Thánh thót những giọt thạch cầm

08:09, 08/09/2016

Chỉ khi nhìn thấy Rô Da Nai Vy lướt đôi tay với hai chiếc búa, gõ lên những thanh đàn đá như thả từng giọt thanh âm trầm bổng, lách cách ngân lên thành giai điệu, người xem mới thấy hết niềm say mê và tình yêu của một người trẻ tuổi dành cho âm nhạc dân tộc... 

Chỉ khi nhìn thấy Rô Da Nai Vy lướt đôi tay với hai chiếc búa, gõ lên những thanh đàn đá như thả từng giọt thanh âm trầm bổng, lách cách ngân lên thành giai điệu, người xem mới thấy hết niềm say mê và tình yêu của một người trẻ tuổi dành cho âm nhạc dân tộc, đặc biệt là đàn đá - nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người. 
 
Nghệ sĩ trẻ Rô Da Nai Vy biểu diễn đàn đá trên sân khấu
Nghệ sĩ trẻ Rô Da Nai Vy biểu diễn đàn đá trên sân khấu

Tôi từng được xem Rô Da Nai Vy (Đội phó Đội nhạc cụ dân tộc - Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng) diễn tấu đàn đá nhiều lần, nhưng lần nào em cũng đưa người xem đến cảm xúc tràn ngập say mê. Bàn tay thoăn thoắt nhịp búa dứt khoát, nhanh chậm như múa trên thanh đàn, như bắt đá cất lên âm hưởng của đại ngàn, khi thì sống động vui nhộn, lúc trầm lắng, nhịp nhàng, du dương khó tả. Xem Nai Vy diễn tấu và nghe thanh âm của tiếng đàn ngân lên thánh thót, róc rách tiếng suối chảy, lúc gầm gào dữ dội như dòng thác, gió rừng, nhiều người đã thán phục khi em “đánh thức” được tiếng của ngàn xưa. 
 
Nai Vy đi theo con đường nghệ thuật rất tình cờ, đến với đàn đá cũng rất tình cờ. Em được đào tạo bài bản đàn T’rưng tại Trường Văn hóa nghệ thuật Gia Lai, sau đó mới dày công luyện tập đàn đá và gây ấn tượng sâu sắc với khán giả trong tỉnh mỗi khi em “trổ” tài nghệ của mình. Sinh ra và lớn lên ở buôn M’Lọn - thị trấn Thạnh Mỹ (Đơn Dương) trong ngôi nhà sàn trên 100 năm từ thời cụ cố để lại, cả gia đình em trân trọng giá trị văn hóa dân tộc. Ngôi nhà sàn không chỉ là không gian sống mà còn là “bảo tàng” gìn giữ các hiện vật kỷ vật gắn với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, nhạc cụ của đồng bào Chu ru như dụng cụ giã gạo, dụng cụ đánh bắt cá, cuốc cày, chum chóe, trống, chiêng, khèn bầu… Cả gia đình không ai làm nghệ thuật, bố em hướng cho Nai Vy lớn lên làm cô giáo. Đến một ngày, khi em vừa học hết phổ thông, các nghệ sĩ từ trên tỉnh về tuyển học sinh đồng bào dân tộc đi đào tạo nhân lực cho Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng, bạn bè động viên Nai Vy đã đến dự thi rồi trúng tuyển. Gia đình ngăn không cho theo nghiệp nghệ thuật, nhưng Nai Vy chỉ nghĩ nhà có tới 6 anh chị em, nếu em đi học theo nhà nước tuyển chọn, được trợ cấp thì sẽ đỡ phần khó khăn vất vả cho cha mẹ. 3 năm theo học, em đã chọn chuyên ngành nhạc cụ dân tộc bởi một lý do đơn giản “Là người Tây Nguyên, mong muốn góp sức gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên”, đi chọn học chuyên sâu vào diễn tấu đàn T’rưng. 
 
Ra trường, Nai Vy rèn giũa mình bằng cách về thực tập tại Khu du lịch Rừng Madagui, công việc hàng ngày là biểu diễn đàn T’rưng phục vụ du khách. Ngón đàn ngày một hay, đôi tay thêm nhuần nhuyễn. Trở về Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng - đơn vị đã gửi em đi đào tạo, Rô Da Nai Vy không ngừng phấn đấu, tích cực tập luyện biểu diễn, cùng với Nai Ngân - cô bạn cùng học đàn T’rưng đã hình thành nên cặp song tấu, nắm vị trí chủ chốt trong dàn nhạc cụ dân tộc, làm nên những tiết mục độc đáo trong những buổi biểu diễn của Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng. Là người Chu ru nên cồng chiêng vốn có từ trong máu Nai Vy, nhưng muốn đánh thành thạo chiêng đôi, chiêng ba của người Chu ru cũng phải học đầy đủ các bài bản chiêng. Nai Vy còn muốn học được tất cả các bài bản chiêng cổ truyền của tất cả các dân tộc bản địa Lâm Đồng như chiêng 6 của đồng bào K’Ho, Mạ, muốn chơi được các loại nhạc cụ của đồng bào như khèn M’puot, đàn goong (làm từ quả bầu khô) và cả đàn đá nên em không ngừng học hỏi, tập luyện. 
 
Chỉ được học bài bản về đàn T’rưng (thuộc bộ gõ được chế tác bằng lồ ô, tre nứa) nên khi chuyển qua đàn đá dùng búa “gõ” đá khiến Nai Vy không khỏi bỡ ngỡ. Vượt qua khó khăn bước đầu, cô áp dụng kỹ thuật, nguyên lý thang âm đã học, kết hợp việc mày mò tìm hiểu kỹ về đàn đá như cách thức ghè đẽo tinh xảo trau chuốt từng thanh đá; với những kích thước ngắn, dài, dày, mỏng khác nhau để có được các thang âm trầm bổng, thánh thót khi gõ. Thanh đá dài, to, dày thường có âm trầm và trong (gam thấp), ngược lại thanh ngắn, nhỏ, mỏng thường tiếng thanh (âm cao). Người Tây Nguyên xưa thường đặt đàn đá ở các dòng suối, thác - khi dòng nước rơi vào những thanh đá tạo nên âm thanh xua đuổi thú dữ không đến phá hoại nương rẫy mùa màng… Nắm bắt cái hồn trên từng phím đàn mà người xưa gửi gắm, chăm chỉ tập luyện nên bàn tay Nai Vy gõ mỗi ngày nhịp nhàng hơn, điêu luyện hơn. Để một ngày, vào mùa hè 2014, tại Liên hoan độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2014, Nai Vy đã gây ấn tượng mạnh với hình ảnh một cô gái trẻ tuổi đã tấu lên bản dân ca của các dân tộc Tây Nguyên bằng chính những nhạc cụ thô sơ, bằng âm thanh đàn đá - nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người. Tiết mục độc tấu đàn đá “Suối tía” (Dân ca K’Ho - Cill) do Nai Vy biểu diễn đã mang về Huy chương Vàng từ liên hoan. Nai Vy đã từng có cơ hội được mang tiếng đàn đá, đàn T’rưng, cồng chiêng đi một số nước để quảng bá xúc tiến thương mại du lịch, mang đến cho bạn bè thế giới nét văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. 
 
Độc tấu đàn đá
Độc tấu đàn đá

Với tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, Nai Vy được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng khi tuổi đời chưa đến 30, trong tháng 5 vừa qua, em còn được tín nhiệm ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Dù không trúng cử nhưng trong những ngày đi tiếp xúc cử tri đã cho em những bài học lớn. “Tiếp xúc với bà con, thấy bà con gửi gắm rất nhiều tâm tư nguyện vọng, em thấy thương gì mà thương. Mình thì không làm được gì nhiều, chưa giúp được gì nhiều. Em muốn học nữa, học lên cao để làm được nhiều việc hơn nữa…” - Nai Vy ngậm ngùi. 
 
Lần này gặp Nai Vy không phải trên sân khấu biểu diễn, mà cô vừa trở về từ Hà Nội, bạn là một trong 7 gương thanh niên tiêu biểu đại diện cho tuổi trẻ Lâm Đồng vừa được TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyên dương “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” lần thứ IV - 2016 vào cuối tháng 8 vừa qua. Cầm quyết định đi học đại học quản lý văn hóa trên tay, em tâm sự: “Chuyến đi Hà Nội vừa rồi làm cho em càng thêm mở rộng tầm mắt, rất nhiều người trẻ tuổi như mình, họ luôn khát vọng cống hiến, khát vọng làm giàu, 30 - 31 tuổi mà các bạn ấy là tiến sĩ với nhiều đề tài sáng tạo, có người là tỷ phú là chủ doanh nghiệp, ai cũng đóng góp lớn cho xã hội…”. Khát khao được làm những điều lớn lao, Nai Vy nghĩ mình phải học cao hơn nữa. Dù đứa con đầu lòng mới 3 tuổi, nhưng em quyết tâm đi học đại học để làm được nhiều hơn nữa, để khi không còn trẻ, không còn đủ sức đứng trên sân khấu cống hiến cho nghệ thuật thì mình sẽ tiếp tục trở về làm việc gì đó có ích cho quê hương.
 
QUỲNH UYỂN