Chuyện con gà và hai người lính

08:12, 22/12/2016

Đã 47 năm đi qua, tuổi ngoài bảy mươi, song tôi không quên được những ngày ở mặt trận chống quân thù, không quên những gương mặt đồng đội, đặc biệt, không quên chuyện về hai người lính mà Hào, chiến sĩ cùng trung đội đã kể cho nghe…
 

Đã 47 năm đi qua, tuổi ngoài bảy mươi, song tôi không quên được những ngày ở mặt trận chống quân thù, không quên những gương mặt đồng đội, đặc biệt, không quên chuyện về hai người lính mà Hào, chiến sĩ cùng trung đội đã kể cho nghe…
 
Minh họa: P.Nhân
Minh họa: P.Nhân

Buổi sáng 24 tháng Tư, tôi cùng anh em ở trong một phòng của trại điều dưỡng thương binh đang nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát bản tin chiến sự. Có tiếng gõ cửa, tôi đi ra, trước mắt là chàng trai mặc quân phục, da mặt tái xanh chắc là vì sốt rét. Chàng trai mừng rỡ ôm lấy tôi reo lên:
 
- Anh An. Em đây, Hào đây, còn nhớ em không?
 
Tôi sững người trong giây lát rồi sửng sốt:
 
- Hào. Hào ư? Ra hồi nào?
 
- Dạ một tháng nay, em bị thương vào 19 tháng 2 âm lịch năm 1974.
 
- Có nặng lắm không?
 
- Dạ… đứt gân, sau gót chân phải, gãy một xương sườn trái. Em được theo xe ra Bắc. Tiếc quá, trong ấy, bọn nó sướng thật, sắp đến Sài Gòn rồi.
 
Tôi kéo Hào ra chiếc ghế đá dưới gốc cây xà cừ. Hai anh em hàn huyên ôn lại những ngày ở chiến trường.
 
Tôi và Hào cùng huyện, khác xã. Tôi ở trong xóm đồi, Hào ở xóm ven sông Hồng. Hào thuộc biên chế của tiểu đội 1, đại đội 3 do tôi làm đại đội trưởng. Hào nhập ngũ, huấn luyện ở ngoài Bắc ba tháng rồi vào Nam. Hào được phân công về đại đội tôi, lúc đó tôi đã ở mặt trận 6 năm rồi. Nghe giọng nói, thấy quen như người ở quê mình, tôi chủ động hỏi. Hào trả lời và chúng tôi nhận nhau là đồng hương. Cùng với Hào còn 4 cậu lính trẻ nữa. Ở nơi ác liệt, cứ gặp đồng hương thì quý như ruột thịt. 
 
Hào cho biết, cậu ta đã về quê được 5 ngày và phải xuống trạm điều dưỡng ngay. Biết tôi bị thương, ra Bắc trước 4 tháng, trước khi đi, Hào đạp xe lên gia đình hỏi thăm tin tức của tôi. Bố mẹ tôi cho biết tôi cũng đang ở trạm điều dưỡng Hà Nam. Thế là chúng tôi gặp nhau.
 
Sau khi tôi đã đưa Hào đến gặp Ban Chỉ huy trạm trình giấy tờ, nhận chỗ ở, Hào kể cho tôi nghe một câu chuyện, một câu chuyện tôi nghĩ còn đẹp hơn chuyện cổ tích…
 
* * *
 
… Nhà bà Hồng và bà Liệu cùng ở xóm Trung nhưng cách nhau ba nhà. Hàng ngày, họ cùng ra ruộng hợp tác xã, không mặn mà, không có gì vướng mắc với nhau. Bà Hồng cũng giống bà Liệu, đều có 3 đứa con. Đứa lớn là gái, đứa thứ hai là trai, đứa út là gái. Một buổi sáng, vào lúc 10 giờ, người trong xóm nghe bà Liệu chửi đứa nào ăn trộm con gà mái đang nhảy ổ của bà. Ba hôm sau, bà cũng lại chửi kẻ nào ăn trộm con gà mái tơ của bà, quanh đi quẩn lại những lời ra rả: “Tổ sư thằng con nào ăn trộm gà của tao, cái con gà mái lông vàng. Hôm nay tao chửi cho cái thằng trải chiếu ngang, thằng sang chiếu dọc, thằng đọc văn tế, thằng nhể mụn ruồi, thằng chui bồ cám nhà mày. Tao thuận hai tay, tao nhổ ngay cái lông… số 8, tao chẻ tạm làm tư, tao trói tổ sư cái lũ ăn trộm gà của tao, tao gửi ra xã, để người ta cười vào mặt chúng mày”. Trẻ con xúm lại reo hò ầm ĩ. 
 
Hai ngày sau, bà Hồng phơi mấy nong thóc nếp ra sân nhà mình, bỗng có hơn chục con gà lớn, nhỏ từ đâu kéo nhau chạy đến thi nhau mổ. Đáng chú ý là con gà trống to nhất đám, nó đẹp mã bởi toàn thân đỏ rực như lửa. Bà Hồng từ bếp đi ra, miệng hụi hụi, tay thì dùng cái que cời than xua đuổi lũ gà tản ra. Bà quay vào bếp, chúng lại đến, bà lại ra đuổi, chúng lại chạy. Bà đang bận việc đun cám lợn bằng rơm rạ nên không thể vừa đun vừa chạy ra đuổi, bà liền cầm hòn gạch vỡ, to bằng nắm tay, ném thẳng vào lũ gà. Không ngờ, viên gạch trúng đầu con gà trống. Nó giãy giụa một lát rồi nằm im. Đúng lúc ấy, bà Liệu đi ngang ngõ nhà bà Hồng, nhìn vào thấy rõ ràng bà hàng xóm ném chết con gà nhà mình, bà xộc vào, chỉ ngón tay trỏ vào mặt bà Hồng, xỉa xói:
 
- Hôm nay thì hai năm rõ mười nhé. Thế thì đúng rồi, mấy ngày trước mất một con gà mái nhảy ổ, một con gà mái tơ, nay con gà trống bị bà ném chết. Muốn ăn ngon thì nuôi mà ăn, chỉ có giống cáo cầy không nuôi gà mới thích ăn gà. Láng giềng mà thế à?
 
Bà Liệu còn nói nhiều nữa, nội dung chỉ là để đổ cho bà Hồng đã và bây giờ bắt gà của bà mà mổ. Mặc cho bà Hồng nói là tôi lỡ tay, không biết gà của bà hay của ai, mà có biết thì tôi cũng lỡ tay thôi, nay tôi xin đền cho bà. Bà Liệu nói con gà ấy quý lắm, nó hơn các gà trống khác bởi giống tốt, đẹp, mà bà có tiền cũng không mua được con nào như vậy!
 
Đúng lúc ấy, ông Hồng đi cày về, nghe vợ ông trình bày. Ông Hồng liền sang nhà bà Liệu xin lỗi nhưng bà Liệu vẫn giữ lý lẽ là vợ chồng ông bà cố ý đập chết con gà của bà, may mà bà nhìn thấy, không thì cũng mất hút như hai con gà mái mấy ngày trước.
 
Vốn nóng nảy, thẳng tính ông Hồng gắt: - Bà điêu vừa thôi, quen thói ngồi lê nói hớt, đặt điều, gieo tiếng ác cho người ta. Lỡ tay thì đền, sao mà bà ngoa ngoắt quá.
 
Bà Liệu nghe vậy càng nổi máu, la toáng lên là ăn cướp còn la làng. Đến nước này thì ông Hồng không chịu được, ông văng tục:
 
- Tôi đếch ăn trộm, đếch sợ bố con thằng nào. Gà nhà bà sang đây bới ngô của tôi. Nuôi gà sao không trông mà lại thả rông để đi ăn ngô của người ta. Ăn quen hôm sau lại ăn, người ta nuôi gà không công cho bà à? Đanh đá vừa thôi.
 
Chồng bà Liệu đi vớt bèo về, nghe ồn ào cũng chạy vào. Bà Hồng phân bua, ông Liệu bảo vợ, thôi đem con gà về lắm chuyện quá.
 
Khi đem gà về, bà Liệu tiếp tục đơm đặt rằng vợ chồng bà Hồng chửi bới gia đình mình, gia đình bà Liệu là điêu, là quen vu vạ… Ông Liệu tức lắm, dù ít lời, ông cũng nói như một lời tuyên bố: 
 
- Từ nay, cả nhà này cạch mặt nhà chúng nó ra. Không hàng xóm gì nữa, không qua lại làm gì nữa. Con Lài không được chơi với con Loan nhà nó, thằng hai đâu, không được chơi với thằng con trai nhà nó, con út Huệ nữa không được chơi với con út Hiền nhà nó, nghe chửa? Tao mà thấy chúng mày chơi với chị em nhà nó, tao đánh cho què cẳng, tao đốt sách, không cho đi học nữa...
 
Trước đây, trong xóm này, nhà ai có công việc gì là cùng xúm vào giúp nhau, cười nói, ăn uống hỉ hả.
 
Nhà bà Liệu có giỗ bố mẹ, ông bà Hồng cũng được mời, nhà bà Hồng có công việc lớn, ông bà Liệu qua lại. Nay chỉ vì con gà trống mà hai nhà từ mặt nhau. Bà Liệu theo dõi con cái bà xem có đi cùng những đứa con nhà bà Hồng không. Bà hỏi những đứa bạn cùng lớp của ba con bà xem các con bà có chơi với con nhà ăn cắp không? 
 
Do bà Liệu tuyên truyền cái “sự ăn cắp gà” của nhà bà Hồng, các nhà xóm ấy bỗng cảnh giác với gia đình bà. Các con bà Hồng không hiểu vì sao đến lớp mà các con bà Liệu không chơi với mình. Khác vợ chồng bà Liệu, vợ chồng bà Hồng là không xúi giục các con xa lánh các con bà Liệu…
 
* * *
 
Thoắt đấy mà đã sáu năm, con gái lớn của ông bà Liệu lấy chồng. Vợ chồng bà không mời gia đình bà Hồng. Con gái bà Liệu buồn rầu vì chuyện cũ lâu rồi, cô đã 20 tuổi, có hiểu biết, nói với bố mẹ hãy quên chuyện cũ đi nhưng ông bà Liệu không nghe.
 
Ba tháng sau, con gái bà Hồng cũng lấy chồng, bà Hồng có mời gia đình bà Liệu nhưng không ai đến. Đã vậy, bà Liệu còn nói oang oang giữa chợ làng là nhà tôi trong sạch, chơi gì với loại ăn trộm.
 
Ông Tiến - tổ trưởng Đảng kiêm đội trưởng đội sản xuất số 4, nơi có hai gia đình bà Hồng, bà Liệu cư trú, ông cũng đã nhiều lần khuyên giải nhưng bà Liệu cố chấp, quyết không đi lại.
 
… Chiến tranh càng ác liệt khi ngày 1/4/1972, Ních-xơn đưa máy bay trở lại bắn phá miền Bắc. Ở miền Nam, Mỹ tăng cường bắn phá vùng giải phóng, ném bom hủy diệt, mở các đợt tấn công trên khắp chiến trường. Thanh niên miền Bắc nô nức xung phong nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Con trai ông bà Liệu và con trai ông bà Hồng phấn khởi nhập ngũ một ngày cùng với 23 thanh niên trong xã. Hai đứa, kể từ cái ngày xảy ra chuyện con gà đến nay là 8 năm không hề đi chăn trâu cùng nhau, tắm sông cùng nhau, đi học một đường thì đứa đi trước, đứa đi sau. Bây giờ, hai chàng trai cùng nhập ngũ. Dù không muốn, con trai ông bà Liệu, con trai ông bà Hồng cũng phải cùng một tiểu đội do cấp trên  biên chế. Hai chú lính binh nhì vẫn phải ăn cùng mâm, ở một tổ với nhau, ngủ cạnh giường nhau.
 
Ba tháng huấn luyện ở ngoài Bắc, hai chàng không hề nói với nhau một câu nào. Trước hôm lên đường vào Nam, Chính ủy trung đoàn có đôi lời về quan hệ đồng đội trong chiến đấu. Hai chàng trai nhớ như in: “Nếu là đồng đội mà không biết nhường nhịn nhau miếng bánh lúc đói lòng, ngụm nước cuối cùng trong lúc khát, trong lúc quân thù bao vây ngoài kia thì đó không phải là người quân nhân cách mạng. Trong đội ngũ chúng ta, cũng có người yếu sức khỏe hơn một chút, nhưng tinh thần đánh giặc thì không yếu. Chúng ta phải giúp nhau lúc hành quân gian khổ trên tuyến đường Trường Sơn, lúc vào mặt trận phải chia lửa cho nhau, chung một chiến hào, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc, vì đồng đội…”.
 
* * *
 
Phải hơn hai tháng, đơn vị của hai chàng trai mới đặt chân vào vùng đất miền Đông Nam bộ. Họ không quên những ngày hành quân ở Trường Sơn. Mùa mưa dữ dội… Trong võng ướt, hai người che chung áo mưa, chia nhau miếng lương khô, quần áo thấm nước, họ ôm nhau cho chặt, truyền hơi ấm cho nhau, chờ trời sáng. Rồi thì muỗi, vắt, rồi thì máy bay giặc ngày đêm quần đảo, họ cùng đồng đội xiết chặt đội ngũ. Nhưng họ vẫn không nói gì với nhau.
 
… Cho đến tháng 9 năm 1974, hơn hai năm ở chiến trường, đồng đội đánh hơn sáu chục trận. Họ rắn rỏi hơn, can đảm hơn. Ngày 4/10/1974, trong một trận chiến đấu quân ngụy lấn chiếm, phá hoại Hiệp định Pari ký kết 27/1/1973. Cả đại đội số 39, tiểu đoàn 1 đã bẻ gãy nhiều đợt tấn công của giặc, buộc chúng phải rút chạy. Một tên giặc ngoan cố, trước khi rút chạy đã nấp ở gốc cây trước mặt, nó hướng mũi súng AR15 về phía đội hình tiểu đội 1, trung đội 2 thuộc đại đội 3 quân giải phóng. Giữa lúc đó, một người lao lên nhanh như chớp, lấy thân che cho một đồng đội của mình, cũng đồng thời là loạt đạn AR15 đã ra khỏi nòng. Người che chắn cho đồng đội mình đã lãnh trọn loạt đạn ấy. Anh đã hi sinh.
 
Người lính được đồng đội cứu thoát đã gào lên:
 
- Toán, Toán ơi, hu hu…! Toán ơi, tôi có lỗi với anh nhiều lắm. Cả nhà tôi có lỗi với anh…hu hu…
 
* * *
 
Thế đấy, anh An ạ. Chuyện con gà mà em vừa kể cho anh nghe chính là chuyện của hai gia đình em và Toán.
 
Tôi lặng người đi, bởi tôi biết Toán là người lính dũng cảm. Do tôi bị thương nặng hồi tháng 9/1974 nên tôi không còn tiếp tục chiến đấu với họ, những người lính trẻ, những người như em trai của tôi. 
 
Tôi hỏi Hào đã gặp bố mẹ Toán chưa. Hào nghẹn giọng kể tiếp:
 
- Có, về đến nhà, cất ba lô xong, em chạy sang nhà Toán. Mẹ em, bố em ngăn lại mặc dù chị gái em nói rằng bố mẹ đừng gieo oán thù nữa. Kệ nó, nó lớn rồi.
 
Em sang nhà Toán, chỉ nói được câu chào… bố, mẹ, rồi em khóc tồ tồ. Ông bà Hồng ngạc nhiên hỏi sao thế Hào. Có phải thằng Tơán nhà bác…
 
Em cố trấn tĩnh, nói rõ trường hợp hi sinh của Toán rồi nói.
 
- Hãy coi con là anh Toán, bố mẹ ơi. Cả xóm kéo đến rất đông, em kể lại về sự hi sinh của Toán cùng những chiến công của anh, để mọi người nghe. 
 
Chúng tôi ngồi bên nhau im lặng khá lâu. Rồi Hào nói:
 
- Em đã quyết rồi, em sẽ xin bố mẹ anh Toán, cho em lấy em gái út của anh Toán. Hai nhà ở gần nhau, em sẽ thay mặt anh Toán chăm sóc bố mẹ anh ấy cũng như chăm sóc bố mẹ em vậy. Anh thấy có được không? 
 
Tôi vỗ vai Hào:
 
- Cậu hãy làm đúng lương tâm, trách nhiệm của một người đàn ông, một người lính, một quân nhân cách mạng, anh bộ đội Cụ Hồ!
 
* * *
 
Hơn 40 năm qua, những cựu chiến binh quê hương chúng tôi thường tổ chức gặp nhau dịp kỷ niệm ngày đại thắng mùa xuân 1975. Hào đã lên chức ông nội, ngoại và hai đứa con của Hào học giỏi, đều là giảng viên trường đại học. Hào đã coi bố mẹ Toán như bố mẹ mình, chăm sóc nuôi dưỡng chu đáo lúc sống và cả đến khi hai cụ về với tổ tiên. Một điều an ủi vong linh các cụ là mộ liệt sỹ Vũ Trường Toán đã được quy tập về địa phương nhờ sự giúp đỡ của cơ quan quân sự, của nhân dân nơi chúng tôi đã chiến đấu và sự trăn trở, quyết tâm của Hào.
 
Truyện ngắn: NGUYỄN THANH HƯƠNG