Chưa đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ

08:12, 29/12/2016

Văn học nghệ thuật Lâm Đồng thời gian qua gặt hái được nhiều thành công ghi dấu bằng những giải thưởng mà đội ngũ văn nghệ sĩ đạt được. Nhiều tác phẩm ra đời có dấu ấn, tạo nên không khí lao động nghệ thuật sáng tạo khởi sắc. 

Văn học nghệ thuật Lâm Đồng thời gian qua gặt hái được nhiều thành công ghi dấu bằng những giải thưởng mà đội ngũ văn nghệ sĩ đạt được. Nhiều tác phẩm ra đời có dấu ấn, tạo nên không khí lao động nghệ thuật sáng tạo khởi sắc. Vấn đề nâng cao chất lượng tác phẩm văn học nghệ thuật luôn được đặt ra bởi yêu cầu hưởng thụ ngày càng cao của công chúng không bao giờ có điểm dừng. Ngày 27/12/2016, gần 200 văn nghệ sĩ thuộc mọi lĩnh vực, chuyên ngành đã tụ hội về Đà Lạt tham dự “Hội thảo nâng cao chất lượng sáng tạo văn học nghệ thuật” do Hội VHNT tổ chức. Nhân hội thảo, Lâm Đồng cuối tuần xin trích lược một số ý kiến tâm huyết của các văn nghệ sỹ.
 
Nhà thơ - TS Phạm Quốc Ca - Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng:
 
Với 265 hội viên hoạt động sáng tạo ở 11 chi hội chuyên ngành và cơ sở, đó là lực lượng hùng hậu để làm nên những tác phẩm văn học nghệ thuật mang tầm giá trị. Nhưng nhìn thẳng vào sự thật, thành tựu sáng tác văn học nghệ thuật Lâm Đồng chưa đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của nhân dân. Tuy có nhiều giải thưởng nhưng giải thưởng cũng chỉ mang tính chất tương đối, bởi giải thưởng chính xác nhất chính là sự yêu thích của công chúng, được công chúng đón nhận, trở thành những tác phẩm “đi cùng năm tháng với nhân dân”. Trong thời đại công nghệ số, công chúng có quyền lựa chọn những tác phẩm hay để thưởng thức, nhưng văn nghệ Lâm Đồng còn hiếm những tác phẩm chất lượng cao. Vấn đề đang đặt ra cho VHNT địa phương là: tài năng, tinh thần chuyên nghiệp và đội ngũ kế cận. Đa số anh em văn nghệ sĩ là những người có khả năng sáng tác VHNT, nhưng giữa có khả năng và tài năng là một khoảng cách không dễ vượt qua để có thể thay đổi về chất, đó là một quá trình đòi hỏi sự nỗ lực lao động sáng tạo. Đa số các văn nghệ sĩ phải lao động kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau, trong khi tính chuyên nghiệp là một yêu cầu với bất cứ nghệ sĩ chân chính nào; dù không đòi hỏi phải sống hoàn toàn bằng công việc sáng tác, nhưng tính chuyên nghiệp nằm ở từng tác phẩm của mình, sáng tạo đến giọt mồ hôi cuối cùng vì sự hoàn thiện tác phẩm. Sự thiếu vắng lực lượng kế cận cũng là một vấn đề đáng quan tâm của VHNT Lâm Đồng. Văn học nghệ thuật đồng nghĩa với sáng tạo, nói cái gì (nội dung) đã quan trọng, nhưng bằng cách nào (nghệ thuật thể hiện) càng quan trọng hơn. Văn học nghệ thuật đòi hỏi mỗi tác phẩm phải là một phát minh về nội dung, đồng thời là một phát minh về hình thức nghệ thuật”. 
 
Nhà văn Chu Bá Nam:

Thế nào là tác phẩm có chất lượng? Theo tôi ở đây chủ yếu là chất lượng nghệ thuật, khả năng lay thức, phát cảm công chúng khi thưởng thức, đón nhận đến đâu mới là thước đo của chất lượng tác phẩm. Tác phẩm hay như cô gái đẹp, không cần phải thuyết minh, phiên dịch. Cũng tương tự một giọng hát cất lên, đám đông nín thở lắng nghe. Đọc thơ phải kêu gào trật tự là thơ dở. Tôi nghĩ, nên dành nhiều thời gian cho một tác phẩm, không nên dàn trải. Tiết kiệm thông điệp và chắt chiu chất liệu, nuôi dưỡng phát triển cảm xúc, sống trong không khí thai nghén tác phẩm đến khi nó buộc phải ra đời là hạnh phúc sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ. Nhiều truyện ngắn có nội dung tốt, tình tiết hay nhưng cảm xúc người cầm bút chưa tới, khiến chữ nghĩa không đắt, thiếu khả năng truyền cảm thì tác phẩm ấy khoan hãy ra đời. 
 
Nhà nước cho tiền sáng tác, rồi lại sử dụng mặc dù biết chất lượng chưa cao. Ta nợ dân tộc mình, nhân dân mình quá nhiều vì chưa đủ tài. Hiện thực có mặt trái của nó, với nỗi buồn sâu sắc, có tính xây dựng sáng tác vẫn hay; còn ấm ức, bực dọc, chửi bới sao có thể gọi là nghệ thuật. Tầm vóc tác phẩm nghệ thuật là tầm vóc tác giả. Đã là nghệ sĩ ít nhiều cũng có chút tài, nhưng chưa lớn ở ngay trong cách nhìn nhận, ứng xử hàng ngày thì khó bứt phá trong lao động nghệ thuật để có thể gặt hái thành quả. Cuộc sống rất đẹp, con người rất đẹp, văn nghệ sĩ sáng tác văn học nghệ thuật để trả nợ đời, nếu không “đẻ” ra được những tác phẩm xứng đáng thì ít nhất cũng là “tận nhân lực” để “tri thiên mệnh”.
 
Nhạc sĩ Nguyễn Tấn Hùng:

Sáng tác văn học nghệ thuật là nhu cầu, là trách nhiệm, là mục đích cuối cùng của văn nghệ sĩ. Hiện nay đa số văn nghệ sĩ Lâm Đồng đều coi việc sáng tác là một thú chơi nhằm thỏa mãn sở thích, rất ít người xem đây là cái nghề, hiếm văn nghệ sĩ sống bằng nghề này. Chính vì coi là một “thú chơi cao cấp” và tốn kém (quảng bá và đưa tác phẩm đến công chúng) nên đa số hội viên chỉ coi việc sáng tác là việc làm tùy hứng, tùy điều kiện, thích thì làm không thích thì thôi, chỉ thể hiện những gì sẵn có, không quan tâm nghiên cứu, học tập, sáng tạo. Vẫn biết rằng, để có tác phẩm giá trị chất lượng cao cần phải có những tài năng xuất sắc; nhưng nếu với khả năng của mình, mỗi hội viên có ý thức lao động sáng tạo một cách nghiêm túc thì chất lượng tác phẩm cũng sẽ được nâng lên. Bên cạnh việc tìm tòi đa dạng về cách thể hiện, cần phải làm phong phú về nội dung, muốn vậy văn nghệ sĩ phải gắn bó với thực tiễn cuộc sống, nếu bàng quan đứng ngoài cuộc thì những gì là vốn có cũng sẽ dần cạn kiệt, mòn đi. 
 
Nhà văn Nguyễn Thanh Hương:
 
Đổi mới cách viết là bỏ cái cũ, làm cái mới để cho chất lượng sáng tạo văn học nghệ thuật được nâng lên, mục đích cao nhất là để công chúng đón nhận tác phẩm của nhà văn, nhà thơ một cách hào hứng nhất. Văn, thơ hay là ở chỗ tác phẩm đề cập đến những vấn đề mà toàn xã hội quan tâm. Người đọc sẽ không chấp nhận những mô-típ truyện, thơ giống nhau, câu chữ sáo mòn, không chấp nhận việc cố đánh bóng câu chữ. Đơn giản mà hay, chạm vào xúc cảm người đọc, đó mới là cách viết khó. Mỗi văn nghệ sĩ chỉ cần một tác phẩm để đời cũng là đủ. Đổi mới cách viết là cần thiết nhưng phải thận trọng vì không phải ai cũng muốn đổi mới là được, vấn đề đó lại thuộc về tài năng của người cầm bút.
 
Nhà thơ Túy Tâm:
 
Những tác phẩm có tâm có tầm sẽ mang lại những hiệu ứng tích cực cho đời sống xã hội. Những năm qua, Tạp chí Lang Bian vẫn đăng tải nhiều bài viết như thế, nhưng vẫn còn không ít những bài viết non nớt, dưới tầm. Cần chọn lọc kỹ những tác phẩm trước khi phát hành, khuyến khích những tác phẩm hay, lạ, không nên e ngại những khuynh hướng sáng tạo mới, lạ nhưng vẫn phù hợp với tôn chỉ mục đích của tạp chí. Muốn Lang Bian trở thành một tạp chí hay có thương hiệu mạnh trong nền văn học nghệ thuật của cả nước, phải có nhiều tác phẩm chất lượng, sâu sắc hơn nữa; bên cạnh những tác phẩm ngợi ca, tôn vinh, cần phải có những tác phẩm đấu tranh chống cái xấu, cái ác, chống tiêu cực, tệ nạn.
 
QUỲNH UYỂN