"Lửa" của tình yêu đời, yêu người

08:12, 15/12/2016

Dường như nhà văn - nhà báo Nguyễn Thanh Đạm rất thích hình ảnh của lửa. Chẳng thế mà ngay khi cho ra đời tập thơ đầu tay (2008), ông đã đặt tên "đứa con tinh thần" của mình là "Ngọn lửa"; và bây giờ lại là "Lửa muộn" vừa được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. 

Nhà báo, nhà văn Nguyễn Thanh Đạm
Nhà báo, nhà văn
Nguyễn Thanh Đạm
Dường như nhà văn - nhà báo Nguyễn Thanh Đạm rất thích hình ảnh của lửa. Chẳng thế mà ngay khi cho ra đời tập thơ đầu tay (2008), ông đã đặt tên “đứa con tinh thần” của mình là “Ngọn lửa”; và bây giờ lại là “Lửa muộn” vừa được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Lửa của sự nóng bỏng, của bầu máu nóng, của nhiệt huyết, nhiệt tình, của trái tim nồng hậu với cuộc đời, với con người.
 
“Lửa muộn” của nhà báo - nhà văn Nguyễn Thanh Đạm là tập hợp 9 truyện ngắn, ký mà tác giả sáng tạo trong suốt 2 năm qua. Chỉ với 130 trang, nhưng đủ độ “dày” để người đọc phải suy ngẫm. Đó là những trang viết được chắt lọc từ những rung cảm trên những nẻo đường gian nan của người làm báo. Những trải nghiệm từ thực tiễn cuộc sống dội vào nhà văn mà bật lên thành từ, thành ngữ, thành tác phẩm văn chương. Những con người trong trang văn của Nguyễn Thanh Đạm luôn ẩn chứa một ngọn lửa. Lửa của sự nhiệt tình, cống hiến và lửa của lòng bao dung, độ lượng, nhân hậu, yêu thương; cho đi hết mình, cống hiến hết mình, không toan tính. 
 
Hai tác phẩm ký trong Lửa muộn của Nguyễn Thanh Đạm viết về những người bạn mà ông yêu quý, có cùng chung nhịp đập với ông trước những tình yêu lớn. Chân dung từ đời thường được tác giả “bê nguyên si” vào trang văn dưới ngòi bút tả thực sống động: Những con người biết hy sinh, cống hiến cho cộng đồng vì tình yêu và niềm đam mê. Đó là Điểu K’Thiên - một người yêu văn hóa Mạ như yêu chính mình (Chuyện Điểu K’Thiên); đó là Lê Văn Hương coi rừng là nhà, là tổ ấm, là dưỡng khí của… nhân loại, để rồi lan tỏa tình yêu rừng, niềm tự hào, đánh thức trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học của Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang cho tương lai (Chúng ta thừa hưởng trái đất khi mượn từ con em).
 
Văn chương là hư cấu, nhưng những nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Thanh Đạm thật đến mức như bước từ chính cuộc đời vào trang văn vậy. Từ những hình ảnh đời thường được tác giả nâng lên thành hình tượng nghệ thuật dưới bút pháp văn chương. Những người đàn ông mà tác giả từng gặp, yêu quý và đồng cảm đã trở thành những nhân vật ga lăng, phóng khoáng, chịu chơi, dám sống và đầy nhiệt huyết. Những nhà khoa học trẻ Thanh, Thành chỉ biết sống, làm việc và đam mê hết mình cho khoa học vì một thành phố Hoa, thành phố nông nghiệp công nghệ cao; là Quang (Không còn khoảng lùi), một người cầu tiến mong muốn học cao để cống hiến cho khoa học, để đánh mất cả hạnh phúc tình yêu của mình, để dằn vặt, day dứt đến tuổi xế chiều vẫn không nguôi; là Tấn, là Thao - những người lao động đổ mồ hôi để cho những vùng đất hoang sinh sôi… Nhiều nhân vật là nguyên mẫu từ đời thực với nhiều khúc quanh đầy sóng gió: Tùng trong Hồi quang - Một lãng tử từng “ngang dọc” ở bãi đào vàng, đi buôn, rồi khi có tuổi tìm được hạnh phúc - tình yêu của đời mình ở thành phố hoa, ông quay về tìm lại những vần thơ, câu văn một thời với “hồi quang lấp lánh tin yêu”. Lương trong Dài cho mai sau - là nguyên mẫu của kỹ sư nông học Lương Văn Sáu, người đã du học ở Pháp rồi mang giống hoa phượng tím về trồng ở Đà Lạt, thiết kế Vườn hoa thành phố và có rất nhiều cống hiến cho nền nông nghiệp... 
 
Tác phẩm “Lửa muộn”
Tác phẩm “Lửa muộn”
Truyện ngắn của Nguyễn Thanh Đạm hấp dẫn bởi những cuộc tìm kiếm như “mò kim đáy bể”, những gặp gỡ “bất ngờ mà thành trăm năm”, những tình tiết éo le, rồi trải qua bao thăng trầm được tác giả dẫn dắt khéo léo… Bao giờ kết thúc cũng có hậu khi những con người có tình vẫn luôn đến với nhau, hoặc nghĩ về nhau, dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp. Liên đã gặp lại Hải - anh bộ đội mà cô đã cất công vượt hàng ngàn cây số từ Nam ra Bắc kiếm tìm sau ngày đất nước thống nhất. Không tìm được người yêu, cô đã gặp được bạn đời là Tấn trên “Chuyến tàu duyên định”, để cuối cùng vẫn gặp lại người yêu khi hai người ai cũng tìm được hạnh phúc cho riêng mình. Chuyện mình, chuyện đời hiện lên qua trang văn của Nguyễn Thanh Đạm với cái nhìn nhân văn, nhân bản. Tình yêu, tình người như hòa quện vào nhau không ranh giới. Truyện viết về tình yêu, nhưng luôn gắn với tình yêu lớn lao, tình quê hương, đất nước, và trên hết vẫn là tình người. Ông Lương yêu bà Helen, nhưng họ chấp nhận xa nhau để ông trở về cống hiến xây dựng quê hương.
 
Tác giả đặc biệt dành cho “phái yếu” một vị trí trân trọng và đẹp đẽ trong từng tác phẩm. Đó là những phụ nữ xinh đẹp, dịu dàng, nhân hậu, chung thủy, nhưng mạnh mẽ, giỏi giang, quyết đoán và thành đạt. Ka Dung (Chuyện Điểu K’Thiên) đã dũng cảm vượt qua luật tục để tiếp tục đứng trên bục giảng dạy chữ cho những đứa trẻ người Mạ, rồi tìm thấy hạnh phúc với K’Thiên - Nguyễn Thanh Thiên người thầy từng dạy bổ túc văn hóa cho mình. Liên - người phụ nữ thủy chung vượt ngàn cây số tìm người yêu, qua bao sóng gió để trở thành bà chủ khách sạn nối tour từ Đà Lạt đến Hạ Long (Chuyến tàu duyên định). Đó là bà Helen và cô cháu gái Lavande cùng chung một tình yêu dành cho Đà Lạt (Dài cho mai sau…). Đó là họa sĩ Huyền Linh dám giũ bỏ quá khứ để tìm hạnh phúc đời mình (Hồi quang); là Huyền và ngòi bút chỉ viết nên sự thật trong Bài báo không đăng; là Lê trong Hoa mười ba cánh với khát vọng đem sức trẻ xây dựng quê hương… 
 
Tất cả các nhân vật được tạo nên trên nền những sự kiện có thật, trong bối cảnh có thật với những tư liệu lịch sử, địa lý chính xác, có giá trị, đã làm cho người đọc thú vị. Kiến thức tích lũy, những trải nghiệm, vốn sống ngồn ngộn về mảnh đất và con người Đà lạt - Lâm Đồng của tác giả như trải ra từng trang văn. Tác giả đã khéo léo “đặt, để” những hiểu biết, kiến thức và vốn tư liệu của mình vào đúng bối cảnh, cốt truyện để cho nhân vật nói lên mà không gượng gạo, phô diễn. Để những trang văn không đơn thuần chỉ là văn nữa; đọng lại trong người đọc không chỉ là cốt truyện, là nhân vật, là những câu từ mượt mà chữ nghĩa mà cả những kiến thức, những tư liệu quý về lịch sử hình thành và phát triển, công cuộc khai phá, tác tạo và dựng xây nên Đà Lạt - Lâm Đồng. Đọc Lửa muộn của Nguyễn Thanh Đạm khiến người đọc có cảm giác không chỉ “thu nhận” những xúc cảm về tình đời, tình người mà “được” cả những kiến thức về lịch sử, địa lý, tự nhiên, phát triển kinh tế, xã hội… 
 
40 năm nhận Đà Lạt - Lâm Đồng làm quê hương thứ hai; 37 năm làm báo, không vùng đất nào trên mảnh đất Nam Tây Nguyên này mà tác giả chưa đặt chân đến, không sự kiện nào mà một nhà báo có trách nhiệm như ông không biết. Đó cũng là lợi thế của nhà báo viết văn. Dưới góc nhìn của một độc giả thẩm thấu văn chương thích tìm đọc cái hay cái đẹp, tôi đã tìm trong “Lửa muộn” rất nhiều cái đẹp. Lửa có sớm hay muộn cũng là ngọn lửa, đã hừng hực cháy thì sẽ luôn âm ỉ cháy. Ngọn lửa của tình yêu đời, yêu người thì sẽ cháy mãi không bao giờ tắt!
 
QUỲNH UYỂN