Anh đã về nơi biển… "sâu đến không ngờ"

09:10, 20/10/2016

Ngày nhà báo Việt Hưng - tên đầy đủ của anh Nguyễn Việt Hưng, rời xa cõi trần mãi mãi, tôi ghi vào sổ tang lời vĩnh biệt hai câu thơ anh viết thuở nào "Biển mênh mông đến vô bờ/Biển sâu sâu đến không ngờ người ơi". 

Ngày nhà báo Việt Hưng - tên đầy đủ của anh Nguyễn Việt Hưng, rời xa cõi trần mãi mãi, tôi ghi vào sổ tang lời vĩnh biệt hai câu thơ anh viết thuở nào “Biển mênh mông đến vô bờ/Biển sâu sâu đến không ngờ người ơi”. Vẫn biết rằng sau những lần bị tai biến, anh lâm bệnh nặng dăm năm nay, nhưng sự ra đi của anh ở tuổi 64 vẫn khiến gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp thảng thốt “đến không ngờ người ơi”!
 
Nhà báo Việt Hưng
Nhà báo Việt Hưng

Lời thơ nào chẳng mang bóng dáng quê hương, tình biển mênh mông chính là nơi anh sinh ra (năm 1953) - xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Khi mới đôi mươi anh vào lính đóng quân trên dải “Trường Sơn thời hoa lửa”, rời tay súng theo học Văn khoa Trường Tổng hợp Hà Nội, năm 1978 còn đầy rẫy khó khăn, tạm biệt bãi biển Thiên Cầm quê xứ, tạm biệt người vợ trẻ dấu yêu, anh lên miền Tây Nguyên gió lộng hoang vu bắt đầu sự nghiệp cầm bút dưới bút danh nhà báo Việt Hưng công tác tại Báo Lâm Đồng. Đồng nghiệp bảo rằng anh là “nhà báo lành” và luôn “thương nhớ đồng quê” cũng đúng, bởi mỗi khi có dịp ngồi uống với ai vài ly rượu, anh hay cất lời ca về “Con sông quê dạt dào như tình mẹ...”, về “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”... quê anh.
 
Tính “lành” trong nghề nghiệp nơi anh là sự chịu đi với những chuyến công tác ngược xuôi trên dẻo đất Nam Tây Nguyên, bàn chân anh đã giẫm lên bao nơi chốn xa xôi từ khi phương tiện đi lại thiếu thốn, lúc Buôn Con Ó, Đoàn Kết, Đạ P’loa, khi Đinh Trang Thượng, Đạ Tông, K Long K Lanh…xa ngút ngắt. Anh không câu nệ sang hèn, sống vô tư lạc quan, gặp ai cũng vui vẻ và nếu có giận hờn hôm trước, hôm sau đã quên nên nhiều người nhớ đến anh trong suốt hành trình làm báo vì vậy. Còn đó những bài báo anh viết lưu trong thư viện cơ quan về “Cấp quyền sử dụng đất trên không gian” hay “Náo loạn trước cổng công đường”, nhẹ nhàng hơn “Đạo diễn Lê Cung Bắc và tình yêu Đà Lạt”... đủ để thấy dưới ngòi bút nhà báo Việt Hưng cách chọn lựa đề tài có vấn đề, mang hơi thở cuộc sống và biết cúi xuống chia sẻ với người nghèo, kiếm tìm công bằng... Khi anh mất, một đồng nghiệp “tổng kết” rằng, nhà báo Việt Hưng trong nghiệp cầm bút “không tham vọng, không nhỏ mọn, không thực dụng, không tủn mủn, không thâm hiểm, không cơ hội... như một vài đồng nghiệp nào đó và anh có đôi phần “nông nổi” tựa cái “vốn” quý “lơ lửng” của người làm báo thạo nghề và tính nghệ sỹ biết yêu, viết văn thơ. 
 
Anh sống trọn “nghĩa tình đồng đội” khi ta đọc tản mạn của anh “Những giọt nước mắt người lính” lặng buồn mà không bi lụy, anh thương nhớ chốn quê xa ngái khi viết tạp bút “Khu vườn trước nhà” dẫu chỉ trồng xuống vạt rau xanh nho nhỏ để thỏa lòng “Nơi ta ngồi nhớ mẹ” hay thơ “Đi bên em biển quê hương”... Trong bài hát “Hà Tĩnh mình ơi” có câu “sông cứ chảy trong ta, núi cứ lớn trong ta” và “dù khổ đau ta cũng về” mà anh thuộc nằm lòng, nên ngày anh còn sống, anh mong mỏi khi nhận sổ hưu sẽ trở về sông quê, bãi biển gần nhà cho đến khi “rời cõi tạm” nối gót ông bà. Vậy mà, cái ngày 13/10 vừa qua, khi anh trút hơi thở cuối cùng cũng là ngày trên quê hương lãnh nhận cơn bão dữ, lũ lụt nhấn chìm ruộng đồng, nhà cửa, di nguyện được an nghỉ trên đất mẹ quê hương vẫn đã được thực hiện. Huyện Cẩm Xuyên dù chìm trong biển lũ nhưng may mắn thay xã Cẩm Nhượng - có biển Thiên Cầm, nơi anh yên nghỉ lại khô ráo trong ngày đón anh về.
 
Chỉ còn 10 tháng nữa thôi Báo Lâm Đồng sẽ kỷ niệm 40 năm ngày ra số báo đầu tiên. Trong quá trình hình thành và phát triển ấy của bản báo, anh đã góp mặt ngay từ những tháng năm khởi sự cho đến khi về hưu, đấy là cả một quá trình anh có phần đóng góp công lao, vun đắp cho sự trưởng thành của Báo Lâm Đồng hôm nay. Xin cùng đồng nghiệp thắp nén tâm nhang vĩnh biệt anh - nhà báo Việt Hưng yên nghỉ cõi vĩnh hằng. Và sẽ mãi không quên anh như câu thơ mà anh từng đọc cho mọi người nghe “Nếu tôi chết đừng quên tôi nhé/Nghĩa địa mang tên xóm bụi đời/ Nếu tôi chết đừng quên tôi nhé/Còn chút tiền em mua rượu cho tôi”. 
 
Lại hát về kachiusa
 
Đã một thời
những người lính Hồng quân
Hát kachiusa trên đường ra trận
Bài ca ấy là lời hò hẹn
Bởi kachiusa vẫn nhắc vẫn chờ
 
Bản tình ca sống trọn đến bây giờ
Chúng tôi hát
say sưa trên điểm tựa
Khi đường biên
tạm thời im súng nổ
Chúng tôi ôm đàn hát kachiusa.
 
Kachiusa với người lính Nga
Là tình yêu, căm thù và sức mạnh
Lời ca ngân vang
giữa chiến hào bom đạn
Có người lính ngã xuống
rồi vẫn thầm nhắc kachiusa...
 
Kachiusa - hợp khúc tình ca
Bản hùng ca
của những người lính trận
Kachiusa là hậu phương vô tận
Là nỗi nhớ thương
khát vọng đến nao lòng.
Nhờ cánh chim
gửi lời về quê hương
Rằng ta nhớ ta
thương suốt chiều dài năm tháng
Những người vợ,
những người yêu của lính
Có nghe chăng
khúc hát chốn biên thùy?
 
Đất nước tràn chiến tranh -
những người lính ra đi
Mất mát, hy sinh
và quê hương không quản
Bài hát của Hồng quân
ngày xưa còn vọng
Trong tâm hồn
mỗi chúng tôi hôm nay.
 
Kachiusa
bản tình ca mê say
Hồng quân hát
giờ chúng tôi lại hát
Bản hùng ca
của những người giữ chốt
Trên biên cương -
trước họng súng quân thù.
 
Việt Hưng
 
XUÂN TRUNG