trong những ngày tháng ở Đà Lạt, để bắt đầu từ Đà Lạt họ đã ra đi mang theo cả một bầu trời kỷ niệm dấu yêu và đánh dấu về bước ngoặt sự nghiệp âm nhạc của mỗi người. Trịnh Công Sơn và Khánh Ly “Trời đưa đẩy cho tôi được gặp Sơn, trời cho tôi những ngày đẹp đẽ đáng yêu nhất, tôi không bao giờ hối tiếc, nếu có kiếp sau tôi cũng xin được gặp lại Sơn như ở Đà Lạt, ở Việt Nam ở trong đời...” - Khánh Ly bày tỏ.
 
Một trong những ca khúc nổi tiếng mà Trịnh Công Sơn viết tại Đà Lạt đó là “Tuổi Đá Buồn”. Danh ca Khánh Ly chia sẻ: ‘’Người nhạc sỹ ít khi họ thường viết những điều phát sinh từ trái tim của họ, phát sinh từ những gì họ cảm nhận từ cuộc sống. Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn viết bài Tuổi Đá Buồn tại Đà Lạt. Đà Lạt chúng ta có nhà thờ Con gà, đó là cái nhà thờ ngày xưa tôi được rửa tội vào năm 1962, một nhà thờ nhiều kỷ niệm mà chủ nhật nào tôi cũng đi xem lễ ở đó hay học giáo lý ở đó, và tôi không nói rằng ông viết ca khúc đó cho tôi nhưng mỗi khi ở nơi xa tôi hát bài hát đó hay tôi nhìn thấy hình ảnh của ngôi giáo đường tôi lại nhớ Đà Lạt. Và giáo đường trong “Tuổi Đá Buồn” nơi mà chúng ta đi về không phải là ngôi giáo đường của tôn giáo mà là ngôi giáo đường của tình yêu, nơi chúng ta, những người yêu nhau đã tới và gặp nhau và họ ở lại đó với nhau, đó chính là “Tuổi Đá Buồn”.
 
3. Sau hơn 50 năm trở lại Đà Lạt
 
Ngày tôi ra đi tôi đã không còn hy vọng được trở lại Đà Lạt, nay giữa những bồi hồi tôi trở lại Đà Lạt mấy mươi năm đã nhiều thay đổi. Nhưng chính con người của mình cũng thay đổi, cũng già cỗi chìm nổi theo năm tháng và tiếng hát tôi cũng như những gốc thông già ngoài kia, huống hồ chi là một thành phố bé nhỏ. Hãy cứ quay lại, đi may ra ở một góc phố nào đó, một mảnh rừng nào đó, của Đà Lạt may ra vẫn còn tìm thấy một cành hoa dại như ngày xưa mình từng thấy thế, cũng là đủ may mắn rồi. Nhưng tôi thật không ngờ khi lần trở lại này tôi bắt gặp những hạnh phúc rất lớn đó là tôi tìm thấy lại được một Đà Lạt của mình khi tôi đặt chân đến Tuyền Lâm. Tôi chưa bao giờ nghe đến cái tên đó cả, nhưng khi tôi đi đến con đường vào Tuyền Lâm tôi thấy mình trẻ lại, tôi thấy mình của hơn 50 năm về trước, của ngày xưa yêu dấu với Đà Lạt, con đường đèo quanh co, những đồi thông xanh mướt, trời cũng xanh và mặt hồ Tuyền Lâm phẳng lặng....
 
Tôi không biết mình phải cảm ơn như thế nào với mảnh đất hôm nay tôi được đặt chân đến và cảm ơn những người đã đưa tôi đến Tuyền Lâm hôm nay để tôi tìm lại được chính mình ở chính một Đà Lạt mà tôi trân trọng, một Đà Lạt dễ thương, hiền lành như nước mưa, như nước suối, như thông xanh, như núi đồi và người Đà Lạt cũng hiền như vậy.
 
Do đó tôi thấy chuyến đi này dẫu có xa xôi mỏi mệt lòng tôi cũng nở hoa.
 
THU MINH