Anh bộ đội Cụ Hồ trong thơ chống Pháp và chống Mỹ

09:12, 22/12/2016

Hơn nửa thế kỷ qua, kể từ ngày ra đời (22/12/1944) Quân đội Nhân dân Việt Nam đã lập nên những chiến công mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc. Không những thế, với bản chất quân đội cách mạng và là con em của nhân dân, anh bộ đội còn là một hiện tượng văn hóa kết tinh những giá trị cao đẹp của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Hơn nửa thế kỷ qua, kể từ ngày ra đời (22/12/1944) Quân đội Nhân dân Việt Nam đã lập nên những chiến công mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc. Không những thế, với bản chất quân đội cách mạng và là con em của nhân dân, anh bộ đội còn là một hiện tượng văn hóa kết tinh những giá trị cao đẹp của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Thơ Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã khắc họa hình tượng người lính Cách mạng vừa chân thật gần gũi, vừa giàu ý nghĩa khái quát. Đó là một trong những hình tượng cao đẹp của nền thơ Việt Nam hiện đại.
 
Ký ức chiến trường xưa. Tranh: Nguyễn Hoàng Khai
Ký ức chiến trường xưa. Tranh: Nguyễn Hoàng Khai
Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, các nhà thơ đã trải qua sự vật vã về nhận thức thẩm mỹ để tiếp cận với hình ảnh anh Vệ quốc quân trong cuộc sống kháng chiến gian khổ và anh dũng. Kết quả là trong thơ thời kỳ này đã diễn ra một sự thay đổi có tính chất cách mạng về quan niệm thẩm mỹ. Các nhà thơ đã từ bỏ cách hình dung anh bộ đội như những khách chinh phu với Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa qua lăng kính của người nghệ sĩ tiểu tư sản để thể hiện họ như những người nông dân cầm súng và như những người thanh niên yêu nước ra đi từ những đô thành nghi ngút cháy sau lưng (Chính Hữu). Thơ kháng chiến chống Pháp làm xúc động người đọc trước hết bởi giá trị chân thực của nó. Nhiều bài thơ có chung một motif phản ánh những gian khổ, thiếu thốn của cuộc sống chiến đấu lúc bấy giờ, qua đó nói lên tình đồng chí, đồng đội thân thương, gắn bó:
 
Áo anh rách vai
Quần tôi có hai mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay
( Đồng chí - Chính Hữu)
 
Tình quân dân cá - nước là một nội dung lớn của thơ kháng chiến với nhiều bài thơ hay ( Bộ đội về làng - Hoàng Trung Thông, Bầm ơi - Tố Hữu, Nhớ - Hồng Nguyên…). Nhiều bài thơ có sức lan tỏa rộng rãi, trở thành bài hát ru con, ru cháu của các bà mẹ nơi thôn cùng, xóm vắng. Bên cạnh đó cũng đã có những bài thơ theo phương thức tự biểu hiện nói lên tâm tình người lính chống Pháp xuất thân từ thành phần tiểu tư sản, học sinh, sinh viên yêu nước, ra đi từ những thành phố. Những bài thơ này mang âm hưởng bi tráng ( Tây Tiến - Quang Dũng), thậm chí bi thương ( Màu tím hoa sim - Hữu Loan, Đôi mắt người Sơn Tây - Quang Dũng…). Sau những thăng trầm về tiếp nhận, những bài thơ này đã được trả lại nguyên giá trị thi ca đích thực của nó, làm giàu cho di sản thơ kháng chiến chống Pháp bằng một mảng hiện thực khác của chiến tranh, một dòng tâm tình khác của những người làm thơ, mà nếu không có chúng thơ kháng chiến sẽ trở nên đơn điệu. 
 
Quân đội ta vừa chiến đấu vừa trưởng thành. Hình ảnh anh bộ đội trong thơ cũng đã lớn lên cùng kháng chiến. Từ hình ảnh anh Vệ quốc quân “Giọt giọt mồ hôi rơi trên má anh vàng nghệ” trong bài Cá nước của Tố Hữu (1947) đến hình ảnh “Súng nổ rung trời giận dữ /Người lên như nước vỡ bờ/Nước Việt Nam từ máu lửa /Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” trong bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi (1955) ta hình dung ra sức vươn vai Phù Đổng của quân đội ta, của nhân dân ta vào thời điểm “Đánh một trận dập đầu quỷ dữ / Sáng nghìn năm lịch sử Điện Biên”
 
Tình yêu đất nước, tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân, ý chí quyết chiến quyết thắng, tinh thần lạc quan là những phẩm chất cơ bản của anh bộ đội Cụ Hồ đã trở thành những vẻ đẹp ngời sáng của thơ kháng chiến chống Pháp. Nhiều bài thơ đã vượt qua thử thách khắc nghiệt của thời gian, sự đổi thay của thời cuộc, và sẽ còn mãi trong di sản thơ ca dân tộc.
 
Mười năm sau ngày thực dân Pháp cút khỏi nước ta, đế quốc Mỹ lại tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược với sức mạnh quân sự khổng lồ. Nhưng thế và lực của nhân dân ta cũng đã khác. Đánh Mỹ - kẻ thù hung bạo nhất của loài người nhân dân ta đã nhận được sự ủng hộ to lớn của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, đặc biệt là các nước anh em. Miền Bắc đã trở thành hậu phương vững chắc, chỗ dựa tinh thần cho người ra trận. Sức mạnh của thời đại đã chắp cánh cho tâm hồn tuổi trẻ đương thời. Chân dung tinh thần người ra trận phơi phới vẻ đẹp lãng mạn: Sung sướng bao nhiêu tôi là đồng đội /Của những người đi vô tận hôm nay (Chính Hữu). Hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ - anh Giải phóng quân mang một tầm vóc, một vẻ đẹp mới: Nhấp nhô sông núi những Sư đoàn (Nguyễn Đức Mậu).
 
Trong thơ chống Mỹ có một xu hướng bao trùm là thể hiện hình tượng anh bộ đội tượng trưng cho khí phách của chủ nghĩa anh hùng cách mạng nên thường mang tầm vóc kỳ vĩ:
 
Chiều chiều sau lúc lau xong pháo
Tiếng cười vang dậy đỉnh Trường Sơn
Giá mà kéo núi lên cao nữa
Giáp mặt quân thù đánh tuyệt hơn
(Xuân Thiều)
 
Từ dáng đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhất
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân
(Lê Anh Xuân)
 
Có lúc hình tượng thơ nâng lên thành tượng trưng, ước lệ, đặc biệt là trong thơ của lớp nhà thơ lớn tuổi:
 
Anh đi xuôi ngược tung hoành
Bước dài như gió, lay thành chuyển non
Mái chèo một chiếc xuồng con
Mà sông nước dậy, sóng cồn đại dương
(Tố Hữu)
 
Không dừng lại ở cách thể hiện có tính chất tượng trưng, khái quát và được sự mách bảo của hiện thực đời sống chiến trường, các nhà thơ trẻ như Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh… đã tìm đến cách thể hiện chân thực với những hình tượng cụ thể, sinh động. Có thể nói đóng góp của thế hệ nhà thơ trẻ trong chống Mỹ, cứu nước đối với thơ cách mạng và kháng chiến là đã tìm ra chất thơ của cuộc sống chiến đấu ở chiến trường. Thơ họ mang tính chất tự bạch về thế hệ mình. Đó là một thế hệ anh hùng, tự giác cao về sứ mệnh cứu nước:
 
Chúng tôi lạ xa với những tư tưởng điên cuồng
Những liều thân vô ích
Đất nước đẹp mênh mang
Đất nước thấm sâu đến tận cùng xương thịt
Chỉ riêng cho Người chúng tôi dám chết
 (Những người đi tới biển - Thanh Thảo)
 
Đó là Những người con gái con trai/ Đẹp hơn hoa hồng, cứng hơn sắt thép/ Chia tay không hề rơi nước mắt/ Nước mắt chỉ dành cho ngày gặp mặt (Nam Hà). Họ ra trận với lòng căm thù giặc sâu sắc, với ý thức bảo vệ quê hương, nơi Những cánh đồng đang gặt đang hái /Xuôi ngược công trường những bánh xe reo (Chính Hữu) và với sứ mệnh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Ý thức tự giác về sứ mệnh trở thành tình cảm máu thịt ở người lính đã được Phạm Tiến Duật thể hiện một cách tha thiết như tình cảm riêng tư nhất:
 
Có vết thương xoàng mà đưa viện
Hàng còn chờ đó bánh xe reo
Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến
Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo
 
Tình quân dân của người lính chống Mỹ mang một vẻ đẹp mới. Đó không chỉ là tình cảm đối với những người có công nuôi nấng, chở che mà còn là cội nguồn sức mạnh của người lính cứu nước:
 
Đất quê ta mênh mông
Lòng mẹ rộng vô cùng
Đủ giấu cả sư đoàn dưới đất
Nơi hầm tối là nơi sáng nhất
Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam
(Dương Hương Ly)
 
Khi xung trận họ mang sức mạnh của những dũng sĩ, của những con người mang thế và lực của thời đại khiến quân thù bạt vía, kinh hồn:
 
- Những thiên thần phản lực
Vút lên trời lấy máu Mỹ giữa tầng mây.
 
- Những dũng sĩ đâm lê Núi Thành
Như thánh như thần, như giông, như sét
(Phạm Hổ)
 
Nhưng trong đời thường họ là những đứa con yêu của nhân dân, là người anh, người chú kính yêu của các cháu thiếu nhi:
 
Cháu nghe chú đánh những đâu
Những tàu chiến cháy, những tàu bay rơi
Đến đây chỉ thấy chú cười
Chú đi gánh nước, chú ngồi đánh bi
(Trần Đăng Khoa)
 
Thế giới tâm hồn của người lính chống Mỹ trong thơ dã trở nên phong phú, đa dạng hơn rất nhiều so với người lính chống Pháp. Trong những tình cảm cao đẹp của người lính, thơ đã rất thành công khi thể hiện tình thương mẹ và yêu em. Mẹ và em như những nhân vật song hành trong thơ của nhiều tác giả:
 
- Đất nước ngày có giặc
Mẹ vẫn đỏ miếng trầu
Ấm một vùng tin cậy phía sau
Em có thể mất anh bất cứ lúc nào
Em có thể bơ vơ khi còn rất trẻ
(Hữu Thỉnh)
 
Thơ chống Pháp dường như không nói đến tình yêu của người lính. Cái riêng tư rất đáng trân trọng của con người đã có lúc bị đồng nhất với chủ nghĩa cá nhân một cách cực đoan. Thơ chống Mỹ là một nền thơ Cách mạng đã trưởng thành, đủ sức đề cập đến nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Tình yêu được nói đến với giọng điệu thiết tha trong Gửi em cô thanh niên xung phong, Trường Sơn đông - Trường Sơn tây của Phạm Tiến Duật, Gửi em dưới quê làng của Ngọc Sơn; kín đáo, tinh tế trong Cây xấu hổ của Anh Ngọc, đầy duyên thầm trong Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn; bền chặt, thủy chung trong thơ Nguyễn Khoa Điềm:
 
Yêu em yêu cả khoảng trời
Mây giăng buổi sáng, nắng dời chiều hôm
Tháng Tư giông chuyển bồn chồn
Giọt mưa vây ấm nỗi buồn cách xa
Phía em - phía của quê nhà
Trắng là tóc mẹ, xanh là áo em
Anh đi chiến đấu trăm miền
Hướng dương thương nhớ vẫn nghiêng phía này
 
Nhìn chung, hình tượng người lính trong thơ chống Mỹ có xu hướng ngày càng gần hơn với thực tế đời sống chiến đấu. Thơ khước từ những hào quang của cái cao cả trong cách nói tượng trưng, ước lệ để trở về với cách nói giản dị, mộc mạc. Thanh Thảo tuyên ngôn trong Bài ca ống cóng:
 
Những tráng ca thủa trước
Còn hát trong sách thôi
Những thanh gươm yên ngựa
Giờ đã cũ mèm rồi.
Bài ca của chúng tôi
Là bài ca ống cóng
Hành trang quân giải phóng
Đơn giản nhất trên đời.
Ngày thường của chiến tranh đã có chỗ đứng trong thơ:
Những phút giải lao họ cởi trần cùng sông Bạc
Được là con trai không phải giữ gìn
Thèm củ mì nướng vàng thơm
Thèm giấc ngủ
Thèm một ấm trà đồng đội thức bên nhau
(Thanh Thảo)
 
Có thể nói người lính cách mạng Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến là một hiện tượng văn hóa dân tộc xã hội chủ nghĩa cao đẹp và là một trong những hình tượng nghệ thuật đẹp nhất của thơ.
 
PHẠM QUỐC CA