Bùa Rêu

09:01, 05/01/2017

Tôi đã nhiều lần lang thang qua những con ngõ hẻm trung tâm Đà Lạt và hình dung đến những núi đồi vào cái thời mà đô thị chưa hình thành. Tôi hình dung đến hình thái tự nhiên sơ khai ấy và thử nhắm mắt tưởng tượng mình đang ở đó, mường tượng ra cả cái cách mà người ta tính toán làm sao khi dựng nhà, lập phố mà vẫn để lại hình thể quyến rũ đặc thù của địa hình.

Bậc thang phủ rêu ở Đà Lạt.Ảnh: Nguyễn Hàng Tình
Bậc thang phủ rêu ở Đà Lạt.
Ảnh: Nguyễn Hàng Tình
Tôi đã nhiều lần lang thang qua những con ngõ hẻm trung tâm Đà Lạt và hình dung đến những núi đồi vào cái thời mà đô thị chưa hình thành. Tôi hình dung đến hình thái tự nhiên sơ khai ấy và thử nhắm mắt tưởng tượng mình đang ở đó, mường tượng ra cả cái cách mà người ta tính toán làm sao khi dựng nhà, lập phố mà vẫn để lại hình thể quyến rũ đặc thù của địa hình.
 
Nương theo địa hình đồi - đó là cách mà giới kiến trúc sư thường nói chú thích sau các bản quy hoạch hay lý giải về một mô hình xây dựng ở các thành phố cao nguyên. Nghĩa là, cái được tạo tác bởi con người (văn minh) sẽ phải tôn trọng thứ ngôn ngữ có trước của giới tự nhiên. Triết lý đó tạo nên sự hài hòa của một khung cảnh sống. Đà Lạt có được hiền hậu trong quá khứ, hình thành nên giá trị căn bản, chắc chắn cũng khởi từ cái điểm mốc triết lý đó.
 
Nhưng, tuân thủ những điều quan thiết ấy, cũng chính là dựng nên một mô hình sống, mà từ mô hình ấy kiến tạo ra một phần thói quen sinh hoạt, tâm tính cộng đồng. Có bao giờ sự chậm rãi của con người ở đây cũng được hình thành từ những con dốc, hẻm dốc “ná thở” này chăng?
 
Tôi muốn nói tới những con hẻm đi lên đồi xuống dốc ở khu dân cư trung tâm - khu vực được hình thành từ khoảng thập niên 1940-1950 và trở nên sầm uất từ vào đầu 1960 với trùng trùng nhà phố theo cách “tính toán” của người Việt, tách rời khỏi mảng di sản kinh điển kiểu Pháp theo hướng rẻ quạt trước đó. 
 
Có lúc tôi đã chẳng thể hình dung nổi, làm sao, bằng cách nào những người dân sống trên những ngọn đồi, trong các con hẻm quanh co trải đá theo bậc cấp có thể có một đời sống sinh hoạt bình thường, khi mà xe cộ không thể vào được, việc đi lại di chuyển không được thuận lợi, bằng phẳng. Và tôi đi làm cái việc của kẻ rỗi hơi, đó là khảo lại xem các con hẻm lát đá theo dạng bậc cấp - cái đường dẫn nối những khu nhà đồi với các trục lộ kia - có quy luật hay nguyên tắc gì để đảm bảo cho chuyện giao thông thuận tiện để con người sống trong các du dân cư này có thể duy trì một cuộc sống bình thường.
 
Trước hết, thoạt nhìn, đây là những đường hẻm đặc biệt, bởi ngoài chức năng lưu thông, bên dưới còn hình thành những hệ thống mạng lưới tiêu thoát nước. Các ống nước lớn từ những tòa nhà xổ nối xuống lòng đất dọc hai bên những con hẻm là hình ảnh quen thuộc. Một vài mùa trong năm, khi độ ẩm và lượng mưa cao, chúng được giấu bởi rêu, dương xỉ và một số loại cây cảnh, cây bờ rào mà người dân ưa trồng để kiến tạo mảng xanh.
 
Những con hẻm bậc cấp này bao giờ cũng có những quãng nghỉ ngắn, được tính toán một cách ngẫu hứng, không đâu như đâu. Nhưng có lẽ những người tạo ra nó tính toán lượng theo sức của mình, đi bao nhiêu bậc thì cần phải dừng nghỉ ngơi là vừa đủ hay xuống bao nhiêu bậc thì cần sự thăng bằng để bàn chân không thốn mỏi. Ví dụ, có thể thấy ngay bậc cấp trước nhà thờ Tin Lành được chia theo tỉ lệ những quãng nghỉ ngắn dần: 23 bậc - nghỉ - 13 bậc - nghỉ - 7 bậc, trong khi đó, hẻm 61 A đường Nguyễn Văn Trỗi (Hàm Nghi cũ) thì lại chia: 12 bậc - nghỉ - 32 bậc. Khoảng nghỉ thường có độ rộng 1,5 đến 2 mét, đủ để người ta xoay người ngoái lại con đường sau lưng hay nhìn lên khoảng dốc trước mặt. Có những con dốc nổi tiếng trong khu dân cư trung tâm, như Dốc Nhà Làng lại có cách chia khoảng nghỉ ngẫu hứng bởi có lẽ bản thân đây không phải là con dốc đứng, mà ngoằn ngoèo trườn qua các dãy nhà chật chội. Cách chia quãng ở Dốc Nhà Làng tính từ trên đổ xuống, như sau: 16 bậc - nghỉ - 5 bậc - nghỉ - 7 bậc - nghỉ - 10 bậc - nghỉ - 6 bậc - nghỉ - 3 bậc - nghỉ. Con hẻm này có một cái dốc ngoặt với cách chia bậc 4 bậc - nghỉ - 3 bậc - nghỉ - 5 bậc. Nếu không có những khoảng nghỉ, khách lạ đi ngược con hẻm này dễ có cảm giác bị choáng ngợp bởi trước mặt là một rừng nhà ống áp đảo. May quá, ở những quãng nghỉ ngoài màu xanh của rêu, thì cũng có mấy bụi Trạng nguyên, mấy giàn Thiên lý hay những giàn Lan có hoa bốn mùa, cũng đỡ nhọc. Có hôm mưa phùn, những bậc đường rêu ẩm thoáng qua một dáng áo dài ôm cặp che dù đẹp như thiên thần. Cũng có lúc là vành nón sụp che một ánh nhìn kham khổ, để khi dáng còng với gánh hàng rong lướt qua, lời rao quen cất lên khiến khoảng trời trên đầu thăm thẳm sâu như lòng giếng mát trong chợt xao động. Tiếng rao trong ngõ hẻm bao giờ cũng đánh thức một vùng ký ức thiêng liêng nào đó.
 
Có những con hẻm dốc chia nửa, một bên là bậc đá, rộng chừng hai mét cho người đi bộ và phần còn lại, chừng một mét rưỡi, là dốc lài, để xe máy có thể chạy. Hẻm 45 Phan Đình Phùng đặc thù với hình thái này. Con hẻm này như một chữ Y được viết một cách hoa mỹ, đi qua những dãy nhà mộc mạc, tưởng là bí rị bởi mấy tàng cây um tùm, nhưng thật ra có hai lối rẽ: một trổ ra 42 Phan Đình Phùng, một nối lên 37 Trương Công Định. Hướng lên 37 Trương Công Định là mặt trung tâm, nhà cao cửa rộng, vách rêu xanh rì bốn mùa. Đi vào hẻm như thể đi vào một đoạn mê cung của thời gian, nghe mùi ẩm, mùi rêu xâm chiếm từng ngụm thở.
 
Biết bao cuộc đời đã đi qua những lòng hẻm, trong ngày nắng ráo, trong ngày mưa lạnh hay đêm gió thổi thâm u. Hẻm sâu, dốc ngược, bậc rêu lặng lẽ qua tháng năm nhưng mang trong nó những đường biểu thị âm thanh của bản predule (1) phố. Nơi năm xưa có cậu bé Đà Lạt (2) mải mê theo tiếng dế đêm mà miên man đi lạc từ những con hẻm trên đường Hàm Nghi về khu chợ Mới và phát hiện ra một vũ trường, bị mê hoặc bởi một thế giới lung linh âm nhạc. Về sau, cậu bé ấy trở thành người nhạc sĩ viết nên những tình khúc đắm đuối và đầy lãng tử. 
 
Cũng những bậc rêu quanh khu Hòa Bình, những ngày đầu thập niên 1960, có lữ khách ôm cuốn từ điển Triết học đi lang thang như mộng du, để hàng nửa thế kỷ sau, giấc mộng du trên mặt đất vẫn chưa thể kết thúc dù thân xác đã trôi dạt nhiều nơi mà tâm trí vẫn không chịu bay khỏi thành phố mà ông gọi là chốn “tưởng niệm dưới mặt đất”. Ông đứng giữa trời Âu, Mỹ mà gào thét: “Hãy để tất cả thế giới bị tiêu diệt và chỉ xin chừa lại Đà Lạt” (3).
 
Những bậc rêu đi vào cuộc đời biết bao con người lam lũ, với biết bao lần ngó trời thở dốc, nhưng cũng là điểm kết nối những cuộc gặp gỡ dưới thấp với trên cao trong cái âm vực rộng của bản nhạc phố. Tôi đã ước chi mình gặp một bóng hình, có một cuộc tình tình cờ khi đếm những bậc rêu ấy. Và cuộc tình mà tôi có được đó chính là với chiếc bóng của chính mình. Khi rời những con hẻm rêu dốc đứng, những bậc đường đá chẻ, tôi thấy chiếc bóng mình mệt nhoài lê đuổi theo sau. 
 
Một chiếc bóng khi lên cao, xuống thấp ngơ ngác thế nào đó mà đã vướng phải thứ bùa rêu!
 
(1) Một khúc nhạc dạo.
(2) Nhạc sĩ Lê Uyên Phương.
(3) Nhà văn Phạm Công Thiện.
 
Tùy bút: NGUYỄN VĨNH NGUYÊN