"Đà Lạt một thời hương xa" - hành trình du khảo văn hóa

09:10, 06/10/2016

Thêm một ấn phẩm về Đà Lạt, cung cấp "đường dẫn" về một giai đoạn phát triển văn hóa mà thành phố này đã từng sở hữu như lâu đài lộng lẫy "thành phố tri thức" bằng giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng cùng những kiến giải của Nguyễn Vĩnh Nguyên trong tác phẩm "Đà Lạt một thời hương xa" - du khảo văn hóa Đà Lạt 1954 - 1975.

Thêm một ấn phẩm về Đà Lạt, cung cấp “đường dẫn” về một giai đoạn phát triển văn hóa mà thành phố này đã từng sở hữu như lâu đài lộng lẫy “thành phố tri thức” bằng giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng cùng những kiến giải của Nguyễn Vĩnh Nguyên trong tác phẩm “Đà Lạt một thời hương xa” - du khảo văn hóa Đà Lạt 1954 - 1975.
 
Nhìn bức ảnh tháp trường Lycée Yersin xoay nghiêng trên bìa sách, tôi chợt nhớ câu chuyện Nguyên kể về những buổi chiều ngồi lặng ngắm giáo đường và trong những ngày tháng đó tình cờ dương máy chụp cánh chim cô đơn đậu ở tháp chuông. 
 
Gắn bó với Đà Lạt trong khoảng thời gian hơn 5 năm - một thời trai trẻ và nặng lòng yêu thương thành phố sương mù như một “người tình”, có lẽ ngày tháng “ăn nằm” với Đà Lạt đã thành hình những suy tưởng và truy vấn. Những câu hỏi về căn tính Đà Lạt, những câu chuyện về Nhất Linh, Hoàng Nguyên, Phạm Duy, Trình Công Sơn, Khánh Ly,… bị phủ bụi được anh dò tìm. 
 
Ba năm ngược xuôi trên những chuyến xe đò Sài Gòn - Đà Lạt với biết bao lần bước vào hành trình du khảo tìm kiếm tư liệu, gặp gỡ những người gắn bó với Đà Lạt để ghi chép điền dã và dành không ít thời gian giam mình trong những tàng thư, thư viện cá nhân, thành phố để sưu tầm văn bản, thư tịch, hình ảnh, ấn phẩm, từ đó kết nối với những người “hiểu” Đà Lạt hòng phục dựng lại bối cảnh văn hóa của Đà Lạt giai đoạn 1954 - 1975. 
 
“Đà Lạt một thời hương xa” đưa người đọc đi vào “vùng khí quyển tinh thần” của Đà Lạt trong vòng 20 năm thông qua những nhân vật từng ít nhiều gắn bó với đô thị này. Ở đấy, bạn đọc được bắt đầu từ con đường Hoa Hồng (Rue Des Roses), nơi có căn biệt thự mà nhóm bạn Đinh Cường, Trịnh Công Sơn, Trịnh Cung… đến trọ và để lại không ít tác phẩm nhạc, họa cho đến bây giờ và kết thúc với đời sống của một gia đình người Việt sống trên con đường này từ thập niên 1930. Ta cũng gặp trong cuốn sách một không gian cà phê “kiểu Đà Lạt”, nơi hội ngộ, tụ tập của giới văn nghệ, tri thức; gặp lại những nhân vật lớn của văn hóa miền Nam như Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Khắc Dương, Đỗ Long Vân, Nguyễn Văn Trung hay Trần Thái Đỉnh… từng ghé qua, truyền trao tri thức, niềm đam mê học thuật cho một thế hệ vàng của miền Nam có nhiều đóng góp văn hóa về sau mà ngay cả cho đến ngày nay như Trần Trọng Thức, Huỳnh Phan Anh, Diệu Hương, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Thùy Nhân... 
 
Đà Lạt là “thiên đường của những pho sách”, không gian học thuật, thành phố đại học. Môi trường tri thức đó nên “với những người đến Đà Lạt để học hành, nghiên cứu thì có dịp trải nghiệm một Đà Lạt tuy nhỏ, nhưng thấp thoáng bóng dáng thành phố quốc tế trong giáo dục” để rồi hẳn nhiên mang khát vọng “hiện thực hóa những giấc mơ theo đuổi học thuật của nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng thế giới” - mà Nguyễn Vĩnh Nguyên đề cập trong quyển sách này. 
 
Đà Lạt còn là nơi chốn mà Nguyễn Vĩnh Nguyên gọi là “một bước tới Sài Gòn”. Đối với những tác phẩm được các nhạc sĩ tài danh sáng tác tại đây, tự thân giá trị âm nhạc của nó “đã có lúc, hễ có một nhạc sĩ thời danh nào ghé qua và để lại một ca khúc kỷ niệm với Đà Lạt, thì như cầm chắc tác phẩm đó nhanh chóng được đại chúng yêu mến”, cũng như các ca sĩ phát lộ giọng ca trời cho ở Đà Lạt Thanh Tuyền, Tuấn Ngọc, Khánh Ly… được công chúng chào đón, thành danh ngay giữa Sài Gòn - “Hòn ngọc Viễn Đông” sôi động. 
 
Một Đà Lạt thơ mộng, u hoài, tịnh mặc đứng ngoài những huyên náo thế cuộc từng là hoàn cảnh lý tưởng của đời sống tri thức, tinh hoa văn hóa… những yếu tố đó đồng hiện trên những trang văn trong cuốn du khảo này.
 
Tìm lại, phục dựng một giai đoạn “vàng son” phủ bụi, thế nhưng Nguyễn Vĩnh Nguyên khiêm cung tự nhận rằng “mục tiêu của cuốn sách có tính du khảo này không kỳ vọng đến tính khoa học nghiêm trang” và anh chỉ mong “đóng góp vài phát hiện nhỏ” mà thông qua những trang sách “gợi mở lối tiếp cận lịch sử đô thị nhân văn” cho những ai yêu mến, quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về Đà Lạt. 
 
“Đà Lạt, một thời hương xa” dày 400 trang, có trên 200 hình ảnh tư liệu mới, cũ; chia ra ba phần: “Du hành thời gian”,“ Không gian đã mất” và “Phụ lục” là những tư liệu liệt kê về giáo dục, du lịch, hoạt động thanh niên… trong giai đoạn 1954-1975. Sách do Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành.
 
XUÂN TRUNG