Đi qua mùa bão

09:10, 20/10/2016

Cô bạn tôi làm MC ở Sài Gòn tối qua kể, hôm trước dẫn chương trình hướng về miền Trung mà nước mắt chảy ròng ròng. May mà dẫn sóng phát thanh nên không ai thấy mặt mũi MC tèm lem nhem nhuốc. Bởi, lúc ấy cô bạn chỉ nghĩ tới mùa lũ năm nào, nửa đêm nước đổ về ào ạt cuốn trôi nhà trôi cửa, nghe tin có người chết, người mất tích.

Cô bạn tôi làm MC ở Sài Gòn tối qua kể, hôm trước dẫn chương trình hướng về miền Trung mà nước mắt chảy ròng ròng. May mà dẫn sóng phát thanh nên không ai thấy mặt mũi MC tèm lem nhem nhuốc. Bởi, lúc ấy cô bạn chỉ nghĩ tới mùa lũ năm nào, nửa đêm nước đổ về ào ạt cuốn trôi nhà trôi cửa, nghe tin có người chết, người mất tích. Trẻ con sau mấy ngày đêm lên nhà thờ sơ tán, chèo thuyền quay về nhà chẳng thấy nhà mình ở đó, hoang mang đến cực độ vì nghĩ mình mồ côi thật rồi…
 
Nhưng may thế, bố mẹ bạn đã kịp chạy lũ, nương nhờ một nhà tầng kiên cố trong vùng để chờ con về. Phía Sài Gòn chẳng bao giờ có bão lũ, tôi cũng như nhiều người con miền Trung khác lòng vẫn thắt lại khi mùa lũ về, bởi nơi ấy là quê hương, là một phần mình ở đó.
 
Tôi cũng như bạn, đã từng đi qua 18 mùa lũ lụt miền Trung. 18 mùa đủ dài, đủ rộng để lòng mình vẫn lặng đi mỗi khi nghe tin lũ quét qua miền Trung. Nhà tôi ven sông Lam, mỗi mùa bão lũ nước sông dâng tràn khắp nẻo đường, xóa mờ lằn ranh giữa con đường và những bờ ao, bờ sông. Ngày bình thường, chúng tôi có thể tự đi học cùng nhau. Mùa lũ phụ huynh đứng xếp từng hàng trước cổng trường chờ đón con. Đứa nào đứa nấy đều được cõng. Nhà đứa nào sang hơn thì được ngồi xe. Tuy nhiên, đường về nhà không quá xa, xe lại dễ bị chết máy, tuột xích khi nước ngập nên “phương tiện” chung nhất vẫn là tấm lưng bố, mẹ. Sân trường và con đường buổi tan trường rất vui vì tiếng lũ trẻ gọi nhau í ới. Kí ức về mùa lũ trong mỗi đứa trẻ là tấm lưng của cha, của mẹ mặn nồng mùi mồ hôi sau buổi tan ca vội vã đón con đi học về. Đối với những đứa nhỏ, mỗi tấm lưng đầy mồ hôi của bố mẹ là một điểm tựa an toàn và yêu thương nhất. Cho tới mãi sau này, nhiều đứa nhắc lại vẫn thấy cay cay vì vị mặn ấy.
 
Mùa lũ, trẻ con và các ông bà già vẫn thường được tập trung ra những nhà cao tầng, chắc chắn như trường học, công ty. Chỉ những người khỏe mạnh, trai tráng mới ở lại giữ nhà. Tôi vẫn nhớ những ngày sống chung tập thể đầu tiên ấy. Có đứa lén men ra ngoài hành lang bắt được chú cá lạc từ sông vào, cả lũ nhảy nhót như cuồng theo chú cá ấy. Có đứa rất khuya không ngủ, bỗng dưng ngồi dậy khóc hu hu vì “cháu nhớ mẹ”. Trong khi đó, bố mẹ ở nhà chống bên này, buộc bên kia để tránh nhà bị giột nước, bị bay ngói… Có khi nửa đêm, các ông bà ngồi nói chuyện nhà cô Xoan bị nước cuốn trôi, mẹ con cô ấy bị mất tích. Lũ trẻ chưa ý thức nhiều về hai từ “mất tích” vẫn lặng đi, lòng hoang mang, mở to mắt nhìn nhau, nhìn đôi mắt đã mờ của các ông bà chảy những dòng nước mắt chậm rãi. 
 
* * * * * *
 
Nhà bác tôi ở vùng trũng nhất thành phố Vinh, là nơi nước sông đổ về ngập úng hàng tháng không thoát được. Trong suy nghĩ của đứa con gái lên 7 - tôi của ngày đó, bác là người tính toán, xấu bụng. Bố tôi đi xuất khẩu lao động nhiều năm nhưng không có của ăn của để, nhà nghèo vẫn hoàn nghèo. Vậy nhưng, chẳng biết vì lý do gì (chỉ người lớn mới hiểu), bác vẫn viết thư cho bố kể xấu mẹ con tôi, mặt khác ông luôn miệng đe: “Không có bố mày mẹ con mày ăn cám”, nói gì đến nhiều quà, nhiều tiền. Mẹ tôi dĩ nhiên rất buồn về những điều ấy nhưng bà giữ thái độ im lặng.
 
Sau những ngày bão lũ, mẹ luôn mua những mớ cá đồng, cá sông rất tươi, kho một nồi lớn thơm lừng, nói tôi đưa vào nhà biếu bác. Để đi vào nhà bác phải chèo thuyền đi cả nửa km vì nước ngập cao. Thi thoảng tôi vẫn thắc mắc: “Bác không tốt với mấy mẹ con. Mẹ tốt với bác làm gì?”. Mẹ cười đáp: Không được ăn miếng trả miếng. Người nào không tốt có trời đất biết. Bác là anh của bố, bố đi xa mẹ con mình phải có trách nhiệm chia sẻ với bác. Hơn nữa, nhà bác bị thiệt thòi bão lũ hơn nhà mình, mình càng cần chia sẻ, phải không?
 
Sau này, có lẽ từ nhiều nồi cá kho sau những mùa bão lũ và cách ứng xử của mẹ tôi, chẳng bao giờ tôi nghe bác gièm pha điều tương tự dạo bé từng nghe. Chị em tôi cũng dần hình thành tính cách như mẹ ngày xưa, chẳng bao giờ nghĩ chuyện lấy cái xấu đối lại cái xấu và biết nghĩ ngợi khi gặp người thiệt thòi hơn mình. 
 
* * * * *
 
Mùa lũ, tôi lại nhớ đến món bánh rán của cậu bạn cùng lớp mà lâu quá đã quên mất tên. Mẹ bạn ấy bán bánh ở chợ, lẽ dĩ nhiên nước ngập đường ngập chợ thì chẳng thể ra đó ngồi bán. Mỗi sáng bà vẫn dậy sớm ngâm bột, xay đỗ để rán những chiếc bánh bé bằng bàn tay trẻ con, nhân đậu xanh thơm phức, giòn rụm. Trong mắt mọi người, cậu bạn lúc ấy như một hoàng tử ban phát của cải vật chất cho bè bạn. Bão lũ có hàng trăm công việc, người lớn chẳng có thời gian đâu mà quan tâm tới bữa sáng cho lũ trẻ. Đa phần chúng tôi đều vác bụng đói đến lớp nên cảm thấy món bánh rán ấy vô cùng hấp dẫn. Cho đến cấp ba, học “Gió lạnh đầu mùa” của Thạch Lam, tôi vẫn nhớ cậu bạn ấy khi gặp hình ảnh đứa bé sẻ áo cho bạn. Và bây giờ, đã xa những mùa xưa nhiều năm, sau mỗi mùa mưa lũ, tôi vẫn nhớ bạn ấy và tập cho con trai mình xếp những bộ quần áo cũ để gửi về những vùng quê xa.
 
Nơi ấy, miền Trung quê tôi, có nhiều đứa trẻ, nhiều gia đình vẫn cần sẻ chia yêu thương. 
 
Võ Thu Hương