Bữa cơm tất niên

08:01, 25/01/2017

Anh mê chọi gà. Ăn gà, ngủ gà, chơi gà… Chị Mận, vợ anh,  xục rục: Mẹ con tui không bằng cái… móng chân con gà đá! Anh cười hề hề. Cười trừ thôi, vì anh biết "tội" mà. 

Anh mê chọi gà. Ăn gà, ngủ gà, chơi gà… Chị Mận, vợ anh,  xục rục: Mẹ con tui không bằng cái… móng chân con gà đá! Anh cười hề hề. Cười trừ thôi, vì anh biết “tội” mà. Đàn ông vai năm thước rộng, ngày đêm cứ lẩn quẩn với mấy con gà, hỏi vợ con nào mà không nổi phang nổi đốm! - mỗi lần đứng ở sới to họng, (vườn sau nhà là cái sới chọi) hăng máu thắng thua, chị Mận thở than, anh thè lưỡi cười, nói to như vậy với bầu bạn để vuốt giận vợ. 
 
Nhiều lúc thấy vợ con cực nhọc, cũng muốn dẹp hết nhưng khó quá, nghĩ tới nghĩ lui cũng không đành, nghề chơi cũng lắm công phu, lỡ ghiền rồi, đâu dễ gì cai được. Hồi đầu chị Mận giận cành hông luôn. Không giận sao được, chuyện nhà cửa, con cái, ruộng nương, hiếu hỉ… anh giao tất tật cho vợ. Chị gầy đét như nhánh trà rang khô, nai lưng làm trụ cột gia đình. Nói riết cũng dị nên chị đành ngậm bồ hòn làm ngọt. 
 
Minh họa: Hồ Toàn
Minh họa: Hồ Toàn

Mùa mưa qua đi, lũ gà rủ nhau lờ đờ, gật gù. Chúng sắp lượt đi chầu Thượng Đế. Thảm lắm lận! Ban đầu là mấy con gà nhà, dựng lông dựng lá, đứng co quắp, rồi cắm đầu ngoài rào, ngoài dậu chết queo. Anh thấp thỏm lo mấy cục cưng chân đen bị vạ lây nên ngay từ đầu đã cách ly chúng trong cái chuồng sắt, lạy trời lạy Phật cho tụi nó qua kiếp nạn nhưng vẫn không thoát. Trời kêu ai nấy dạ thôi.
 
Ban đầu là con Bạch Cốt Trảo, rồi tới Oanh Liệt, Thần Kê lần lượt quy tiên. Trời ơi! Anh buồn tan tác! Nàng Mận thấy cái mặt bỏ cơm của chồng thì dỏ dẻ: “Nhìn cái bộ dạng bệ rạc, thấy còn thảm hơn con gà rụ!”. Anh gắt: “Im mồm đi!”. 
 
Đội hình của anh chỉ còn con Hy Vọng. Nó là con gà chọi mới lớn, chưa một lần được anh tung lên sới chọi nhưng nhìn đôi chân vững như trụ, đôi vuốt dài, sắc như móng chim điêu, anh hy vọng nhiều về những chiến công lẫy lừng trên sới nên lấy niềm tin của mình đặt tên cho nó. Nhưng con Hy Vọng cũng khó tránh tiếng “dạ” khi lệnh “trời” đã gọi. Nó cũng lim dim mắt, đứng gật gù. Nhìn anh lúc đó y chang một ông bố có đứa con cầu tự mắc bệnh ngặt nghèo vậy. Có bệnh vái tứ phương. Anh làm mọi cách, gà cũng như người thôi, nghe người trong xóm mách cho uống lá gì đó thì xăm xăm tìm cho bằng được. Cứ tin “phước chủ may thầy” vậy. Vô phước! Anh gào lên khi con Hy Vọng tiếp nối mấy đàn anh rời xa khổ chủ.
 
Vẫn không bỏ cuộc. Cố sục sạo để có một con gà chọi khác, anh tính dù có bị hét với giá “cắt cổ” cũng hạ quyết tâm mua. Thế nhưng, mùa dịch đi qua, làm gì còn con gà chọi nào trong vùng mà mua với bán. Không thể bó gối. Nhìn cái sới chọi lạnh như chùa bà Đanh. Không còn rổn rảng chuyện câu độ, cá cược, làm nước, bàn bạc sau trận đấu… Đời sao mà buồn! Anh đứng nhìn sới chọi, phải hất mặt lên kẻo nước lăn xuống má mất. 
 
Anh mới tậu dược mấy con gà chọi con. Không thể chờ đợi được. Biết đám gà chít chít ấy có nảy nòi được một con Oanh Liệt, Thần Kê nào không? Nói gở mồm chớ lũ gà í không có tên nào ra dáng “chiến mã”. Anh lại có niềm tin mình sẽ sở hữu một con gà “bất khả chiến bại”. Vậy là anh sang xã bên, tìm đến thẳng sới chọi mà có lần chúng phải muối mặt vì Vua chọi vùng đó bị con Thần Kê lấy đi một mắt lúc giao đấu. Dân gà chọi chuyên nghiệp được cái rất “trọng nghĩa khinh tài”. Anh Bằng, chủ sới chọi ở Đức Bình thấy anh tìm đến thì đón tiếp rất chu đáo, còn đem con Bảo Bối ra khoe. Nó là gà rừng. Một chú gà rừng có “dáng” mà lên sới thì cứ gọi “bách chiến bách thắng”. 
 
Bắt được bí kíp, anh quyết định vào rừng bắt gà.
 
Anh cơm mang cơm dỡ vào rừng. Rong ruổi cả ngày trên rừng, chiều về tay không. Mấy ngày liền như vậy nhưng anh không nản. Ngày xưa, gà rừng ở xứ núi này nhiều vô số kể, có ngày thấy chúng nó ngang nhiên kéo cả đàn, dàn hàng ngang đi xuống đường cái quan như chỗ không người. Nhưng giờ thì khác, khác nhiều. Rừng không còn là những lùm cây sum suê, rậm rịt chằng chéo những dây nữa mà thay vào đó là những đám mía, mì dài đến ngút mắt. Ngày xưa vào rừng leo dốc đứt hơi, xổ dốc thì vừa bò, vừa bám vào dây mà vẫn sợ vãi đái. Giờ thì rừng như đồng. Có đường sá hẳn hoi, xe công nông lên bốc mì, mía có thể đi tuốt lên tới đỉnh. Bỏ cuộc không phải tính cách của anh. “Tam tứ núi cũng trèo”, băng tận vào rừng trong, ăn dầm nằm dề mai phục, cầu may. Cuối cùng cũng có một gã dính bẫy. 
 
Chú gà có tướng mạo đẹp. Nhìn bộ lông, đôi cánh, những cái vuốt, tướng đứng, thấy được thần thái của một con gà… “nòi”, anh sướng lắm! Từ lúc chơi gà chọi đến giờ, đây là lần đầu tiên anh có phước sở hữu một chú gà đẹp. Như ông già biên tái mất ngựa, anh có phúc nhận điều may trong cái rủi. Anh cười ha ha, khoe mẽ với mấy chiến hữu sới chọi.
 
* * *
 
Những ngày cuối năm, vợ con loay hoay mãi không hết việc, anh cứ khư khư ôm con gà. Niềm vui lộ ra mặt. Anh mơ màng nghĩ đến viễn cảnh Tết này sới chọi lại đông vui hơn bao giờ hết, và sung sướng nghĩ đến cận cảnh con gà rừng đội vòng nguyệt quế... 
 
Hai mươi chín Tết, cũng như mọi ngày, bảnh mắt ra là hối hả chạy tìm  gà. Anh tái dại, gào váng: Con gà của ông đâu rồi? Thằng Quyết thằng Chiến đâu? Đứa nào tày hay mở cửa chuồng? Tức điên! Hầm hầm dòm rào ngó dậu… Anh nóng ruột dùng tiếng gọi quen thuộc, là ám hiệu mỗi lần cho gà ăn nhưng vẫn không thấy con gà rừng đâu. Anh dáo dác tìm, miệng lải bải không ngớt… Rõ ràng khu này xưa nay không có chuyện gà bị mất trộm. Người dưng không trộm chả nhẽ người trong nhà? Bán sắm Tết? Có ăn gan trời chị Mận cũng không dám. Mà ai dám mua khi cả thôn chỉ còn mỗi con gà thương hiệu? Anh tới đốt nhà chứ giỡn được à! Chị Mận thấy chồng “đỏ mày cay mắt” nên không dám thở to, chị dặn thằng Quyết thằng Chiến lại bàn học mở sách ra, làm gì cũng được nhưng cứ ngồi im đấy cho qua bão.
 
Ba mươi tết, mẹ con chị Mận khệ nệ chỉnh sửa bàn ghế, cung kính chưng hoa, mâm quả, bày biện cỗ bàn cúng Tất niên. Anh thì nằm bẹp gí trong phòng. Chị Mận gõ cửa kêu, anh cau có hét “Mẹ con mày muốn làm gì thì làm!”. Chị thở dài, quay ra lo chuyện cúng kính. Xong đâu đó, hai mẹ con lui cui dọn cơm. Vừa lúc đó, ngoài cửa có tiếng oang oang:
 
- Năm nay ăn nên làm ra, Tất niên hoành tráng nhở!?
 
Thấy bác Hai Răng dáng vẻ roi rói, trời ơi, cuối năm tất bật, quên mất ông bác nghèo khổ cuối xóm. Chị lật đật xin lỗi: 
 
- Bác Hai ơi, là con quên, tính lát nữa sai mấy nhỏ đem sang biếu bác cặp bánh chưng ăn Tết, giờ bác tới chơi thì mời ở lại dùng cơm Tất niên với hai mẹ con cho vui ạ!? 
 
Chị Mận nghèo nhưng lòng dạ rộng rãi. Xóm núi hiu hắt này, nhà bác Hai Răng là nghèo nhất. Vợ bác mất sớm, không con cái, bác sống thui thủi một mình. Tuổi già nên sức khỏe ẩm ương. Mạnh tay mạnh chân thì cuốc cỏ, chặt mía, đào đất lật cỏ mót những củ mì sót. Khi ọp ẹp thì ở nhà. Tay làm không đủ nuôi thân. Chị Mận thường kể chuyện bác trong bữa cơm, nói muốn giúp bác cũng chẳng biết giúp sao. Người nghèo, muốn làm việc nghĩa cũng khó. 
 
Rồi chị níu tay bác Hai Răng vào nhà. Bác cười ha hả nói:
 
- Tao không đi ăn chực đâu! Năm nay tao cũng có một bữa Tất niên ra trò. Vợ chồng mày vậy là có phúc đấy!
 
- ???
 
- Có được thằng con biết chuyện nhân nghĩa sớm thì đó là phúc nhà. 
 
- ???
 
- Chiều qua thằng nhỏ nhà mầy ẵm con gà qua, nói tặng ông ngoại ăn Tết, bộ vợ chồng bây không biết hả? Đời tao, giờ mới có phúc ăn bữa Tất niên với thịt gà! - bác nói mà giọng mềm ra, nghèn nghẹn.
 
Từ trong phòng, anh ngồi bật dậy, bác Hai cũng vừa ra khỏi ngõ. Thằng Chiến lấm lét, nhìn bố sợ sệt. Anh vò đầu thằng nhỏ: Mày là một chú gà “nòi”! Rồi kéo tay chị Mận: Cả nhà vô ăn Tất niên mau…!!!
 
Truyện ngắn: NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN